Monday, February 25, 2019

Bệnh tim thường gặp

Những điều cần biết về Bệnh mạch vành
1. Bệnh mạch vành là gì?
- Động mạch nuôi cơ tim gọi là mạch vành bị hẹp lại làm giảm lưu lượng máu qua chổ hẹp dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi.
- Bệnh có thể tiến triển từ từ có triệu chứng nặng dần hoặc không có triệu chứng.
- Bệnh có thể biểu hiện đột ngột do mạch máu tắc cấp gây Nhồi máu cơ tim (NMCT) với triệu chứng đau ngực dữ dội, khó thở, toát mồ hôi, nếu nặng có thể đột tử. Hoặc để lại di chứng suy tim, rối loạn nhịp tim, hở van tim.
2. Những yếu tố nguy cơ (YTNC) nào gây nên bệnh mạch vành?
- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp
- Rối loạn Lipid máu ( tăng LDL,Triglycerid, giảm HDL)
- Đái tháo đường
- Tiền căn gia đình
- Lối sống thụ động, stress
3. Làm thế nào để phát hiện bệnh mạch vành khi chưa bị NMCT?
- Tầm soát các YTNC
- Đo điện tim
- Siêu âm tim
- Dựa vào triệu chứng lâm sàng: đau ngực, hoặc mệt khi gắng sức. Bs Tim mạch sẽ hỏi tính chất, cường độ, hướng lan, thời điểm cơn đau, thời gian đau, cách khởi phát cũng như kết thúc cơn đau như thế nào, những yếu tố gây khởi phát, các triệu chứng đi kèm sẽ phán đoán đau ngực có phải do mạch vành hay không.
Tuy nhiên đau ngực có rất nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải chỉ do bệnh mạch vành.
4. Với các xét nghiệm máu trong giới bình thường, điện tâm đồ, siêu âm tim cũng bình thường, triệu chứng đau không điển hình hoặc không triệu chứng có thể loại trừ bệnh mạch vành hay không?
- Không thể loại trừ được
- Vậy phải làm sao ? Để tầm soát thêm bệnh nhân cần làm các trắc nghiệm gắng sức như: điện tâm đồ gắng sức ( bn được theo dõi điện tim trong lúc chạy bộ trên thảm lăn, hoặc đạp xe), siêu âm tim gắng sức... để tìm dấu hiệu thiếu máu cơ tim khi tim hoạt động trong trạng thái gắng sức.
- Một phương pháp cận lâm sàng khác để chẩn đoán là chụp MSCT mạch vành có cản quang có thể phát hiện được tổn thương gây hẹp lòng mạch ngay cả khi hẹp ít chỉ 30% đường kính lòng mạch. Thông thường hẹp trên 70% đường kính mới gây ra triệu chứng và cần can thiệp đặt giá đỡ (stent).
- Tuy nhiên ở những Bệnh nhân bị NMCT cấp thường có tổn thương mạch vành trước đó chỉ hẹp khoảng 50% đường kính nhưng võ bọc của tổn thương lại mỏng dễ vỡ và khi vỡ sẽ tạo ra cục máu đông che lấp hoàn toàn mạch vành đưa đến NMCT cấp có thể đột tử mà trước đây hoàn toàn khoẻ mạnh không có triệu chứng gì hết. Những bn có triệu chứng do tổn thương mạch vành có hẹp trên 70% nếu không điều trị cũng có thể dẫn đến NMCT sau này.
5. Khi nào cần đặt stent mạch vành hay mổ bắc cầu mạch vành?
- Khi bn có triệu chứng và tổn thương hẹp > 70% đường kính lòng mạch.
6. Đặt stent xong có khỏi bệnh không?
- bệnh vẫn còn đó, có thể tái phát bất cứ lúc nào mặc dù mạch máu đã được sửa chữa, tái phát có thể tại chổ đặt stent hoặc bất kể nơi nào trên mạch vành. Trung bình có 5-10 % bn sẽ bị tái phát sau khi đặt stent.
7. Phải làm gì sau khi đặt stent?
Tuyệt đối phải tuân thủ điều trị theo chỉ định bs chuyên khoa tim mạch. 2 loại thuốc không thể thiếu được sau đặt stent là “aspirin và clopidogrel” hiện nay Brilinta có thể thay cho clopidogrel, còn aspirin thì chưa có thuốc thay thế, nếu thiếu 1 trong 2 thứ trong thời gian đầu sau đặt stent sẽ tăng nguy cơ tắc cấp trong stent gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra còn hàng loạt các loại thuốc khác phải uống kèm theo.
8. Phải làm gì khi nghi ngờ bị NMCT?
- Lập tức đến ngay bệnh viện có chuyên khoa tim mạch, có can thiệp mạch vành.
- Thời gian lúc này phải quý hơn cả kim cương. Nếu đúng NMCT do tắc mạch hoàn toàn thì phải tái thông càng sớm càng tốt từ lúc khởi phát triệu chứng đến lúc tai thông < 1 giờ, 3 giờ cho kết quả tốt hơn sau đó. Càng chậm trể nguy cơ tử vong, suy tim càng cao.
- Thái độ xử trí của nhân viên y tế khi gặp NMCT do tắc hoàn toàn mạch vành (biểu hiện trên ECG đoạn ST chênh lên) là hết sức khẩn trương sao cho từ lúc nhập viện đến khi tái thông mạch máu phải dưới 60 phút. Bệnh nhân và người nhà phải hiểu được tình trạng cấp cứu và hợp tác tích cực với nhân viên y tế.
- Chi phí điều trị thông tim rất đắt, nếu bn có BHYT sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính.
Ps: viết theo đơn đặt hàng của bs vợ.
Trưa nay vừa cấp cứu cho một bn nam chỉ mới 28 tuổi: không hút thuốc, không cao huyết áp, không đái tháo đường, lipid máu trong giới hạn bình thường. Nhưng chỉ có 1 YTNC duy nhất là cha ruột bn bị NMCT đột tử năm 40 tuổi. Bn bị tắc mạch vành do huyết khối, dùng catheter hút ra được nhiều cục máu đông trong mạch vành phải (Hình ảnh đính kèm). Sau can thiệp bn ổn hết đau ngực.
Tóm lại rất khó để loại trừ hoàn toàn khả năng bệnh mạch vành. Chỉ có thể biết nguy cơ bị bệnh thấp hay cao!

FB bs Nguyễn Trung Quốc
Viện Tim TPHCM

No comments:

Post a Comment