Saturday, May 4, 2019

Xin lỗi và cảm ơn

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong môi trường chiến tranh ít xin lỗi và cảm ơn, trong mọi thứ tiếng tôi hay dùng lộn bậy "xin lỗi" và "cảm ơn". Mặc dù chú ý sửa, nhưng khi lúng túng hay hoảng hốt tôi vẫn nhầm như thường.
Trong một số trường hợp, mặc dù hơi kì dị nhưng dùng nhầm vẫn ổn. Có khi lại được tôn vinh bởi các lý lẽ cao siêu. Chẳng hạn trong các buổi dạ tiệc, người ta serve cho mình món thịt nướng hay thịt tái, nói "Xin lỗi", người thường sẽ cho là mình hâm, một số người khác sẽ lý giải mình có tấm lòng bồ tát, luôn tự vấn lương tâm trước khi chuyển hóa và đồng hóa chúng sinh.
Tuy nhiên, kỷ niệm kinh hoàng nhất về lầm lẫn hai chữ này cũng liên quan tới một cô gái. Hồi đó tôi mới học năm thứ nhất, giờ Toán và Lý đại cương đều chung giảng đường với sinh viên ngành Sư phạm Toán Lý. Ngành này thì nhiều các em vừa xinh vừa dễ thương. Trong đó có một em nhỏ nhắn, xinh xắn như thiên thần, tóc hạt dẻ, trông giống Juliette trong phìm Romeo& Juliette. Tên em hay và lạ, nhưng tôi quên béng, vì cứ gọi em là Julia. Tất nhiên là hai đứa bắt đầu nhìn nhau. Cách nhìn của em này không sỗ sàng, mà kín đáo, nhưng có chút liều lĩnh, kiểu Julia.
Tôi rất muốn bắt chuyện với em, nhưng chưa có dịp. Một lần may mắn thế nào lại kiếm được chỗ ngồi ngay đằng sau em trên Đại giảng đường giờ Giải tích, là môn tủ của tôi. Hôm đó quyết làm nên sự nghiệp long trời lở đất, thì xảy ra sự cố "từ điển". Số là Đại giảng đường dốc, hàng ghế sau cao hơn ghế trước, nên lưng em ngang với chân tôi. Hôm đó nghe GS giảng về các hàm liên tục trên tập biến gián đoạn, khoái quá, tôi bèn duỗi chân ra thì nghe cái "hự". Té ra là tôi đã đạp vào lưng em một phát ra trò. Lạnh hết cả người. Trong cơn hoảng loạn tôi nghe thấy tiếng mình nói "Cảm ơn".


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

3 comments:

  1. Chuyện xưa hay thật ! Chắc cô ấy đẹp lắm, chỉ có "người đẹp" như thế mới làm cho AV hoảng loạn thôi hehe...

    ReplyDelete
  2. Do Xuan Phuong: Em đồng đạo tu thiền nên xin phép biện hộ ạ. Ăn uống có hai khía cạnh thuộc về duy vật và duy tâm.. Duy vật là tiêu hóa và hấp thu năng lượng + vật chất cho sự sống mà ai cũng biết. Còn duy tâm là cảm xúc, nhận thức và thái độ của con người khi ăn uống thì ít người biết hơn.
    Cụ thể "duy tâm" khi ăn là cổ ngữ "Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị". Bí quyết của ăn ngon không phải chỉ do món ăn hảo hạng mà còn do người ăn chú ý vào thưởng thức nó. Tuy nhiên sau khi "tri kỳ vị" rồi lại nảy ra chuyện mà Đạo Đức Kinh viết là "Ngũ sắc lệnh nhân mục mạnh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng" . Ăn ngon quen mồm thì sinh tham lam, muốn ăn ngon nữa và thúc đẩy hành động kiếm ăn vượt quá nhu cầu thật sự của cơ thể.
    Túm lại, ăn chay theo Thiền là để tu tâm, ăn đủ mức dinh dưỡng và để thưởng thức sự tinh tế của vị giác (tinh tế thế nào thì có lý giải khác dài dòng nên không tiện viết). Bonus là xúc giác, khứu giác cũng có độ tinh tế không kém gì mắt tai và lưỡi, cho nên "duy tâm" áp dụng được cho mọi loại 'chén' ạ. :)

    ReplyDelete