Thoạt đầu khi mới nhìn qua bức tượng này có lẽ ai trong chúng ta cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó. Đó là: “không nói, không thấy, không nghe”. Nhiều người cho rằng bức tượng ấy muốn dạy chúng ta hãy ở yên và sống cuộc sống của mình, đừng quan tâm đến chuyện của người khác hay những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng nếu hiểu như vậy thì thiếu chính xác và chưa đầy đủ.
Thực ra, nguồn gốc xuất xứ của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ vài ngàn năm về trước. Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần, là thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Theo đó bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người: không được nói bậy, không nhìn bậy và không nghe bậy.
Tư tưởng “ba không” đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Quốc không rõ vào thời kì nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này.
Tại Nhật Bản, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng có tám bức khác nhau) có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru: bịt tai, bịt mắt và bịt miệng bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỉ XVII.
Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này.
Bức tượng cũng mang đậm tư tưởng của Đức Khổng Tử trong Luận Ngữ. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: “Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.
Người Nhật còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều khi họ muốn: “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện.
Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của “Tâm viên ý mã” trong phép thiền. Chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng.
“Tâm viên là vượn tâm, là tâm tán loạn như vượn khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành này sang cành cây khác, lại hay phá phách, bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ”.
Tâm người ta cũng thế, không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là tâm viên. Tâm này sẽ đưa con nguời đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế… Bởi vậy tâm chúng sinh bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác nhiều hơn thiện.”
Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy nhiều người đang tự làm khổ chính mình. Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.
Bản chất của con người là tò mò: bất cứ câu chuyện nào, về bất cứ ai dù không liên quan thì cũng cố gắng nghe hết để có chuyện kể lại cho người khác. Nếu bạn là người hay để ý lỗi của người, bạn luôn cố tìm ra khuyết điểm của người khác để chờ có dịp có thể nói lại họ để giành phần thắng cho mình. Mong rằng mỗi người trong chúng ta nhận ra được việc ghét bỏ và để ý người khác thật mất thời gian và tự khiến bản thân mình trở nên xấu xí. Xấu ở đây là ở cái tâm, không chịu nghĩ điều tốt đẹp cho người mà chỉ nhìn thấy những thói hư, tật xấu ở những người xung quanh.
Nếu biết tu sửa thân tâm, ta sẽ nhìn lỗi của người khác như lời nhắc nhở để ta không phạm phải những sai lầm đó. Lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân, tất cả mọi người quanh ta đều là Bồ tát chỉ có ta là kẻ phàm phu nên còn rất nhiều lỗi cần phải sửa chữa. Cũng như vậy, tai nghe thấy những việc phiền não cũng đừng giữ trong lòng. Nên nghĩ đó là lúc Đức Phật đang dạy ta chữ “Nhẫn”, không được sân hận trước những lời nói của người khác, lúc nào cũng giữ cho mình tâm bình lặng trước mọi việc:
“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao”
Từng bước, từng bước như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện được con người của mình. Không phải nhờ năng lực siêu nhiên nào khiến bản thân mình thay đổi mà chính sự nhận thức sâu sắc từ trong tâm sẽ giúp ta quán chiếu được mọi vấn đề một cách vẹn toàn nhất. Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” tưởng như đơn giản mà lại mang những giáo lý vô cùng sâu sắc.
Lúc nào đó, khi đi dạo trong khuôn viên của chùa, nhìn thấy hình ảnh những chú khỉ ấy ta vừa thấy thích thú trước một hình ảnh ngộ nghĩnh vừa là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thâm thúy của các bậc thiện tri thức muốn truyền đạt lại cho thế hệ mai sau./.
"Bớt nghe bớt nói bớt nhìn
ReplyDeleteĐể tâm thanh tịnh cho mình bình an."
st