Sunday, September 1, 2024

Bàn về triết học

 Triết học Hy Lạp và Khoa học

    1. Tư tưởng Tây phương dựa trên Triết học Hy Lạp và Khoa học. Nói theo một nghĩa rộng, phương Đông cũng có Triết học theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên cái gọi là Triết học phương Đông không phải là Triết học đúng nghĩa như phương Tây vẫn quan niệm kể cả nội dung và phương pháp luận. Trước hết các nhà tư tưởng phương Đông như Lão, Trang, Khổng và các truyền nhân của họ như Vương, Chu, Trình sau nhiều thế kỷ đều không quan tâm tới logic,  nhận thức luận và bản thể luận như ở phương Tây. Chính vì thế "Triết học phương Đông", nếu có thể gọi như thế, không sinh ra khoa học, thậm chí còn sinh ra tinh thần phản khoa học hay bài xích khoa học. 

     2.  Điều vĩ đại nhất, có lẽ đáng ngạc nhiên và ngưỡng mộ nhất là việc các nhà hiền triết Hy Lạp, chỉ bằng tư biện siêu hình đã đi đến những khái niệm và ý tưởng mà hơn 2400 năm sau, chúng ta mới kiểm chứng thực nghiệm được. Đó là các khái niệm nguyên tử, nguyên tố, năng lượng, quy luật vận động, thần số, logic, suy luận, siêu hình, Trái Đất tròn, nhật nguyệt thực, sự hài hòa ... Các khái niệm này sau này là cơ sở cho khoa học. Chính vì thế, mặc dù cho đến đời nhà Tống, xã hội và văn minh phương Đông vẫn vượt trội, nhưng không có phương pháp luận khoa học, không tạo ra được công nghiệp và chế độ tư bản, nên dần tụt hậu. 

    3. Đa số những người dè bỉu khoa học là những người không biết gì về khoa học. Họ vẫn biết về khoa học như một đứa trẻ trung bình ở thế kỷ 18, khi chưa có thuyết tương đối, lượng tử, chưa biết gì về gen di truyền, lý thuyết thông tin, nhiệt động không cân bằng. Nói như thế không có nghĩa là khoa học không có hạn chế và không cần linh hoạt hơn để mở rộng. 

     4.  Thái độ đó đẻ là một thế hệ trẻ không thích khoa học, chỉ thích những điều huyền hoặc và cầu nguyện, tin ở sự phát triển giật lùi, không có niềm tin ở suy nghĩ của con người. Niềm tin ở tư duy con người dựa trên một quan điểm con người có một vị trí trung tâm trong Vũ trụ, không hề duy vật cơ giới như những nhà phản khoa học hay rao giảng.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

17 comments:

  1. Thiết LS
    Nói đến sự quan tâm của phương tây đến logic và quy luật vận động thì không thể không nhắc đến vai trò của Parmenides, được cho là người đầu tiên áp dụng phương pháp lập luận logic vào trong khẳng định triết học. Parmenides phủ định chuyển động bằng cách lập luận rằng, cái gì hiện hữu thì hiện hữu, cái gì không hiện hữu thì không hiện hữu và không thể hiện hữu, đã là hiện hữu thì không thể là không hiện hữu và không thể trở nên không hiện hữu, và ngược lại; và thay đổi/chuyển động không thể xảy ra vì thay đổi được định nghĩa là sự chuyển đổi từ sự không tồn tại sang sự tồn tại hay ngược lại.
    Từ góc nhìn thông thường thì kết luận của Parmenides rất ngớ ngẩn, điên rồ nhưng nhưng nó có tác động kích thích tư duy rất lớn, mở đầu cho một truyền thống sẵn sàng chất vấn những điều được cho là mặc định, như tính chân thực của chuyển động. Parmenides đặt ra sự hoài nghi đối với kinh nghiệm giác quan và đặt niềm tin vào tính chắc chắn của lý trí biện luận, theo đuổi tiên đề của mình đến kết luận logic của nó, cho dù nó mâu thuẫn với hiểu biết thông thường. Và chính sự vật lộn với các nghịch lý của Zeno, đệ tử của Parmenides, đã thúc đẩy truyền thống phương Tây phát triển vượt bậc về toán học, vật lý học, v.v...
    Quan điểm hai thế giới của Plato được phát triển từ học thuyết của Parmenides, phân biệt đối tượng của giác quan (biến động, sai lầm) và đối tượng của tư duy (vĩnh hằng, chắc chắn). Ở Pythagoras các con số là bản thân sự vật hay tồn tại ngay trong thế giới này chứ không tách biệt. Điểm khác biệt giữa Plato với Parmenides là Plato không hoàn toàn phủ nhận thế giới khả cảm, mà cho nó một mức độ hiện thực nhất định, chỉ là kém thực hơn so với thế giới của các dạng thức lý tưởng. Và trong khi đối tượng khả tư, vĩnh hằng của Parmenides là hiện hữu chung chung thì Plato đặt các phạm trù dạng thức xác định vào thế giới vĩnh hằng đấy.
    Sự phân biệt về các mức độ hiện thực khác nhau của Plato là tiền đề cho sự phân biệt giữa tiềm thể và thực thể của Aristotle. Aristotle giải quyết vấn đề chuyển động bằng cách bác bỏ định nghĩa chuyển động của Parmenides, và đặt ra định nghĩa chuyển động/thay đổi (kinesis) là sự chuyển đổi từ trạng thái tiềm năng (dunamis) sang trạng thái hiện hành (energeia), tức là từ một tình trạng kém thực sang một tình trạng hiện thực hơn, chứ không phải từ không hiện hữu sang hiện hữu. Và mọi sự chuyển đổi từ tiềm năng sang hiện hành đều đòi hỏi tác động của một thực thể hiện hành có trước. Từ khái niệm tiềm năng và hiện hành của Aristotle mà truyền thống phương Tây phát triển ra các khái niệm lực và energy. Quá trình này là bao quát sự kế thừa và gạn lọc, tiếp nhận cái hợp lý và đào thải cái chưa hợp lý ở Aristotle.
    Aristotle cho rằng chuyển động phi tự nhiên đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp và liên tục của một ngoại lực-một thực thể hiện hành. Vd như một hòn đá bị ném đi đã rời tay mà vẫn tiếp tục chuyển động đi lên (đối nghịch với chuyển động tự nhiên của nó là đi xuống) là do không khí tiếp tục tác động lên nó. Philoponus sau này cho rằng chuyển động như thế chỉ cần tác động ban đầu, nên đặt ra khái niệm impetus. Đến thời hiện đại thì Descartes, Newton phát triển ra khái niệm quán tính, khẳng định rằng động lượng của một vật thể là giữ nguyên cho dù nó đứng im hay vận động, và chỉ thay đổi do tác động của ngoại lực. Descartes cũng bác bỏ học thuyết substantial form của truyền thống kinh viện-Aristotle và quy thế giới tự nhiên về một bản chất duy nhất là extensio, và trên cơ sở đó khẳng định chuyển động của mọi vật thế là có thể tính toán được dựa vào các đại lượng cơ bản và phổ quát như kích thước, lượng và hướng vận động.
    (Nói rõ hơn ở tút này: https://www.facebook.com/share/p/hMXKMVTt6UmkVQR3/?mibextid=oFDknk)
    Descartes, Newton bác bỏ Aristotle, nhưng không có Aristotle thì không có Descartes, Newton. Quan hệ giữa Aristotle với Plato, và Plato với Parmenides cũng là như vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Thiết LS, Tư duy hướng tới khoa học thì Anaxagoras có vai trò đặc biệt. Ảnh hưởng của Anaxagoras tới Socrates, Plato và Aristotle trực tiếp hơn Parmenides.

      Delete
  2. Loc Ho
    Triết học phương Đông phục vụ cho sự phát triển mô hình "tập thể" của Phương Đông để xã hội trở nên "hài hòa", "order" ,"hiệu quả" hơn. Triết học phương đông (ngoài những thứ lq đến phật giáo) thực ra dừng phát triển từ sau công nguyên(7 nhà tư tưởng trung quốc đều sinh ra TCN) trong khi triết học phương tây phát triển đến thời kỳ phuc hưng với nhiều trường phái khác nhau. Phương Tây sau sụ sụp đổ của đế chế La Mã các nước hoàn toàn phát triển độc lập không có chuyện thôn tính sát nhập lẫn nhau (Chiến tranh đa phần liên quan đến trade)nên về mặt tư tưởng hoàn toàn tư do. Trong khi phương đông vẫn đánh nhau triền miền về mặt lãnh thổ thôn tính lẫn nhau v.v.v.v

    ReplyDelete
  3. Nguyễn Thế Hiện
    Tôi tán thành những ý kiến này của anh Việt! Vì sự phát triển của phương pháp tư duy đặc hiệu Phương Đông như vậy nên đến tận ngày nay khoa học ở ta cũng chủ tiệm cận tới một số nhỏ làm khoa học trong xã hội, còn thì từ người dân vùng sâu vùng xa lầm than trong đói nghèo cho đến tận giới “tinh hoa chính trị" vẫn còn mê tín dị đoan khá rộng rãi và vững chắc !

    ReplyDelete
  4. Tatsuyama Le
    Em vẫn thích Hybrit kết hợp Đông-Tây để tạo ra một cái mới tuyệt vời hơn.

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Vỹ Long
    Phương Tây chỉ vượt trội khi có cách mạng công nghiệp (bắt đầu ở Anh).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Nguyễn Vỹ Long, Trước đó rồi.

      Delete
    2. Nguyen Chuong
      Từ trước Công nguyên Phương Táy đã có Triết học Platon Socrate Aristotel Hình học Euclid Số học Pythagore Vật lý Archimed Dân chủ nghi viện Hy lạp là những thứ đến nay vẫn còn phải học

      Delete
    3. Nguyễn Thành Nam
      ·
      Nguyen Chuong, thực ra Hy lạp không thể gọi là phương Tây thuần túy anh ạ

      Delete
    4. Aiviet Nguyen
      Nguyễn Thành Nam, Quy ước như vậy. Tư tưởng phương Tây đều bắt nguồn từ Triết Hy Lạp.

      Delete
    5. Aiviet Nguyen
      Nguyen Chuong, Có triết gia ảnh hưởng lớn tới sự ra đời của khoa học là Anaxagoras, sau đó là Heraclitus, Democritos-Leucippus, Parmenides và Zeno.

      Delete
    6. Hoang Nguyen Ngoc
      Em thấy Phương Đông không nói rõ như Phương Tây mà hay nói Tổng quát mà thôi.
      Ví dụ : Đạo Đức Kinh vẫn trình bày theo Logic và Tập hợp nhưng Lão Tử không nói về Tập hợp mà thôi.
      Đạo: Là qui luật của Tự Nhiên với tự nhiên.
      Đức: là qui luật giữa Tự Nhiên với thế giới sinh vật.
      (Tập con của Đạo).
      Nhân: Là qui luật của Con người và Tự nhiên (Tập con của Đức).
      Nghĩa: Là Qui luật giứa Con Người và thế giới sinh vật.
      (Tập con của Nhân).
      Lễ: Là qui luật giữa con người và con người. (Tập con của Nghĩa).
      Em đồng ý với nhiều người về nhận định: Phương Tây chỉ vượt trội thực sự khi có cách mạng công nghiệp (bắt đầu ở Anh).

      Delete
    7. Aiviet Nguyen
      Hoang Nguyen Ngoc, Người nào nhận định Phương Tây chỉ vượt trội thực sự khi có cách mạng công nghiệp?Những người đó lập luận thế nào hay có thành tích nào đáng để tin mà không cần suy nghĩ kiểm chứng?

      Delete
    8. Anh Tran Tuan
      ·
      Hoang Nguyen Ngoc, từ ngũ hành và 4 yếu tố thì tư duy đã rẽ sang hai ngả rồi

      Delete
    9. Aiviet Nguyen
      Hoang Nguyen Ngoc, Chứng tỏ không phải người nào nổi tiếng quá. Như vậy ta nên suy nghĩ xem liệu có đúng không. Trước CMCN (có lẽ là máy hơi nước ở Anh), ta đã có một kỷ nguyên Phục Hưng, Ánh Sáng, Các hiền triết như Voltaire, Russeau, các nhà khoa học từ Kepler, Galillei, Newton, .... thử tìm xem phương Đông có tên tuổi nào đồng thời?

      Delete
  6. Trung Nguyen
    ·
    Ơ anh bỏ qua các triết học của Phật giáo?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Trung Nguyen, Tạm bỏ qua, bởi vì động đến tôn giáo là khó nói chuyện bình tĩnh với một số người. Cũng như anh không nói tới Cơ Đốc.

      Delete