Saturday, November 15, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (8)

(Các bạn trở lại phần trước ở đây)

Phần 6: 3 thứ giặc với sự phát triển tự do và toàn diện của người Việt (tiếp theo)


2. Nước Việt còn gì để giữ?

Gia tài của người Việt bây giờ còn lại là gì sau bao lần đất nước nát tan, xã hội tan hoang, lòng người tán loạn...? Bao nhiêu lần từ hoang tàn đổ nát người Việt lần hồi dựng lại ngôi nhà, trở lại với cuộc sống của mình để tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên?
   Hình ảnh của người Việt qua mỗi lần như thế làm tôi nghĩ đến Điêu Tàn của Chế Lan Viên, nghĩ đến người Chăm, một dân tộc đã tạo nên văn hóa Chăm Pa rất đáng khâm phục vẫn còn lại cho đến nay không mất trong lòng Việt Nam.  
   Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỷ phải sống trong cảnh bị kẻ thù phương Bắc ức hiếp, nhưng vẫn cố gắng thoát cảnh bị xâm chiếm; nguy cơ nhiều lần từ cả phía Bắc và phía Nam, vì vậy phải chọn lối thoát xuống phía Nam dù phải làm cuộc trường chinh triệt hạ Chiêm Thành loại bớt kẻ thù để chỉ còn phải chống đỡ với kẻ thù lớn từ phương Bắc. Thế giới hỗn mang cũng bởi nguyên tắc mạnh được, yếu thua. 
   Dù mang hồn của người Chăm để nói về số phận của họ, tác giả của Điêu Tàn chỉ mượn lời của lịch sử để đánh thức người Việt, khơi dậy tinh thần chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Và lần này là trước thực dân Pháp, lũ "quỷ trắng" đã phá nát đất nước và con người Việt Nam.
   Đây là tên xâm lược trăm lần mạnh hơn chúng ta, từ sức mạnh vật chất đến sức mạnh tinh thần, nhưng lại với 1 dã tâm của những kẻ tự xưng là văn minh để bòn rút đến tận xương tủy những nạn nhân của chúng, dù phải tiêu diệt tất cả những gì vốn là di sản của dân tộc ở những nơi chúng xâm chiếm. Hồ Chủ tịch đã kết tội chúng ở Bản tuyên ngôn Độc lập, cho đến nay, những gì mà người Việt phải chịu từ hậu quả do chúng gây ra vẫn còn rất nặng nề.
   Dù không muốn trở thành một người hằn học , nhưng tôi không thể xóa bỏ nổi "thù hận dân tộc" với thực dân Pháp, những kẻ với dã tâm thống trị các thuộc địa vô cùng man rợ và không bao giờ muốn trao trả độc lập cho những vùng đất mà chúng ăn cướp. Cùng với lũ ngoại bang phương Bắc, thực dân Pháp đã làm cho người Việt thêm khốn khổ và điêu đứng trong gần 100 năm (tính từ khi Pháp và Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà năm 1858 đến 1954).


   Ở đây cũng cần phân biệt những tên thực dân với nhân dân Pháp và văn hóa Pháp, cũng như một cách phân minh, thì phải nhìn nhận những gì mà Việt Nam hưởng lợi từ người Pháp qua cuộc tiếp xúc/bi kịch này (Dù những điều này không hoàn toàn là từ những tiến bộ của Pháp, mà còn từ thành quả do cuộc cách mạng công nghiệp mang lại, người Pháp chỉ thừa hưởng và trục lợi từ sức mạnh kỳ diệu của "động cơ hơi nước" với nguồn năng lượng than đá, một phát minh vĩ đại của người Anh. Đây là điều đã đẩy các nước phương Tây lên cao, trở thành những nước "phú cường" so với các nước khác trên thế giới khi đó). Tuy nhiên, không như các thuộc địa dưới sự cai trị của người Anh còn có cơ hội để phát triển, dưới ách đô hộ của Pháp, các thuộc địa trở thành những mảnh đất suy kiệt, lụi tàn với những con người không còn sinh khí, không còn quê hương xứ sở đã từng gắn bó với những nếp sống từ lâu đời. Tất cả đều bị biến dạng, bị chuyển thể trong ý đồ thâm độc của thực dân Pháp.  Sau những thời kỳ Bắc thuộc phải sống dưới sự đô hộ của phong kiến Trung Quốc, người Việt lại phải sống dưới ách cai trị của thực dân, đất nước bị tàn phá nặng nề dưới thời Pháp thuộc.


   Dưới chế độ áp bức hà khắc của thực dân Pháp, kể từ khi Việt Nam, Lào và Campuchia trở thành thuộc địa của Pháp trong Liên bang Đông Dương (1884-1945), quê hương tan rã, đất nước kiệt quệ, xã hội suy vong... Việt Nam như người mất hồn, vật vờ tìm kiếm tương lai... trong vô vọng.
   Chủ quyền bị mất, vận mạng của đất nước không còn trong tay những người lèo lái con thuyền dân tộc nữa. Những triều đại vua quan hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của những kẻ xâm lược. Theo chân chúng, văn minh Tây phương ồ ạt kéo vào gây ra 1 cuộc duy tân hỗn loạn, không lề lối, không mục đích. Những giá trị/tiêu chuẩn cổ truyền cùng với sự chiến bại của chế độ phong kiến, bị phá sản và khinh miệt. Trong khi đó những giá trị/tiêu chuẩn mới chưa có, xã hội không giá trị tiêu chuẩn như con thuyền trôi không phương hướng...
   Trách nhiệm gánh vác sơn hà của nhà Nguyễn trong thời Pháp thuộc đáng tiếc lại do một lớp người thiếu sáng suốt, thiếu thiết thực, kiêu căng và không thức thời, không chịu nhìn vào vấn đề thiết yếu của dân tộc, tự giam hãm trí óc trong những quan niệm chật hẹp về quyền bính và triều đại. Đây là sai lầm đã làm lỡ cơ hội phát triển của dân tộc ở 1 giai đoạn quyết liệt của lịch sử dân tộc. Dù nhà Nguyễn có công khai phá đất đai và tự hào vì đã góp phần vào việc mở mang bờ cõi, thì họ cũng không thể bù đắp được lỗi lầm của giai cấp lãnh đạo trước lịch sử.
   Nhưng số phận khắc nghiệt của Việt Nam còn bi thảm hơn với kẻ thù mạnh hơn Pháp rất nhiều lần, một tên khổng lồ của thế giới, kẻ đã từ chối hợp tác với Việt Minh để giúp Pháp trở lại Đông Dương và thực hiện mưu đồ toàn cầu của mình từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Đế quốc Mỹ đã hiện nguyên hình của 1 kẻ can thiệp khi trực tiếp nhảy vào cuộc chiến tranh Đông Dương và biến nơi này thành lò lửa hủy diệt với sức mạnh của một cường quốc hàng đầu trên thế giới.
  
  Năm 1975, Việt Nam với thân thể tan nát sau cuộc chiến kéo dài, nhưng vết thương chiến tranh và sự tàn phá không kết thúc cùng với tiếng bom đạn và những thây người ngã xuống; cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn chưa gượng dậy nổi từ những đòn chí mạng... vết thương vẫn còn chảy máu, chúng hủy hoại không chỉ đất nước...  người Việt Nam bây giờ đang chết nhiều hơn sau chiến tranh vì tệ nạn, vì tham vọng trong cơn khủng hoảng niềm tin đang lan tràn khắp nơi, trong mọi tầng lớp của xã hội.
   Và cũng như người Chăm xưa kia, người Việt nay chỉ còn lại Điêu Tàn. Tất cả những gì mà ta đang chứng kiến giống như những ngọn tháp Chàm lở lói đang hiện hữu trước mắt chúng ta.


3. Cơ hội

Chúng ta đang cố gắng đứng lên từ chiến tranh và hoang tàn. Khác với thời Pháp thuộc, khi đó, người Việt tương đối thuần nhất. Mọi người đều cùng một cảnh ngộ từ Bắc chí Nam, ai cũng thiết tha với độc lập của dân tộc. Về văn hóa, phong trào dân chủ ở Tây phương có ảnh hưởng rất mạnh đến giới trí thức Việt Nam lúc đó, nhất là những người được đào tạo từ Pháp. Họ nhận thức được thời cuộc và thực chất của nước Pháp một cách đầy đủ qua 2 cuộc chiến tranh thế giới; vốn là những trí thức giàu lòng yêu nước, họ nóng lòng muốn góp phần của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lúc đó, ảnh hưởng của Khổng học sa sút, văn minh Tây phương trở thành trào lưu với những đại diện của Anh, Pháp... ở châu Âu, Nga và Mỹ chưa có được cái uy tín mạnh mẽ như ngày nay. Ở Việt Nam, thời kỳ trước 1945, nền văn học công khai mang tính cách phi chính trị (tuy đã có những người làm chính trị sử dụng thơ văn trên văn đàn trong thời kỳ này). Sau đó, người Pháp đã dìm hoạt động chính trị vào bí mật.
Sự phân hóa bắt đầu sau khi nước Việt Nam DCCH ra đời (1945). Suốt thời kỳ cách mạng, nước ta chia thành nhiều "liên khu" gần như cách biệt. Mỗi vùng miền có những quan niệm khác nhau tùy vào hoàn cảnh và chế độ (do Pháp cai trị hoặc vùng kháng chiến); dân tộc Việt Nam phân thành năm tầng bảy lớp, tuy có nhiều sự đồng thuận vì cùng gốc rễ nhưng không tránh khỏi nảy sinh bất đồng từ nhiều sự khác biệt, nhất là từ khi đất nước bị chia cắt sau năm 1954 và từ khi tầng lớp trung lưu dần hình thành sau khi người Pháp xuất hiện. Tầng lớp này có phát nguồn từ nông dân xưa kia, những người lìa bỏ quê quán để định cư ở thành thị. Họ không câu nệ lễ giáo và tục lệ cũ của tổ tiên, nhiều thanh niên trung lưu theo sự giáo dục mới, ảnh hưởng tư tưởng tự do và cá nhân chủ nghĩa của Tây phương nên họ bài bác kịch liệt những giá trị xưa mà theo họ đã lỗi thời để sinh hoạt theo điều kiện tinh thần và vật chất mới. Nơi ở của họ, từ nhà cửa và vật dụng đều theo lối Tây phương, họ thích sử dụng xe hơi để đi lại và giao tiếp. Cách thức xã giao cũng theo Tây. Lối sống gần như không còn mang nhiều cốt cách của người Việt, từ yêu đương luyến ái đến hôn nhân gia đình. Về sau, cách mạng gọi tầng lớp này là những người thuộc thành phần tiểu tư sản do họ gắn liền với lối sống vật chất nhiều hơn và càng ngày càng trở nên thực dụng hơn; điều kiện sinh hoạt vật chất của họ "dồi dào chừng nào thì lòng hâm mộ đối với văn hóa Tây phương càng nồng nàn chừng nấy." (Đào Duy Anh)
   Cùng với tầng lớp trung lưu, giai cấp lao động mới gồm những người lao động công nghiệp cũng là sản phẩm của nền văn hóa mới. Họ cũng là những đại diện góp phần tích cực trong việc ủng hộ và gia tăng ảnh hưởng Âu hóa ở Việt Nam.
   Cho đến khi người Pháp rút khỏi Việt Nam thì thái độ của người Việt đối với văn hóa Tây phương đã khác hẳn so với hồi gặp gỡ ban đầu. Dân quê không còn xem người Pháp là giống người dễ sợ, không thấy sản phẩm của họ là những thứ kỳ lạ quái gở nữa; "sĩ phu cũng không xem những tư tưởng phong tục của họ là lố lăng kỳ cục và bại lý thương luân nữa." (Đào Duy Anh) Người Việt bắt đầu nhận ra trong cái văn hóa chung của thế giới có phần tham gia của mình, tuy không thể cho rằng: "Đông là hơn hay Tây là hơn" và sự chuyển biến sẽ đi tới chỗ: "những điều phân biệt kỳ thị Đông và Tây sẽ tiêu diệt hết." (Đào Duy Anh)
Ở miền Bắc, từ sau 1954, lập trường quan điểm là quan trọng nhất. Tất cả đều mới mẻ trong thời kỳ "quá độ tiến lên CNXH". Mỗi hành vi, lời nói, từng chữ viết đều phải cân nhắc thận trọng. Với mục đích thực hiện từng bước cuộc cách mạng XHCN và chi viện cho miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, khẩu hiệu cho toàn quân toàn dân khi đó là: "Tất cả để chiến thắng, tất cả để xây dựng CNXH", từ thể xác đến tinh thần đều cống hiến cho lý tưởng của cách mạng. Thời đại Hồ Chí Minh nổi tiếng trên toàn thế giới với đường mòn HCM và những người lính chân đi dép râu và tinh thần chiến đấu ngoan cường của những chiến binh quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì vận mệnh của Tổ quốc. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do", đã xuất hiện trong thời gian này.


Sinh ra khi nước Việt Nam DCCH tròn 10 tuổi, đất nước vừa hết chiến tranh và sống trong hòa bình trong cảnh 2 miền Bắc Nam bị chia cắt, thế hệ của chúng tôi đã chứng kiến những gì xảy ra sau đó. Cuộc cách mạng đã biến đổi miền Bắc (và sau 1975 là cả nước) từ 1 xã hội bị người Pháp phá hủy toàn bộ cấu trúc truyền thống thành một xã hội theo lý tưởng cộng sản để xây dựng một chế độ mới ở một nước nông nghiệp lạc hậu của châu Á. Giấc mơ đó đã biến người nông dân Việt Nam trở thành tầng lớp nòng cốt/lãnh đạo xã hội với vũ khí "chuyên chính vô sản" trấn áp mọi trở lực. Những người cộng sản tiếp tục xóa nốt những gì bị coi là tàn tích phong kiến cổ hủ, những gì bị cho là không phù hợp với xã hội mới. Tuy không làm "cách mạng văn hóa" như TQ, nhưng dưới tác động của chính quyền về mọi mặt, xã hội miền Bắc đã thay đổi đến tận gốc rễ. Tuyên truyền là công cụ có tác động vô cùng mạnh mẽ của chính quyền cùng với những khuôn mẫu và tiêu chuẩn mới được cho là "điển hình" một cách lý tưởng cho thanh niên và thiếu niên, lực lượng hậu bị đắc lực - những con người XHCN trong tương lai. Đó là thời kỳ mà sức mạnh tinh thần và hoài bão của con người là vô biên, con người ra sức thay đổi thế giới, biến đổi thiên nhiên. Ở Việt Nam cũng có thơ:

"Bàn tay ta làm nên tất cả
 Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

Tất cả đều chung lòng dốc sức dời non lấp bể và hướng tới một tương lai xán lạn. Từ quá khứ với những đợt chỉnh huấn, chỉnh quân và cải cách ruộng đất... rồi xây dựng hệ thống Hợp tác xã để làm nông nghiệp... xã hội miền Bắc biến đổi dần cùng với lực lượng "công-nông-binh" nòng cốt, mọi người đều nói giống nhau, sống như nhau trong chế độ "bao cấp", "thắt lưng buộc bụng" dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng tiến lên CNXH (về sau, chữ XHCN được tóm lại trong câu "xếp hàng cả ngày" để có được những nhu cầu thiết yếu hàng ngày với "lượng" và "chất" rất thấp kém).
   Trong khi đó, ở miền Nam, dù là một chiến trường ác liệt, nhưng người miền Nam sống trong một xã hội mở rộng hơn, hòa nhập với thế giới nhiều hơn. Yêu tự do và hòa bình, ghét sự tàn bạo và chán ghét chiến tranh. Thanh niên học sinh xuống đường tranh đấu chống chính quyền cùng phong trào đòi dân chủ chống đàn áp của các phật tử.


Vào những năm 70, hầu như trên toàn thế giới, thông điệp của những chàng trai tóc dài và các cô gái mặc mini jupe thời kỳ này là: xã hội và những lớp người cũ cần một sự đổi mới. Những đại diện trẻ tuổi của phong trào hippy không muốn "chôn các cụ già" vì đây hoàn toàn không phải là một cuộc đấu tranh giành quyền lợi. Ở miền Nam, thanh niên để tóc dài và ăn mặc theo trào lưu hippy như ở các nước phương Tây, nhiều người trốn lính vì không muốn cầm súng ra mặt trận (như ở bên Mỹ là phong trào đốt thẻ quân dịch), không muốn tham gia vào 1 cuộc chiến tranh vô nghĩa. Từ Mỹ đến Hungary và Sài Gòn, những người trẻ tuổi chỉ muốn thay đổi chiều hướng của văn minh nhân loại, tạo nên một thế giới đẹp đẽ trong hòa bình. Họ không coi mình là một tầng lớp vùng dậy đòi sự công bằng trong xã hội, mà là một động lực mới để thúc đẩy xã hội chuyển mình... Từ Hungary trở về, với bản chất của một tên hippy, tôi không còn là một "hạt giống đỏ" nữa vì mang trong lòng sự phản kháng của giới trẻ với những gì là "hủ lậu" và bế tắc của cách mạng sau ngày thống nhất đất nước. Xung đột của tôi nằm trong sự đòi hỏi phải có 1 cuộc cách mạng trong lòng cách mạng bằng những trận đánh khác của chính những người cách mạng với nhau để cùng mở được cửa và thoát khỏi tình trạng khốn quẫn của Việt Nam, một thời kỳ không đáng có kéo dài từ 1975 đến 1986, thời kỳ mà ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất còn phải băn khoăn: "Việt Nam đã rơi xuống tận cùng của nghèo khổ chưa?".

Miền Nam, với biểu tượng Sài Gòn, một thành phố "đa văn hóa" của Việt Nam - nơi du nhập nhiều luồng văn hóa từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim... là 1 thành phố lớn và thủ đô trước đây của VNCH, nơi đây hội tụ tất cả những gì mà Việt Nam tiếp nhận từ thế giới, kể cả văn hóa vật chất và tư tưởng nên từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông, Paris Phương Đông. Về vốn cổ thì ở đây không có những di tích đền đài lâu đời của tổ tiên người Việt mà chỉ là những sao chép tượng trưng. Từ những kiến trúc tiêu biểu với phong cách Tân cổ điển để đánh giá thì người Pháp tuy ưu ái miền Nam nhưng không để lại nơi đây những công trình đặc sắc như Nhà Hát Lớn, Phủ Chủ tịch hay Bắc Bộ phủ... ở Hà Nội. Công trình đẹp nhất của họ theo phong cách này ở Sài Gòn là UBND thành phố hiện nay (trước gọi là Tòa Đô chánh) không thể sánh với những kiệt tác ở miền Bắc (tôi rất thích Nhà thờ Đức bà Sài Gòn, một kiệt tác kiến trúc mang phong cách Roman và Gothic, nhưng do đây là công trình tôn giáo, không thuộc về kiến trúc dinh thự nên không thể so sánh được). Sau người Pháp, người Mỹ đã đổ tiền của vào 1 cuộc chiến tranh vô cùng tốn kém đồng thời cũng tạo ra một xã hội với vẻ ngoài hào nhoáng trong chiến tranh mà những người cách mạng gọi là "phồn vinh giả tạo" (thực chất là kết quả của chính sách thực dân kiểu mới) cùng ảnh hưởng rất mạnh của một cường quốc giàu mạnh tột cùng và lối sống TBCN xâm nhập sâu rộng với giấc mơ Mỹ.


Sau chiến tranh, nếu phát triển ngay theo định hướng đúng đắn với tất cả những thuận lợi của cả 2 miền mang lại thì chúng ta đã có được những kết quả đáng kể cho đến nay. Nhưng chúng ta đã để mất cơ hội lớn lao này. Thay vì nhanh chóng tập hợp nguồn lực của cả nước để phát triển, chúng ta lại đi theo 1 đường lối sai lạc. Với chủ trương phân hóa 2 miền Nam Bắc, cải tạo miền Nam (xóa bỏ sự khác biệt mà không tính đến tương lai của dân tộc), tự chia rẽ giai cấp, ngày càng phân biệt và đối lập với chính nhân dân của mình. Chúng ta xóa bỏ những cơ sở đã được hình thành ở miền Nam, phá vỡ những nguyên tắc vốn là nền tảng để duy trì một trật tự xã hội, phát triển kinh tế và sử dụng nguồn lực con người. Cùng với sự tàn phá do chiến tranh, những sai lầm này đã để lại hậu quả nặng nề trong một thời gian dài. Trong thời gian từ 1975 đến 1985, chúng ta tập trung cải tạo XHCN nhằm thống nhất nền kinh tế của cả nước. Khi đó, tình hình đất nước sa sút và yếu kém về mọi mặt, tinh thần của nhân dân đi từ phấn khởi sau Đại thắng đã chuyển dần thành thất vọng và bi quan về tương lai. Rất nhiều người đã vượt biên để tìm tương lai ở các nước phương Tây, nhất là từ miền Nam. Và đến bây giờ, chúng ta không còn là những người "thắng cuộc" nữa...tất cả đã xoay chuyển để chính chúng ta đang phải gỡ thế bí nhằm chuyển bại thành thắng trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Và bây giờ, sau nhiều lần bỏ lỡ những cơ hội để phát triển, tương lai vẫn nằm trong tay chúng ta vì không bao giờ là quá muộn để làm điều đúng đắn! 
Nếu không vì mục đích mà chỉ đặt quyền lợi lên trên tất cả thì sẽ không bao giờ có được kết quả mong đợi. Điều nguy hiểm là không phải chỉ từ tham lam mà còn từ nhiều thứ khác... Chúng ta phải thực hiện tất cả từ đầu, định dạng lại những gì cần thiết và định hướng cho từng lĩnh vực trong 1 cơ cấu khoa học từ thực tiễn và yêu cầu cấp bách hiện nay. Tập trung phát triển những thế mạnh có cơ sở vững chắc từ lâu đời, có truyền thống và uy tín cao đồng thời phát huy tất cả nội lực và tiềm năng cho những lĩnh vực mới chưa được khai thác hết...Tất cả đều từ con người và vì con người một cách toàn diện.
Với hai chữ R & D (Nghiên cứu và Phát triển) cốt lõi trong mọi lĩnh vực, chúng ta cần thực hiện cho được mục tiêu của mình để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, về những gì ta đang yếu kém và cả những gì ta đang có lợi thế. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải có được một môi trường thuận lợi để tất cả đều được thực hiện trong điều kiện mới, thông thoáng hơn, tốt đẹp hơn và tự do hơn. Ở Việt Nam hiện nay đang có quá nhiều cái xấu, sự việc xấu, nên không cần đắn đo nhiều khi phải lựa chọn. Có thể coi như ta xây dựng hoàn toàn từ hoang tàn, nhưng như vậy ta lại có được 1 lợi thế không nước nào có được là chúng ta sẽ thiết lập tất cả từ 1 nền tảng hoàn toàn mới/up to date được định hình và chọn lọc một cách tối ưu với sự giảm thiểu tối đa mọi nhược điểm, tránh xa những căn bệnh "cố hữu", giải thoát chính mình, hoàn toàn tự do trên con đường đi đến tương lai rộng mở ngày nay! Phải tạo được 1 nền tảng vững chắc, thay đổi những gì còn sơ khai/lệch lạc trước đây, và câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có loại bỏ được những gì không thích hợp, vốn là những tàn dư ngay trong chính chúng ta, cho cuộc đổi mới này  không? Từ sự hỗn độn của quá khứ, chúng ta sẽ xây dựng nên những kỳ quan hay vẫn chỉ là những gì không đáng có?
Tôi cho rằng, với chúng ta, cần quyết định được như Steve Jobs, khi xác định rằng: chọn cái gì không làm còn quan trọng hơn là chọn cái gì cần làm để khỏi tốn thời gian, công sức và tiền của. Việc khó/quan trọng trước tiên là dứt khoát loại bỏ những gì đã kìm hãm chúng ta, vốn là những nguyên nhân trầm trọng đã làm cho đất nước trì trệ và phải lệ thuộc vào TQ, như "cái đuôi không thể quẫy được con chó", chỉ tồn tại nhưng không thể phát triển được.
(Các bạn xem tiếp phần sau ở đây)

Cao Xuân Việt

2 comments:

  1. Các bạn xem thêm về Nghiên cứu và Phát triển trong đại học (bài của Ngô Quang Hưng) được post trên blog của Ái Việt ở đây:
    http://aivietnguyen.blogspot.com/2014/11/nghien-cuu-va-phat-trien-trong-ai-hoc.html

    ReplyDelete
  2. Một trong những thứ không nên làm là sân golf (SB Tân Sơn Nhất) và SB Long Thành.

    ReplyDelete