Sunday, September 1, 2024

Tản mạn về cung bậc khác của âm nhạc

PHƯỜNG BÁT ÂM VỢ CHỒNG LUYẾN DỤNG
- Cảm ơn cô Tấm đã cung cấp những câu ca trong bài này.
Giăng mắc cái sợi tơ mành
Cho muôn nỗi vấn Vương 
Giăng mắc cái sợi tơ mành
Cho trăm nhớ ngàn thương...
Tôi ấn tượng với lão về một câu chuyện hóm hỉnh lão kể cho tôi hôm uống bia cùng lão ở nhà ông Thìn. Một lần lão đang phóng xe thì bị cảnh sát giao thông tuýt còi, dừng xe, lão nói thản nhiên đến lạnh gáy: “Mẹ, các cậu thổi còi thì nộp phạt là cùng, tớ mà thổi thì có thằng chết !”, tay cảnh sát trợn tròn mắt, thấy là lạ và huyền bí, tò mò hỏi: “ Anh cho em biết anh thổi gì ạ?”, gã trả lời, vẫn lạnh tựa xác chết:” Thổi kèn đám ma! ”.
Cả đời lão không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở phạm vi tỉnh Bắc Ninh rồi thả hồn ở cái làng Báng ( Đình Bảng), Từ Sơn, từ khi lọt lòng mẹ. Khắp cái tỉnh Bắc Ninh đều biết tên lão, bởi tiếng kèn đám ma gia truyền từ đời ông cha truyền lại. “Sống dầu đèn, chết kèn trống”, người dân ở cái xứ Bắc Kỳ này vẫn cứ giữ được cái tục “nghe” kèn khi chết, cứ làm như không có tiếng kèn tiễn mình thì không cất được cái linh hồn để thăng thiên vậy.
Lão Dụng, tên trong giấy khai sinh là Nguyễn Công Dụng, thật là khéo với hai chữ “ Công Dụng”, công dụng trong thuốc men thì không nói, công dụng trong tiếng kèn đám ma thì thật khó tả. Nó như liều thuốc tinh thần lần chót của hạ giới ban tặng cho kẻ xấu số để rồi người ra đi được sung mãn “ Tinh thần” trước khi phiêu diêu nơi cực lạc.
Thanh niên trong làng khi trưởng thành thì theo nhau đi học các trường lớp học nghề này nọ, riêng lão từ năm 6 tuổi đã bị tiếng kèn của ông bố thôi miên, suốt ngày mê mẩn với kèn. Hồi nhỏ, cậu thường giắt một cây kèn tiểu trong cặp quần, đi chăn trâu thì ngồi chễm chệ trên lưng trâu thổi lên những tiếng kèn ai oán đến trâu nghe xong, cũng phải đỏ ngầu đôi mắt, trời nghe xong thì khóc đến hồng rực chân mây. Nhiều khi ở trường, trong giờ nghỉ giải lao ra chơi ở sân, cậu bé cũng ngứa mồm đem kèn ra thổi, làm ông hiệu trưởng phải thốt lên:” Có thầy cô nào chết đâu mà em lại cứ thổi vậy?”. Con Thảo ở lớp thầy Thắng gào lên như nói giúp Công Dụng: “ Có thằng Lực con ông Hiểm chết đuối sáng nay thầy ơi !”, thầy hiệu trưởng kinh ngạc, rơi mịa cả kính...
Lần mà tôi lại “hân hạnh” được gặp lão là vào tháng trước, trong đám tang một bà cô vợ bên ngoại ở thôn Đoài. Khi cùng đoàn phúng viếng bước vào sân để viếng người quá cố, điệu nhạc nổi lên bài “Lưu Thủy Hành Vân” làm tôi giật mình! Vốn dĩ tôi cũng là một cây hơi sành điệu về nhạc điếu phúng, dân gian, nên tự hỏi:” Lão chơi bài này ở đây liệu có hợp?”, hay “ Bài này gồm có cả lời xưa mà tôi không thuộc?”, còn lời mới mà tôi thuộc lại là:
Anh chớ vội phiền lo lắng chi, 
Giờ có em bên mình,
Anh nên cố gắng sớm hôm miệt mài kinh sử
Ngày lên kinh xứng danh trên bảng vàng.
Lạ nhỉ, tôi bâng khuâng thắp nén nhang rồi cắm vào cái lư hương ở trên bàn thờ đặt ở đầu quan tài, cho đến khi bàn tay bị một nén hương đang cháy châm vào tôi mới sực tỉnh...
Tôi lùi ra, đứng bên cạnh dàn bi nhạc, ngắm ngía phường bát âm của lão, trống kèn nhị mõ phách đầy đủ cả, nhưng chỉ có lão và ba đệ tử bao sân. Dàn nhạc ngồi sau một cái phông bằng vải bạt màu đen có in nội dung quảng cáo bằng những dòng chữ màu trắng: “Đoàn nhạc hiếu Luyến Dụng là một ban nhạc đám ma được thành lập từ xa xưa với kinh nghiệm nhạc hiếu lâu đời. Chúng tôi chuyên phục vụ các đám tang ở Bắc Ninh Và các Khu vực lân cận. Liên hệ: 09XXXXXXXX.”
 Lão Dụng thổi kèn và kiêm cả nhị, dứt tiếng kèn ở một điệp khúc bi ai là lão cầm ngay cây nhị để lao vào điệp khúc thảm thiết, rồi chân lão kẹp mõ, lốc ca lốc cốc lấy điệu cho các đệ tử vừa chơi nhạc, vừa khóc lóc...Đệ tử “biểu diễn” khóc của phường hỏi ra chính là mụ Luyến, vợ lão. Mụ này vừa bỏm bẻm miếng trầu trong miệng vừa khóc lóc, kể lể cứ như người quá cố chính là mẹ mình, thỉnh thoảng mụ dừng lại nhổ toẹt nước trầu vào bình, hai ngón tay xoẹt hai mép, lau đi nước trầu đỏ rực đang dập dình phọt ra ở vìa mép rồi lại tiếp tục nghe theo điệu nhạc của lão mà khóc. Khi nhạc chơi tông cao, mụ cất giọng cao, khóc thét lên thảm thiết, khi nhạc dạo bè thấp, mụ về tông trầm, kể lể tâm tình với kẻ đã khuất rất thấu đáo, rất bi hùng, cứ thế mụ diễn cho đến khi giá trị tiền “Bo” vừa mãn...Phải công nhận, mụ nghe nhạc mà khóc phối một cách thần kỳ, “Thiên Y Vô Phùng” ( Áo trời may vừa vặn khít...).
Tôi nhìn lão Dụng, tuổi độ ngũ tuần, để hai ria mép, da mặt vàng vọt...tôi nghĩ rằng lão làm nghề này tiếp xúc với người chết và âm khí quá nặng nên da vàng là phải, nhưng định thần ngắm kỹ, thấy một luồng khí đen bao phủ trên đầu lão, tôi giật mình đánh thót, lo sợ cho lão, nhưng nghĩ lại, phải chăng âm hồn người xấu số bám lấy lão để tạ ơn hay sao? 
Ngắm qua loa vẻ ngoài của lão rồi tôi tập trung vào kỹ thuật “ Biểu diễn” của lão, lão phùng mang trợn mắt, thực sự là chuyên tâm hành nghề, tiếng kèn, tiếng nhị của lão nghe bi ai, mùi mẫn, lúc thăng thì như lời tấu than thân phận xấu số vọng lên tận cửa thiên đình, khi trầm thì như lời thỉnh cầu thống thiết chui tận xuống chín suối đến tận điện Diêm Vương, để rồi mong mỏi các Ngài thương tình tha cho những hình phạt kinh hồn, như cắt tai, moi mắt, luộc thân thể trong vạc dầu sôi sùng sục...Hơi lão quả là dầy dặn, hơn mịa nó tất cả những thằng nhạc công thổi kèn Saxophone ở khắp các dàn nhạc trong nước, à quên, trừ Quyền Văn Minh, đệ tôi. Tiếng kèn lên xa, bay bổng, trầm luân, liền một mạch dài không ngắt, nhưng kỳ lạ thay, ngực lão lép kẹp, cái phổi của lão chắc cũng chẳng to là mấy, mà sao hơi lại nhiều thế ?
Tuy rằng chưa đến nỗi già, nhưng tóc lão đã bạc trắng, những nếp nhăn vạch ngang dọc tự do trên khuôn mặt mỏng với cái mũi hếch nhìn trời, hàm răng lởm chởm tranh nhau làm đại ca mà màu răng thì vàng khè như tờ giấy vàng trong lễ tang. Thổi một hồi lần lượt các bài Lâm Khốc, , Xuân bắc, Xuân Nữ, Ngũ Hổ, Lưu Thủy xong lão gõ vào cái mõ ba tiếng:” Cốc, cốc, cốc” báo hiệu nghỉ giải lao, cả bọn dừng tay, cả bầu trời trở nên im ắng, một đồ đệ của lão bưng đến cho lão bát nước chè xanh, lão tợp một hụm rồi hỏi cái điếu cày để đâu?, Tên đệ tử ngó ngang ngó ngửa rồi phát hiện cái điếu nằm ngay dưới cỗ quan tài, nó chạy đi lấy về cho lão, lão vừa tiêm thuốc vừa nói, con mắt bâng quơ xa vời:” Chắc ông Sự thầy cúng hút xong lại đút mẹ nó vào chỗ ấy...”. Thằng Hiếu, con cậu Luận em trai vợ tôi chạy tung tăng đến nhìn lão hút thuốc lào, lão rít mà hơi cũng dài như khi lão thổi kèn, thằng Hiếu chẳng hiểu trời cao đất dầy, nó tán tỉnh ngây ngô:” Ông ơi, ông lấy kèn thổi bài “ Nổi lửa lên em” đi !”, lão trừng mắt:“ Mai mới đem đến lò hóa thân Hoàn Vũ, bây giờ nổi lửa cái con mẹ khỉ !”, kakaka, xem ra lão đúng là hóm hỉnh.
Thế rồi tin như sét đánh, hôm thứ năm tuần trước, tôi có nghe hung tin lão bỗng từ trần, còn ba đám tang đã đặt lịch mời phường kèn của lão đến thổi, thế mà lão lại ra đi. Trọng cái tình cái nghĩa của lão, đồng thời cũng là anh em trong giới " Âm" nhạc, , nên cậu em tôi là nhạc sĩ Nguyễn Trí Dũng cựu giám đốc dàn nhạc giao hưởng quốc gia cũng đến đưa tang lão cho thêm phần long trọng. Hôm qua sinh nhật Dũng, ngồi uống rượu thì Dũng có kể lại tình hình hôm đưa tang, vợ lão khóc thảm thiết: “Ới anh ơi, vợ chồng tình nghĩa keo sơn. Giờ đây đứt gánh giữa đường, em trông cậy vào ai, ối anh ơi...”. Oái oăm thay, vừa lúc ấy, một đám múa lân, sư tử ở làng bên đi qua, tiếng trống múa lân vang trời:” Tùng, tùng, tùng, tùng. Tùng, tùng, tùng, tùng, tùng tùng, tùng tùng...”, bỗng âm điệu tiếng khóc của mụ liền thay đổi ngay theo điệu trống sư tử:” Anh, anh, anh, anh ơi, anh, anh, anh, anh ơi, anh ơi, anh ơi, anh ơi, anh ...” .
Hahaha, đáng nể cái nghề khóc mướn theo nhạc điệu của mụ Luyến, một nghệ sĩ nhân gian bậc thánh. Ờ, mà mình viết thế đéo nào lại biến mụ Luyến thành nhân vật chính? Huhuhu, chỉ tại cái lão Dụng cưỡi Hạc qui tiên quá sớm !
“Tùng, tùng tùng, tùng  tùng, tùng tùng tùng, tùng tùng, tùng tùng' tùng tùng, tùng tùng...” “Anh, anh anh, anh ơi, anh, anh anh, anh ơi, anh ơi, anh ơi, anh ơi...” Tiếng khóc mụ Luyến thấu tận trời xanh.
Sau khi đưa chồng ra ngoài đồng, về đến nhà thì trời đã xẩm tối, bà con đi đưa đám chỉ ngồi lại được một lát rồi ai cũng đã về nhà nấy, mụ Luyến nằm vật vã trên chiếc phản lim kê giữa nhà. Sau lưng mụ là bàn thờ tổ và mới thêm cái ảnh của ông Dụng và cái lư hương mới, mụ nhìn cái kèn dăm đã dính môi chồng mụ vài chục năm nay đặt sau tấm hình của lão mà bùi ngùi, chua xót rồi lẩm bẩm: “ Con cái thì chẳng có, mỗi hai vợ chồng quấn quít bên nhau vui vầy với phường với bày, mới hôm trước thôi, ông còn hớn hở nhận lời thằng Hiển con lão Vạn, cho nó về theo phường để thổi kèn thay ông, giờ đã âm dương cách biệt. Ông bỏ lại gánh nặng cho tôi, làm sao mà tôi gánh nổi, hỡi ông Dụng ơi, ông Dụng ơi...”
Mụ bần thần cứ đăm đăm nhìn cái hình độc nhất của ông để lại trên bàn thờ, mà bức hình này chính tay thằng Hiển chụp cho ông cách đây chỉ hai tháng trước, với lời khuyên: “ Thầy nên chụp lại bức hình, phòng khi dùng đến”. Chẳng nhẽ thằng Hiển là đứa do nhà trời phái đến để đảm đương công việc thổi kèn ma chay thay cho chồng mình? Đôi mắt bà như kẻ vô hồn, nhìn mấy ngọn nến chập chờn trên bàn thờ:” Nghĩ mà tội cho cái thân ông, từ bé đã theo cái nghiệp này, vật lộn với người chết, với ma chay, chưa một ngày nào thảnh thơi ...” . Thì đã biết, ai ai cũng đều phải đi đến đoạn đường kết, con người sinh ra, sướng khổ, vẻ vang, quyền lực hay nghèo hèn đói rách đều giống nhau. Cuộc đời như một gánh hát tạm bợ, khi tàn canh, thần chết rồi cũng sẽ đến triệu mình đi…Suy nghĩ cứ miên man, miên man rồi mụ thiếp đi...
Hồn mụ chơi vơi giữa đất trời, bỗng bên tai vọng lại bản nhạc mà mụ quen thuộc nhất, bài “Lưu thủy kim tiền”. Bản nhạc này mụ nghe từ lúc còn ấu thơ, bởi mụ và lão Dụng cùng làng, cùng xóm, hai nhà cách nhau chỉ một cái vườn chuối. Có thể nói họ là một đôi thanh mai trúc mã, lớn lên cùng nhau từ khi còn mặc quần thủng đũng. Hồi đó, cứ buổi chiều, sau khi ăn tối xong. Ông Thiệp, bố lão Dụng thường hay tập hợp bọn phường kèn của ông ra sân tập rượt. Cô bé Luyến, đầu còn để chõm đang chặt rau lợn dở tay cũng bỏ đấy chạy sang, đứng lấp ló sau bụi chuối để nghe họ chơi nhạc. 
Bài” Lưu Thủy Kim Tiền” là một bài mà cô thích nhất, nó lên cao xuống thấp, véo von trầm bổng nhuần nhuyễn hài hòa giữa trống, kèn, nhị, phèng, rồi bỗng chốc tiếng sáo trúc cất lên xé tan mảnh trời đang chuyển thành màu đen, bản hợp tấu quá hay, quá da diết, da diết một tình quê, da diết một nỗi lòng, da diết một tình yêu đang lớn dần theo thời gian giữa Luyến và Dụng, hai hồn quê thơ ngây, dại khờ, từ bé đã đẵm mình trong cái hồn của bát âm dân gian, trong chốn đi về thiên cổ.
Thời gian thoi đưa, rồi một buổi sáng mùa xuân, khi những nhánh Đào nở hồng ở đầu cổng nhà nàng, trong lúc nàng đang nước mắt nước mũi ê chề trên khuôn mặt nhọ nhem bởi vừa vùi đầu trong bếp đốt lửa cho nồi cám lợn thì bỗng nghe tiếng xôn xao ngoài ngõ. Bà Hồng, một bà mai mối chuyên nghiệp của khu làng Báng bỏm bẻm miếng trầu, thướt tha trong bộ cánh mớ ba mớ bảy xuất hiện ở cổng nhà nàng rồi gọi vọng vào:” Bố mẹ con Luyến có nhà không?”, rồi một đoàn người sùng sục đi thẳng vào gian giữa nhà nàng, bố mẹ nàng chạy ra đon đả mời mọi người ngồi. Khi mọi người đã yên vị, bà Hồng đứng dậy, đặt một mâm gỗ đã sắp sẵn trầu, cau, chè, thuốc, bánh kẹo, hoa quả lên bàn thờ gia tiên họ Lý, bà thắp nén nhang cắm vào lư hương , vái ba vái rồi quay sang ông bà Thiệp nói:” Thưa ông, thưa bà, số là thằng Dụng, con Luyến chúng nó phải lòng nhau từ bé, nay cũng đã nhớn khôn, chúng tôi đại diện họ nhà giai hôm nay sang để thưa với ông bà xin phép ông bà cho con cháu Luyến về làm dâu họ Nguyễn Công vào ngày mười tư âm lịch tháng sau, xin phép ông bà phê duyệt cho ạ !”. Bố mẹ Luyến chỉ biết gật đầu, ông bà chỉ có một mụn con gái, họ sống thật thà, hiền lành như đất, họ biết được nhà ông Thiệp có nghề bát âm, công việc cũng bề bộn, ngữ con Luyến có gả sang nhà ấy thì không sợ bị đói, còn có công có việc mà làm.
Hồn mụ tiếp tục phiêu du, tiếp tục nhìn thấy những kỷ niệm đã khuất...Mụ nhớ nhất hôm mười tư tháng Chạp, lễ cưới được tổ chức cũng nổi đình nổi đám lắm, nhưng mụ cũng chẳng tỏ tường cho lắm, bởi nhà họ Lý mụ vẫn theo phong tục cổ xưa, cô dâu trang điểm xong, cùng bẩy chị em thân thiết ngồi trong phòng tối, đợi đến giờ nhà giai sang đón dâu. Đúng giờ hoàng đạo, vào lúc chập tối. đám rước bên trai tưng bừng kéo đến, đi đầu là cụ Chánh, năm nay đã ngoại chín chục cái mùa nóng lạnh, cụ là người nhiều tuổi nhất làng, hôm nay, nhà giai mời cụ đóng vai chủ hôn để thừa hưởng phúc ấm của cụ.
Sau các nghi lễ bên nhà gái, cô dâu Luyến ngây thơ được bên chú rể rước về nhà chồng, cô liếc mắt nhìn bố mẹ, thấy nước mắt tràn trề trên khuôn mặt mẹ, bố cô mắt cũng hoen đỏ, bỗng một nỗi niềm cảm xúc trào dâng, cô chạy đến ôm mẹ mình khóc nức nở. Chú rể Công Dụng đứng ngẩn người nhìn, tay mân mê cái Calavat màu đỏ thắt hơi khít trên cổ…bịn rịn một hồi rồi Luyến cũng cùng đoàn đón dâu về nhà chồng. Bước qua một chảo than đỏ để ở trước cửa nhà, cô dâu Luyến như bước qua một quãng đời mới, cô đi vào nhà, làm tiếp các thủ tục vợ chồng và từ hôm ấy, Luyến trở thành vợ Dụng.
Về nhà chồng rồi thì nhẽ ra cô dâu chú rể phải động phòng, nhưng Luyến chờ đợi một đêm, hai đêm, ba đêm...một tháng, hai tháng ba tháng...một năm hai năm ba năm...Cũng chẳng thấy mẩy may một giọi tình đến từ cái anh chàng Dụng. Luyến chỉ mong được đẻ cho chồng một tấm con, ý nghĩ này cứ xoay vòng quanh trong đầu Luyến mãi cho đến khi một hôm Công Dụng nói rõ ngọn nguồn...Hồi bé, đi chăn trâu, cái lần mà Dụng không may trượt chân từ bờ đê cao rơi tận xuống chân con đập bằng xi măng, đã làm gẫy cả cái củ tình, sống được đã là may...
Luyến nghe xong ngậm ngùi...Nàng hứa sẽ yêu chồng hơn, chăm sóc chồng hơn, rồi nàng theo chồng bắt đầu học các nhạc cụ, nhưng Dụng phát hiện năng khiếu của Luyến trong cách bộc lộ tình cảm nên khuyên Luyến đảm nhiệm công việc “ Khóc” trong dàn nhạc hiếu của gia đình. Lúc đầu nàng chỉ khóc lóc theo cảm xúc, rồi dần dà biết lấy những câu khóc thực tế vận dụng vào hoàn cảnh của gia chủ. Sau này, Luyến làm chuyên nghiệp hơn, khi nhận đám thì tất tưởi đến tận nơi, hỏi thăm cặn kẽ từng người thân với người đã mất mà phác họa trong óc những lời khóc khác nhau. Hai vợ chồng bàn nhau, để Dụng soạn sẵn nội dung, Luyến cứ căn cứ theo tiếng nhạc mà khóc cho nó chuẩn. Thế nên mọi người đã “may mắn” nghe được phần biểu diễn của mụ Luyến ngày nay đã xuất quỉ nhập thần, lúc nỉ non, lúc réo rắt thắt lòng thắt dạ, ngắt nghỉ theo nhịp điệu nhạc, ngân nga giống hơn cả khóc thật. Vậy nên mới có chuyện mụ khóc chồng theo nhịp điệu trống sư tử cái hôm đưa lão Dụng ra đồng.
Đời mụ không phải chỉ có tiếng khóc, lão Dụng tuy rằng bên ngoài lạnh băng như xác chết, đặc biệt là khi đang “chỉ huy dàn nhạc”, khó mà nhìn thấy lão nhoẽn miệng cười, dù chỉ là một nụ cười nhỏ tí ti. Nhưng khi về đến nhà, lão hay đùa vui với vợ, biết vợ bị thiệt thòi trong việc sinh nở, rồi lại làm cái nghề chết tiệt này, nên cứ có dịp là lão lại kể cho vợ nghe những mẩu chuyện vui mà lão thu thập được. Ấn tượng nhất với mụ là khi lên giây cho cây nhị, lão hay lặp đi lặp lại một đoạn thơ tục mà lão thích nhất:
Đang đêm vác súng (chứ) lên đồn
Anh bắn một phát (ấy) nó mới dồn xuống khe
Hát đến đây, lão liếc mắt âu yếm nhìn mụ Luyến rồi tiếp tục:
Ơi hỡi cô nàng, nhổm dậy mà nghe
Anh bắn phát nữa,(chứ) tóe loe cả ...ồn
Chữ ...ồn cuối cùng lão luôn nhấn mạnh, rồi nhìn bà Luyến, hai vợ chồng lại cười như nắc nẻ...
Một luồng gió lạnh đánh thức mụ dậy trong lúc mụ đang chìm đắm với những kỷ niệm ngọt ngào...Mụ lại nhìn lên ảnh lão Dụng trên bàn thờ, ứa lệ, mũi cay cay...ngoài kia, mưa bắt đầu rơi...mụ nhớ lại bài hát hai vợ chồng hay hát đối với nhau...
Vì sao? Tính trước có a gặp tình
Vì sao? Tính trước có a gặp tình
Giăng mắc cái sợi tơ mành
Cho muôn nỗi vấn vương
Giăng mắc cái sợi tơ mành
Cho trăm nhớ, ngàn thương...
Ới ông Dụng ơi, là ông Dụng ơi, nhớ quá ông ơi, sao ông nỡ bỏ tôi mà đi???...Dụng ơi ! Nước mắt mụ lại dàn dụa tuôn trào, ừ mà lạ, khi khóc cho người dưng thì mụ lại kể lể đâu ra đấy, khóc cho chồng mình, mụ cứ như bị nghẹn ở cổ, phải chăng thiếu mất đi tiếng nhạc của chồng mụ???
Thương cho cái nhà chị Luyến, thương quá cơ !
Giăng mắc cái sợi tơ mành
Cho muôn nỗi vấn vương
Giăng mắc cái sợi tơ mành
Cho trăm nhớ ngàn thương...

PP

No comments:

Post a Comment