Sunday, February 3, 2019

Cuối năm bàn chuyện bóng đá Việt Nam

Năm Âm lịch vừa qua là năm thành công với bóng đá nước nhà vì vậy vào giờ khắc cuối năm nói chuyện một chút.
Tôi sẽ không nói những điều hay, vì ai cũng đã nói nhiều và đủ. Tôi sẽ nói những điều có thể và cần hay hơn.
Thành công của các đội tuyển VN là loại thành công ngắn hạn là cách nhanh chóng nhất tạo ra thành tích, nhưng không phải cách đi tới đỉnh cao.
Các bình luận viên khen HLV Park Heang Seo cao tay, mỗi trận có một bài tủ mới lạ. Đó là cách nhìn rất lạc quan nhưng có phần tếu. Cách nói khác, khó nghe hơn, nhưng cũng không kém phần sát sự thực là các đội tuyển của chúng ta không có phong cách gì ổn định. Một đội bóng không thể thành công mãi nhờ vào yếu tố bất ngờ, bài tủ, vì không có những miếng đánh sở trường tạo thành chiến lược. 
Trước hết, ta hãy bàn về hàng thủ, được coi là điểm tựa cho cái gọi là "chiến thuật phòng ngự phản công". Hàng thủ của Việt Nam phòng ngự quá tiêu cực, gồm 3 trung vệ, 2 hậu vệ biên và hai tiền vệ phòng ngự trung tâm. Điều đó mang lại hiệu quả với những đội bóng không sắc sảo, sử dụng số đông, dẫm lên vị trí của nhau. Tuy vậy, đội hình dễ bị xáo trộn, cự ly không tốt khi bị gây sức ép bằng những cú lật cánh nhanh, lộ ra nhiều khu vực hoàn toàn trống. Mặt khác, một hàng phòng ngự nhận quá nhiều bàn thua từ tình huống cố định như từ giải AFF đến Asian Cup vừa qua, không thể nói là tốt. Chúng ta không nhận nhiều bàn thua hơn nhờ may mắn. Điểm đáng nói, chúng ta chưa có phương án nào khắc phục điểm yếu cố hữu đó, bởi vì nhược điểm nằm trong chính chiến lược tổ chức đội hình phòng ngự của ta. Điểm cuối cùng, là hàng phòng ngự của ta phát động tấn công không hề tốt, chủ yếu là phá bóng vu vơ. Thậm chí thủ môn là vị trí khá nhất phát động tấn công cũng ở trình độ trung bình, vô thưởng vô phạt. Ở 3 vị trí trung vệ chỉ có Đình Trọng là thông minh, ít lỗi, Ngọc Hải có ưu điểm là lăn xả và có thể làm chỗ dựa tinh thần cho đồng đội, nhưng cũng chưa giỏi trong việc chọn vị trí, quan sát đội bạn hay để trống vị trí cho các tiền đạo đội bạn ngay sau lưng. Duy Mạnh, Tiến Dũng, nhiệt tình có thừa, đôi khi có những pha tranh chấp đẹp mắt nhưng rất nhiều lỗi. Tôi nghĩ phải rút Văn Hậu và Văn Thanh về sâu hơn củng cố hàng thủ và bớt dẫm lên chỗ của hàng tiền vệ. Trọng Hoàng sẽ đẩy cao hơn và rút về hỗ trợ phòng thủ trung tâm.
Điểm yếu của hàng tiền vệ hình thức hiện nay là không có playmaker, điều đó làm đội tuyển không có lối chơi sắc nét và phải dựa trên cầu may. Hùng Dũng và Huy Hùng, tuy có vẻ hay và chắc chắn hơn Xuân Trường, nhưng kém về sáng tạo, nên chỉ ở mức tròn vai trong chiến lược phòng thủ. Mặt khác, họ thu hồi bóng, đánh chặn, chọn vị trí, đeo bám, quyết liệt phạm lỗi từ xa cũng không thật xuất sắc. Chính vì vậy, Quang Hải và Văn Đức phải vận động quá nhiều ở khu vực giữa sân, dẫn đến mòn thể lực trong các giải dài hơi, không tận dụng được các pha đột biến sút xa của Quang Hải, cũng như leo biên hoặc xoay trở nhanh của Văn Đức. Nếu Tuấn Anh không thể phục hồi và Xuân Trường không lấy được phong độ, cần có một tiền vệ xuất sắc (tốt nhất là 2 để đề phòng rủi ro và thay đổi chiến thuật) cầm được nhịp của trận đấu như Quốc Vượng và Quốc Anh trước kia. Hai tiền vệ còn lại có thể là Trọng Hoàng và một người khác ở cánh trái, cố gắng bó vào trung lộ, có thể lùi về lấp khoảng trống giữa hậu vệ biên và trung vệ. Thực tế, khi Văn Hậu và Trọng Hoàng tràn lên, Văn Đức và Quang Hải lùi về, khu giữa sân hiện nay bị chật chội dẫm lên chân của Huy Hùng và Hùng Dũng tạo ra rối loạn, khi đối phương có các triển khai nhanh ít chạm. Số đông ở khu vực này là vô nghĩa nếu chúng ta không tổ chức đánh chặn được ở giữa sân, kể cả kiên quyết phạm lỗi. Các pha tạo ra bàn thua của Việt Nam thường phối hợp 2 người, áp sát khu 16m50 và vượt qua khu vực giữa sân rất nhanh, nên ưu thế về quân số ở đây không phát huy tác dụng.
Hàng tiền đạo có vẻ có chất lượng tốt ở từng cá thể. Tuy vậy, đá sơ đồ hàng ngang 3 người không thích hợp. Một mặt Quang Hải bị biến thành tiền vệ công, phải dắt bóng ở khoảng cách xa, khó gây đột biến và dễ bị chém, vừa rồi không chấn thương là may mắn, và chủ yếu do các cầu thủ Tây Á đá không ác ý. Nhưng gặp các đội trong khu vực như Indo, Malaiy, Miến thì chưa chắc. Bên cạnh đó, khi dắt bóng xa, Quang Hải khó tung ra các cú sút sở trường. Người thuận lợi dắt bóng xa nhất có lẽ là Văn Quyến hoặc Quốc Anh. Hồng Duy và Văn Toàn cũng có chút tố chất đó, nhưng không đột biến và hay mất bóng một cách lãng xẹt. Quang Hải nên để tự do hơn và nên được hỗ trợ bởi Trọng Hoàng ở trung tuyến để nhiệt hơn trong khoảng cách 30-40m đến cầu môn. Tốt nhất anh chỉ nên giữ bóng 1-2 nhịp rồi bật tường hoặc sút nhiều hơn. Đối tác bật tường có thể là Trọng Hoàng và một ai đó như Anh Đức hoặc Văn Đức. Muốn vậy anh phải gần cầu môn và trung tâm hơn.
Văn Đức, có ưu thể leo biên và xoay trở trong khoảng cách hẹp, nhưng dễ bị khóa ở khu vực đá phạt góc. Anh nên bật nhả với cầu thủ chạy cánh như Văn Hậu hoặc tiền vệ cánh để xẻ vào sát khu 16m50 và xuống gần hết đường biên ngang, khi đó các cú tạt vào trong sẽ vô cùng sắc bén, mặt khác anh có thể ập vào ở làn sóng thứ hai để đón các cú phá bóng ra lập bập hoặc bật tường với trung phong cắm. Việc sử dụng Văn Đức như trung phong cắm trong mô hình 2 tiền đạo, có lẽ không phải ý tưởng tồi. Khi anh không bị vắt kiệt sức như vừa rồi, Văn Đức rất khó cản vì anh là chuyên gia về giải pháp đơn giản và bất ngờ.
Công Phượng không phải là một trung phong tốt, do khá rườm rà, phập phù trận hay trân dở, không phối hợp tốt, chỉ chuyền bóng trong các tình huống tăm tối mà nên đá như một hộ công, lùi một chút, quấy nhiễu từ trung lộ đến hai bên của khu 16m50, đặc biệt với các hậu vệ mạnh mẽ to cao nhưng chậm chạp, anh sẽ là hung thần. Nếu có tiền đạo như Anh Đức, Công Phượng chỉ nên dự bị như tại AFF. Thậm chí dùng Văn Toàn hay Đức Chinh có thể phối hợp tốt với Quang Hải và Văn Đức tốt hơn Công Phượng. Trong trận với Nhật, nhiều lần Hải và Đức chuyền cho Phượng xong, phải chạy lẽo đẽo sau lưng Phượng để đón bóng cầu may nếu Phượng bị vấp vào ai đó và ói bóng ra. Mọi người phê phán Đức Chinh nhiều vì trông có vẻ anh bỏ lỡ nhiều cơ hội. Thực tế, một cầu thủ kém hơn Đức Chinh sẽ không có cơ hội để bỏ lỡ. Bỏ lỡ nhiều cơ hội nghĩa là anh rất gần cơ hội làm bàn, chứng tỏ anh phối hợp và chạy chỗ đón các đường chuyền của đồng đội tốt và sức rướn của anh cũng tốt. Tôi nghĩ để Văn Đức-Văn Toàn (hoặc Anh Đức, Đức Chinh, Tiến Linh) đá hai trung phong cắm, Quang Hải- Công Phượng ( hoặc Hồng Duy, Hùng Dũng) đá hộ công, Trọng Hoàng và Tuấn Anh (Đức Huy hoặc Huy Hùng, Xuân Trường) là cặp tiền vệ thu hồi bóng-kiến tạo ở giữa sân, đồng thời rút về bổ sung cho hàng hậu vệ trung tâm. Văn Hậu- Văn Thanh hoặc (Xuân Mạnh, Duy Mạnh) hậu vệ cánh, cặp trung vệ Đình Trọng- Ngọc Hải (dự bị là Tiến Dũng) là một thử nghiệm không tồi.
Trước hết đội hình sẽ cân bằng và nhịp nhàng, tránh dẫm lên chân nhau vừa bỏ trống các vị trí hơn. Đặc biệt là sẽ có bản sắc vì khai thác được thế mạnh của một số vị trí cố định trên sân và trước hết phải tạo ra được một nhạc trưởng ở giữa sân có khả năng thay thế cho Tuấn Anh khi cần.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

7 comments:

  1. Thinh Tran Duc: Bác phân tích tuyệt vời ah.
    Nhưng cháu e Tuấn Anh ko còn cơ hội lên tuyển; Xuân Trường và một số cầu thủ khác đã chững lại, Trọng Hoàng thì luống tuổi.
    Duy Mạnh và Tiến Dũng đá tối và hay bỏ vị trí, hơn nữa dễ bị tâm lý mà mắc lỗi; ở khía cạnh khác Ngọc Hải tuy tiến bộ nhưng vẫn manh động với những tình huống năm ăn năm thua.
    Huy Hùng và Hùng Dũng hay nhưng mới ở phòng ngự, Hùng Dũng nếu hoàn thiện hơn trong những pha chặt bóng phát động vượt tuyến thì rất ổn đấy ah. Trong khi đó Minh Vương phát động khá đc nhưng có vẻ vì đc đá ít nên còn ko bắt nhịp đc.
    Giờ nhìn vào những cá nhân có thể phát triển thì thấy có Văn Đức, Quang Hải, Văn Hậu và Đình Trọng(ổn định).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Đồng ý, nên xây dựng đội tuyển có phong cách ổn định xung quanh Văn Đức, Quang Hải, Văn Hậu và Đình Trọng. Thực ra cụ Park không chịu khó tìm chứ chắc kiếm một người thay được Tuấn Anh khó gì. Đợt AFF và Asian vừa rồi tôi sợ nhất là Trọng Hoàng không đá được, vì không ai thay thế được. Các vị trí khác thay được tất.

      Delete
    2. Thinh Tran Duc: Vâng, bác Pak có phần thận trọng nhưng lại quá ưu ái cho những cái tên quen thuộc kể cả khi họ ko có phong độ ổn định trong một thời gian dài(trg hợp XT là điển hình).
      Hiện tại tiền vệ cánh và tiền vệ tổ chức cháu nghĩ ngay trong tuyển cũng có thể có ng phù hợp, vấn đề là tin tưởng và tạo cơ hội thôi ah.

      Delete
    3. Aiviet Nguyen: Đồng ý, nên xây dựng đội tuyển có phong cách ổn định xung quanh Văn Đức, Quang Hải, Văn Hậu và Đình Trọng. Thực ra cụ Park không chịu khó tìm chứ chắc kiếm một người thay được Tuấn Anh khó gì. Đợt AFF và Asian vừa rồi tôi sợ nhất là Trọng Hoàng không đá được, vì không ai thay thế được. Các vị trí khác thay được tất.

      Delete
  2. Do Quang Binh: Bác phân tích hay như ... một CĐV nhiệt tình :)

    ReplyDelete
  3. Thật sự là nước có nền bóng đá mạnh là khi thành phần ĐTQG gồm những tuyển thủ kỳ cựu, những chiến binh hàng đầu từng trải qua nhiều giải đấu, đạt nhiều thành tích cao... là những đấu thủ mạnh nhất của các đối thủ hàng đầu ko chỉ ở giải thi đấu trong nước.
    1 đội tuyển như thế, trong thành phần trụ cột chỉ có rất ít các tuyển thủ U23 mà thôi.
    Chúng ta đang ở giai đoạn đầu trong quy trình phát triển bóng đá thật bài bản, vẫn còn sơ khai và rất nhiều việc phải làm trong việc xây dựng 1 ĐTQG có tầm vóc vượt ra ngoài ĐNA. Cần có 1 đội ngũ tuyển thủ đẳng cấp international ở độ tuổi/kinh nghiệm vào độ chín muồi để có thể thi đấu ở mức độ cao nhất về mức độ thuần thục trong kỹ năng xử lý tình huống và cả thể lực, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chiến thuật trong cả tấn công cũng như phòng thủ một cách linh hoạt, ngẫu hứng và biến hóa khôn lường.

    ReplyDelete
  4. Hong Nhat Do: Anh ơi , mình có thắng trong đá bóng cũng như mình thắng Mỹ trong chiến tranh thế kỷ trước . Người thì bé tẹo , kỹ thuật thì thấp , lấy sức người và ý chí thay cho vật chất và thể lực . Thế mà ăn là may mắn và cố gắng lắm rồi . Thực ra ko ai hy vọng hơn cả

    ReplyDelete