Monday, February 15, 2016

Tản mạn về Sài Gòn: Thành phố rộng mở

Gần mười triệu người sống ở Sài Gòn, có bao nhiêu phần trăm người xứ khác đến và trụ lại ở mảnh đất này? Sài Gòn là nơi tụ hội của những người tha phương tìm cho mình một nơi trú ngụ, một cơ hội để đổi đời. Và không có "đặc quyền, đặc lợi" cho ai cả, ai cũng có cơ hội công bằng để sống dưới ánh nắng mặt trời chan hòa xứ này.

Một thành phố lúc nào cũng thức, và cứ vươn rộng ra mãi, để đủ sức bao dung mọi cảnh đời.
Người miệt khác ghé đến Sài Gòn, đôi khi như một cuộc trốn chạy, cũng có khi lại là một cuộc dấn thân định mệnh. Không ai lựa chọn Sài gòn, ban đầu, như một tình yêu nguyên vẹn. Mà tình yêu với thành phố này, được vun vén mỗi ngày. Như người đàn bà chất phác, đẹp dần, đẹp dần lên, không phải vì phấn son...

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (tập 1), sau đại hôn giữa công nữ Ngọc Vạn (Đại Nam) và vua Chey Chetta II (Chân Lạp) vào năm 1620, lưu dân Việt càng lúc càng đến đất Gia Định nhiều hơn, dân cư hai nước tự do qua lại... Còn theo Gia Định thành thông chí, từ năm Mậu Tuất (1658), dân Việt lưu tán đã ở lẫn với người Cao Mên (Chân Lạp), cùng nhau khai khẩn đất đai làm ruộng sinh sống. Ta khác người, người khác ta, muốn sinh sống, mần ăn, kết hôn... thì phải thỏa hiệp, thiện chí, bao dung.

Đất Sài Gòn có trước văn hóa Óc Eo khoảng 3.000 năm. Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, thời kỳ Óc Eo, vùng này có vô số tiểu quốc chung sống với nhau. Ngay sau đó thì vương quốc Phù Nam tan rã. Đến đầu thế kỷ 9, Thủy và Lục Chân Lạp thống nhất, mở ra thời kỳ Angkor. Từ thế kỷ 12 đến 16, sau các tranh chấp, chiến tranh giữa Champa với Chân Lạp, Champa với Đại Việt, rồi sự xâm lược của Xiêm La... vùng đất Gia Định - Sài Gòn mới được tự do, bình yên trở lại, cộng với đất đai màu mỡ, ruộng vườn tốt tươi, khí hậu thuận lợi, nên dân chúng vô lo, vui sống...

Từ đó, Sài Gòn đã là xứ "hợp chủng/hợp chúng", các nhóm dân bản xứ như Mạ, Stieng, Khmer, Chàm... hòa trộn cùng người Hoa (Quảng Đông, Triều Châu...), cùng người Việt từ Trung bộ, rồi người Pháp, Ấn Độ (Malabar), Phi (Tagal) nhập cư. Từ cuối thế kỷ 19, "Sài Gòn đã là thành phố toàn cầu (global city), không phải đợi đến thế kỷ 21 của thời đại toàn cầu hóa", nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp khẳng định.
Từ những số liệu của Eugène Bonhoure và Paul Bonnetain (1887), Nguyễn Đức Hiệp cho biết vào nửa cuối thế kỷ 19, người Việt ở Sài Gòn chỉ chiếm khỏang 35% dân số, người Hoa khoảng 45%.

Theo Quốc triều sử toát yếu, năm 1679, 3.000 người Hoa trên 50 chiến thuyền do 2 tướng nhà Minh dẫn đầu xin tị nạn, được Chúa Nguyễn cho định cư tại đất Sài Gòn - Biên Hòa (gọi là người Minh Hương). Phần lớn họ đều xuất thân từ nhà võ và binh nghiệp, đến vùng đất bưng biền gặp dân tứ chiếng, dân phản kháng - đầu trộm đuôi cướp bỏ xứ vô đây lập nghiệp, thế nhưng chẳng bị xung đột lớn, mà đa phần muốn gác chuyện cũ để xây dựng vùng đất hứa. Đến khi lập phủ Gia Định và huyện Tân Bình (1698), dân cư vùng đất Sài Gòn gần 10.000 người, đa sắc tộc, đa văn hóa. Họ sống xen kẽ, kết hôn tự do, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài...

"Để lại và quên đi những lầm than, sai trái, áp bức ở những vùng đất mà họ phải ra đi, lưu dân sống mở vùng đất mới, họ dễ đồng cảm với nhau, không câu nệ và coi những người cùng hoàn cảnh là anh em, coi vùng đất Nam bộ là quê hương mới. Tất cả như anh em và chính thái độ này đã tạo ra phong cách đặc trưng của miền: thật thà, học hỏi lẫn nhau, phóng khoáng, thực dụng" (Nguyễn Đức Hiệp)

Ký họa cảnh chợ Sài Gòn năm 1872, với 2 người Ấn, 1 người Hoa bên cạnh những người bản xứ (La revue Tour du Monde 1875, Belleindochine 1882, Albert Morice 1876)

Sau này, điều dễ thấy với dân nhập cư vào Sài Gòn, đó là họ ít khi bị phân biệt đối xử. "Có người Sài Gòn nói giọng Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Huế, rồi giọng Thanh - Nghệ - Tĩnh, rồi giọng Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang... Có người Sài Gòn nói tiếng Hoa, tiếng Khmer, Chàm..., mà hình như, cả 54 dân tộc đều có đủ. Có người Sài Gòn chưa bao giờ có quốc tịch Việt Nam và chưa thông thạo tiếng Việt..." (Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi, 2013). Còn nhà nghiên cứu Phan Khắc Huy thì khẳng định: "Sài Gòn không cần nhập tịch".

Lý do để Sài Gòn bao dung, không ích kỷ thì có nhiều, cắt nghĩa không dễ dàng gì, theo nhà nghiên cứu Trần Trung Đạo thì:

1. Người Sài Gòn mới (từ thế kỷ 17 về sau) không mang nặng quá khứ dày và dài như các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nên không quá bảo thủ, ích kỷ. Hơn nữa, đây là vùng khai khẩn mới, đất rộng người thưa, chẳng của riêng ai, cần đoàn kết, nên vấn đề sở hữu không quá chú trọng.
2. Sớm là cửa ngõ giao thương của nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á, của quốc tế, nên Sài Gòn dễ dung hợp và tiếp cận với cái xa lạ, cái mới. Họ cũng sớm có điều kiện tiếp cận với sinh hoạt và với các hình thức dân chủ văn minh từ Tây phương, nên học được sự cởi mở, sòng phẳng, tôn trọng cá nhân.

Cả Đại Nam nhất thống chí Gia Định thành thông chí đều ghi chép về Võ Thủ Hoằng (dân chúng đọc trại, truyền miệng nên còn gọi Thủ Huồng, Thủ Huồn...), sau năm 1755, đã "kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè".

Ngày nay xem lại tờ báo tiếng Việt đầu tiên là Gia Định báo (1865), rồi các tờ báo thời kỳ đầu ở Sài Gòn như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910)... vẫn thấy tinh thần cởi mở, hào phóng, chịu chơi và bao dung của người dân ở đây. Đặc biệt, các tờ báo chuyên về phụ nữ như Nữ giới chung (1918), Phụ nữ tân văn (1929)... ở Sài Gòn đã giúp cho tiếng nói và hành động cấp tiến của phụ nữ được chú ý, giúp thay đổi cái nhìn từ coi nhẹ sang tôn trọng nữ giới nhiều hơn.

Lược trích từ các bài viết của Hiền Hòa, Dương Bình Nguyên, Lâm Lê (Phụ Nữ - Xuân 2016)

1 comment:

  1. Xưa, có câu ca dao: "Trai tứ chiếng, gái giang hồ/ Gặp nhau làm nổi cơ đồ cũng nên". Cặp câu này cũng thường được dùng để chỉ về xuất thân, cốt cách của người Sài Gòn xưa, vốn trọng nghĩa khí, giàu bao dung.
    "Tứ chiếng" là từ khắp mọi nơi đến và đi khắp bốn phương trời, còn "giang hồ" là dạn dày kinh nghiệm, dễ thích nghi. Hai cốt cách này làm nên một Sài gòn bao dung, đúng hơn, bắt buộc phải bao dung để tồn tại, để cùng nhau "làm nổi cơ đồ". (Hiền Hòa)

    ReplyDelete