Tuesday, May 7, 2019

Kể chuyện Điện Biên: DÂN CÔNG CHA ĐỂ SAU HỒI

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi hồi tưởng lại một số hình ảnh đầy thân thương của Bố Mẹ tôi ngày đó, ngày quân và dân cả nước ta dốc hết sức người và sức của cho chiến thắng ở chiến trường đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. 

Câu chuyện này tôi được mẹ tôi kể lại lúc tôi lên 8 tuổi, trong một buổi sáng mùa đông cùng mẹ quây quần bên bếp lửa. Ngày đó con nít 8 tuổi còn ngờ nghệch lắm, không khôn như lũ trẻ bây giờ… Trong đời, mẹ tôi là con người vĩ đại nhất đối với tôi. Người thông minh, chịu thương, chịu khó, thương chồng con hết mực. Trong câu chuyện này tôi chỉ kể một kỷ niệm nhỏ về Người…



Thời đó, đầu những năm 1960 Bố Mẹ tôi vào HTX nông nghiệp, làm lụng vất vả quanh năm, một mùa 6 tháng chỉ được chia 130 kg thóc cho 7 miệng ăn, tính ra trung bình 2kg gạo cho một miệng ăn trong một tháng, nên lúc nào cũng đói, cũng thiếu ăn! Chuyện này có dịp sẽ nhắc lại…

Một lần ngồi bên bếp lửa, Người kể cho tôi nghe câu chuyện ngày anh tôi lên 3 tuổi, ngày bố tôi vừa từ chiến dịch Điện Biên Phủ trở về…

Ngày nay xem thời sự, đọc Internet người ta nói nhiều về những câu chuyện cảm động của lực lượng dân công hoả tuyến phục vụ chiến dịch ĐBP. Tuy nhiên chủ yếu là những hình ảnh về các đoàn xe đạp thồ chuyển gạo ra chiến trường, ít có hình ảnh về những người dân công chuyển hàng ra tiền tuyến bằng đôi quang gánh đè nặng đôi vai hay gùi trên lưng. Làng tôi gia đình Họ nào có 2 người thì một người tham gia dân công hoả tuyến, hoặc là đi dân công Hoà Bình, hoặc là đi dân công Thượng Lào. Dân công gánh gạo từ Nghệ An ra tới Hoà Bình, từ đây các tốp dân công của các tỉnh bạn chuyển tiếp ra chiến trường chính Điện Biên Phủ. Bố tôi thường đi dân công thay cho bác tôi và đi thành nhiều đợt. Trong chiến dịch Thượng Lào (13.4-18.5.1953), khi tôi chưa sinh, anh tôi 2 tuổi bố tôi đi dân công gánh hàng tới tận Xiêng Khoảng, Sầm Nưa Thượng Lào. Đầu năm 1954, anh tôi lên 3, tôi chưa đầy tuổi Bố tôi lại đi dân công Hoà Bình phục vụ Chiến dịch ĐBP (13/3 đến 7/5/1954). Mẹ tôi một mình ở nhà lo kiếm ăn nuôi con nhỏ vất vả lắm. Vì hoàn cảnh éo le, Mẹ tôi xin ra khỏi Đảng. Việc Mẹ tôi từng là đảng viên thời kỳ bí mật và việc mẹ xin ra khỏi Đảng 6 anh em trong nhà không ai biết. Mãi tới năm 1991 tôi mới biết điều này…

Năm 1971 khi đang ở Xưởng Quân khí X41/QK4, tôi được đơn vị cử đi học. Bác Khoát, phụ trách chính trị đơn vị về tận nhà thẩm tra lý lịch có ghi vào Bản nhận xét: “Mẹ đ/c Hải từng là đảng viên thời kỳ bí mật trước năm 1945”. Dựa vào bản nhận xét thẩm tra, Thủ trưởng Xưởng trưởng Đại uý Nguyễn Kiếm đã ghi nhận xét có nêu lại “mẹ là đảng viên thời kỳ bí mật” và đề nghị cử tôi đi học lớp quản lý xí nghiệp ở Hà Bắc để khi trở lại Xưởng đảm nhận nhiệm vụ “Kế hoạch Vật tư” (Mãi tới năm 1991, sau khi hoàn thành nhiệm vụ NCS ở Tiệp về, tôi nhận cầm tay Hồ sơ cán bộ từ Đoàn 871 về nộp lại cho đơn vị tôi mới biết bản nhận xét này).

Sau khi biết thông tin mới về Mẹ, tôi tìm dì Tuệ, người em ruột của Mẹ, nhờ dì kể lại những năm tháng hoạt động của mẹ trong lòng địch. Theo lời Dì kể lại, Mẹ nhiều lần tham gia thuyết trình tuyên truyền đường lối cách mạng ở sân vận động Thị trấn Đô Lương có hàng ngàn người dân tham dự (dưới thời thực dân, phong kiến mà dân ta cũng được thực hiện “Quyền con người” mà không bị bắt nhốt!). Mới 18 tuổi nhưng Mẹ đã có trình độ nói chuyện trước đám đông rất tốt. Nói xong là phải rút lui ngay, tránh mật thám theo dõi, bắt bớ. Cách mạng thành công, mẹ tham gia dạy bình dân học vụ và có nhiều hoạt động khác trong các đoàn thể…

Hai mươi bốn tuổi lấy bố, rồi lần lượt anh em tôi ra đời. Những năm tháng Bố đi dân công hoả tuyến, một mình mẹ nuôi hai con nhỏ, thiếu thốn trăm thứ, Mẹ làm đơn xin ra khỏi Đảng để có thời gian chăn sóc chúng tôi. Ngày xưa đảng viên thực sự là những tấm gương hy sinh vì nước vì dân, không màng danh lợi. Ra khỏi đảng để trở thành thường dân có nghĩa là Mẹ đã “thoái thác” một phần trách nhiệm… Giá như ngày đó Mẹ vẫn ở lại trong Đảng, chắc sau này được “thoát ly”, cuộc đời sung sướng hơn nhiều so với đời thực của Mẹ phải chịu đựng sau này…

Trở lại câu chuyện đi dân công của Bố. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bố trở về quê bên vợ con tiếp tục cày cuốc làm nghề nông. Đôi quang gánh dân công đã theo cha đi suốt chiến trường, vượt đèo, lội suối, nay trở về không nỡ vứt đi, bố để sau hồi nhà. Anh tôi lên 3 bập bẹ học nói, học hát nên suốt ngày cứ bi bô câu hát “DÂN CÔNG CHA ĐỂ SAU HỒI”. Câu hát ngô nghê của trẻ thơ đã ăn sâu vào ký ước của Mẹ, để nhiều năm về sau Mẹ vẫn nhớ đem kể lại lần lượt cho 6 anh em chúng tôi. Câu chuyện này cũng theo tôi theo suốt gần 60 năm qua. Năm nay kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng ĐBP, nhớ tới Hương Hồn Bố Mẹ trên Trời, tôi ghi chép lại câu chuyện này. Câu chuyện “DÂN CÔNG CHA ĐỂ SAU HỒI” đã thôi thúc tôi làm mấy câu thơ tưởng nhớ Bố Mẹ.

DÂN CÔNG CHA ĐỂ SAU HỒI

Ngày đó anh tôi lên 3 tuổi
Tôi bé tẻo teo đang chập chững học đi
Bố Mẹ tôi chưa tới tuổi 30
Gia đình sống yên vui, hạnh phúc…

Cả nước hăng say lên đường đánh giặc
Chiến dịch Điện Biên thắng Pháp lẫy lừng
Bỏ lại 3 mẹ con, Bố đi dân công hoả tuyến
Gánh bộ ngày đêm lội suối, băng đèo…

Vượt hàng trăm cây số đường rừng vất vả gian lao
Cõng hạt gạo từ quê mẹ Đô Lương ra tận Điện Biên tiền tuyến
Cha vất vả vượt đường rừng gánh hàng ra mặt trận
Mẹ cực nhọc ở lại hậu phương nuôi các con lớn khôn …

Con nhỏ, trăm thứ lo toan, thiếu thời gian, mẹ xin ra khỏi Đảng
Mẹ hy sinh riêng mình dành tất cả cho chúng con
Mẹ vào Đảng năm 1945 khi tuổi vừa tròn 18
Tận ngày thoát ly ra đi làm cách mạng
Con mới biết điều này
Qua bản thẩm tra lý lịch tự khai
Bác bí thư già Chi bộ thôn cho biết vậy…

Sau Chiến thắng Điện Biên Bố về quê trở lại
Cùng vợ con tiếp tục bươn trải ngày ngày
Đôi quang ghánh dân công đã theo Cha đè nặng đôi vai
Cha để lại sau hồi còn vương dấu tích chiến trường bụi bặm
Anh tôi ba tuổi chỉ hát một câu suốt ngày không chán:
“DÂN CÔNG CHA ĐỂ SAU HỒI”…

Đôi quang ghánh dân công đã đi vào tư duy tuổi trẻ anh tôi
Là nốt nhạc đầu đời của anh ngày bé
Là kỷ niệm của mẹ về đứa con lên ba
Là kỷ niệm về Cha
Người đã góp sức cho chiến thắng Điện Biên năm ấy…

Khi tôi lớn khôn, bên bếp lửa mùa đông mẹ tôi kể lại
Về câu hát ngô nghê của anh ngày bé:
“DÂN CÔNG CHA ĐỂ SAU HỒI”
Hơn nửa thế kỷ đã qua vẫn đọng mãi trong tôi
Lời Mẹ kể theo tôi hoài năm tháng…

Năm nay cả nước lại hân hoan kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng
Trận đánh Điện Biên lừng lẫy địa cầu
Giờ đây Bố mẹ đã quy Tiên, đã thoát hết khổ đau
Con xin được thắp nến hương tưởng nhớ
Thương Bố Mẹ một thời gian khổ
Chúng con chưa kịp đáp đền…

Câu chuyện xưa, nay kể lại với cháu con
Dạy chúng biết “uống nước nhớ nguồn”
Luôn ghi nhớ công ơn
Của thế hệ Cha Ông đi trước
Đã chiến đấu hy sinh bảo vệ quê hương, Đất nước
Để có được hoà bình, hạnh phúc hôm nay.

Hà Nội 30/4/2019 - Phan Văn Hải

Ảnh dưới: Được chụp bên hầm tướng de castries cánh đây 15 năm, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/2004, nay căn hầm này đã được lợp mái che).



No comments:

Post a Comment