Friday, August 9, 2024

Tiên học chữ

Lập thân tối hạ thị văn chương
   Gia đình họ mạc tôi, nhiều người làm văn học. Ngày xưa đọc đến câu này, tôi cứ băn khoăn. Đa số đều hiểu là "Trong các cách lập thân thì văn chương là thấp kém nhất". Cha tôi cũng giải thích theo hướng đó, nhưng theo cách tích cực hơn. Người nói, nếu văn chương không có nội dung, không màng tới số phận con người, xã hội chỉ thù tạc, bay bướm, nghĩa là văn chương theo nghĩa hẹp, cụ thể, thì đúng là "tối hạ". 
   Tuy vậy có vẻ như không ổn. Câu này do cụ Phan Bội Châu trích dẫn từ Tùy Viên thi thoại của Viên Mai 
       "Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
        Lập thân tối hạ thị văn chương"
        (Mỗi bữa ăn ghi lòng việc lưu danh sử sách
          Lập thân thấp nhất là văn chương)
cùng với câu 
        "Văn chương thiên cổ sự
           Đắc thất thốn tâm tư”.
         Văn chương chuyện cũ ngàn đời
         Được mất chỉ trong lòng ta biết
Câu sau được cụ cho là của Minh Nhân, thực ra gốc của Đỗ Phủ. Cụ trích dẫn mỗi câu có sai một chút không biết vô tình hay cố ý: câu gốc của Viên Mai là "tối tiểu" (nhỏ nhất) đổi thành "tối hạ" (thấp nhất), câu của Đỗ Phủ "tâm tri" (lòng biết) đổi thành "tâm tư" (lòng nghĩ).  
   Mâu thuẫn ở chỗ, nếu câu trước hạ thấp giá trị của văn chương thì câu sau khá cao ngạo về vai trò của văn chương. Tiếp đó cụ Phan viết  “Xem hai câu ấy thì bảo văn chương là một việc có giá trị hay không?" “Chúng ta chẳng nói đến văn chương còn nói gì? Nếu không thèm nói văn chương thì xin hỏi, ngoài việc văn chương thì có gì là chúng ta làm được? Lại như một hạng người không biết văn chương là cái gì, thì tôi không muốn bàn nói tới. Lập miệng thân cho thạo, anh võ là mình nuôi xác thịt cho no, ngựa trâu thây kệ. Nếu chỉ hạng người như thế mà ta còn nói văn chương với họ làm gì, nhưng há có lẽ đâu hai mươi lăm triệu đồng bào tai thông mắt sáng, hơn bốn nghìn năm tổ quốc sông lớn nguồn xa, mà không có người biết nghe văn chương ư? Vậy nên chúng ta phải cố học cho ra nghề văn chương”.
     Lập luận và ý tứ khác hẳn các câu dịch hay các loại cắt nghĩa. Vì vậy tôi sinh nghi ngờ, và tra cứu xem cái nhà ông Viên Mai này ở đâu. Viên Mai, tự Tử Tài, người Hàng Châu, đỗ hoàng giáp đời Thanh Càn Long. Bỏ quan về lập thi xã, đệ tử tới hàng ngàn, trong đó rất nhiều nữ nhân, chuyên ngâm vịnh, bình phẩm văn chương. Nổi danh tài tử đương thời. Bản thân Viên Mai cũng không có chính tích nào để lại hậu thế ngoài văn chương. Đỗ Phủ thì chúng ta không phải bàn, ông là vua của thơ ca Trung Quốc. 
      Như vậy, tôi ngờ rằng "lập thân tối tiểu thị văn chương" có một nghĩa khác. Nếu viết "lập thân tối thiểu thị văn chương", người Việt có thể hiểu ngay theo nghĩa khác: muốn lập thân ít nhất phải biết văn chương. Tôi cho rằng "tối hạ", "tối tiểu" ở đây nghĩa như "tối thiểu": ở bậc thấp nhấp, ít nhất, việc bé nhất phải làm. Nếu như vậy mới là hợp lý. Huống hồ văn chương ngày xưa là toàn bộ cái sự học.
    Than ôi. Lối học tầm chương trích cú nó phản lại người viết, khốc hại cho xã hội và nhiều thế hệ đến thế ư? Mới một câu thơ nhỏ, huống hồ nhiều chuyện khác.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

6 comments:

  1. Xưa đi học thì luôn thấy 5 điều Bác mình dạy và câu hỏi "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không... ?"*, nay thì thấy “Tiên học lễ, hậu học văn”.
    Lễ nghĩa thì phải học từ trong nhà ra ngoài đường, bắt đầu lúc còn thơ dại, từ người và đời. Còn cái chữ, cắp tập vở đến trường là phải học trước tiên rồi đến con số.
    Học sao để tốt nghiệp PT là đủ kiến thức để hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của 1 người được giáo dục tử tế, đàng hoàng, đâu ra đấy.
    Rồi mới nói đến chuyện sánh vai với ai? Với cường quốc nào?
    (*): “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

    ReplyDelete
  2. Người có chữ, có giáo dục tử tế sẽ tự tìm đọc sách, tự trau dồi và phát triển bản thân trên cái nền tảng đi học để có đủ tư cách của 1 người hữu ích và sống có ý nghĩa với những động lực giúp mình thực hiện được những việc thiết thực trong cuộc sống.

    ReplyDelete
  3. Người Việt, nếu nói là biết chữ nghĩa, thì phải rành ngôn ngữ Hán Việt. Bởi nó là kết tinh của tinh hoa ngôn ngữ từ lâu đời, vừa súc tích, vừa ngắn gọn. Nhưng ko hiểu thì dễ dùng sai.
    Ví dụ: Thay vì nói ''Nội bất xuất, ngoại bất nhập'' lại nói "Nhập bất xuất, nội bất ngoại''.
    Trong những bản dịch hay nhất của các kiệt tác tiêu biểu cho văn học Trung Hoa chứa đựng 1 kho tàng phong phú để tìm hiểu về ngôn ngữ Hán Việt mà các dịch giả đã dùng để truyền đạt lại từ nguyên tác.

    ReplyDelete
  4. Giỏi tiếng Việt, có nghĩa là phải biết dùng chữ đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ (đúng cả ngữ pháp và cả dấu chấm, dấu phẩy,... ).
    Lạm dụng chữ Hán-Việt cũng chẳng hay. Nên dùng phiên âm hay dùng chữ phổ thông ở dạng phổ biến/popular dễ truy cập/tra cứu hơn là cứ dùng chữ đã cũ, ít dùng.
    Ví dụ: ''tàu ngầm'' thay cho ''tiềm thủy đĩnh'', hoặc ''máy bay'' thay cho ''tàu bay'', rất cổ lỗ!
    Tuy nhiên vẫn có thể dùng một cách uyển chuyển như ''phi trường'' cho ''sân bay'' hoặc ''hàng ko mẫu hạm'' cho ''tàu sân bay''. Tùy chọn theo ý muốn của mình, phù hợp với nội dung trình bày, đặc biệt trong văn thơ hay lời ca mang bản sắc và hương vị riêng tùy theo từng chủ đề, âm điệu mà tác giả muốn thể hiện (hoặc dịch giả chuyển ý theo vần điệu của thơ).

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Ái Việt: Chuyện "ấy" còn không làm được, nói gì tới AI hay chuyển đổi số.

    ReplyDelete
  6. Hồi ở Hung, cũng vì chê ''văn chương'' thấp kém nên tôi thà ''chuồn'' chứ ko chịu học chung với đám ngu si cái thứ ko biết gì mới phải học.
    Giờ mới thấy mình ngu, chứ văn chương của Hung rất hay, ko ngu tí nào!
    Gần đây mới biết: tiếng Hung là ngôn ngữ rất đáng học!

    ReplyDelete