Saturday, November 29, 2014

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và 12 câu dạy thở kỳ diệu

Bị lao phổi, sau 7 lần mổ, BS.Nguyễn Khắc Viện chỉ còn một góc phổi, mất 8 xương sườn. Thế nhưng ông đã sống đến tuổi 85.

   Ông sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở Bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa. Từ năm 1943 đến 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.

Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống được hai năm nữa. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa. Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm.

Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý - xã hội học, tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái.

Những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông bảo sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bạn đồng nghiệp với bác sĩ Viện, kể lại: “Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Rồi một lần tôi bị tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu!” Phương pháp này giúp ông thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn.

Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp cho rất nhiều thuốc, nhưng ông chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là điều hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện”


Bài tập thở của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bắt nguồn từ yoga, khí công. Tuy nhiên, quan niệm của ông là chỉ nắm chắc những nguyên tắc cơ bản và dựa trên sinh lý học hiện đại để xây dựng phương pháp tập luyện mà mọi người đều có thể áp dụng nhằm nâng cao sức khỏe, chứ không nhằm đạt những kỷ lục và “phép lạ” (như cho ôtô đè lên, hoặc chịu chôn sống nhiều giờ vẫn không chết…).

Phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” là cách luyện tập toàn diện: động và tĩnh, nội và ngoại, giúp con người làm chủ được cơ thể, nâng cao sức khỏe, giữ được bình tĩnh, đỡ mệt mỏi, nhất là trong những lúc làm việc căng thẳng. Có ba khâu tập là thở, vận động và thư giãn (luyện ý), liên quan đến hoạt động của ba bộ phận chủ yếu của cơ thể là nội tạng, cơ bắp, thần kinh. 

Trong đó tập thở bụng cho đúng cách là quan trọng nhất, vì cách thở bụng tác động trực tiếp đến những bộ phận nội tạng rất quan trọng là tim, phổi, dạ dày, ruột, dạ con (có thể hình dung các bộ phận này luôn được “thể dục”, được “xoa bóp” lúc thở); thở tốt giúp lưu thông khí huyết, tác động tích cực đến hoạt động cơ bắp và thần kinh. Bài tập thở đã được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đúc kết thành một bài vè cho dễ nhớ:

Thót bng th ra
Phình bng th vào
Hai vai bt đng
Chân tay th lng
Êm, chm, sâu, đu
Tp trung theo dõi
Lung ra lung vào
Bình thường qua mũi
Khi gp qua mm
Đng, ngi hay nm
 đâu cũng được
Lúc nào cũng được”.

Với phần tập vận động, thư giãn (luyện ý), từ lý thuyết đến các động tác cụ thể, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã giới thiệu trong cuốn Từ sinh lý đến dưỡng sinh (NXB Y Học - 1979; NXB Đồng Nai - 1988) và cuốn Dưỡng sinh dành cho mọi lứa tuổi (NXB Trẻ - 1993) với hình thức hỏi - đáp đơn giản, dễ hiểu. Nếu thiếu thời gian để tập đủ các động tác, bạn có thể tự chọn cách tập thích hợp, trên cơ sở nắm vững những nguyên lý, quan niệm của phương pháp dưỡng sinh.

Nên tập từ lúc còn trẻ


Cái khó nhất của phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” là sự kiên trì, ngày nào cũng phải tập, riêng thở bụng thì giờ nào cũng tập để trở thành thói quen. Điều quan trọng là đừng đợi đến lúc già yếu, hãy tập từ lúc còn trẻ trung, khỏe mạnh. Đừng để tình trạng nhiều nơi chỉ thấy các ông bà già tập luyện từ lúc còn mờ đất, còn tuổi trẻ thì dậy trưa. Sẽ có bạn bảo rằng tuổi trẻ quá nhiều mục tiêu phấn đấu, không còn thời gian để tập luyện. Nếu quả vậy, chỉ cần tập thở đúng cách - thở ngay trong lúc học, làm việc, không mất chút thời gian nào mà có thể đã đạt được quá 50% hiệu quả của phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện”.

2 comments:

  1. Từ tháng 4-1996, BS Nguyễn Khắc Viện đã linh cảm cái thời khắc kết thúc cuộc đời mình sắp đến, nên đã viết sẵn lời dặn như sau:
    "Kính gửi các bạn đồng nghiệp ngành y tế,
    Tôi nay đã 83 tuổi, từ hơn 40 năm nay bị thiếu thở trầm trọng, nay mai giá thử có tai biến gì, hay mắc thêm bệnh khác, xin các cơ sở y tế tiếp nhận tôi:
    - Đừng khám nghiệm gì thêm: X.quang, thử máu, nội soi...
    - Đừng cho thuốc men nào, không phẫu thuật, truyền huyết thanh, thở oxy...
    Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày hay tháng chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn. Chỉ xin thuốc giảm đau, nếu cần dùng morphin cũng chẳng hề gì.
    Nếu cứ ép buộc tôi, tôi sẽ hết sức cưỡng lại.
    Tôi xin tuyên bố gánh lấy trách nhiệm hoàn toàn về tôi.
    Xin trân trọng cảm ơn các bạn."

    ReplyDelete
  2. Cùng với phương pháp thở, BS Nguyễn Khắc Viện còn để lại 1 quan niệm sống 3T:

    1. Tạo cho mình một cái thế đứng vững giữa xã hội, tự lập, không phải nhờ vả vào ai.
    2. Nuôi dưỡng cái tình người cho phong phú, gắn bó với nhiều người, nhiều cộng đồng khác nhau.
    3. Tự tạo cho mình một cái tâm ổn định, mình làm chủ lấy mình, đời có sóng gió, cái tâm của mình vẫn vững vàng.

    ReplyDelete