Wednesday, April 29, 2015

Thư chiến sĩ

THƯ GỬI ĐỒNG ĐỘI SƯ ĐOÀN 320 QĐ3

sáng 29/4/2014- Hà nội

Các đồng đội sư đoàn 320A cùng thời của tôi thân mến

Hôm nay là 29/4/2014. Giờ này ba mươi chín năm về trước anh em chúng mình đang chìm trong lửa đạn trên cánh đồng Cầu Bông và cửa mở Đồng dù . Giờ này bao nhiêu đồng đội của chúng mình ngã xuống. Giờ này nắng bắt đầu lên, bình minh ở cửa ngõ Sài gòn với chúng mình xa lạ mà lại thân thương đến thế. Tôi gửi lá thư này tới tất cả đồng đội đang còn sống ở đâu đó, đang ở thị thành hay đang ở thôn dã lời người bạn cùng đội ngũ một thời, lời của người sống sót, sống sót qua gian lao bươn chải đến tận bây giờ. Đồng đội ơi ! hãy nhớ về 29/4/75 nhớ những người bạn mình ngã xuống ngày hôm ấy. Họ chết để mình còn sống trở về. Ba mươi chín năm sau, nắng hôm nay cũng giống hệt như ngày hôm ấy chỉ có chúng mình thì đã bạc đầu, gọi tên nhau trong tâm tưởng mà nước mắt thì không cầm nổi cứ ứa ra. Nước mắt càng ứa ra thì hình ảnh đồng đội lại càng hiện về trẻ trung phơi phới.




Chúng mình đã từng đi từ Mậu Thân Quảng Trị qua đường Chín nam Lào, qua 1015 đến thị xã Kon Tum đồi Tròn, xưởng cưa, ngã ba Trung tín, biệt khu 24 … Đã hai lần đánh 1049 đánh Kleng để rồi lật cánh về Gia lai. Mùa mưa 1972 vượt sông Pôko bao người lính bị thương lại bỏ xác dưới thác lũ. Đau xót nuốt vào trong để về đánh Đức Cơ, quyết ôm chặt đường 19 kéo dài mở vùng giải phóng. Địch đánh Đức Cơ ta đẩy lùi ra rồi trước cái đêm 27/1/73 Máu sư đoàn ta đổ để cắm lấy thêm từng tấc đất Cao nguyên. Tết năm ấy quà tết chia chẳng hết vì bao bạn không còn sống để mà nhận quà. Cái ngày 27/1 năm ấy vui mà cũng buồn đến thế. Anh em mình hi sinh nhiều quá, gianh giới sau ngày 27/1 là gianh giới ngăn bằng máu. Niềm vui Hòa bình mong manh, mong manh như tính mạng anh em mình giữ chốt .

Các bạn của tôi ơi. Chúng mình từng sống những tháng năm ăn rau rừng, ăn môn thục và búng báng. Chúng mình chia nhau manh áo tấm quần mà xuất kích. Chúng mình cạo tinh nứa làm thuốc lào hút cười vang trong hầm chốt , chúng mình cả mùa mưa chỉ một cái quần đùi mà vẫn đánh thắng Lệ Ngọc Chư Nghé, làng Siêu. Thương lắm những bạn hi sinh còn gửi lại cái áo lành cho người còn sống. Di vật liệt sĩ Tây nguyên hầu như chỉ độ 1, 2 ki lô gam tài sản. Một cái võng dù, một cuốn nhật kí và vài lá thư của miền bắc. Tất cả chỉ có thế. Tất cả đồng đội chúng mình khi chết đi đều chỉ còn có thế. Các bạn ạ, nghĩ lại vẫn thấy đau lòng.
Đã vài lần tôi đi trở lại con đường 19 từ Ngã ba Hàm Rồng ra cửa khẩu Đức cơ. Cao nguyên bạt ngàn xanh màu cà phê cao su và hồ tiêu. Dừng trên dốc đồn Tầm ngó lên chốt Mỹ, ngó về Chư Gara, Chư rông ràng. Hoa quì dại vẫn le lói bỗng chạnh lòng nhớ ngày đắp mộ bạn mình bằng chùm hoa cúc cháy dở. Đồng đội ơi, chè Bàu Cạn thơm ngon thế cà phê Thu Hà thơm thế màu hoa quì vàng thế …có máu của bạn mình trong đấy
Lịch sử cho chúng ta được cái may mắn là một trong những đơn vị nổ súng sớm nhất trong chiến dịch giải phóng Tây nguyên 1975. Các bạn làm sao có thể quên cái ngày 14/1/75 nhắm hướng nam hành quân. Suốt cái tết 75 áp sát đường 14 nín thở rồi bùng ra đánh Thuần Mẫn Cẩm Ga. Đêm mùa khô hành quân về Đạt lí Buôn Hồ hoa cà phê thơm nưng nức. Kể từ ngày 5.3.75 Tất cả sư đoàn liên miên hành quân đánh địch và không ngủ. Chúng mình vội vã lao về Phú Bổn trong chiều 17/3 để cả đêm hôm ấy leo ngọn núi đá tai mèo sáng sớm 18/3 chạy suốt 8 cây số lao vào một đội quân đông gấp mười lần ở Cheo reo mà nổ súng. Chưa bao giờ chúng mình có một trận đánh xe tăng thiết giáp như hôm ấy. Chưa bao giờ chúng mình nuốt nước mắt vì những người dân lành bị tử nạn như ngày ấy. Đường số 7 kinh hoàng cho tới suốt đời chúng ta, những người trực tiếp truy kích và làm nên cái trận đánh có một không hai trong lịch sử đánh truy kích của quân đội mình. Bây giờ đường 7 thanh bình chạy theo dòng sông Ba nối Tuy Hòa lên Tây nguyên . Nương rấy xanh, màu nắng như rưng rức trong nó nỗi buồn li tán của hàng chục ngàn người di tản ngày xưa. Tôi trở về Cheo reo thắp hương cho hơn một trăm đồng đội mình hi sinh hôm đánh Cheo reo. Tôi ra đầu cầu cây Sung cái cầu gẫy hôm 18/3 mà hàng chục xe rơi xuống sông. Tôi thắp những nén hương ven đường, thắp hương dưới bờ suối như thấy lại hàng ngàn người bỏ mạng ngày hôm ấy nơi này. Ba mươi chín năm siêu thoát được không ?

Các bạn của tôi! Đời chúng ta đi chiến đấu không thể có một ước mơ kì vĩ đến nhanh như vậy. Chúng ta lên xe ngược về đường 14 để vượt qua Buôn Hồ, Ban Mê Thuột, Gia nghĩa, Lộc Ninh rồi đổ quân ở Chơn Thành sáng 15/4 . Chúng ta náo nức gạo đạn áo mới quần mới để 20/4 vượt sông Sài Gòn đoạn Bến SÚc về nằm trên Bến Đình, Hố Bò Nhuận Đức. Đêm qua 28/4 Cả sư đoàn hành quân. Cả sư đoàn tiến về Đồng Dù và Cầu Bông. Các bạn ơi, đêm hành quân 28/4 /75 là đêm nhớ đời bởi hương bùn hương lúa miền nam. Chúng mình bám gấu áo nhau mà đi, chúng mình biết là đây: trận cuối cùng. Trong đêm chiếm lĩnh ai cũng nhớ mẹ nhớ quê phải không các bạn? Cả đêm qua đã biết bao nhiêu câu chuyện bao nhiêu xuy nghĩ để rồi nổ bùng khi phát hỏa vào 5 giờ sáng nay – 29/4/75. Cả đời trận mạc đến người chỉ huy của mình cũng không thể ngờ, không thể hình dung lại có phút lẫm liệt thế của lính mình. Cửa mở Đồng Dù mãi là câu chuyện hào hùng mà đời sau ghi nhớ. Bao người ngã trên cửa mở, bao nhiêu con mắt của người bị thương nhìn theo đồng đội mình lao qua. Người lính xe tăng vừa khóc vừa nhấn ga xe lồng lên lao về phía giặc. Ôi ta quên sao ánh mắt bạn mình trọng thương trên cửa mở cầu khẩn chúng ta mà chúng ta không thể dừng lại, nước mắt mình rơi khi lao lên phía kẻ thù. Các anh ơi, tha lỗi cho chúng tôi. Chiến thắng của chúng mình cần có sự hi sinh là thế. Ba mươi chín năm sau tôi cúi đầu lậy tạ với người lính nằm trên bờ ruộng mà xung kích nhắm mắt lao qua …
Cầu Bông, Tân Phú Trung đấy các bạn 64 ơi. Chỉ cách Sài gòn 28 km. Loạt đạn đầu tiên 6 khẩu DKZ đồng loạt làm sụp cái đồn cảnh sát và lô cốt đầu cầu. Ấp Chợ Tân phú Trung đánh từ sáng tới trưa. Đã gần bốn mươi tử sĩ nằm gục trên bờ ruộng rau, trong ngóc ngách chợ. Nắng ùa lên trời, nắng ùa xuống cánh đồng lúa và trên đường hàng mấy chục xe tăng thiết giáp chạy về. Cánh đồng gần Cầu Bông thành biển lửa của một trận thui xe tăng thiết giáp kẻ thù. Trưa hôm nay 29/4 trên cánh đồng Tân Phú Trung dàn dạt hoa bằng lăng tím và con đường số 1 đỏ rực những hoa phượng đầu hè. Lửa từ dưới đồng, lửa từ xe tăng cháy và khói khói như cả một cánh đồng đốt rạ ngày mùa . Trong màu đỏ của hoa, màu lửa của chiến trận, màu khói đốt đồng, chúng mình lao lên xe tiến vào Sài Gòn. Đạn đại bác vẫn rít qua đầu về hướng Tân Sơn nhất. Đoạn đường cuối cùng của cuộc chiến đời chúng mình thít dần ngắn lại đến nút cuối cùng.
Ngày mai. Chúng mình còn bao nhiêu kỉ niệm ở Sài Gòn. Kỉ niệm ngây ngô đáng yêu của người lính MIền bắc. Ngày mai ở giữa Đô thành rồi mà vẫn không tin nổi mình đang bước chân trên thành phố hòn ngọc Đông Dương. Cầm bút viết lá thư về cho mẹ còn ngập ngừng ..” Sài gòn ngày 1/5/75…

Chúng tôi được về miền bắc sau đó, còn các bạn lại ôm súng đi BGTN. Người lính sao mà khổ thế? Các bạn của tôi! chúng tôi những người được trở lại trường đại học tháng 10/năm 1975 biết ơn các bạn. Lần nữa các bạn lại hi sinh còn chúng tôi dù đi qua chiến tranh Chống Mĩ cũng không hiểu nổi cuộc chiến đấu nơi ấy, cũng như dân tộc họ cũng không hiểu nổi họ nữa là chúng ta.
Bây giờ là 9 giờ 32 phút.
Thôi tôi dừng ở đây các bạn, bởi đã đến lúc gay cấn nhất trên cửa mở Đồng Dù rồi. Tôi dừng để cùng các bạn cúi đầu mặc niệm và gửi nén nhang về các đồng đội của mình

Nguyễn Trọng Luân – chiến sĩ E 64 F320A Đồng Bằng

11 comments:

  1. Thuyphuc Lai: Thật cảm động và biết ơn các anh nhiều.

    ReplyDelete
  2. Loc Loc: Báo chí thế nào mà dân tôi cứ nghĩ Sau Xuân Lộc là các anh cứ như chẻ tre. Giờ còn biết đêm 29_30 có đến 5000 anh thành Liệt sĩ, Tuyên truyền như thê lợi hay hại, Biết ơn và cảm phục các anh,

    ReplyDelete
  3. Giang Đàm: Con xin in bài này ra để ̃ đọc cho các học trò của mình nghe. Con tin rằng họ sẽ hiểu mình cần phải sống và học tập ntn để xứng đáng với cha anh. Một thông điệp vô cùng ý nghĩa đối với lớp trẻ ạ, đặc biệt là các sỹ quan tương lai. Con cảm ơn bác rất nhiều.

    ReplyDelete
  4. Chien Nguyen: Một biên niên sử đẫm lệ? Đúng! Một khúc tráng ca? Đúng! Tất cả được viết bằng nhịp đập rộn rã và thổn thức của trái tim người lính trận năm xưa. Có phải chăng những dòng chữ ấy được viết bằng máu hòa nước mắt, viết trong âm vang tiếng thét xung phong, trong sự quằn quại của những đau đớn? ? ? Tất cả. Tất cả để có cái ngày 30 tháng 4 của bốn mươi năm trước, để có ngày hôm nay. Cám ơn pho sử sống Luân Trọng Nguyễn.

    ReplyDelete
  5. Lão Gàn: Cảm ơn bạn đã nói lên tiếng nói chân thật nhất cho hàng triệu người lính cả còn sống và cả người đã nằm xuống cho ngày hôm nay. Để nước non ta trở thành một dải, Bắc- Nam một nhà có sự hi sinh không gì đo, đếm được. Tiếc rằng một bộ phận đang cố tình hạ thấp giá trị của chiến thắng đó, họ bôi bác rồi đi đến phủ nhận thành quả của những người lính, của Quân đội và của dân tộc ta bác ạ.

    ReplyDelete
  6. Hạnh Thái: Và những sự hi sinh ấy để cho chúng con đất nước Việt Nam hôm nay. Con xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh đó. Con xin cảm ơn Chú Luân Trọng Nguyễn và không ít những người thuộc thế hệ từng đi qua cuộc chiến đã cho con hiểu rõ hơn lịch sử hào hùng của dân tộc ta!

    ReplyDelete
  7. Thanh Nga Tran: Thật xúc động khi được đọc những khoảnh khắc của chiến tranh được ghi lại,thật gian khổ và thương tâm . Cảm ơn các anh đã làm nên lịch sử.

    ReplyDelete
  8. Hien Vo: Biet on,doi doi biet on cac anh!

    ReplyDelete
  9. Trân Thị Minh Hải: Đọc mà cứ rưng rưng nước mắt.xin gửi một nén tâm nhang tới anh linh các liệt sĩ.

    ReplyDelete
  10. Hoàng Yến Nguyễn: Mặc dầu lớn lên trong chiến tranh, đã biết và chứng kiến nhiều sự hy sinh mất mát nhưng đọc bức thư của anh tôi càng thấm thía hơn sự hy sinh , nổi đau mất mát của người lính , của người dân trong cuộc chiến. Nhưng nổi đau phải để lại những đồng đội thương vong tiếp tục chiến đấu cũng không dễ dàng gì. Đó không phải lổi của các anh, nhiệm vụ của các anh là phải tiến lên mà. Ngày nay , chúng tôi - những đọc giả và tôi tin là vong linh của các đồng đội của anh rất cám ơn và trân trọng những bài viết ,tấm lòng của anh với đồng đội. Trong cuộc sống bon chen ngày nay không ít người vì quyền lợi của mình mà sẵn sàng hại bạn ,người thân, giành thành tích ,chiến công của người khác tô điểm cho mình mà không nhớ đến những người đã ngã xuống.

    ReplyDelete
  11. Nguyen Binhduong: Thật cảm động. Tôi thấy những lá thư như thế này cần được để cho nhiều người đọc. Bg trên mạng có rất nhiều kẻ luôn làm vấy bẩn lên vong linh của những người liệt sĩ như các anh. Thật đau lòng. Đọc lá thư này, tôi rất thấm thía sự hy sinh của các anh, vô cùng tiếc thương các anh.

    ReplyDelete