Sunday, April 26, 2015

Chiến tranh Việt Nam: Tiến sĩ Lê Kiên Thành và điếu thuốc lá sau 20 năm của TBT Lê Duẩn

Chưa bao giờ, trong những cuộc trò chuyện, tôi hỏi Tiến sĩ (TS) Lê Kiên Thành những câu hỏi thẳng thắn, sòng phẳng, thậm chí đôi khi có thể khá khó chịu về cha ông - cố Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn như trong buổi trò chuyện này. Và ông đã đáp lại bằng sự thẳng thắn thậm chí còn vượt cả sự chờ đợi của tôi.

40 năm sau ngày đất nước thống nhất, có lẽ đây là thời điểm hợp lý hơn bao giờ hết để hiểu thêm một phần về cố TBT Lê Duẩn và những đóng góp của ông trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

- Phóng viên: Thời điểm năm 1957, khi Bác Hồ mời ông Lê Duẩn từ miền Nam ra miền Bắc và được Trung ương bố trí làm Tổng Bí thư, đã có rất nhiều người bất ngờ. Khi đó, ai cũng đinh ninh rằng một số đồng chí có uy tín cao ở miền Bắc và là những học trò xuất sắc của Bác sẽ được chọn vào vị trí đó. Nhưng cuối cùng, cha ông lại là người được chọn. Có bao giờ, lúc còn sống, cha ông kể cho ông nghe về lý do của quyết định ấy?

- Tiến sĩ Lê Kiên Thành:  Đối với cha tôi, đó mãi mãi là một câu hỏi cho đến tận cuối đời. Cha tôi từng tâm sự với  tôi rằng, thật ra cho đến trước thời điểm ông ra miền Bắc năm 1957, ông là một trong những người ít gần Bác Hồ nhất. Cha tôi hoạt động cách mạng suốt từ Bắc vào Nam. Nhưng ông chưa từng gặp Bác trước đó cho đến lần gặp đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cha tôi trở về từ nhà tù Côn Đảo. Ông ra Bắc gặp Bác Hồ ở Hà Nội. Trong cuộc gặp đó, ông là người “cãi” lại Bác trong nhiều chuyện.
Cha tôi kể lúc đó Bác Hồ đã nhìn ông với ánh mắt đầy ngạc nhiên, bởi xung quanh hầu như mọi người đều nhất mực nghe Bác. Chính cha tôi cũng không biết, buổi gặp đầu tiên đó, ấn tượng của Bác dành cho ông là thế nào. Nhưng với tính cách của cha tôi, ông không bao giờ ngại những điều đó.
Năm 1948, Bác Hồ và Trung ương cử ông Lê Đức Thọ vào miền Nam chấn chỉnh Xứ ủy Nam Kỳ vì đã có những hoạt động khác với đường lối chung của Trung ương Đảng chỉ thị. Và có thể sẽ bố trí ông Lê Đức Thọ làm Bí thư Xứ ủy.
Suốt 5 ngày đầu tiên khi ông Lê Đức Thọ thay Trung ương phê bình Xứ ủy, nhiều người trong Xứ ủy xôn xao bàn tán, nhưng cha tôi ngồi im ghi chép tất cả ý kiến của Trung ương. Hai ngày cuối cùng, ông mới nói. Ông giải thích tất cả những việc Xứ ủy làm, tại sao làm, kết quả như thế nào. Sau hai ngày đó, ông Lê Đức Thọ đứng lên đánh giá ghi nhận việc làm của Xứ ủy Nam Kỳ và nói một câu cuối cùng trước khi kết thúc hội nghị: “Tôi sẽ xin phép Bác Hồ ở lại làm phó cho anh Ba”.
Tôi không biết bằng cách nào, cha tôi, sau hai ngày nói chuyện, đã thuyết phục được ông Sáu Búa (tên gọi thân mật của ông Lê Đức Thọ) - một người nổi tiếng cứng rắn có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.
Năm 1955, khi bộ đội và cán bộ cách mạng tập kết ra Bắc, cha tôi xin Bác ở lại miền Nam. Ngày chia tay, cha tôi nói với ông Lê Đức Thọ một câu: “Anh ra báo cáo với Bác, không phải hai năm, mà có thể phải hai mươi năm nữa, tôi mới được ra gặp Bác”. Ngay thời điểm mà nhiều người ở cả miền Nam và miền Bắc vui mừng về Hiệp định Genève, chúng ta đã biết, sẽ không bao giờ có tổng tuyển cử, không bao giờ chỉ là hai năm. Cha tôi nói ông đã khóc rất nhiều khi nhìn những gia đình miền Nam trước khi ra Bắc tập kết đã giơ hai ngón tay - hẹn 2 năm sau gặp lại...
Nhưng sau khi ông Lê Đức Thọ ra, miền Bắc vướng phải sai lầm trong cải cách ruộng đất. TBT Trường Chinh xin từ chức. Lúc đó Trung ương đang tìm người thay thế ông Trường Chinh. Như lời ông Lê Đức Thọ sau này kể lại thì ông chính là người đề cử cha tôi với Bác Hồ. Ông Lê Đức Thọ nói: “Thời điểm này, với những nhiệm vụ cách mạng được đặt ra, không ai xứng đáng hơn là anh Ba”. Có lẽ, việc cha tôi là người gắn bó hơn cả, hiểu cách mạng miền Nam hơn cả, là một trong những nguyên nhân ông được Bác gọi ra Bắc.
Thế nhưng lúc đó cha tôi lại nghĩ rất khác. Ông nghĩ rằng, nếu nói ông là người hiểu miền Nam, thì tại sao không để ông ở lại? Mà ông thì vô cùng muốn ở lại sát cánh cùng đồng bào miền Nam. Cha tôi từng kể, thời điểm đó, ra miền Bắc là điều ông không muốn, vì cách mạng miền Nam còn bao việc bề bộn, số phận của cách mạng miền Nam có nguy cơ đi đến hồi chấm hết, khi mà Mỹ - Ngụy đi đến từng thôn ấp tìm diệt những cán bộ cách mạng còn ở lại, trong khi chúng ta, vì tôn trọng cam kết Hiệp định, đã không thể vũ trang chống lại. Nhưng dù ông tha thiết xin ở lại, Bác Hồ lại vô cùng cương quyết. Bác đã đánh 3 bức điện vào miền Nam yêu cầu cha tôi ra. 
Sau này, cha tôi nhận ra rằng, việc ông được điều ra là đúng. Bởi vì ra là đấu tranh để đi đến thống nhất về đường lối cách mạng miền Nam.

- Liệu khi ra miền Bắc, cha ông có phải đối mặt với khó khăn?

- Thời điểm cha tôi ra, ảnh hưởng của cải cách ruộng đất đến uy tín của Đảng vẫn còn nặng nề. Bác Hồ đề nghị cha tôi là Bí thư thứ nhất, kiêm chức vụ khác. Nhưng cha tôi nói: “Thưa Bác, tôi đề nghị Bác bố trí các đồng chí khác cùng gánh vác”. Sau khi tính toán kỹ, Bác cùng Trung ương sắp xếp ông Trường Chinh làm Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng.
Trong sâu thẳm, cha tôi nghĩ rằng, sẽ là không công bằng với ông Trường Chinh khi một mình ông phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho những sai lầm cải cách ruộng đất, nhất là với những công lao, những cống hiến của ông cho cách mạng - người vào sống ra chết với cách mạng Việt Nam suốt từ những năm 1930 đến giờ.
Đề nghị đó của cha tôi cùng những quyết định sáng suốt của Bác đã khiến những nguy cơ xung đột trong lãnh đạo Đảng, như một số người lo ngại không xảy ra. Sự thay đổi lớn về vị trí lãnh đạo này đã không tạo ra những mâu thuẫn, mà ngược lại đã khiến trong những người đứng đầu của Đảng có sự đoàn kết cao, trừ những khác biệt trong quan điểm về đường lối cách mạng sau này về chủ trương thống nhất đất nước bằng con đường đấu tranh vũ trang hay không?




- Nói về ảnh hưởng của TBT Lê Duẩn với đường lối cách mạng miền Nam, Đại tướng Lê Đức Anh đã nói, Nghị quyết 15 được xây dựng trên nền tảng “Đề cương Cách mạng miền Nam” do cha ông soạn thảo. Có phải từ thời điểm đó, những quan điểm khác nhau về đường lối giải phóng miền Nam của TBT Lê Duẩn và một vài người khác đã bắt đầu thể hiện?

- Tôi được biết Nghị quyết 15 được khởi thảo từ khi cha tôi còn chưa ra Bắc. Ông Hoàng Tùng cùng ông Võ Nguyên Giáp là người khởi thảo bản nghị quyết đó. Nhưng nội dung Nghị quyết 15 cuối cùng chỉ được hoàn thành sau hai năm, với không biết bao nhiêu cuộc họp và tranh luận để đi đến thống nhất.
Nội dung quan trọng của bản Nghị quyết được đưa ra là vấn đề đường lối giải phóng miền Nam. Trong quá trình tranh luận, một bên ủng hộ thuyết hòa bình, cho rằng miền Bắc tự mạnh lên thì sẽ là tấm gương đầy thuyết phục với miền Nam, và miền Nam tất yếu sẽ đi theo chúng ta và cuối cùng đi đến thống nhất. Cha tôi thì ủng hộ quan điểm về con đường vũ trang cách mạng và cho đó là con đường tất yếu, không thể tránh khỏi.

- Và dường như đó là tư tưởng xuyên suốt của TBT Lê Duẩn trong giai đoạn chống Mỹ. Điều gì đã khiến ông cho rằng, đó là con đường tất yếu phải đi để giải phóng miền Nam?

- Cha tôi và nhiều người cho rằng, với một nước Mỹ mạnh như thế, một nước Mỹ chưa từng thua trong bất cứ cuộc chiến nào trước đó, nhất là một nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, thì không có một lý do gì Mỹ từ bỏ Việt Nam và để cho Việt Nam thống nhất trong hòa bình. Mà Mỹ đánh Việt Nam, là để đánh vào thành trì của Chủ nghĩa xã hội, chứ không riêng gì Việt Nam.
Những khác biệt về quan điểm đấu tranh đã khiến Nghị quyết 15 chỉ được thông qua sau 2 năm trời. Tôi nghe nói, chưa từng có một hội nghị Trung ương nào dài đến như vậy.  Có những Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ ra miền Bắc, nghỉ lại tại chính nhà tôi, chỉ để hàng tháng chờ đợi kết quả của hội nghị đó.
Có lần cha tôi kể, khi đó những người bạn lớn của Việt Nam đã cảnh báo chúng ta: Khi mà các đồng chí chưa đủ lực lượng, các đồng chí tiến hành cuộc chiến tranh miền Nam, không những không giải phóng miền Nam được mà còn có khả năng mất luôn cả miền Bắc. Các đồng chí có biết Thế chiến 3 có thể bắt đầu từ chính cuộc chiến này? Nghĩa là áp lực từ các nước xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng Việt Nam lúc đó là vô cùng khủng khiếp. Mà chúng ta đương nhiên rất khó chiến đấu với một nước mạnh như nước Mỹ mà không có sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Khi mà trong nội bộ Đảng đã thống nhất được - sau 2 năm về đường lối giải phóng miền Nam, thì Bác Hồ giao cho cha tôi sang thuyết phục những người bạn lớn, nhưng họ không đồng ý việc ta sử dụng con đường vũ trang cách mạng, vì họ đều nghĩ rằng nước Mỹ là một thế lực khủng khiếp mà Việt Nam không thể cản được.
Có một lần cha tôi đi sang và một đồng chí lãnh đạo của nước bạn đã nói với cha tôi trong hội đàm: “Các đồng chí sẽ không bao giờ thắng được Mỹ. Mỹ mạnh đến mức chúng tôi còn phải ngại thì Việt Nam không có cách gì thắng Mỹ”. Lần đầu tiên mọi người chứng kiến cha tôi đập bàn, nói rất gay gắt với đồng chí lãnh đạo nước bạn. Cha tôi kể lại câu chuyện vui rằng, sau khi miền Nam giải phóng, cha tôi gặp lại ông ta, mặt ông ta buồn rười rượi, bởi ông ấy nhớ tất cả lời ông đã nói với cha tôi trước kia.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế giới đã nhìn thấy hình ảnh những con người nhỏ bé của một dân tộc nhỏ bé, nhưng yêu tha thiết đất nước mình, chống lại một nước Mỹ hùng cường. Nên khi đó, thế giới dấy lên một sự ủng hộ với Việt Nam. Họ cho rằng người nào ủng hộ Việt Nam chiến đấu thì người ấy là người tốt. Đó là một thứ tình cảm rất khó cưỡng lại. Và chính việc chúng ta làm đã ngày càng giúp nước Bạn lớn nhận ra rằng Việt Nam có khả năng chiến thắng, hoặc ít nhất là khả năng cầm cự lâu dài. Và khi Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam, thì chính họ, những người bạn lớn của chúng ta rất có lợi.
Cha tôi, với sự chỉ đạo của Bác Hồ đã bằng mọi cách, để tiến dần từng bước thuyết phục để các nước này phải ủng hộ mình.

- Con đường mà cha ông và Đảng ta tin tưởng và lựa chọn là con đường mà như chúng ta đã biết, đã giúp đất nước thống nhất. Nhưng chúng ta phải hy sinh nhiều xương máu. Tôi từng nghe những ý kiến cho rằng sự cứng rắn của Trung ương mà đứng đầu là Bí thư thứ nhất đã khiến cho chúng ta phải trả giá quá nhiều cho chiến thắng đó. Tướng Westmoreland của Mỹ cũng từng nói về điều đó. 

- Những bài học và kinh nghiệm về chiến thắng giải phóng miền Nam đã được chúng ta tổng kết nhiều rồi, tôi có nói cũng không bao giờ đủ. Nhưng về vấn đề này, tôi nghĩ như hai miền Nam - Bắc Triều Tiên bây giờ chưa thống nhất, thì đến sau này thống nhất, điều gì sẽ xảy ra với họ - tôi không hình dung ra được! Liệu nó có bi thương hơn sự chết chóc mà chúng ta từng phải gánh chịu hay không, khi mà bóng ma của một cuộc chiến tranh nguyên tử luôn đe dọa họ? Chúng ta đều không thể nói trước được!
Tôi cũng thường nghĩ về việc nếu đất nước mình không lựa chọn con đường đấu tranh vũ trang, nếu chúng ta chưa thống nhất, thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Điều đó chúng ta cũng không thể mường tượng được. Nhưng tôi tin rằng, đất nước Việt Nam thống nhất hôm nay là giấc mơ của rất nhiều người Triều Tiên, nhất là những người phải chịu cảnh gia đình ly tán về sự chia cắt đó.
Một lần tôi sang Hàn Quốc, một ông Đại biểu quốc hội Hàn Quốc đã nói với tôi thế này: “Về kinh tế, các ông có thể thua chúng tôi 30 năm, nhưng về thống nhất đất nước, chúng tôi cách các ông không biết bao nhiêu năm!”.
Chắc chắn những người lính đã nằm lại trên chiến trường miền Nam sẽ cảm thấy sự hi sinh của mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cho một nền tảng để chúng ta dựng xây tương lai là xứng đáng và tự hào. Nếu không có những sự hi sinh đó, có thể trong tương lai sẽ có những sự hi sinh gấp vạn lần như vậy.
Giống  như ta không thể nói vua Quang Trung đã hi sinh bao nhiêu người để giành lại đất nước? Và đất nước này có đáng để giành lại hay không?
Giống như ta không thể thắc mắc tại sao các vị Vua nhà Trần phải lãnh đạo nhân dân 3 lần chống lại vó ngựa của quân Nguyên Mông mà không đầu hàng để bảo vệ tính mạng của người dân?
Nói thế là vô cùng vô nghĩa!
Khi phải chống lại một nước Mỹ mạnh hơn chúng ta cả trăm lần, sự hi sinh là không thể tránh khỏi. Chính người Mỹ cũng từng nói, họ nghĩ đáng lẽ ra người Việt Nam sẽ phải đổ máu nhiều hơn thế cho độc lập này, khi mà bom đạn Mỹ đã đổ vào miền Nam trong mấy chục năm chiến tranh như thế.
Cái suy nghĩ của nhiều người bây giờ cho rằng sự hi sinh của những người lính cho độc lập dân tộc, là một sự hi sinh không xứng đáng - đó là một sự phản bội, một sự vô ơn với người đã khuất.
Tôi tin Tướng Westmoreland không hiểu hết nước Mỹ. Nếu đặt nước Mỹ trong hoàn cảnh bị xâm lược như chúng ta, ví dụ như người ngoài hành tinh xuất hiện và đe dọa họ chẳng hạn, thì trong hoàn cảnh đó, tôi tin, sẽ có không ít người Mỹ xả thân để bảo vệ đất nước họ. Mà, để đạt được mục đích là chiến thắng, nước Mỹ đã từng ném hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật, nên Westmoreland càng không có lý do để nói câu này.

- Ông có biết có quyết định của TBT Lê Duẩn đến giờ vẫn gây tranh cãi. Như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 chẳng hạn...

- Nói về Tết Mậu Thân năm 1968, chúng ta sẽ phải nhớ đó là thời điểm Westmoreland đề nghị Mỹ tăng gấp đôi số lượng quân Mỹ tại Việt Nam lên 1 triệu quân và đưa chiến tranh ra miền Bắc. Khi đó Chính phủ Mỹ đang đứng giữa hai lựa chọn hoặc là tăng quân viện trợ, tiếp tục cuộc chiến, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hoặc dần rút khỏi chiến tranh Việt Nam.
Nếu chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, nếu ta mất Hải Phòng, mất Quảng Bình, nghĩa là mất tất cả những con đường chi viện cho miền Nam thì đó sẽ là điều vô cùng tồi tệ. Và cú đánh Tết Mậu Thân - một trận chiến tổng lực, đánh vào cả Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập đã làm người Mỹ choáng váng. Cú đánh đó đã khiến người Mỹ quyết định ngồi vào bàn đàm phán và tính đến phương án rút quân khỏi Việt Nam. Tức là cuộc chiến đã bẻ ngoặt sang một hướng khác hoàn toàn có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Chúng ta đã phải trả giá không ít cho bước ngoặt ấy. Nhưng sẽ phải đặt một vấn đề như thế này: Chúng ta sẽ trả giá cho đợt tổng tấn công đó, hay chúng ta sẽ trả giá cho hai mươi năm nữa, hoặc thậm chí lâu hơn mới giải phóng miền Nam? Có gì đảm bảo sự trả giá lâu dài đó sẽ bớt đắt đỏ hơn?
Khi tôi ngồi với ông Võ Văn Kiệt trong một cuộc trò chuyện thân mật, ông nói: “Chú nói thật với mày, chú thấy đánh Mậu Thân là xác đáng, là phải đánh bằng được. Chú chỉ không hiểu tại sao lại đánh đợt 2, đợt 3, vì khi đó yếu tố bất ngờ, bí mật không còn”. Thú thật tôi đã rất hoang mang khi nghe điều đó. Nhưng tình cờ, khi xem bộ phim tài liệu về ông Phạm Xuân Ẩn, tôi đã biết được một chi tiết. Ngay sau đợt tấn công đầu tiên, ông Ẩn chuyển một tài liệu mật ra Hà Nội mà ông Ẩn cho rằng vô cùng quan trọng, đó là nội dung bức điện của Johnson gửi Westmoreland, lệnh cho bằng mọi giá không thể để xảy ra chuyện tương tự. Chính vì nắm được bức điện đó, mà chúng ta phải có cuộc tấn công đợt 2, đợt 3. Đó là lý do người Mỹ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Việc biết được tài liệu này khiến tôi càng tự tin hơn vào những quyết định của Trung ương và cha tôi trong Tết Mậu Thân. Và càng hiểu điều đó, tôi càng trân trọng những người lính đã hi sinh vì đại cục.

- Và sau 20 năm trời lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, với bao nhiêu mất mát đó, cha ông đã đón nhận tin thống nhất như thế nào?

 - Lúc 11 giờ 30 phút, khi nhận được điện thoại báo tin từ Bộ Tổng Tham mưu, cha tôi không nhảy cẫng lên vui mừng như nhiều người khác. Nhưng khi đó ông đã gọi chú Phú - người cần vụ lâu năm của ông châm cho ông một điếu thuốc. Đó là điếu thuốc đầu tiên ông hút sau 20 năm ra miền Bắc. Đó là lần đầu tiên sau 20 năm, ông cho phép mình làm một điều rất cá nhân, một điều có hại đến sức khỏe - chỉ hút một điếu thuốc mà thôi!

Lan Hương (thực hiện) - An Ninh Thế giới 
Tiến sĩ Lê Kiên Thành: Cha tôi không bao giờ biết vì sao mình là người được lựa chọn

22 comments:

  1. Chỉ cần bài viết này là sự thật 100% thì đã có thể lý giải về rất nhiều điều. Kể cả tại sao con đường mang tên Thống Nhất trước Dinh Độc Lập trở thành đường Lê Duẩn.

    ReplyDelete
  2. Tuan Hoang: không biết ông Thành có biết để nói được không, nhưng cái người ta quan tâm nhất là quan hệ của Lê Duẩn với Lê Đức Thọ sau khi Lê Duẩn ra Bắc. Vua Lê bị Chúa Trịnh ràng buộc ra sao.

    ReplyDelete
  3. Nguyễn Bá Quỳnh: Dĩ nhiên ông Nkt & nhiều ông khác sẽ bị cho là vô ơn nếu chối bỏ công lao của cha anh các ông ấy. Nhưng không thể bắt cả dân tộc mang ơn cho sự khốn cùng 1975-1993 mà dân tộc phải chịu. Tôi muốn hỏi một câu: nếu không thống nhất, VN như Bắc Hàn - Nam Hàn ngày hôm nay , các bác còn muốn đổ máu thống nhất đất nước không ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Câu trả lời bây giờ là cần hòa bình chứ không phải chiến tranh. Đổ máu quá nhiều rồi.

      Delete
    2. Nguyễn Bá Quỳnh: Vay thi thoi tu hao bac Cao Binh ah. Toi biet bac luon co thien chi nhung trong tham tam bac van tu hao lam (theo cam nhan cua toi. O biet dung o)

      Delete
    3. Tự hào vì những gì đã trải qua, không hèn và nhục nhã. Nhưng không vui vì để có được chiến thắng thì mất đi nhiều quá.

      Delete
    4. Nguyễn Bá Quỳnh: Vay moi la van de lon, giong nhu nhieu ban cung the he toi post len facebook. Nhu vay thi con lau moi kha len duoc voi cai dat nuoc nay.

      Delete
    5. Nhưng tự hào là nói thế thôi. Chứ đủ tư cách để tự hào thì phải là những người như bác Ca (tôi chỉ là 1 thằng nhóc lười biếng). Còn với những ai đã hy sinh và có những đóng góp to lớn thì phải dành cho họ điều mà TT Phạm Văn Đồng đã viết: Qua hai cuộc chiến tranh này, dân tộc Việt Nam đã cho thấy "sự trỗi dậy không ai lường hết được của những gì đẹp nhất trong con người Việt Nam và cộng đồng con người Việt Nam, sự trỗi dậy của lòng yêu nước và tình cảm dân tộc, sự trỗi dậy của khí phách "thà chết chứ không chịu làm nô lệ", sự trỗi dậy của lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo, sự trỗi dậy của trí tuệ tập thể... Đây là sự trỗi dậy có tầm vóc rộng lớn và sâu xa lạ lùng, bắt nguồn từ bản lĩnh vốn có của dân tộc, đưa lại những thành quả mà ngày nay, nhớ lại, mọi người chúng ta đều tự hào và bè bạn nước ngoài gần xa đều ngưỡng mộ."
      Điều đơn giản mà tôi muốn làm được bây giờ là dù quay lưng với chiến tranh nhưng tôi không quay lưng với những người đã hy sinh thân mình, hy sinh tuổi trẻ vì độc lập. Phải làm những gì xứng đáng hơn vì họ, vì tôi đã không cùng sống chết với họ thời chiến tranh.

      Delete
  4. Aiviet Nguyen: Nguyễn Bá Quỳnh hỏi câu quá dễ :) Chắc chắn là các bác ở Bắc sẽ muốn đổ máu thống nhất đất nước.

    ReplyDelete
  5. Tuan Hoang: nếu năm 1975 ông Duẩn không thành công thì đến năm 1985 ổng sẽ cho VN thành Bắc Triều Tiên.

    ReplyDelete
  6. Hoa Nguyen: Nước Đức thống nhất sau VN chừng 15 năm, nhưng Đức không phải chịu chết chóc, tàn phá khủng khiếp trong thời chiến (kéo dài 20 năm), và tiếp theo nghèo khổ thêm 15 năm nữa (hay hơn).

    ReplyDelete
  7. Anh Le: Thời đổ vỡ bên LX không thiếu các cựu chiến binh sang làm công nhân, rồi ra chợ bán hàng. Chịu đựng nhục nhã không chỉ với lưu manh cảnh sát, mà cả người Việt, bạn bè trấn lột lừa đảo nhau. Có bác nói thời chiến tranh cứ tưởng đạn nổ, thây người chết không toàn thây, vuốt mắt cho đồng chí, v.v. là kinh lắm rồi, bây giờ thấy bạn bè cũng phải chà đạp lên nhau, làm nô lệ cho đồng tiền, mất hết niềm tin, mới thấy những thứ ghê gớm thời chiến tranh không là gì cả.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi có những điều không thể làm. Nhiều người khác có thể làm bất cứ điều gì. Đó là sự khác biệt.

      Delete
  8. Tuan Hoang: đừng phạm sai lầm của bố ông Thành, nghĩ chiến tranh chấm dứt là xong.

    ReplyDelete
  9. Tuan Hoang: Lại nhớ chuyện bác Trí vi nhũn kể. Anh tài taxi ngoài Hà nội bảo bác Tri: anh xem dân miền Nam nó có láo không, đến ngày đất nước thống nhất chúng nó chỉ cử oshin ra thăm Bác thôi, này nhé "con ở miền Nam ra thăm lăng Bác".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tuan Hoang cũng có máu "tếu" đấy. Lâu lâu cho bà con thưởng thức vài chiêu nhé!

      Delete
  10. Pham Thanh Van: Bác Caobinh Nguyen, trong dòng họ tôi có nhiều người là quân nhân trong QĐND, giờ vẫn còn đang có người đóng quân ở Tây Nguyên. Tôi cũng đã từng gặp những quân nhân bị bắt, bị tra tấn đến mức thương tật vĩnh viễn nhưng vì mất hết giấy tờ nên đã không được công nhận là thương binh. Tôi đã từng đọc những bức thư của những quân nhân từ Nam gửi ra Bắc cho gia đình. Trong thư là một tình yêu nước trong trẻo một cách thuần khuyết, không chút tì vết. Họ sẵn sàng bỏ mạng, chịu đựng gian khổ đến mức phi thường vì đất nước. Ngày tiến vào Dinh Độc Lập, trong đó đầy vàng xung quanh nhưng những người lính BV tuyệt nhiên không lấy đi dù chỉ chút xíu. Có người lẽ ra được cho một căn biệt thự cao cấp trong Sài Gòn sau ngày chiến tranh kết thúc nhưng họ từ chối, ra bắc đoàn tụ với gia đình trong một khu chung cư cũ. Tôi cũng đã từng cùng bạn bè đến thăm trại trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, chứng kiến những em khi sinh ra đã không có hình hài của một con người, chứ chưa nói đến có nhân phẩm và của cải để mà mất.

    Tôi nghĩ họ thật sự đặt quyền lợi đất nước lên trên tất cả, theo hiểu biết tốt nhất của họ.

    Nhân bác nhắc đến "đã không hèn và nhục nhã", mấy tháng trước khi đang nói về một vấn đề xã hội hiện tại, có một cựu quân nhân nói với tôi, tôi không nhớ chính xác chuyện gì, nhưng đại khái ông nói là ông viết bài, viết sách, là để cho "lương tâm mình khỏi nổi loạn".

    Còn các bác mặc áo lính ở đây, cho tôi mạo muội hỏi, khi các bác chứng kiến những thanh niên trẻ vô tri đến mức ca hát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui chiến thắng" vào đúng ngày tưởng niệm 64 đồng đội của mình bị thảm sát, chứng kiến sự im lặng đến tê liệt của Việt Nam khi có hàng chục ngư dân Việt Nam bị đánh đập cướp phá ở ngoài biển, trong khi Phi chỉ mới bị một vụ vòi rồng thì cả BNG, BQP của họ cùng lên tiếng, và chứng kiến nhiều chuyện rành rành khác đang hủy hoại dần đất nước, các bác cảm thấy sao?

    Thật ra các bác vẫn có thể tiếp tục tinh thần "không hèn và nhục nhã" mà các bác đã từng có mà.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoa Nguyen: Tôi thấy thương bênh binh, cô nhi tử sĩ có ở cả hai miền, và chất độc da cam ở miền Nam là do chiến tranh gây ra. Nhưng nếu không ai khởi chiến, có phải sẽ không có những thứ đó như là hậu quả của chiến tranh.

      Delete
    2. Pham Thanh Van: Bác Hoa Nguyen, tôi đang nói đến những người lính, không nói đến lãnh đạo ở trên. Và tôi đang nói đến một đề tài khác, bác hà tất phải nhạy cảm.

      Delete
    3. Hoa Nguyen: Tôi không có ý nhận định về toàn bộ cmt trên, chỉ nhân một ý làm nẩy lên ý tưỏng khác, có thể không liên quan nhiều đến cả cmt của bác. Pham Thanh Vân.

      Delete
  11. Pham Quang Tuan: Những nước thành công và giàu mạnh là những nước biết để tương lai lên trên quá khứ, không để cho những hào quang (hão hay thực) của quá khứ ảnh hưởng đến việc xây dựng tương lai. Nhật bại trận và bị chiếm đóng nhưng biết gạt tự hào dân tộc sang một bên để cộng tác với kẻ thù. Nam Hàn chiến bại, suýt nữa thì mất luôn nếu không có Mỹ cứ, nên chẳng có gì để tự hào, họ tập trung vào xây dựng tương lai. Đài Loan thua trận, bị ra khỏi lục địa, chỉ còn biết chăm chú vào xây dựng kinh tế. Singapore, Hong kong... Sau TC 5 đế quốc Ottoman bị Âu Châu xâu xé chỉ còn mảnh đất Turkey hiện thời, tổng thống Mustepha Kemal Ataturk gạt bỏ tự ái dân tộc, bắt dân chúng Âu hóa nên Turkey trở thành dân chủ tiến bộ nhất trong các nước Hồi giáo.

    CS Việt Nam và những người hãy còn gắn bó với chế độ càng tự hào vì những thành tích 40, 50 năm trước, thì tương lai VN càng bi quan. Càng đem những thành tích chiến tranh cách đây 40, 50 năm ra để biện hộ cho hành động dùng công an và trừng trị để bám chặt quyền hành, bịt miệng nhân dân, cấm đa nguyên đa đảng, thì càng thấy rõ sự phá sản trí tuệ.

    ReplyDelete
  12. Pham Quang Tuan: Nước bại trận, không có hào quang: Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Đức.
    Nước thắng trận, hãy còn được lãnh đạo bởi những người mang hào quang chiến thắng: Việt Nam, Zimbabwe, Bắc Hàn.

    ReplyDelete