Sunday, May 10, 2015

Vấn đề của Việt Nam: Tính cô lập của khoa học công nghệ

Truyện cười Việt Nam: Có kẻ bị trúng tên tìm đến thầy thuốc ngoại khoa. Ông này cắt phần đuôi mũi tên. Người bệnh hỏi: Thế còn đầu mũi tên? Bác sĩ: Xin đến gặp thầy nội khoa.
Đó là tính cô lập chuyên ngành. Không nên lẫn với tính chuyên môn hóa hoặc không nên nhân danh nó để biện minh. Khoa học công nghệ Việt Nam cũng vậy. Lực lượng làm việc đã mỏng lại chia quá nhiều đề tài chuyên môn cô lập. Nước ngoài người ta chia ra các nhóm chuyên môn sâu, mình cũng chia, nhưng họ có thể hỗ trợ tốt với các đề tài, lĩnh vực khác để có sản phẩm, mình thì cô lập không quan tâm gì đến xung quanh như trong truyện tiếu lâm. Nhà chuyên gia của họ biết hầu hết những gì có thể liên quan đến ngành của họ để đặt ra những bài toán mới, phương pháp mới và khả năng ứng dụng. Chuyên gia của ta chỉ chăm chú sản xuất báo, nhiều khi theo những hướng từ thời NCS hay thực tập ở nước ngoài cách đây vài chục năm vẫn đào bới. Một phần do năng lực của nhà khoa học một phần do chính sách quản lý đề tài khoa học. Kẻ nào làm khác cũng chẳng hơn gì, có thể còn khó được đề tài hơn, có đề tài rồi cũng khó bảo vệ.
Rất nhiều đề tài ứng dụng công nghệ cần đến Toán, Vật Lý, Sinh học, Ngôn ngữ,... nhưng hỏi các nhà Toán học, Vật lý học, Sinh học, Ngôn ngữ học thì họ, giống hệt thầy ngoại khoa đều lắc đầu không phải đề tài của tôi thậm chí không có được lời khuyên nào ra hồn. Kết quả là phần khoa học đó, nhà ứng dụng tự vá víu làm lấy, làm sao có tính chuyên môn hóa cao, có chất lượng khác biệt được. Tại sao công nghiệp Việt Nam không có sản phẩm? Bởi một sản phẩm dù là một cái đinh ốc, một cái máy tính, một chiếc xe ô tô gồm rất nhiều công nghệ. Làm gì có ứng dụng nào chỉ có công nghệ xử lý ngôn ngữ hay tương tác người máy. Ngược lại, thỉnh thoảng do áp lực, các nhà chuyên môn VN cũng cố làm ứng dụng mới thật khôi hài: toàn những bài tập của học trò, ý tưởng ứng dụng xa thực tế, lại thiếu phối hợp với các ngành khác, vá víu cóp nhặt, đặc biệt về thiết kế tổng thể lại càng thô sơ vụng dại. Không thiếu các nhóm nghiên cứu, trung tâm đẻ ra theo một fashion hay ý thích của cấp trên, tập trung các layman, đầu tư được một thời gian, rồi đói việc dài dài. Ngay cả các Viện làm khoa học cơ bản đầu ngành cũng rất nhiều người thất nghiệp, các đề tài nhà nước, xếp xó từng núi giấy, mới làm xong không cho ai đọc khai thác, vài năm sau, chủ trì đã nhảy đi làm chuyện khác, cho đề tài cũ là lạc hậu không đáng nói theo phong cách "cóc bỏ đĩa". Các cao nhân thì thường khinh khỉnh buông một câu: ta chưa có sự đồng bộ khoa học công nghệ. Nói thế thì chẳng khác làng Vũ Đại. Sự đồng bộ đó sẽ rơi trên trời xuống hay các nhà khoa học đáng kính phải cùng với các nhà quản lý bàn nhau. Họ có gặp nhau không ít, nhưng hình như chỉ để bàn phân chia, thanh toán thế nào, nhưng dường như không nói phải tổ chức sắp xếp các đề tài thế nào để cuối cùng người đóng thuế sẽ được một lợi ích nào đó.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

4 comments:

  1. Tuân Hoàng: Các nhà khoa học thì có hướng đi, liên kết....nhưng lại ko có tiền và quyền quyết định.
    Thằng có tiền lại bị bọn "ngụy khoa học" tham mưu linh tinh, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Tuân Hoàng, Đây là nói mặt bằng năng lực chung của các nhà khoa học, chưa nói các nhà quản lý và bọn tham mưu đểu. Cái này liên quan đến cơ chế. Cơ chế và năng lực ràng buộc vào nhau thành vòng luẩn quẩn. Muốn breakthough phải có cơ chế phù hợp và một người dẫn đầu. Nếu làm từ dưới lên (tất nhiên là vẫn làm), thì nhà nước tồn tại làm gì.

      Delete
  2. Nguyen Xuan Hoai: Các nhà khoa học và chuyên môn đa ngành cứ kết hợp với nhau đi đã đừng chờ gì hội quản lý :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Nguyen Xuan Hoai, Anh tin thế hệ em sẽ nhiều người làm được (không phải tất cả). Nhưng các thế hệ trước, nhiều bác cây đa cây đề 30-40 năm vẫn làm đề tài của luận án TS, không chui ra khỏi nách của thầy được. Đó là năng lực thực sự. Ở Viện anh bệnh đó cũng phổ biến lắm.

      Delete