Hồi học đại học ở Liên Xô, tôi chơi thân với một cậu khá kỳ quặc. Chơi vì cùng đồng hương Nghệ An và cả vì sự kỳ quặc ấy. Từ nhỏ toi vốn không ưa những gì bình thường, nhàm chán.
Hắn là sinh viên một trường danh tiếng ở Matscơva, thông minh và học giỏi. Giỏi với nghĩa xuất sắc thật sự chứ không phải loại khá hơn bình thường. Ngay năm thứ hai, hắn đã có hai bài báo được đăng trên một tạp chí chuyên ngành quốc tế về sinh học, là môn hắn được gửi sang đây để học.
Tuy nhiên, đam mê thực sự của hắn, đam mê suốt đời, lại là toán. Thành ra thành tích sinh học của hắn chỉ dừng lại ở hai bài báo ấy và cái bằng phó tiến sĩ hắn nhận được không mấy khó khăn khi về nước.
Hắn mày mò tự học toán và chắc cũng đạt được điều gì đó, nhưng là người ngoại đạo nên tôi không thể đánh giá.
Một hôm đến chơi, hắn bảo tôi với vẻ rất tự tin:
“Tớ sẽ đoạt giả Nobel Toán học!”
“Nobel không có giải dành cho môn toán,” tôi đáp.
“Tớ biết. Rồi người ta sẽ lập cái giải ấy cho tớ.” Hắn nói, cũng rất tự tin. “Toán là môn khoa học mẹ của tất cả các môn khác. Chỉ tại lão Nobel nhỏ nhen không lập giải này vì vợ lão có bồ là một nhà toán học mà thôi.”
Lần sau gặp, hắn lại nói:
“Cậu dịch thơ được đấy. Phải thừa nhận nhiều bài rất hay. Sao cậu không phấn đấu đoạt giải Nobel về dịch thuật?”
“Xưa nay chưa ai đoạt cái giải ấy. Mà nó cũng chẳng có”.
“Thì người ta sẽ lập nó cho cậu, nếu cậu dịch thực sự hay”.
“Tớ là người bình thường, dịch dọt cho vui chứ Nobel nỗi gì! Khéo người ta cười cho thối mũi,” tôi đáp, rất chân thành.
Thế mà hắn xửng cồ, cái thằng kỳ quặc ấy. Hắn quát vào mặt tôi:
“Cậu tầm thường chứ không phải bình thường. Sống mà không mơ ước, không hoài bão thì sống làm đếch gì! Dịch dọt làm đếch gì!”
“Nhưng tớ phải biết sức mình...” tôi yếu ớt chống đỡ.
“Làm sao biết được sức mình khi chưa thử thách? Nói chuyện với cậu chán bỏ mẹ!”
Rồi hắn lại ngồi vào bàn làm việc, hý húi với môn toán của mình, ra ý đuổi tôi về, chỉ vì tội không muốn nhận giải Nobel dịch thuật.
Về nước, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Sự kỳ cục, cực đoan của hắn không giảm mà còn tăng, và nhiều lần tôi vẫn bị hắn mắng té tát như trước.
Công bằng mà nói thì tôi bị hắn mắng oan. Tôi chỉ bình thường chứ không tầm thường. Như anh nông dân lo cày sâu cuốc bẫm để thu hoạch thật nhiều thóc, tôi cố dịch thật nhiều, cặm cụi ngày đêm viết lách, gọt dũa từng câu, từng ý đến mức hài lòng mới thôi. Tôi không thi vị hóa mà cũng chẳng coi thường cái nghề mình đã chọn, không mảy may mơ ước các giải thưởng này nọ, trong nước chứ chưa nói đến giải Nobel. Nghĩa là tôi cũng tử tế, dám sống chết với nghề, và cũng có hoài bão đấy chứ!
Hắn được phân về làm việc ở một viện nghiên cứu sinh học, đúng chuyên môn đã học. Hắn giỏi đến mức được người ta phân một mình một căn hộ ở khu tập thể Kim Liên, là điều hiếm xảy ra thời đó. Hơn thế, hắn được quyền cả tháng không đến viện ngày nào.
Độ sáu tháng một lần hắn ôm một tập dày các nghiên cứu của hắn nộp lãnh đạo viện. Mọi người, kể cả chuyên gia đầu ngành đọc không hiểu gì, nhưng chẳng dám bác, đành gửi sang Liên Xô nhờ thẩm định hộ. Tôi cũng nhiều lần phải khốn khổ ngồi nghe hắn thuyết trình hàng giờ các công trình nghiên cứu cao siêu mà tôi hoàn toàn mù tịt ấy.
Như trước, đam mê của hắn vẫn là toán, và hắn vẫn không ngừng say mê nghiên cứu để đoạt cái giải Nobel hắn mơ ước.
Một hôm, đang đi trên đường, tôi bị ai đó gọi to chặn lại. Thì ra là hắn. Đã mấy năm chúng tôi không gặp nhau, nhưng quả tình tôi không ngờ hắn thay đổi đến thế.
Trước mặt tôi là một ông già nhếch nhác, ăn mặc luộm thuộm và cáu bẩn.
“Cậu đãi tớ một chầu bia đi!” Hắn nói với vẻ hống hách như ra lệnh. “Lâu lắm chưa được ăn bữa nào ra hồn.”
Chúng tôi vào một quán bia gần đó. Thú thật tôi không thể cầm lòng khi nhìn hắn ăn một cách ngấu nghiến các món dọn ra và liên tục tu hết cốc bia này đến cốc khác. Chỉ những người phải nhịn đói lâu ngày mới có kiểu ăn như vậy.
Ăn uống no nê, hắn bắt đầu hăng hái nói một thôi một hồi những việc hắn đã và đang làm. Vất vả lắm tôi mới lái được câu chuyện sang hướng tôi muốn, tức là chuyện gì đã xẩy ra với hắn những năm vừa rồi. Thì ra hắn bị đuổi việc vì, theo lời hắn, “tớ đếch thèm bận tâm mấy cái chuyện sinh học vớ vẩn ấy nữa. Để dành thời gian cho toán.”
Rồi hắn quay lại với đề tài hắn yêu thích, thao thao bất tuyêt, đôi mắt đỏ ngầu và tinh sáng một cách khác thường. Thỉnh thoảng bọt mép sùi ra hai bên khóe miệng. Dẫu chua xót, tôi vẫn phải tự bảo mình rằng hắn đã phát điên, chí ít thì tâm thần nặng. Kiểu “phát rồ vì ngộ chữ” như dân gian vẫn nói.
Sau đó tôi đều đặn đến thăm hắn tại căn hộ nhỏ ở Kim Liên. Quả thật tôi không biết hắn sống thế nào và ăn uống những gì. Lần nào đến, tôi cũng thấy hắn đang cắm cúi làm việc bên chiếc bàn sờn cũ.
Thường thì hắn vừa ăn những gì tôi mang tới, vừa mắng tôi cái tội không chịu phấn đấu để lấy cái giải Nobel về dịch thuật. Hắn xem việc tôi đến thăm hắn là chuyện đương nhiên, và chưa một lần cảm ơn tôi. Dần dần tôi học được cách kiên nhẫn ngồi nghe hắn nói về các công trình của hắn mà tôi hoàn toàn không hiểu. Tôi thực sự thương xót, ái ngại cho hắn, một người sống có niềm tin và sự đam mê mãnh liệt. Không loại trừ khả năng chính nhờ niềm tin và sự đam mê ấy, hắn mới có thể tiếp tục sống và làm việc hết năm này đến năm khác trong điều kiện cùng cực như vậy.
Tuy nhiên, cái phải đến cuối cùng đã đến. Hắn chết cách đây mười năm trong căn phòng đơn độc, giữa một đống lớn giấy tờ bề bộn và chắc với cái dạ dày trống rỗng.
Do không có ai thân thích ở Hà Nội, ông hàng xóm gọi điện cho tôi khi phát hiện hắn chết.
Ông nói:
“Tội nghiệp bác ấy.”
“Vâng. Tiếc ông ấy không sống được đến ngày nhận giải Nobel”.
Tôi đáp, trong thâm tâm thực sự coi hắn đã nhận được cái giải cao quí ấy. Từ ấy đến nay tôi luôn nhớ đến hắn như một người đoạt giải Nobel toán học.
Sau cái chết của hắn, tôi hay ngẫm nghĩ về bản thân, và vẫn chưa dứt khoát xếp mình vào hạng người nào - bình thường hay tầm thường như hắn nói.
Thái Bá Tân - Strasbourg, nước Pháp. 2022
No comments:
Post a Comment