Saturday, August 31, 2024

Toán có nên dễ không,

  1. Tôi hiểu và và đồng ý với GS Ngô Bảo Châu là Toán không nên dễ hơn mức cần thiết. Và về mặt logic không có gì phải bàn luận hay tranh cãi về việc cái gì đó không nên thế nào đó hơn hay kém mức cần thiết vì hiển nhiên đúng

     2. Tuy nhiên ẩn ý mà GS định truyền đạt và (có thể khác) với cách mọi người hiểu là cái chúng ta có thể và nên bàn.  Dù sao GS Châu cũng là người có ảnh hưởng tới dư luận trong mọi vấn đề kể cả tu thiền, thời trang, đạo đức. Vì thế, nếu có hiểu lầm tí chút sẽ gây ra tác động lớn.

    3. Học Toán là một việc, học giải quyết  bài toán khó, phức tạp là việc khác. Đương nhiên không chỉ học Toán, học bất cứ thứ gì đều cần thách thức, không thể nhác nhớm, dễ dãi. Điều đó GS Châu nói không hề sai.

    4. Tuy nhiên, nếu chúng ta học Toán không để làm Toán, câu chuyện sẽ tinh tế hơn. Liệu chúng ta có cần rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề, đối phó với khó khăn bằng giải các bài toán khó? Liệu Toán có phải là thứ duy nhất mà chúng ta có thể dùng để luyện năng lực giải quyết vấn đề? Hơn nữa chúng ta cũng có trăm ngàn vấn đề kỹ thuật, chuyên ngành cần giải quyết để luyện năng lực vượt khó, cần gì phải đi đường vòng.

    5. Theo tôi đối với các ngành ứng dụng Toán như kinh tế, kỹ thuật, khoa học xã hội, học Toán phải gây cảm hứng và kết nối với đời sống. Nếu Toán quá khó, trừu tượng và chỉ liên hệ với khái niệm nội tại của chính nó thì không thể gây cảm hứng cho những người không định làm Toán. Trừ những người không có khả năng, những người chọn các ngành khác là vì họ đã có đam mê khác Toán, không thể lấy mọi điều mà nhà Toán học thấy đắc ý để rao giảng cho họ.

    6. Cá nhân tôi có nghề chính là vật lý lý thuyết nên học Toán rất cơ bản, có thể biết nhiều Toán hơn một người làm Toán trung bình khá. Nhưng trong nghề thứ hai là CNTT, tôi thấy không nhất thiết phải học Toán theo cách đó. Ngành này tự nó đã có đủ vấn đề khó để rèn luyện kỹ năng giải quyêt vấn đề. Toán cho CNTT không cần quá khó, chỉ tập trung vào một số môn nhất định. Chẳng hạn, chủ yếu CNTT cần đến các thuật toán, có thể cải tiến chút ít nếu tiện. Các vấn đề liên quan tới sáng tạo ra thuật toán mới xin để dành cho các nhà làm toán ứng dụng. Vì vậy, khi phát triển một công nghệ mới tôi sẽ ưu tiên tìm kiếm các thuật toán có sẵn. Nếu không đáp ứng yêu cầu về tốc độ, hiệu năng, tôi sẽ tìm các giải pháp liên quan tới phần cứng, song song hóa.  Trừ trường hợp may mắn, việc tìm ra các thuật toán mới đòi hỏi công sức, kỹ năng,  thời gian và sẽ không bổ ích gì cho mục tiêu công nghệ trước mắt. Đi nghiên cứu những vấn đề này có nghĩa là để ý tưởng công nghệ trở thành cũ, và cơ hội  thị trường sẽ qua đi.

   7. Nói như thế không có nghĩa là các nhà CNTT đặc biệt các nhà khoa học máy tính không thể giải các bài toán khó hay không thể phát minh các thuật toán mới. Tuy nhiên, các thành công như thế hoàn toàn không được đảm bảo bằng cách luôn cố giải quyết các bài toán thuần tuý khó về mặt Toán học. Và tôi tin rằng nên dạy Toán dễ cho người làm ứng dụng như kinh tế kỹ thuật, khoa học xã hội, thậm chí cả cho những người sẽ đi về chuyên ngành toán trong giai đoạn mới bắt đầu. Cách này chú trọng gây cảm hứng và không để cái khó ngăn cản tư duy sáng tạo. Và nói như vậy hoàn toàn không mâu thuẫn với GS Châu về mặt nội dung, cho dù hình thức có vẻ hơi ngược lại.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

1 comment:

  1. Đặng Dương
    Tôi ủng hộ ý kiến của GS. Ngô Bảo Châu! Nếu muốn có nền khoa học hàng đầu cần phải có nền toán học hàng đầu ! Nếu nền toán học và sự đầu tư cho nền toán học ở mức làng nhàng thì nền khoa Học vật lý, công nghệ , vũ trụ học, năng lượng…chỉ ở mức làng nhàng mà thôi…

    ReplyDelete