Friday, February 26, 2016

TRƯƠNG CƯ CHÍNH VÀ QUAN DỊCH KINH

Trương Cư Chính là nhà cải cách duy nhất thành công trong lịch sử Trung Quốc. Ông là thứ phụ nội các (Phó Tể tướng) kiêm Lại Bộ Thượng Thư thời vua Long Khánh. Thời vua Vạn Lịch ông là thủ phụ nội các (Tể tướng) cầm quyền trong 10 năm. Có công tích về cải cách chính trị, phát triển kinh tế, phòng giữ biên cương và dạy vua nhỏ tuổi. Nhà Minh từ chỗ mục nát về chính trị, kinh tế suy bại, bị phương Bắc và Nhật Bản đe dọa, chuyển sang mạnh về chính trị, phát triển kinh tế, đánh thắng ngoại xâm. Tuy nhiên do cầm quyền quá cao, ông bị nhiều người ghét. Sau khi ông mất những người chống đối ông vu khống khép tội ông chuyên quyền dẫn đến bị chu di tam tộc.
Trương Cư Chính lên 5 đã biết chữ, lên 7 đã hiểu nghĩa của lục kinh, 12 tuổi đỗ tú tài, 16 tuổi đỗ cử nhân, 23 tuổi đỗ tiến sĩ, thông minh trùm đời. Ông làm quan dưới quyền hai thủ phụ là Nghiêm Tung, người bị coi là đại gian thần số 1 trong lịch sử Trung Quốc, cũng là người rất thông minh tài hoa và Từ Giai. Cũng may được Từ Giai che chở mới thoát nạn. Thế sự thời Long Khánh nát như tương, chốn quan trường đầy cạm bẫy, đấu đá tàn khốc một mất một còn. Do đó Trương Cư chính viết Quan Dịch Kinh chính là tổng kết kinh nghiệm quan trường từ bậc thấp đến tận mức cầm quyền chấp chính thay vua. Quan Dịch Kinh là sách gối đầu giường của Tăng Quốc Phiên đời Thanh.
Quan Dịch Kinh mở đầu: Quân tử sùng đạo yên, tiểu nhân giả đạo yên [1]. thượng bất tự minh, hạ bất tự uế [2]. thành bất cứu thất, bại bất luận đạo dã. trí giả hoặc vu đạo, ngu giả hoặc vu huệ [3]. đạo vô vong, tội vô độn hĩ.
Tạm dịch: Người quân tử tôn sùng đạo vậy, kẻ tiểu nhân giả vờ theo đạo vậy, bên trên không chắc đã sáng, bên dưới không chắc đã bẩn. Khi thành công thì không xét đến việc mất, thất bại thì không thể nói về đạo, người trí thường bị mê hoặc bởi đạo, kẻ ngu thường bị mê hoặc bởi ơn huệ. Đạo không bao giờ suy vong, tội không thể trốn tránh.
Nghe cũng thú vị phết. Không biết có đáng công dịch và bình chú không.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

1 comment:

  1. Giap Van Duong: Đọc qua mấy câu này thì thấy hay. Người viết trải đời mà xem ra lại rất thực dụng/pragmatic.

    ReplyDelete