Friday, November 28, 2014

Ký ức Sân Khấu: "Con chim đầu đàn" của nghệ thuật biểu diễn ca-múa-nhạc VN và một thời kỳ đáng nhớ

Tuổi thơ của tôi có một phần gắn liền với những bài hát và điệu múa của Đoàn Ca múa nhân dân TW (khi ấy được các nghệ sĩ ở miền Bắc gọi là "con chim đầu đàn" của ngành nghệ thuật biểu diễn ca-múa-nhạc). Hồi học lớp 1 ở Hà Nội, tôi được cha đưa đến chơi ở nhà của một người anh bà con ở đường Trần Hưng Đạo. Vợ của anh ấy là một nữ diễn viên múa của đoàn. Từ đó, tôi thường được xem những chương trình đặc biệt, những chương trình chiêu đãi của đoàn. Về nghệ thuật ca múa, từ trong ký ức của mình, tôi vẫn nghĩ rằng tôi đã được xem những tác phẩm đặc sắc nhất của Việt Nam từ đây.
    Có thể những ca sĩ hay nhất của miền Bắc bấy giờ không tập trung ở Đoàn, nhưng những điệu múa của đoàn thì không bao giờ tôi quên, nhất là điệu múa Ka Tu với tôi vẫn là 1 trong những điệu múa đẹp nhất của Việt Nam vì rất đặc sắc, rất ấn tượng khởi đầu với những tiếng trống và những chuyển động rất uyển chuyển, rất điêu luyện của các vũ công.
   Nếu cần biểu diễn chiêu đãi 1 đoàn khách nước ngoài thật long trọng, mang tính giới thiệu văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam thì chương trình của đoàn là số 1 ở những năm 60 (dù Đoàn Văn công Tổng cục chính trị cũng rất xuất sắc).
   Trước năm 1954, đoàn mang tên là Đoàn Văn công nhân dân TW, sau đó mới mang tên là Đoàn Ca múa nhân dân TW (Đoàn Ca múa TW) về sau sát nhập cùng Đoàn nhạc dân tộc thành Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.
    Về sau này, tôi ít xem những chương trình của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, nhưng tôi nhớ mãi những chương trình được xem từ nhỏ với những "Người Hà Nội", "Chiến thắng Điện Biên", "Múa sạp", "Hò kéo pháo", "Ka Tu"... cùng với những tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Trọng Bằng, Chu Thúy Quỳnh, Thái Ly... đã đưa vào tuổi thơ tôi những gì rất đẹp của quê hương.
   Cho đến nay, miền Bắc có thế mạnh về múa, nhất là nghệ thuật múa kinh điển, và những bài ca cách mạng (nhạc đỏ - rất hay về cả nhạc và lời) bắt nguồn từ những tác phẩm của một thế hệ nghệ sĩ đầu tiên trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và trưởng thành hơn trong lửa đạn của những năm tháng chống Mỹ. Những nghệ sĩ thanh nhạc và dàn nhạc giao hưởng được đào tạo từ nhạc viện Hà Nội cũng như từ nước ngoài là những vốn quý của đất nước, hơn hẳn so với miền Nam. Những lời ca điệu múa đã khắc họa nên một thời kỳ gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt. Tuy chúng ta không có được những nhạc sĩ lớn tầm cỡ thế giới để sáng tác những bản hợp xướng hoặc những bản anh hùng ca (giao hưởng mang tầm vóc của thời đại), nhạc kịch, vũ kịch ballet hoặc múa hiện đại để nói lên hết tầm mức bi hùng của cuộc chiến tranh; nhưng chúng ta có những ca khúc, vũ khúc rất hay ca ngợi đất nước và con người Việt Nam, ghi lại được tình cảm và cảm xúc nói lên tinh thần của người Việt Nam trong thời đại này.
   Ký ức tuổi thơ của tôi về ca nhạc thời kỳ chống Pháp là âm vang của những bài hát truyền cảm đầy hào khí dân tộc, dù còn sơ khai nhưng đi vào lòng người bằng tinh thần yêu nước chống thực dân của dân tộc ta khi ấy, nhất là của lớp người trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết với "Cùng nhau đi Hồng binh" (1930), "Tiếng gọi thanh niên" (1941), "Tiến quân ca" (1944), "Nam Bộ kháng chiến" (1945) v.v. nức lòng muôn người. Và tưng bừng hùng tráng với "Hành quân xa", "Chiến thắng Điện Biên/Giải phóng Điện Biên",  "Tiến về Hà Nội"... rất xứng đáng với chiến thắng lừng lẫy của dân tộc.
   Và cả nước lại hòa cùng những bài ca "Giải phóng miền Nam", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Bước chân trên dải Trường Sơn", "Anh vẫn hành quân", "Chào anh giải phóng quân", "Rừng xanh vang tiếng ta lư", v.v. rộn rã, thúc dục lòng người, đi theo "ánh lửa từ trái tim" để đến chiến thắng lịch sử năm 1975, ghi thêm 1 chiến công vẻ vang vào trang sử oanh liệt của dân tộc.
   Xin cảm ơn những nhạc sĩ và ca sĩ với những bài ca gắn liền cùng lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của những chiến sĩ Điện Biên oai hùng và người lính giải phóng quân miền Nam anh dũng; thế hệ của cha anh và của chúng tôi, những người đã hy sinh vì Độc lập và Tự do và những người còn lại vẫn tiếp tục sống và cống hiến cuộc đời để làm nên những kỳ tích với tâm nguyện cháy bỏng là xây dựng một đất nước hùng mạnh với 1 nền tảng bền vững, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh và một nền văn hóa rực rỡ. Xứng đáng với một Việt Nam anh hùng mà nhân loại đã biết đến như một huyền thoại trong những năm huy hoàng nhất của chúng ta.

1 comment:

  1. Cho đến bây giờ, nếu xem "Hò kéo pháo" sau hàng chục năm, tôi nhận thấy: dù cơ bản vẫn dựa trên phần gốc, nhưng cảm xúc từ sân khấu và sự thể hiện của các diễn viên thì ko thể so được với tiết mục mà đến nay tôi vẫn nhớ đã được trình diễn chỉ sau vài năm diễn ra chiến dịch ĐBP và được dàn dựng công phu từ những động tác, ánh sáng, âm thanh... để toát lên cái khí thế của 1 chiến thắng lịch sử mà dù còn bé, tôi vô cùng tự hào và cảm phục.

    ReplyDelete