Tuesday, April 21, 2015

Tiết học "hỗn hợp" lý thú ở Phần Lan

Hàng loạt trang tin trên thế giới thay phiên nhau giật tít gây hiểu nhầm về chương trình đổi mới giáo dục của Phần Lan (PL), nào là bỏ toán, lý, hóa, nào là thay hoàn toàn cách dạy theo chủ đề... Thực chất, các trường học ở PL đang hướng đến việc làm sao mỗi học kỳ có ít nhất một học phần kéo dài trong vài tuần để học sinh (HS) thỏa sức tìm hiểu, trao đổi kiến thức theo phương pháp kết hợp, giao thoa giữa các môn học đơn lẻ, tạo nên khối kiến thức tổng hợp và ứng dụng cao.
Từ thập niên 1980, các nhà giáo dục nước này đã bắt tay thí điểm ý tưởng trên với quy mô riêng lẻ (dựa trên sự tự nguyện và khả năng của mỗi trường, khởi đầu ở Helsinki) đi cùng với việc bãi bỏ các kỳ thi ở các cấp học tương đương tiểu học và trung học cơ sở. Đến cuối năm ngoái, PL mới thống nhất chương trình khung quốc gia, qua đó áp dụng rộng rãi phương thức giáo dục trên từ tháng 8/2016. Theo đó, đối với các cấp lớp dành cho HS từ 7-16 tuổi, từng trường sẽ chủ động đưa ra nội dung bài giảng kết hợp từ 2 môn học trở lên để tạo sự liên kết kiến thức, giúp HS thực hành được nhiều môn học trong cùng 1 tiết. Ông Pasi Silanderm, Quản lý phát triển của Helsinki cho rằng: "Điều chúng ta cần lúc này là 1 hướng giáo dục mới mẻ để chuẩn bị cho thế hệ trẻ, lực lượng lao động kế cận".
Chính vì thế mới có tiết học với mô hình quán cà phê. Ở đó, HS được thực hành tiếng Anh trong vai khách hàng để gọi món và giao tiếp với nhân viên phục vụ. Ngoài ra, các em học cách tính nhanh để thanh toán, học cách giao tiếp với "đồng nghiệp" cũng như khách hàng, học cách viết kế hoạch hoạt động của quán, cách viết lời rao hấp dẫn ngoài cửa để thu hút sự chú ý của thực khách. Hoặc, trong tiết học địa lý, giáo viên sẽ chỉ lên bản đồ thế giới và yêu cầu HS đọc tên các quốc gia bằng ngoại ngữ. Cũng có khi thay vì học lịch sử và kinh tế, HS sẽ được thảo luận về Liên minh châu Âu cùng thể chế liên quan; qua đó, minh họa thú vị nhất chính là tìm hiểu về chính sách thắt lưng buộc bụng do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính gây ra. Marjo Kyllonen, Quản lý giáo dục ở Helsinki khẳng định" "Các em được học và thực hành tại lớp những thứ mà chính thời điểm này và cả trong tương lai, xã hội đang rất cần."
Thay đổi để phát triển là cần thiết nhưng không thể ngay lập tức toàn bộ giáo viên PL có thể đáp ứng. Có những giáo viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhưng vẫn gặp khó khăn vì họ vốn chỉ chuyên sâu 1 lĩnh vực. Thế nên, hơn 70% giáo viên ở Helsinki phải dự các lớp tập huấn mới được đánh giá đủ điều kiện tham gia chương trình. Chính quyền PL cũng cam kết tăng lương, như 1 sự bù đắp cho nỗ lực, công sức mà các thầy cô đầu tư cho giáo án mới.
PL là 1 trong những quốc gia từ lâu có nền giáo dục xếp hàng đầu thế giới. Cải cách toàn diện lần này, không nhằm mục đích của HS PL mà là sự dũng cảm nhìn nhận đòi hỏi từ thực tiễn để tạm "lãng quên" những thứ hạng cao mang nặng tính học thuật. Các nhà giáo dục PL quyết tâm trang bị cho HS bước đệm vững chắc để vào đời, thay vì đơn thuần chứng minh khả năng qua các bảng xếp hạng quốc tế. Hơn hết, đó là sứ mệnh mang đến 1 môi trường học tập vui vẻ, thoải mái và kích thích sự sáng tạo của HS. Lời cam kết của Hiệu trưởng Trường tiểu học Siltamaki (nơi có 240HS từ 7-12 tuổi đang theo học), bà Anne Mari Jaatinen nói lên điều cũng là tâm tư của các nhà giáo dục tâm huyết: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Thiên Anh (theo Washington Post, Independent)

1 comment:

  1. Oh, bây giờ tôi mới thấy 1 chương trình PT cho mình, học ra học, thay vì hồi bé phải đến lớp học những giờ học chán ngắt.

    ReplyDelete