Monday, February 1, 2016

Nhật ký: Nhịp sống

Một ngày mới.
Mỗi buổi sáng sớm vào mùa này, dọc con đường chạy ra hướng cầu Kiệu, từ ánh đèn đường và đèn xe ngược xuôi có thể thấy rải rác những dãy xe gắn máy của những người dậy sớm lặng lẽ uống cà phê bên lề đường. Trên thềm vài ngôi nhà vẫn còn đóng kín cửa là hình hài bất động của những người vật vạ ngủ. Lác đác những dáng vẻ chậm chạp của các cụ già cùng đàn ông đàn bà, trai gái dáng dấp khỏe khoắn... đi bộ thể dục buổi sáng.
Tôi hướng ra bờ kênh, đi dọc theo bờ bên này là đường Trường Sa còn bên kia là đường Hoàng Sa. Trước đây, chỉ đi trên cầu qua dòng nước đen là đã không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ mặt nước. Nay được như vậy cũng là công của cách mạng. Thế nhưng công này là một lẽ để xóa đi cái điều trước đây chửi bới xã hội cũ thối nát nên chính quyền muốn chứng tỏ rằng những người cách mạng có thể thay đổi tất cả mọi thứ trở nên tốt hơn. Nhưng dòng nước này không đủ để xóa hết cái xấu.
Từ cầu Kiệu đến cầu Công Lý, cũng có nhiều người đi bộ như tôi, những người khác thì tập thể dục... Nhưng tôi chú ý đến một người đàn ông đẩy một người đàn bà ngồi trên xe lăn trên con đường đi bộ sát bờ kênh. Sáng nào cũng vậy, ở trên một đoạn đường, có khi tôi thấy người đàn bà rời chiếc xe lăn, chậm chạp và khó nhọc nhích từng bước chân trong khi hai tay bám vào dãy lan can dọc bờ kênh còn người đàn ông thì kiên nhẫn đẩy chiếc xe lăn ở phía sau. Cũng có khi tôi thấy cả hai dừng lại và hướng về tượng Phật bà Quan âm trên sân thượng của một tòa nhà thành tâm cầu nguyện.
Tôi cũng thấy những kẻ câu trộm. Cá dưới kênh rất nhiều, có lúc tôi còn thấy chúng bơi đặc cả mặt nước. Bọn câu trộm không hề tỏ ra chúng là những kẻ vi phạm quy định cấm đánh bắt cá của TP. Khi đi ngang qua chúng, tôi cảm thấy căm tức vì không thấy những người có trách nhiệm ngăn cản chúng, và cũng tức mình vì không làm gì để phản đối hành động của chúng. Có lẽ đó là điều không thoải mái của tôi vào mỗi sáng, một cảm giác phải chấp nhận cùng nhiều nghịch lý vào thời buổi này. Giá mà tôi có thể giật những cái cần câu của chúng và giao cho những người có trách nhiệm quản lý dòng kênh này thì lòng tôi nhẹ nhõm hơn nhiều.
Nhưng rồi cảm giác tức tối cũng thay bằng những cảm xúc khác khi tôi rẽ vào con đường đi qua chợ Phú Nhuận. Dọc hai bên đường và trong nhà lồng chợ là các bà các chị tất bật cho một buổi chợ mai với đủ thứ phải bày ra. Cái chợ luôn mang nhịp sống muôn thuở của con người cùng kẻ bán người mua. Ở mỗi vùng, nó đều có những nét riêng đặc trưng với hàng hóa ở đó, con người ở đó và cả tiếng nói cũng như lối sống ở đó. Tất cả hợp thành một khung cảnh đầy âm thanh và sức sống bắt đầu của một ngày. Thỉnh thoảng tôi cũng hay giúp một người giao hàng. Anh ta thường chở trái cây cho những người bán ở đây, nếu thấy tôi đi ngang mà chưa đưa được cái nong chuối lớn xuống thì thế nào anh ấy cũng nhờ giúp để đặt nó vào đúng chỗ vì một mình anh ta không thể xoay xở với cái nong xếp mấy tầng chuối lớn như thế.
Rời chợ, bước ra con đường lớn, tôi trở lại với những dãy nhà và dòng xe cùng những âm vang của tiếng động cơ xe cộ rộn rã. Thành phố không ngủ, nó chỉ chìm vào bóng đêm yên tĩnh để sau đó lại trở nên nhộn nhịp và ồn ào cùng những buổi sáng.
Nhịp sống của thành phố như truyền vào tôi cảm giác của một cơ thể sống động từng ngày, và mỗi bước chân của tôi cũng như truyền vào cho nó cái sức sống của tôi...

No comments:

Post a Comment