Nền giáo dục trong mơ của tôi. Tôi thực sự không thỏa mãn với những nền giáo dục mà tôi đã có tiếp xúc trực tiếp dù lạc hậu hay tiên tiến. Dù ở bậc đại học hay cơ sở, dù được chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào, các chương trình đào tạo cũng có vô khối những môn nhảm nhí, nhồi sọ không mang lại một chút kiến thức và kỹ năng ích lợi nào.
Trong một nền giáo dục lý tưởng trong mơ của tôi, có lẽ chỉ nên đặt các kỳ thi chuyển cấp với những tiêu chí về kỹ năng và kiến thức bắt buộc. Học sinh không cần phải qua các lớp tuần tự, với một chương trình chết cứng mà có thể tự chọn cho mình các môn học họ thấy thực sự cần thiết. Học sinh có thể học ở nhà với cha mẹ hoặc tự học hoặc ghi danh vào một số lớp, miễn là trả được thi vào cuối cấp. Ngược với hệ thống hiện nay, không nhất thiết phải quy định số tuổi cho mỗi kỳ thi hết cấp. Muốn thi lúc nào cũng được. Chỉ cần đòi hỏi các bằng bậc dưới là có thể thi bậc trên. Tách hẳn việc thi ra khỏi việc dạy, để đi vào thực chất. Và để kết quả thi không còn may rủi như hiện nay.
Trước mắt ở bậc tiểu học sẽ có một số môn bắt buộc như làm tính, đọc, viết, kỹ năng phân tích, kỹ năng sống. Tôi nghĩ tiểu học cũng như một cái camp. Để trẻ đến sinh hoạt, vui chơi và tập làm việc, bắt đầu từ việc tự lo cho mình như nấu ăn dọn dẹp. Chúng sẽ làm cùng nhau, thấy thích thú và tạo thành thói quen và kỹ năng sống, kể cả kỹ năng sinh tồn.
Thực sự không phải học sinh nào cũng biết tự đặt cho mình một chương trình học từ sớm. Do đó, để hệ thống này hoạt động cần ba điều kiện: Thứ nhất, ngay từ tiểu học các thày dạy cũng phải đủ sức hướng dẫn theo cách để học sinh có ý thức tự phát hiện ra nhu cầu về kiến thức và kỹ năng. Thứ hai, phải có hệ thống tư vấn cho học sinh về chọn môn học. Thứ ba, tham gia vào công việc thực sự. Từ cấp trung học, học sinh sẽ bắt đầu phải tham gia công việc nào đó, dù là giản đơn, không phân biệt lao động chân tay, sáng tạo hay sáng chế. Trẻ có thể chọn lựa, thay đổi để tìm cho mình những công việc phù hợp. Những công việc này không phải là vờ vẫn như những giờ thể dục, công nghiệp hay dạy nghề hiện tại. Các nghề như thủ công, lắp ráp, dọn dẹp, dệt may, nhập liệu cho đến phụ tá nghiên cứu, lập trình đều có thể làm tốt nếu có người hướng dẫn phù hợp. Trong công việc việc phát hiện ra nhu cầu học, tự nghiên cứu cải tiến và làm việc theo nhóm hết sức quan trọng. Kết thúc trung học học sinh phải đủ kỹ năng để có thể tự nuôi sống mình nếu cần và họ hiểu rằng để sống và làm việc tốt cần phải học thêm những gì.
Mọi học sinh tốt nghiệp trung học đều có quyền vào đại học hoặc các trường dạy nghề theo ý thích. Tất nhiên trường dạy nghề cũng không được đầy những môn nhảm nhí, với những ông thầy thất bại trong sự nghiệp khoa cử miễn cưỡng kiếm sống như hiện nay. Thầy phải là các bác thợ cả đáng kính, có kiến thức và có tay nghề tinh xảo. Muốn theo học phải đổ mồ hôi. Cũng không nên dựng một hàng rào giữa hai hệ thống này. Không có gì cản trở một nhà toán học có khả năng thiết kế và thi công một hệ thống điện, nhà vật lý có thể xây nhà, nhà hóa học thạo nghề phay tiện. Thậm chí một xã hội như thế khá lý thú và đáng sống, không phải nghe những bài huấn thị đạo đức rỗng tuếch.
Cố nhiên trong một hệ thống như thế không có hàng rào giữa các ngành khoa học. Vào đại học sinh viên phải lo chọn một nhóm làm việc thiết kế, nghiên cứu, khởi nghiệp và tham gia thi công, thực thi, kinh doanh trong các lĩnh vực đó vừa học các môn cần thiết. Khi cảm thấy đủ năng lực để dự kỳ thì tốt nghiệp với đòi hỏi cao cả về kỹ năng, năng lực tư duy và kiến thức, sinh viên có thể ghi danh để lấy bằng. Mọi người đều có cơ hội học những bài giảng có chất lượng cao nhất phù hợp với mình dù là online hay ở lớp thực sự.
Tất nhiên, hệ thống giáo dục như thế trước mắt chưa thể thích hợp ngay với tất cả mọi người, nhưng việc có các trường theo phong cách như thế hoàn toàn khả thi. Nhất là trong thời đại công nghệ như hiện nay.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Tôi có xem 1 phần trao đổi giữa các chuyên gia kinh tế về chính sách phát triển ở VN (chương trình TV). Có 1 ý kiến nói rằng, ở nước ngoài, theo ông ta biết thì người ta có các tổ chức chuyên thẩm định với những chuyên gia có uy tín về nhiều lĩnh vực để chọn ra các phương án/dự án tốt nhất, sau đó lọc ra và tập trung vào (ví dụ) 10 dự án khả thi và chỉ mong hoàn thành được dù 2 đến 3 dự án là coi như thành công. Từ dream đến thực hiện có 1 khoảng cách cần phải vượt qua mà người lãnh đạo là người đầu tiên phải nhận trách nhiệm (chẳng hạn như nhà máy lọc dầu Dung Quất), sau đó mới đến những người/tập thể chịu trách nhiệm thực thi.
ReplyDeleteVới tôi đây cũng là mơ ước, vì hồi nhỏ tôi cũng muốn được học như vậy :) nhất là trong những năm học từ lớp 5 đến lớp 10.
ReplyDelete