07.03.2015
Khi
một thằng lớn bắt nạt một thằng bé, ta thường thấy có những người nói:
ai bảo dại, khiêu khích nó làm gì, không biết thân phận mình yếu. Kiểu
nói này gọi là "đổ lỗi cho nạn nhân" (blame the victim). Gần đây, trước
việc TQ xâm lấn biển Đông, đã có vài nhà báo, học giả viết bài
bênh vực Tàu và đổ lỗi cho các nước nhỏ đã chọc giận nước lớn, theo kiểu
đó.
Kiểu ngụy biện này hay được dùng bởi những người ủng
hộ chế độ hiện thời, hoặc những người cam chịu chấp nhận nó. Để giải
thích tình trạng tệ hại của đất nước, thay vì chỉ ra những hành động,
chính sách sai lầm và độc đoán của kẻ nắm giữ quyền hành tuyệt đối, họ
đưa ra lý lẽ rằng cái đó là LỖI DÂN. Họ nói rằng:
1. Dân
tộc nào chính phủ nấy (dịch thoát câu "Every nation gets the government
it deserves": Mỗi dân tộc được chính phủ họ xứng đáng có). Chính dân
Việt Nam, vì dân trí kém, vì nhiều tính xấu (họ sẽ kể ra đủ loại tính
xấu mà họ cho là đặc thù của người VN: tham lam, mê tín, thù hận, hấp
tấp, vô kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, v.v.) nên đã lựa chọn chế
độ này, do đó đừng đổ lỗi cho chế độ!
2. Đừng "chửi"
chính quyền nữa, hãy lo giúp nâng cao dân trí đã. Bao giờ dân trí cao,
hãy đòi dân chủ (hoặc "dân chủ sẽ tự nhiên tới").
3. Nếu chế độ cầm quyền biến mất bây giờ, thì với dân trí kém, nhiều tính xấu như vậy, tình trạng cũng sẽ chẳng có gì khá hơn.
Bây giờ xin trả lời từng điểm:
Điểm 1. Dân tộc nào chính phủ nấy:
Câu
"Every nation gets the government it deserves" là dịch từ một câu của
nhà văn Pháp Joseph de Maistre (1753-1821). de Maistre là một nhà quí
tộc phản động cuồng tín, ủng hộ chế độ quân chủ một cách cực đoan, ghét
thậm tệ phong trào dân chủ đang trổi dậy ở Tây phương mà ông đồng hóa
với tình trạng vô chính phủ (Joseph de Maistre's Life, Thought, and
Influence: Selected Studies, ed. R. Lebrun, t.229). Ông dùng câu đó để
biện hộ cho chế độ quân chủ chuyên chế đương thời. Thậm chí, sau khi xứ
Georgia bị Nga nuốt chửng năm 1802 và người Georgia luyến tiếc thời độc
lập, de Maistre đã dùng câu đó để bảo rằng dân Georgia xứng đáng với số
phận của họ! Tức là, de Maistre cũng chỉ là một kẻ ngụy biện kiểu "đổ
lỗi cho nạn nhân".
Ngày nay, người ta luôn luôn thêm vào: "In a democracy, the people get the government they deserve".
Tức là câu "dân tộc nào chính phủ nấy" chỉ có thể áp dụng TRONG MỘT CHẾ
ĐỘ DÂN CHỦ, khi mà dân chúng tự do lựa chọn và thay đổi chính phủ qua
bầu cử. Nó không thể áp dụng trong chế độ độc đảng toàn trị.
Có
người lại nói (theo kiểu de Maistre): chính dân VN đã lựa chọn chế độ hiện nay, vậy còn kêu ca gì nữa. Thực ra, trong bao nhiêu chính
đảng và đường lối chính trị mà dân VN có thể có, tại sao CS thắng thế?
Đó không phải là vì toàn dân hay đa số dân chúng lựa chọn nó, mà vì CSVN
đã có sự giúp đỡ liên tục vô cùng lớn lao của CS quốc tế . Hồ Chủ tịch
cũng chỉ là một đảng viên CSQT, phải chấp hành và
chịu sự chỉ đạo như mọi thành viên khác trong tổ chức. Tới thời chiến tranh chống Pháp
thì được sự giúp đỡ lớn lao của TQ và phải tuân theo những
chính sách của Mao như trong thời cải cách điền địa. Tất cả những chính
đảng khác không có sự giúp đỡ trực tiếp của hai đàn anh khổng lồ, thì
làm sao mà chống lại? Do đó bảo rằng Đảng CS là lựa chọn của dân tộc là điều cần phải xác định rõ ràng.
Điểm 2: Hãy lo giúp nâng cao dân trí rồi hãy đòi dân chủ (hoặc "dân chủ sẽ tự nhiên tới")
Trong
khi chính quyền kiểm soát tất cả mọi mặt, áp dụng chính sách giáo dục lạc hậu, tuyên truyền những tư tưởng Mác Lê nin, và độc quyền
lãnh đạo, kiểm soát mọi hoạt động văn hóa, xã hội, giáo duc, nhất nhất
cái gì cũng phải đi theo đường lối chỉ thị của ban Tuyên Giáo, thì
làm sao mà người khác có thể giáo dục quần chúng để nâng cao trình độ
của họ? Thử hỏi, nếu Việt Kiều thiết lập một tổ chức thiện nguyện vài
ngàn người (một chuyện hoàn toàn khả thi nếu được phép) đi về nông thôn
dạy học và truyền bá các tư tưởng khai sáng, nhân bản, dân chủ thì chính
quyền có chấp nhận không?
Hơn nữa, giáo dục quần chúng
luôn luôn là trách nhiệm của chính quyền. Ở những nước đã vươn lên được
khỏi tình trạng lạc hậu như Nhật và các con rồng châu Á, dân trí vượt lên
rất mau (trong vòng chừng 30 năm) và đó luôn luôn là nhờ chính quyền có
chính sách giáo dục đúng đường, khai sáng. Chưa có nước nào có thể nâng
cao dân trí quần chúng nếu không có cố gắng từ ngay phía chính quyền.
Ngày xưa, cụ Phan Châu Trinh đưa ra phương châm "khai dân trí, chấn dân
khí, hậu dân sinh", nhưng chính cụ cũng thấy là chỉ có thể làm được
những việc đó với sự cộng tác của chính quyền bảo hộ Pháp, nên mới chấp
nhận hay cổ võ "Pháp Việt đề huề". Tóm lại, muốn nâng cao dân trí của
quần chúng, chỉ có cách là phải có một chính quyền tích cực về việc đó,
một chế độ nếu chưa dân chủ (như của Park Chung Hee, Lý Quang Diệu) thì
ít ra là cũng không như hiện nay.
3. Nếu chế độ chuyển biến bây giờ, thì với dân trí kém, nhiều tính xấu như vậy, tình trạng cũng sẽ chẳng khá hơn
Nếu tiếp tục tình trạng hiện nay, VN sẽ càng ngày càng tụt hậu, những mâu thuẫn xã
hội sẽ càng ngày càng tăng, dân trí sẽ càng ngày càng thấp vì công tác tuyên giáo
(tuyên truyền giáo dục) cực kỳ lạc hậu của chính quyền.
Ban Tuyên Giáo Trung Ương là nơi tụ tập của những đầu óc bảo thủ, giáo
điều nhất trong cả nước, mà lại được giao
trọng trách "trồng người" cho cả dân tộc! Hậu quả gần đây như những cầu
lộc xin quan, cướp giựt, đánh lộn, hành hạ súc vật man rợ trong khắp xã
hội và trong các lễ hội truyền thống (thánh Gióng, chém lợn, cầu
trâu...) đã cho thấy hậu quả của lối trồng người đó sau 60 năm ở miền
Bắc.
Kết luận:
Ngụy biện "đổ lỗi cho dân" được chính quyền độc tài và các ủng hộ viên
rất thích là đương nhiên. Tuy nhiên một số người khác cũng ưa chuộng vì
thấy nó có vẻ "triết lý thâm thúy". Nó cũng giúp họ đỡ áy náy khi, vì sợ
sệt, lười biếng hay tư lợi, họ không dám làm gì hay nói gì để chỉ trích
hay chống lại cường quyền. Nó là một cách họ rất thích dùng để đánh
lảng khi đề cập đến vấn đề dân chủ ở Việt Nam.
PQT (đăng lại/có chỉnh sửa) từ VNSA
No comments:
Post a Comment