Có một nghịch lý của giáo dục đào tạo cũng như chăm sóc khách hàng của Việt Nam là đại trà hóa theo tiêu chuẩn của elite. Kết quả là bóp chết thị trường đám đông trước, và sau đó sản xuất ra một đống giả hay tựa elite và nhu cầu "dở ông dở thằng", và để chính đám này sẽ bóp chết phần elite đúng nghĩa còn sống sót nhờ một phép mầu nhiệm nào đó.
Trong một lớp học, không thể nào có chất lượng tốt, nếu cả lớp trình độ đồng đều. Hoặc học sinh sẽ ngu như nhau, hoặc chúng không có động lực nào để đột phá, tiến lên. Trong lớp phải có 20% khá giỏi, đôi khi có 10% giỏi và may mắn sẽ có 4% xuất sắc hoặc 1% kiệt xuất. Thực tế, nội dung bài giảng là sự hợp sức sáng tạo giữa thầy và 20% này. Nếu không có quá trình này, thầy sẽ không hơn một cái robot đọc bài giảng, hoặc tệ hơn như một con vẹt. Chắc chắn học từ youtube sẽ có lợi ích lớn hơn nhiều.
80% còn lại cũng cần thiết. Quãng 15-20% là những học trò có thể theo dõi những gì đang diễn ra, biết xuýt xoa vỗ tay đúng lúc, nếu cố gắng và may mắn họ sẽ có cơ hội thế chỗ những người không trụ bám tiếp tục được trong 20% kia. Có khoảng 40% vô thưởng vô phạt, không có cơ hội, nhưng cần cù vẫn có thể làm được một số việc, chẳng hạn như ghi nhớ một số quy tắc khiến họ sẽ vượt qua các kỳ thi. Đó là lực lượng vỗ tay chính, theo đuôi khi 20% biết thưởng thức kia bắt đầu vỗ tay. Bạn có thể thấy, những buổi hòa nhạc thành công được công chúng tán thưởng bằng vài ba tiếng vỗ tay lẹt đẹt, sau đó là vài tiếng vỗ tay to hơn, dẫn tới vỗ rào rào hò la như sấm dậy. Những chuyên gia sành sỏi, có thể chỉ đập nhẹ tay vào nhau không thành tiếng, có người có thể đập nhẹ xuống ghế hoặc ôm đầu hoặc vò cổ áo không đóng góp gì vào dàn tiếng động khủng khiếp kia.
Có thể nói 60% này là khán giả thường trực và chuyên nghiệp. 4% xuất sắc không thể xuất sắc mãi nếu không có tiếng vỗ tay của 60% này. Thực tế, các chính trị gia kiệt xuất tương lai, hoặc chủ doanh nghiệp tầm tầm thường ở trong số này. 20% còn lại đóng góp bằng những sai lầm khủng khiếp của họ. Học hành đối với 80% trong lớp sẽ vô cùng hiệu quả dựa trên phân tích những lỗi sơ đẳng, ngây ngô. Sự ngây ngô thường đem lại ấn tượng lớn, nhất là trong những cuộc đua tài trên vô tuyến.
Thực ra 1-4% tốp đầu là elite của elite. Loại này chia làm 2, một loại luôn nổi bật và loại kia có vẻ như chẳng để ý đến nội dung chính của bài giảng, và chỉ tỉnh ngủ khi toàn thể elite không có lối thoát và đưa ra những ý tưởng hoàn toàn mới mẻ. Thầy giáo cũng phải có phương án để các loại học sinh trên bộc lộ trong bất cứ trình độ nào.
Thị trường cũng vậy, 80% là cho tiêu chuẩn chất lượng đại trà. 20% là thương hiệu loại sang, 4% là thượng hạng 1-2% là loại cá thể hóa.
Đối với thượng hạng, không phải cứ muốn và bỏ tiền là được. Có câu lạc bộ xà phòng đen, khách hàng phải được mời mới được làm member và phải có những protocol ngặt nghèo mới duy trì được membership. Đắt lè nhưng tự hào vì là thành viên của câu lạc bộ xà phòng đen, mất tư cách thành viên là một nỗi ô nhục. Mảng thị trường này hoàn toàn chưa có ở Việt Nam. Việt Nam không có khách hàng có nhu cầu lớn, trùm thiên hạ như Lưu Bị và cũng không có nhà cung cấp ôm gối ngủ như Gia Cát Lượng, hoặc giả mới có hàng ăn chửi cho bọn khách hàng "bất tri kỳ vị" nhưng muốn được tiếng sành ăn.
Khách hàng cũng như học sinh xuất sắc phải có được lòng tự hào, vì tư cách thành viên. Chừng nào giáo dục cũng như khách hàng chưa tạo được 4% này, có nghĩa là sản phẩm vẫn dựa trên sự thiếu thốn và chưa có sự tinh xảo. Và vẫn phải chạy theo đuôi khách hàng, ve vãn ma mị để bán hàng mà thôi.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
No comments:
Post a Comment