Thursday, February 25, 2016

Tiểu luận: THÓI THÍCH DÙNG HÀNG NHÁI

Nếu không có tiền dùng hàng bình dân. Có tiền dùng hàng thứ thiệt. Hàng bình dân cốt ở rẻ. Hàng thứ thiệt cốt ở chất lượng. Tiền nào của ấy. Đó là cách nghĩ của Tây. Á Đông ta có thói thích dùng đồ nhái. Thói quen này bắt đầu từ hai đặc điểm: thích khoa trương sĩ diện và "thực bất tri kỳ vị". Thực ra ở Tây cũng có loại gần giống thế này ở thời tiền tư bản ấu trĩ, mà Molière đã chế diễu như thói trưởng giả học làm sang, tiểu thị dân. Nói một cách khác là loạn về chuẩn, do quá tôn sùng các chuẩn và lề thói hình thức.
Thói khoa trương sĩ diện thường thể hiện ở loại người mới trà trộn vào một nhóm xã hội mới, luôn lớn tiếng về các lề thói hình thức để tỏ rằng mình đích thực thuộc về nhóm này. Đằng sau đó là sự sợ hãi bị đặt dấu hỏi về tư cách của họ trong nhóm và khả năng bị văng ra khỏi nhóm. Càng sợ hãi càng bấu chặt vào cái duy nhất họ có được là khoe khoang hình thức. Chính vì tâm trạng căng cứng trong bộ cánh sột soạt hồ chưa giặt, nên họ không có thời gian thưởng thức giá trị thực sự. Đối với họ, trứng cá cũng như lòng lợn, nhưng trứng cá là sang dù là hạng bét. Hãy nhìn những kẻ trọc phú vào nhà hàng yêu cầu rượu nào đắt tiền nhất bất kể loại gì. Khách hàng tiềm năng của hàng nhái đó. Việt Nam một thời nở rộ mốt áo Nato, lông Đức, áo bay,quần bò... mọi người đều giống hệt nhau. Ai cũng cố sắm cho bằng được mấy loại đồ theo chuẩn mực, để thấy mính sang. Thế là đẻ ra hàng nhái. Chất lượng thế nào cũng được miễn là nhìn giống Nato, lông Đức, áo bay, quần bò. Cũng là một biến tướng của thói dùng hàng nhái.
Đừng tưởng hàng nhái chỉ là mê mấy thứ đồ tầm tầm. Ngày nay, nhái có đến cả những thứ như túi xách đắt tiền. Những đồ này không hề rẻ. Túi hàng hiệu vài ngàn đô, túi nhái cũng gần ngàn đô, trong khi những loại tốt hơn nhiều cũng chỉ 200 là cao. Rồi hàng nhái lan cả sang đến những thứ cao cấp hơn như sách. Có ai hỏi đọc sách gì cứ nói Suối nguồn, Đạo của Vật Lý, Thiền Tây Tạng cho chắc ăn. Hàng nhái cũng vào việc lễ bái tâm linh. Mở phủ hầu đồng giá xịn là 500 triệu. Nhưng chỉ có 100 thậm chí 20 cũng mở được phủ cũng hầu được đồng.
Đừng tưởng hàng nhái chỉ có ở mấy thứ xằng xiên dân trí thấp. Có cả chức vụ nhái, bằng cấp nhái thậm chí làm khoa học nhái. Những đồ nhái này không phải là của giả nhé. Chức vụ thật, bằng cấp thật, công trình thật 100% chỉ có chất lượng là nhái. Mua quan bán tước, bằng cấp cũng từ đó mà ra. Nếu chơi cờ xì tiền ra để đối thủ chịu thua thì còn gì là lý thú. Nếu ai cũng nghĩ như thế thì làm có đồ nhái. Chức năng của chức vụ bằng cấp nhái là để trưng diện chứ không phải để dùng, để làm việc thật sự. Bàn về mấy chuyện này dễ nhàm vì nhan nhản. Nhưng làm khoa học cũng có nhái mới là chuyện hay. Chuyện gian trá đạo văn là chuyện trẻ con, mua sản phẩm công nghệ ở Thẩm Quyến dán lại nhãn mác nghiệm thu thành đề tài khoa học, đóng gói mã nguồn mở thành sản phẩm dự thi nhân tài, tất cả đều là loại trình độ thấp, chưa đáng nói. Thậm chí các bài báo khoa học đăng ISI là tiêu chuẩn đáng mơ ước cho nhiều giáo sư tiến sĩ cũng nhái nốt. Loại nhái này mới khó trị. Một nhà khoa học có một cách nào đó, chẳng hạn viết chung với một ai đó, có được một công trình đăng ISI. Rồi sau đấy ra hàng loạt bài tựa tựa như nhau, vô thưởng vô phạt. Kiểu công trình tầm cỡ nhân 2 số thật to với nhau. Muốn nói là mới thì hẳn là mới, vì chưa có đứa nào đủ ngu và điên để nhân hai số như vậy với nhau. Muốn nói là khó, thì hẳn là khó, nhân hai số thật to mất khối thời gian, bác học loại xịn tính thử cũng sai như chơi. Nhưng hỏi ý nghĩa gì trong thời đại máy tính thì chịu. Loại công trình đó chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các giáo sư hàng đầu. Ở đây nói hàng đầu là không tính loại giáo sư cắt dán, đạo văn trong những ngành kém phát triển. Nếu có ai đó nói làm khoa học như thế thà cuốc đất còn hơn, thì đó là chưa hiểu tâm lý hàng nhái.
Hàng tiêu dùng nhái sẽ bóp chết công nghiệp. Hàng xa xỉ nhái sẽ còn mạnh hơn thế nhiều. Suy cho cùng hàng xa xỉ nhái sinh ra là để đáp ứng tâm lý thích hàng nhái của tiểu thị dân khoa học, tiểu thị dân giáo dục và tiểu thị dân quan trường.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment