Friday, February 19, 2016

NGỘ NHẬN TRUYỀN THÔNG VỀ SÓNG HẤP DẪN TẠI LIGO VÀ CÁC DỮ LIỆU THỰC NGHIỆM MỚI

Truyền thông và các nhà khoa học không chuyên về hấp dẫn đang giải thích theo cảm tính chủ quan và làm lan truyền một ngộ nhận về việc quan sát được lỗ đen trong quan sát tại LIGO. LIGO đúng là quan sát được sóng hấp dẫn, nhưng họ cố đưa ra một giải thích là có hai lỗ đen sáp nhập cách đây hơn 1 tỷ năm. Điều đó chỉ là một mô hình giải thích có lý chứ chưa phải là quan sát thực nghiệm.
Bản thân Einstein không tin ở sự tồn tại của lỗ đen. Các lỗ đen Swarzchild, Kerr, Reissner-Nordstrom đều là các kỳ dị không có cấu trúc, với khối lượng tập trung tại một điểm. Đáng chú ý là các lỗ đen như thế đều là nghiệm của phương trình Einstein trong trường hợp đặc biệt (không có vật chất hoặc chỉ có trường điện từ), chắc chắn không phải là điều kiện của vũ trụ cách đây 2 tỷ năm trở lại. Chúng ta biết sự tồn tại của các tương tác khác và các hạt vật chất có spin bán nguyên. Khi có thêm các loại vật chất này, các nghiệm có thể không còn kỳ dị và có thể có những vật thể có cấu trúc với mật độ, kích thước và khối lượng đủ gây ra sóng hấp dẫn đã quan sát được tại LIGO. Một số người cho rằng mô hình sáp nhập hai lỗ đen Kerr có nhiều vấn đề về mặt lý thuyết và không tin đó là thực tế đã xảy ra.
Không chỉ về phương diện lý thuyết, các số liệu thực nghiệm mới công bố tại Fermi Gamma Ray Space Telescope (FGRST) cũng thách thức mô hình sáp nhập lỗ đen của LIGO. FGRST công bố quan sát được một trận mưa bức xạ gamma đúng 0.4 giây sau khi sóng hấp dẫn chạm tới các thiết bị của LIGO. Vẫn có khả năng đó là sự trùng hợp về thời gian của một sự kiện khác. Tuy nhiên các nhà vật lý tại FGRST đánh giá xác suất là cho sự trùng hợp đó là 0.2%. Nếu sóng hấp dẫn tại LIGO và mưa bức xạ gamma tại FGRST xuất phát từ cùng một sự kiện, chúng ta phải xem xét lại mô hình sáp nhập lỗ đen. Mô hình này hoàn toàn không dự đoán bức xạ gamma từ cách đây 1.6 tỷ năm.
Trong khoa học, không nên kết luận chắc như đinh đóng cột và gây ngộ nhận cho truyền thông khi vẫn còn các khả năng khác. Nhất là thực nghiệm và giải thích mới là của một nhóm còn phải được kiểm nghiệm phản biện bởi các nhóm khác. Hãy nhớ lại BICEP2.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

3 comments:

  1. Do Xuan Phuong: FGRST quét bầu trời mỗi lượt 3h, không biết cơn mưa gamma trùng hợp với sóng hấp dẫn LIGO đến từ hướng nào?
    Nếu có thêm dữ liệu khác, như X-ray, cùng một hướng thì thật thú vị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Thấy nói là FGRST xác định được Gamma Burst đến từ cùng một chỗ với sóng hấp dẫn.

      Delete
  2. Nguyen Hong Quang: Mọi người đang chờ đợi những thông tin chia sẻ hấp dẫn của anh trong buổi Tọa đàm về sự kiện phát hiện thấy sóng hấp dẫn sắp tới tại Viện Hàn lâm KHCNVN đấy: http://isi.vast.vn/.../632-giaymoithamdutoadamvesukienpha...

    ReplyDelete