Sunday, March 3, 2019

Về 2 quê hương (10)

Xem xong Triển lãm ảnh về người Vân Kiều của DR. Vargyas Gábor lại nghĩ đến sự khao khát mạo hiểm của người Hung xuất phát từ đâu? Có phải trong họ có dòng máu du mục của tổ tiên chảy ko ngừng, hay do đất nước chật hẹp, ko có biển cả, núi cao làm nảy sinh ý muốn chu du thiên hạ để thỏa lòng khám phá thế giới?
---------------------------
Dấu chân của người Hung để lại khá nhiều nơi. Thế giới ko thiếu những chỗ như thế. Chẳng hạn, hãy đến vùng Madagascar hoang dã, nơi bá tước Benyovszkiy Móric[1] từng là Toàn quyền đầu tiên (1774). Himalaya cũng vậy, vì ở đó một nhà khoa học Hungary, người châu Âu đầu tiên, đã hệ thống hóa ngữ pháp ngôn ngữ Tây Tạng (Kőrösi Csoma Sándor[2], 1827), trong khi run lập cập và uống thứ trà pha bơ lên men của dân bản địa. Đó cũng có thể là vùng Caucasus, nơi các vị thần nổi giận đã xích Prometheus, bởi 1 người Hung đã khám phá, vẽ bản đồ các đỉnh núi đá dốc và sắc cạnh của vùng này (Déchy Mór[3], 1884). Hay tới vùng sông băng màu xanh nhạt, vùng của những chú gấu và cáo Bắc Cực, của những con moóc ria quặp, nơi 1 đoàn thám hiểm Áo-Hung đã hài ước lấy tên Ferenc József[4] đặt cho 1 cụm 191 hòn đảo hoang ở gần những người Svalbard[5] (Kepes Gyula[6], 1871). Hay đến cội nguồn sông Nil ở châu Phi nóng bỏng, theo dấu chân của nữ thám hiểm người Hung đầu tiên, người khởi đầu con đường gập ghềnh của mình như 1 nô lệ, người sau này được dân các bộ tộc bản xứ gọi là Sao Mai bởi nước da trắng của bà (Sass Flóra[7], 1864). Chúng ta hãy leo lên đường biên tuyết phủ của đỉnh Kilimanjaro, nơi lần đầu tiên 1 người Hung đã tới (Teleki Sámuel[8], 1888), tên ông đã được đặt cho 1 ngọn núi lửa ở gần đó. Chúng ta hãy khám phá sông Congo, nơi 1 người Hung khác đã đi tàu ngược lên thượng nguồn bằng tiền tài trợ Bồ Đào Nha, để sau này tới những năm cuối đời ông phải sống trên bãi biển bằng việc gom nhặt những con gizellazuzmó[9] (Magyar László[10], 1848). Hay ta giả trang làm thầy tu đạo Hồi hành hương từ Constantinople tới Teheran để thuyết phục cả hoàng thân xứ Samarcand[11] về niềm tin đích thực của mình (Vámbéry Ármin[12], 1863). Hay ta lùng sục khắp vùng Alaska và châu Phi, mang về hàng tấn da báo và ngà voi rồi viết hàng chồng sách về những hồi ức của chúng ta (như Széchenyi Zsigmond[13], 1927-1938). Hay ta dùng ô tô khám phá ốc đảo Zarzura gần nơi gặp gỡ của 3 thung lũng cổ tích ở vùng sa mạc Libia, như nhân vật trong phim “Bệnh nhân người Anh” (The English Patient), kẻ ko tồn tại trong thực tế, và dân Beduin[14] gọi là Cha Cát (Almásy László[15], 1931).
Chúng ta cũng có thể theo dấu chân của những nhà cách mạng thất bại, một phần trong số họ sau “mùa xuân của các dân tộc” đã sang Thổ Nhĩ Kỳ sung làm lính đánh thuê. Một số người đã chết như những tín đồ đạo Hồi. Một bộ phận khác tới Pháp hay Ý, mơ tưởng về một cuộc cách mạng Hungary mới, trong khi một số khác thi thố tài năng quân sự trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Khi người Hung hứng thú, nhiều khi họ huýt sáo điệu Nước cộng hòa hay là chết? Tự do hay nấm mồ? Các trích đoạn này xuất phát từ quốc ca Uruguay và Paraguay, phần nhạc của cả hai đều do người Hungary soạn[16]…
Ảnh: A “Magyar Tenger” (Pinterest)
------------
[1]: Benyovszkiy Móric (1746-1786) là quý tộc Hungary và Balan, nhà thám hiểm, nhà văn.
[2]: Kőrösi Csoma Sándor (1784-1842) là nhà ngôn ngữ, người sáng lập ra ngàng Tây Tạng học, người biên soạn từ điển Tây Tạng-Anh.
[3]: Déchy Mór (1851-1917) là nhà thám hiểm, nhà bản đồ học người Hungary.
[4]: Ferenc József (theo tiếng Đức là Franz Joseph, 1830-1916) là Hoàng đế Áo, vua Hungary, người đứng đầu nền quân chủ Áo-Hung từ 1867 đến 1916.
[5]: Svalbard là tộc người sống trên quần đảo Spitsbergen, nằm gần Bắc Cực, thuộc Thụy Điển.
[6]: Kepes Gyula (1847-1924) là bác sĩ, nhà thám hiểm Bắc Cực người Hungary.
[7]: Sass Flóra (1841-1916) là nữ thám hiểm, nhà nghiên cứu châu Phi người Hungary.
[8]: Teleki Sámuel (1845-1916) là nhà thám hiểm châu Phi, ông là người phát hiện ra các hồ Rudolf và Stefania.
[9]: gizellazuzmó là tên loài linh dương do Magyar László đặt bằng cách ghép "gizalla" (linh dương) và "zu zmo" (địa y).
[10]: Magyar László (1818-1864) là nhà địa lý, nhà thám hiểm Hungary, người đầu tiên khám phá sông Congo.
[11]: Samarcand là tp cổ nhất ở vùng Trung Á, nay thuộc Uzbekistan.
[12]: Vámbéry Ármin (1832-1913) là nhà Đông phương học người Hungary, giáo sư, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.
[13]: Széchenyi Zsigmond (1898-1967) là nhà văn, nhà săn bắn, nhà thám hiểm người Hungary.
[14]: Beduin là tên gọi người Ả Rập ở vùng Cận Đông và Bắc Phi.
[15]: Almásy László (1895-1951) là nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu châu Phi người Hungary.
[16]: Phần nhạc của quốc ca Uruguay do Erkel Ferenc (1810-1893), nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà sư phạm âm nhạc Hungary soạn.
Phần nhạc của quốc ca Paraguay do Francisco Jósé Bebali (tên gốc Hung: Debály Ferenc József, 1791-1859), nhà soạn nhạc gốc Hungary soạn.
(còn nữa)
viết theo Lackfi János: Thế giới Hung (Giáp Văn Chung dịch)

1 comment:

  1. Nói một cách trào phúng, thế giới của người Hung cũng chẳng thiếu gì cả. Hồ Balaton (còn gọi là biển Hungary), hay đến vùng Alföld (sa mạc Sahara của Hungary) hoặc tới vùng núi Mátra (Himalaya của Hungary) và Budapest (New York của Hungary). Nếu mơ mộng thì còn nhiều nữa...

    ReplyDelete