(GDVN) - Việc loại bỏ căn cứ quân sự (bất hợp pháp) của TQ ở
quần đảo Trường Sa sẽ là một giải pháp hòa bình với bất kỳ ai (muốn) kết
thúc cuộc chạy đua với TQ.
David Archibald, một thành viên thỉnh giảng tại Viện Chính trị quốc
tế tại Washington DC ngày 30/4 bình luận trên tờ American Thinker, Trung
Quốc sẽ bắt đầu khơi mào một cuộc chiến tranh trong năm 2017, trong đó
điểm nóng tiềm năng Bắc Kinh có thể gây chiến là quần đảo Trường Sa
(thuộc chủ quyền Việt Nam) trên Biển Đông.
Gây chiến ở Trường Sa để ngăn bạo loạn trong nước do những vấn đề nội tại
Lý do đầu tiên khiến David Archibald tin rằng Trung Quốc có thể khơi
mào chiến tranh năm 2017 là bởi tính hợp pháp của bộ máy cầm quyền hiện
nay bị đe dọa vì yếu tố kinh tế không có gì cải thiện. Tình huống này
buộc Trung Nam Hải phải tìm kiếm động lực mới để tập hợp người dân. Điều
này có thể giải thích tại sao Bắc Kinh bất ngời xây dựng các đảo nhân
tạo, cơ sở quân sự (bất hợp pháp) ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ
quyền Việt Nam) từ tháng 10/2014.
Nợ công của Trung Quốc đã tăng từ 7 ngàn tỉ USD trong năm 2007 lên 28
ngàn tỉ USD năm 2014. Tỉ lệ tăng trưởng cao của nền kinh tế Trung Quốc
trong 7 năm qua chỉ đơn giản dự vào hoạt động xây dựng được tài trợ từ
nguồn vốn đi vay. Kích thước thực sự của nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn
nhiều.
Chính phủ Trung Quốc có khả năng đã nhìn thấy nền kinh tế bị tiêm
nhiễm và nhận thức rõ, các khoản vay không còn có thể duy trì ảnh hưởng
đến hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy hoạt động xây dựng (bất hợp pháp ở
Trường Sa) đã được đẩy mạnh để có thể tạo ra các lựa chọn bắt đầu cho
một cuộc chiến tranh. Đây là vấn đề sống còn của Trung Nam Hải, họ đang
đặt cược vào canh bạc này, nếu nó không thành công có thể dẫn đến bạo
loạn xã hội.
Mặt khác người Trung Quốc thường tự hào nước họ mới là trung tâm
thiên hạ. Họ thực sự phẫn nộ với thực tế rằng Hoa Kỳ mới được coi là số 1
trong số tất cả các quốc gia trên hành tinh này. Họ phải đánh bại trật
tự hiện tại trong một trận chiến. Đây là lý do tại sao Trung Quốc gia
tăng gây hấn. Họ cần một cuộc chiến cho tâm lý của chính họ.
Trung Quốc đã tái cấu trúc lực lượng vũ trang của mình cho một cuộc
chiến tranh sắc nét và chớp nhoáng. Trong số các quốc gia trên hành tinh
này, Trung Quốc là nước có thể chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh. Họ có
lương thực dự trữ trong kho đủ dùng cho 1 năm và thậm chí còn dự trữ cả
"thịt lợn chiến lược". Bắc Kinh vừa mới lấp đầy kho dự trữ dầu mỏ chiến
lược khoảng 700 triệu thùng.
Lựa chọn chiến tranh của Trung Quốc không liên quan gì đến việc đảm
bảo nguồn cung hoặc an ninh các tuyến đường thương mại. Một số nhà phân
tích phương Tây đã tự gắn những ý niệm này khiến Trung Quốc dễ hợp lý
hóa những gì họ đang làm.
Tham vọng "chia lại châu Á", Việt Nam sẽ mất nhiều nhất nếu để Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò
Đường 9 đoạn Trung Quốc vạch ra nhằm "chia lại châu Á" mà quần đảo
Trường Sa có vai trò quan trọng. Bắc Kinh yêu sách "chủ quyền" với hầu
như toàn bộ Biển Đông, một khi họ áp đặt luật chơi như các tàu và máy
bay thương mại nước ngoài phải xin giấy phép Bắc Kinh mới được qua Biển
Đông. Tàu chiến, máy bay quân sự không phải của Trung Quốc thì không
được bén mảng. Tuyên bố (vô lý) của Trung Quốc kéo dài đến đường vĩ độ
số 4 gần với xích đạo.
Quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất của sự bành trướng này chính là
Việt Nam. Nếu Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò, vùng biển Việt Nam
"chỉ còn 80 km tính từ bờ", David Archibald giả định. Nhật Bản cũng
nhận ra rằng tàu của mình từ châu Âu và Trung Đông sẽ phải đi xa hơn về
phía Đông, vòng qua Indonesia, Philippines về nước. Trong khi Singapore
sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về thương mại.
Một vấn đề khác đối với Trung Quốc là hành vi xâm lược của họ và việc
Bắc Kinh không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự đã khiến các nước láng
giềng lo ngại và phải chủ động tái vũ trang, hình thành các hình thức
liên minh. Trung Nam Hải có khả năng cho rằng tốt hơn hết là tấn công
phủ đầu trước khi các nước láng giềng có thể vũ trang cho mình mạnh mẽ
hơn trước. Về điều kiện quốc tế, Trung Nam Hải xem Obama là Tổng thống
yêu kém của Mỹ và Bắc Kinh có thể khởi động tấn công trước khi diễn ra
thay đổi quyền lực tại Nhà Trắng.
Tự kỷ nước lớn là thuật ngữ được nhà chiến lược Edward Luttwak đưa ra
để miêu tả thực tế rằng Trung Quốc dường như "không biết gì" về những
tác động của hành động Bắc Kinh gây ra với các nước láng giềng. Họ luôn
tự coi mình là trung tâm thiên hạ và nhận thức vấn đề hoàn toàn thông
qua lăng kính của lợi ích cá nhân. Hệ quả của vấn dề này là Trung Quốc
không thể nhận thức được khả năng những gì sẽ diễn ra không theo cách họ
muốn.
Luttwak cho rằng người Trung Quốc luôn đánh giá cao tư duy chiến lược
của mình. Nhưng theo ông, Trung Quốc vốn dĩ không có cái gọi là chiến
lược tác chiến, hầu hết những (cái gọi là) chiến lược được vạch ra đều
liên quan đến sự lừa dối.
Vai trò của ông Tập Cận Bình
Cuộc chiến (tiềm tàng) này đã được chuẩn bị từ những
năm 1980. Những hành vi hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc
ngày nay theo David Archibald là do có sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình,
người đã "rất ấn tượng" với cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên
giới phía Bắc Việt Nam do Đặng Tiểu Bình phát động năm 1979 để củng cố
quyền lực trong Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tập Cận Bình đã tích lũy được nhiều quyền lực hơn bất kỳ lãnh đạo
tiền nhiệm nào kể từ Đặng Tiểu Bình. Ông đang sử dụng chiến dịch chống
tham nhũng để thanh trừng các đối thủ chính trị. Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc thường có 10 năm cầm quyền trước khi về hưu. Và chỉ 2 năm từ khi
lên nắm quyền, những người ủng hộ Tập Cận Bình đã đề xuất ý tưởng phục
hồi chức danh Chủ tịch đảng như thời Mao Trạch Đông mà sau này Đặng Tiểu
Bình đã dẹp bỏ, để Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền ở cương vị
mới.
Ông Bình đã có một ký ức khó chịu về tuổi trẻ. Năm 15 tuổi ông bị
điều xuống nông thôn lao động trong khi cha mình bị thanh trừng. Nơi ở
của ông là một cái hang, chị gái Tập Cận Bình đã phải tự vẫn vì sự áp
bức của đám Hồng vệ binh.
Vì vậy David Archibal tin rằng gây chiến ở Biển Đông sẽ là cuộc chiến
tranh vô nghĩa nhất, ngu ngốc và tàn phá trong lịch sử, nhưng nó lại là
những gì đang đến. Việc loại bỏ căn cứ quân sự (bất hợp pháp) của Trung
Quốc ở quần đảo Trường Sa sẽ là một giải pháp hòa bình với bất kỳ ai
(muốn) kết thúc cuộc chạy đua với Trung Quốc.
Hồng Thủy (Giáo dục Việt Nam onl)
No comments:
Post a Comment