Logic, hình danh và âm dương,
1. Triết học phương Đông không thể tạo ra khoa học công nghệ được vì không có nhiều thứ, nhưng hiển nhiên và đơn giản nhất là do không có logic. Chính vì thế mà các loại tư tưởng gia nửa mùa ở Việt Nam, mới cho rằng suy luận logic là "hý luận", là "hình thức", là "tuyến tính", là "cơ học". Tóm lại là tất cả những gì mà khoa học cần có để phát triển. Nực cười ở chỗ họ chống và coi thường khoa học, nhưng rất sợ bị nói là "phản khoa học". Vì thế họ bám lấy mấy thứ "lượng tử", "phi tuyến", "bất định", "bất toàn" mà tán nhăng tán cuội theo ý mình, mặc dù chẳng hiểu chúng là gì, từ đâu ra. Họ cho rằng những thứ đó là phủ định logic. Và vì thế họ cho rằng Triết học phương Đông đã "phát minh" ra "phi logic" từ lâu. Cũng giống như người vượn hay con heo phát minh ra phi tư duy và phi khoa học vậy.
2. Những nhà tư tưởng chân chính ở những nơi sinh ra và phát triển của Triết học phương Đông không nghĩ vậy. Ở Trung Quốc, lịch pháp được áp dụng và sửa đổi trên cơ sở khoa học từ thế kỷ 17, bởi Thang Nhược Vọng là một người Đức. Ta cứ gọi nhầm là âm lịch, thực tế là âm dương lịch. Tất nhiên giới sĩ phu Trung Quốc thời đó cũng chống báng ầm ĩ, nhưng rồi cũng phải tâm phục khẩu phục, vì đương nhiên là mùa màng biến chuyển phụ thuộc vào Mặt Trời. Có lẽ lúc đó, Trung Quốc mới bắt đầu biết tới tư duy theo lối logic. Họ gọi đó là "la tập"逻辑 . Đừng có suy luận chiết tự dài dòng nghĩa của "la" và "tập". La tập là phiên âm của chữ logic, đọc theo giọng quan thoại na ná như "lâu chịch" khá giống cách người Tây phương đọc chữ logic.
3. Sau này, người Nhật, khi dịch các Tân thư (sách phương Tây) đã phải chế ra một từ Hán mới là "luận lý" (nhật chế hán ngữ) vì trong kho tàng tri thức học từ người Hán đâu có cái gì tương tự, để chỉ logic. Ở Trung Quốc thì tới năm 1902, Nghiêm Phục mới chính thức đưa ra 2 từ "danh học" để dịch ý và "la tập" để dịch âm. Phải nói, cuối thời Minh đến Thanh, "la tập" được cho là một bí kíp đáng kính nể giống như võ công của Minh giáo Ba tư trong tiểu thuyết của Kim Dung. Logic chỉ có sang Việt Nam mới bị khinh rẻ, chứ ở Trung, Nhật, Hàn, Đài,... không hề.
4. Cố nhiên, tôi không có ý tuyệt đối hóa logic, bởi vì trong cuộc sống hay trong khoa học, logic không phải là duy nhất. Chúng ta không có một hệ tiên đề cố định, dù chúng ta phát hiện ra một số hệ tiên đề như thế nhưng chúng sẽ không ngừng mở rộng. Bên cạnh đó, có vô số chân lý ẩn, được thừa nhận bằng niềm tin, thói quen, cảm tính. Chúng ta yêu ghét, mua hàng, quyết định,... thậm chí sáng tạo khoa học không phải chỉ bằng logic, thậm chí không phải bằng tư duy lý luận nói chung. Nếu ai nghĩ rằng Einstein hay các nhà khoa học là các cỗ máy suy diễn tam đoạn luận "nếu A thì B, nếu B thì C,..." và ở cuối chuỗi tam đoạn luận đó họ đã thu được thuyết tương đối, lượng tử ánh sáng,... thì hoàn toàn nhầm. Trong đa số trường hợp, sáng tạo khoa học bắt nguồn từ trí tưởng tượng. Einstein đã hình dung ra thuyết tương đối rộng từ 1905 và loay hoay 10 năm để tìm cách diễn đạt ý tưởng bằng logic. Những gì người ta viết trong các sách giáo khoa chỉ là diễn đạt logic những điều Einstein đã phát hiện ra bằng tưởng tượng. Ở đó có những suy luận mà Einstein không hề biết tới.
5. Mặc dù như vậy, khoa học không thể ra đời, Einstein không thể tư duy mà không có logic. Đã đành phát hiện chân lý khoa học không thể sinh ra chỉ dựa trên logic. Nhưng chân lý khoa học chỉ có thể được thừa nhận nhờ logic và bằng chứng thực nghiệm. Việc kiểm tra số liệu thực nghiệm cũng phải nhờ logic. Nếu chưa được kiểm nghiệm bằng logic, không có gì phân biệt giữa một phát hiện vĩ đại hay tưởng tượng điên rồ.
6. Logic là một chuẩn mực để chúng ta có thể diễn đạt và công nhận ý tưởng của nhau. Nếu không có chuẩn mực này thì chúng ta mãi mãi bốc thuốc với lý luận âm dương tù mù. Thầy lang này có thể phán bệnh này là do hỏa thịnh, nhưng thầy lang khác cũng có thể phán là do thủy thịnh. Muốn thống nhất được, logic phải dựa trên các quy tắc hiển nhiên dựa trên ngôn ngữ với các từ "và", "hoặc", "không" có thể diễn đạt bằng sơ đồ tập hợp với các phép "giao", "hợp" và "phủ định" (lấy phần bù). Quy tắc suy diễn "kéo theo" hay "suy ra", chỉ đơn giản là điều đúng cho toàn bộ tập hợp thì cũng đúng với một bộ phận phần tử. Tam đoạn luận chẳng qua là dựa trên chân lý hiển nhiên "bộ phận của bộ phận cũng là bộ phận của toàn thể". Những chân lý này được sử dụng lặp đi lặp lại, nên được đúc kết sẵn thành quy để dùng cho dễ dàng, đỡ nói nhiều. Thế thôi. Chẳng có gì để tranh luận sai đúng ở đây. Điều quan trọng của logic là đơn giản và giúp loài người diễn đạt ý tưởng để truyền lại cho nhau. Một bộ phận được gọi là có suy nghĩ, có học, hay đọc sách, công nhận để không cãi cọ mất thời gian. Bộ phận khác, chẳng cần logic làm gì, họ chỉ cần công nhận điều bộ phận kia đã kiểm chứng.
7. Với sự đơn giản và hiển nhiên như vậy, chúng ta đừng có nghĩ đến việc có một lý thuyết tân kỳ nào chứng minh là "logic sai". Đối với logic không có sai và đúng, chỉ có "hợp lý" hay "không hợp lý". Định lý Godel, bất đẳng thức Heisenberg, phương trình phi tuyến Navier-Stokes,.... đều không liên quan tới chuyện đúng sai của logic và đều phải dùng logic để diễn đạt và kiểm chứng. Điều đáng nghĩ là phạm vi áp dụng của logic. Chẳng hạn, với các tập hợp biến đổi theo thời gian, với các giả thiết sai, logic không thể cho ra kết luận đúng. Những phê phán về hạn chế của "logic hình thức" không phải là sẽ có một logic chính xác và tiện dụng hơn, mà là việc áp dụng sai với các phạm trù đã thay đổi, khái niệm vận động và các giả thiết sai. Tất nhiên, ngay từ thời mới hình thành logic đã có phép biện chứng ở trạng thái thô sơ để chỉ ra các giới hạn đó.
8. Có người cho rằng logic dựa trên hai giá trị đúng sai, nên chính là Âm-Dương đã được các nhà Âm-Dương gia biết từ thời Chiến Quốc, do đó "triết học phương Đông đã có đủ thứ". Điều đó chưa kinh, họ còn cho rằng công nghệ thông tin, vốn dựa trên bit có 2 giá trị 0,1 cũng có sẵn trong triết học phương Đông. Không sáng tạo ra khoa học công nghệ chỉ vì .... không muốn thôi. Rồi có những suy luận kiểu, chân không chính là tính Không, vạn pháp bao gồm lý thuyết dây,... Đúng và sai chỉ là hai giá trị chân lý dùng trong logic, một chi tiết rất nhỏ. Giá trị chính của logic là ở các quan hệ, phép hình thành các mệnh đề phức hợp và phép suy luận. Những cái đó, âm dương gia không hề biết tới. Trâu Diễn, nhà âm dương gia tiêu biểu nhất, bị coi là viển vông, khó thi hành và không được coi trọng trong truyền thống tư tưởng Trung Quốc. Ở Hy Lạp, Heraclitus đã phát biểu về hai mặt đối lập trước Trâu Diễn 200 năm. Thậm chí, ông còn thấy được sự vận động liên tục và vĩnh cửu của sự vật, điều mà Trâu Diễn không hề nghĩ tới.
9. Nghiêm Phục dịch ý logic thành "danh học", ngụ ý sự liên quan của logic tới phái "hình danh gia" của Đặng Tích, Công Tôn Long, Huệ Thi. Phái này có vẻ như muốn cố gắng tìm ra các quy tắc cho biện thuyết, lập luận nhưng cuối cùng chỉ đến được ngụy biện kiểu "ngựa trắng không phải là ngựa". Ngày nay chúng ta có thể coi đó là một kiểu paradox (Công Tôn Long có lẽ không nghĩ thế), mà Parmenides và Zeno đã biết tới trước đó 200 năm. Cho dù các hình danh gia có chút giá trị nào thì học giới của Trung Quốc đã phủ định họ sạch trơn. Tôi không nhớ ai, có lẽ là Tư Mã Thiên đã buộc tội họ là "lấy phải làm trái, lấy trái làm phải làm đảo điên phải trái". Tư tưởng chủ lưu phương Đông coi hình danh gia thấp kém, làm sao có thể phát triển đến mức độ như logic.
10. Có một số ý kiến cho rằng logic có trong Lý học. Lý học phôi thai trong thế kỷ 11-12 với các học giả như Chu Đôn Di, Chu Hy, Trình Hạo. Nhưng học phái Chu Trình trở thành thiểu số, trong thế kỷ 16-17, khi phái Tâm học của Vương Dương Minh và phái Hồ Lưu trở nên tâm điểm của Lý học. Lý học được công nhận là quốc giáo của Trung, Nhật tới đầu thế kỷ 20. Lý học là "học thuật nghiên cứu lý lẽ", nếu theo quan điểm đạo Phật cũng là một loại "hý luận" do tính duy lý cứng nhắc của nó. Chính vì thế mà Lý học bài xích cả Phật giáo lẫn Đạo giáo. Nổi tiếng nhất là Hàn Dũ bài xích Phật giáo.
11. Trên thực tế, Lý học cố gắng sửa chữa Phật giáo, Lão giáo và hàn gắn chúng vào một khung gọi là "Tam giáo đồng nguyên". Mặc dù, có người cho Lý học bắt nguồn từ Lão tử hay Kinh Dịch, thực ra có nhiều khác biệt cơ bản bên cạnh trùng lặp ngẫu nhiên. Nếu nhìn theo quan điểm ngày nay, Lý học là một cố gắng tư duy kiểu duy lý, có thể gần với truyền thống thần số học có từ Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ và Pythagoras. Tuy Lý học ra đời muộn hơn 1000 năm, nhưng Lý học không có được sự đơn giản và mạnh mẽ của logic. Do đó, Lý học không thể nào trở thành chuẩn để sinh ra khoa học trong hơn 1000 năm qua.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment