Tuesday, November 11, 2014

Chămpa

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với văn hóa Chămpa là khi tôi thấy bức tượng của một phụ nữ để ngực trần ở phòng khách của chú Cao Xuân Hạo (khu tập thể Kim Liên, Hà Nội). Đó là bức tượng của 1 người phụ nữ được thể hiện rất tinh tế, 1 vẻ đẹp phồn thực với hai bầu vú căng tròn, dù lúc đó còn bé nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng: đây là một kiệt tác điêu khắc.
   Sau đó, trên đường vào Nam năm 1975, từ trên xe nhiều lần thấy những ngọn tháp trầm mặc, uy nghi một cách bí hiểm trên những đỉnh núi ven biển miền Trung, tôi vô cùng khâm phục và rất muốn có dịp được chiêm ngưỡng thật kỹ những công trình độc đáo này, những kiến trúc tượng trưng cho một nền văn hóa rực rỡ của người Chăm (hồi đó gọi là "tháp Chàm" của người Chàm).
   Người Chăm cho thấy họ có một sức sáng tạo nghệ thuật thật tuyệt vời qua những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc của họ. Nhưng tôi chỉ thấy những tác phẩm của họ phần nhiều qua sách báo mà ít khi được thấy ở ngoài đời hoặc trong bảo tàng ở Đà Nẵng. Với tôi những ngọn tháp và nghệ thuật điêu khắc của họ, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc đá, thuộc hạng tuyệt mỹ ở Việt Nam. Những tác phẩm của họ nổi bật với sự tinh xảo và khéo léo giữa những phong cách đơn sơ và mộc mạc của các dân tộc khác. "Điêu khắc đá Chămpa là một loại hình điêu khắc của nghệ thuật Chămpa. Các tác phẩm điêu khắc này thường được gắn liền với các công trình kiến trúc cổ, tạo thành một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Các hiện vật điêu khắc đá Chămpa quý hiếm hiện được lưu giữ tại nhiều bảo tàng ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Điêu khắc đá Chămpa có hai loại hình chính là phù điêu và tượng có chủ đề về thần voisư tử,chim thần Garuda, vũ nữ Apxarathần Visnuthần Siva...Các loại hình này thường được nhìn thấy trang trí ở thân hoặc chân tháp Chăm." (Wikipedia)
                                          
                                Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng)

   Tục thờ Linga và Yoni của người Chăm có nguồn gốc từ các tộc người ở lưu vực sông Indus, cái nôi của một vùng văn minh cổ đại, họ là những người thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidian. Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần Mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi biểu tượng của Yoni là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần Mẹ còn có thần Nam, biểu hiện bằng trụ đá hình dương vật. Linga là hình tượng của thần Siva, một trong tam vị nhất thể của Ấn Độ giáo (Siva-Brahma-Visnu). Siva được coi là thần Phá hủy và đồng thời cũng là thần Sáng tạo. Trong thần thoại Ấn Độ, hình tượng khởi đầu của Siva là cột lửa hình Linga dưới hình thức dương vật, mang tính dương. Song để sáng tạo được thì cần có âm tính, cho nên người xưa đã thêm cái bệ hình âm vật (Yoni). Từ đó, tín ngưỡng Linga-Yoni (âm dương giao hòa) biến thành sự thờ cúng thần Siva, rất phổ biến trong dân chúng. Mọi sự sinh sôi nảy nở trong trời đất làm cho mùa màng cây cối tốt tươi, giống vật và loài người ngày càng đông đúc là do đực-cái, âm-dương kết hợp với nhau mà thành. Để thể hiện tính nhất thể của ba vị thần, Linga được tạo thành ba phần: dưới là Brahma, giữa là Visnu, trên cùng là chủ thể: Siva.
   Dạng Linga kết hợp với Yoni hay còn gọi là Linga-Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Siva. Ở dạng này, thần Siva còn được gọi là “Thần giấc ngủ”.
   Nhưng Linga và Yoni ở Chămpa có những đặc điểm riêng và không có quốc gia nào mà Linga và Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa đạng và kích thước lớn như ở Chămpa. Hình thái Linga-Yoni ở Chămpa là sự biểu hiện mạnh mẽ nhất việc Chămpa hoá các yếu tố tôn giáo Ấn Độ.

   Những ngọn tháp Chămpa với 1 ô cửa duy nhất mở về hướng Mặt Trời mọc là những kiến trúc rất nổi tiếng, người Chăm dựng chúng lên để thờ các vị thần Ấn Độ giáo và các vị vua Chăm được hóa thần (cũng như từ dấu tích được ghi nhận của các tòa thành cổ, tu viện phật giáo thời Indrapura). Phong cách kiến trúc và điêu khắc của các tháp được các nhà nghiên cứu chia ra làm nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ có những thay đổi khác nhau. Dấu ấn riêng biệt vẫn còn là 1 bí mật của người Chăm là kỹ thuật làm gạch kết dính để xây tháp. Tuy không đồ sộ như đền Angkor hay vĩ đại như những kim tự tháp Ai Cập, nhưng những ngọn tháp này xứng đáng là những di sản văn hóa bất diệt vô cùng quý giá thể hiện khả năng sáng tạo của người Chăm gắn liền với tình yêu và nguồn gốc tín ngưỡng vô cùng linh thiêng của họ đối với thần Mẹ, với văn hóa phồn thực, quy luật sinh tồn tự nhiên của muôn đời.
                                                  Tháp Po Klaung Garai - Phan Rang
                                               
(bài viết tổng hợp) Các bạn click vào hình để xem rõ hơn!

1 comment:

  1. Người Pháp có vẻ tôn trọng văn hóa và nghệ thuật Chămpa, họ đã lập hẳn 1 bảo tàng ở Đà Nẵng để lưu giữ những tác phẩm của người Chăm. Còn nói về nghệ thuật của người Việt, Jonchères, khi được bổ nhiệm làm giám đốc trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, đã tuyên bố: "An Nam không thể làm nghệ thuật được và chỉ có thể đào tạo thành những người thợ thủ công mỹ nghệ mà thôi." (câu này tôi trích từ bài "Để có những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đậm đà tính chất dân tộc" của Trần Đình Thọ)

    ReplyDelete