Saturday, August 17, 2024

Những người sao Hỏa và bom nguyên tử

Tôi thăm Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ở Nhật, nơi đây vừa diễn ra lễ tưởng niệm lần thứ 79 các nạn nhân bom nguyên tử. Quả bom đầu tiên ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 làm chết 140 nghìn người, 3 ngày sau (9/8/1945) Nagasaki hứng chịu quả thứ 2 với số nạn nhân là 70 nghìn ! Và tự nhiên tôi nhớ đến những nhà khoa học nổi tiếng gốc Hung có vai trò quan trọng nếu không nói là then chốt trong quá trình tạo ra thứ vũ khí hủy diệt này:


- Ngày 2/8/1939 Albert Einstein ₫ã giúp và ký vào bức thư do Leo Szilárd thảo ra để gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt.

Nội dung của bức thư cảnh báo về tiềm năng của việc phát triển một quả bom nguyên tử và sự nguy hiểm nếu Đức Quốc xã đạt được loại vũ khí này trước. Einstein và Szilárd khuyến nghị chính phủ Mỹ cần bắt đầu nghiên cứu phát triển bom nguyên tử để tránh bị tụt hậu so với Đức.

Bức thư đã thúc đẩy Roosevelt thành lập Ủy ban Tư vấn về Uranium (Uranium Committee) và cuối cùng dẫn đến việc khởi động Dự án Manhattan năm 1942. Kết quả của dự án:  ngày 16/7/1945 thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ở sa mạc New Mexico, và mấy tuần sau vào đầu tháng 8 thì xẩy ra sự kiện thảm khốc ở Nhật Bản, nạn nhân đầu tiên của thứ vũ khí hủy diệt mới.

Tác giả soạn bức thư định mệnh trên Leo Szilárd là nhà vật lý sinh năm 1898 tại Budapest, mất 1964. Szilárd  học đại học tại Berlin, năm 1933 khi Hitler nắm quyền Szilárd rời sang Anh rồi đến Mỹ. Szilárd là một trong những người đầu tiên nhận ra tiềm năng của phản ứng dây chuyền, 1934 ông đã đăng ký bằng sáng chế cho một lò phản ứng ứng hạt nhân. Szilárd còn tham gia phát triển lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Phòng thí nghiệm Chicago Pile-1, cùng với Enrico Fermi. Lò phản ứng này là tiền đề cho việc sản xuất plutonium, một nguyên liệu chính cho bom nguyên tử được sử dụng sau này.

(Leo Szilárd không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc mà còn là một người có tầm nhìn về trách nhiệm xã hội của khoa học. Ông đã thúc đẩy ý thức về nguy cơ của vũ khí hạt nhân. Sự đóng góp của ông trong khoa học và hòa bình thế giới đã được công nhận rộng rãi, và ông được nhớ đến như một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của thế kỷ).

- Nhà vật lý Edward Teller sinh năm 1908 tại Budapest, mất 2003. Teller học đại học tại Đức, 1935 ông di cư sang Hoa Kỳ và trong thế chiến 2 cũng tham gia vào Dự án Manhattan. 

Teller được xem là "cha đẻ" của bom khinh khí (bom hydrogen)  loại  bom có sức mạnh lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử.

 Dưới sự chỉ đạo của Teller và các nhà khoa học khác trong Dự án Ivy thuộc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Mỹ đã thử nghiệm thành công quả bom khinh khí đầu tiên có tên mã là "Ivy Mike". Vụ thử diễn ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1952 trên đảo san hô Enewetak ở Thái Bình Dương.

- John von Neumann (Neumann János) sinh năm 1903 tại Budapest, mất 1957. Ông là một nhà toán học và nhà vật lý lý thuyết xuất sắc, đã góp phần vào việc phát triển các kỹ thuật tính toán quan trọng được sử dụng trong Dự án Manhattan. Ông đã tham gia vào việc tối ưu hóa thiết kế của bom nguyên tử, đặc biệt là trong việc tính toán cách thức nổ hiệu quả nhất để tối đa hóa sức mạnh phá hủy.

- Eugene Paul Wigner (Wigner Pál Jenő)  sinh năm 1902  tại Budapest (mất 1995) là nhà vật lý lý thuyết đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế và phát triển các lò phản ứng hạt nhân. Ông đã làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Chicago, nơi ông nghiên cứu về các quá trình hạt nhân và tính toán cách thức điều khiển phản ứng dây chuyền trong các lò phản ứng. Wigner sau này được trao giải Nobel Vật lý năm 1963 cho những đóng góp của ông trong lý thuyết hạt nhân.


P/s. Không phải ngẫu nhiên tôi nhớ nhiều đến các nhà khoa học Hung liên quan đến vũ khí hạt nhân. Cách đây gần 50 năm 3 chúng tôi vừa tốt nghiệp vật lý ở Hung về (tôi từ Eötvös Loránd - ELTE, Thành và Long - Tổng hợp Debrecen) thì lớ ngớ được phân vào một đơn vị nhỏ khoảng10 mống mang tên B21 thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự. Và khi ấy chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về lò hạt nhân Đà Lạt lúc đó do quân đội quản lý, đọc các thông tin về chương trình Manhattan được lãnh đạo bởi tướng Leslie Groves và nhà vật lý Robert Oppenheimer, về Dự án số 1 được giám sát bởi Ủy ban Đặc biệt thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô do Igor Kurchatov, một nhà vật lý lỗi lạc phụ trách....!


Ảnh chụp tại Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima

BinhTran (Bài đăng trên Hội Hữu Nghị Việt - Hung/FB ngày 14 Aug. 2024 với tựa đề Sự "dính dáng" của Hung)

No comments:

Post a Comment