Wednesday, March 9, 2016

NGƯỜI VIỆT KHINH NGƯỜI VIỆT

Nhớ, có lần về Việt Nam, tôi được giới thiệu với một trí thức khá lớn tuổi ở Hà Nội. Chuyện gẫu, anh khoe anh đang sống chung với một phụ nữ Tây phương. Tôi không hỏi là hai người sống chung như vợ chồng hay bồ bịch. Thực tình, tôi cũng chẳng thấy có chút ngạc nhiên hay tò mò nào. Nhưng một lát sau thì anh bạn ấy lại hỏi tôi: “Chị nhà là người nước nào vậy, thưa anh?” Khi tôi đáp là người Việt, tôi thoáng thấy có chút thất vọng trong ánh mắt của anh. Tôi đoán chắc anh đang nghĩ thầm: Mẹ kiếp! Sống ở nước ngoài cả mấy chục năm mà vẫn cứ xài hàng nội!
Khoảng giữa thập niên 1990, khi chính sách mở cửa về kinh tế của Việt Nam đã có nền tảng khá vững, nhiều trường đại học ở Tây phương, trong đó có Úc, tìm cách xây dựng các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Thoạt đầu, người ta nghĩ ngay đến lực lượng trí thức Việt Nam như những trung gian cực tốt: Họ biết cả hai ngôn ngữ và cả hai nền văn hoá. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, phần lớn đều khám phá ra điều này: họ không thực sự cần trung gian lắm. Không phải những người trung gian ấy bất tài. Không phải. Lý do chính là vì chính quyền cũng như các trường học và công ty Việt Nam thường nghi kỵ các đồng hương của họ ở nước ngoài hơn là với người ngoại quốc. Người ngoại quốc nói gì người ta cũng yes, yes. Trong khi với các chuyên gia người Việt thì người ta lại hạnh hoẹ đủ điều.
Tôi có một chị bạn lấy chồng Úc. Hai người đi về Việt Nam chơi. Có lần cần đến cơ quan công quyền để làm giấy tờ gì đó. Chị vợ vào năn nỉ ỉ ôi với một thứ tiếng Việt giọng Huế cực kỳ ngọt ngào. Chị bị từ chối một cách phũ phàng. Năn nỉ mấy cũng không được. Lát sau, nước mắt dầm dề, chị ra kể với ông chồng đang ngồi chờ ở phòng ngoài. Anh chồng người Úc bực tức cầm mớ giấy tờ vào thẳng trong phòng. Mấy phút sau, anh trở ra, miệng cười toe toét: Xong rồi! Từ đó, hai người rút kinh nghiệm: gặp bất cứ vấn đề gì cần giải quyết với người Việt Nam, anh chồng sẽ lao ra và chị vợ thì lùi lại sau. Bất kể người đối thoại có biết tiếng Anh hay không, mọi việc thường đều được giải quyết một cách nhanh chóng và ổn thoả.
Mà hình như không phải chỉ ở trong nước.
Nhớ, cách đây hơn mười năm, cái máy giặt ở nhà tôi bị trục trặc. Tôi điện thoại gọi một người thợ Việt Nam đến sửa. Vừa lúi húi sửa máy, anh vừa hất hàm hỏi tôi: “Anh làm nghề gì vậy?” Tôi đáp: Đi dạy học. Anh hơi ngạc nhiên. Lại hất hàm hỏi: “Dạy cấp mấy?” Tôi đáp: Đại học. Anh càng ngạc nhiên: “Dạy gì?” Tôi đáp cho qua chuyện: Thì dạy tiếng Việt lăng nhăng vậy mà. Anh phán ngay: “Ừ, thì cũng dễ!”
Ừ, thì cũng dễ.
Sau đó, trong một buổi nói chuyện phiếm, tôi kể cho một người bạn Úc đang dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL) nghe. Chị nói là chị không hiểu được. Chị dạy ESL cả mấy chục năm nay, chưa bao giờ nghe bất cứ ai nói là dạy ESL dễ hơn dạy các môn khác. Chưa ai gọi English, ngay cả English as a second language, là tiếng “lít” như một số người Việt vẫn gọi tiếng Việt là tiếng “Mít” cả.
Mà hình như tâm lý khinh thường người Việt và tiếng Việt đã có ngay từ xưa. Chữ Hán là chữ của thánh hiền. Người ta không dám vất hay đạp lên một mảnh giấy có vài chữ Hán nguệch ngoạc trên đó. Trong khi đó chữ Nôm thì lúc nào cũng bị coi rẻ: nôm na mách qué. Viết văn, muốn đi vào thiên cổ, thì dùng chữ Hán. Khi viết bằng chữ Nôm thì người ta khiêm tốn hẳn. Tài năng lồng lộng như Nguyễn Du cũng khiêm tốn: “Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh”. Các cây bút khác cũng thế. Trong Nhị Độ Mai: “Biết bao lời kệch tiếng quê / Thôi thôi bất quá là nghề mua vui”. Trong Phù dung tân truyện: “Lời quê chắp chảnh nên câu / Chép làm một truyện để sau mua cười”. Trong Bích câu kỳ ngộ: “Cũng xin góp một hội cười / Cùng mua mấy trống canh vui gọi là”, v.v… Đầu thế kỷ 18, dưới thời chúa Trịnh, các truyện “nôm na” ấy được xem là những “tiếng dâm” cần phải bị nghiêm cấm đấy!
Dưới thời Pháp thuộc, óc tự ti và sùng ngoại càng lên cao. Trong những điều người ta mơ ước “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây”, chẳng có gì dính dáng đến Việt Nam cả. Cái gì lớn, tốt, đẹp thì được gọi là… “Tây” để đối lập với “ta”: hành tây, gà tây, khoai tây, v.v… Rồi “sang như Tây”, “đẹp như Tây”, “trắng như Tây”. Hết Tây thì đến Mỹ: xài Mỹ, giàu như Mỹ, sang như Mỹ, v.v…
Gần đây thì có sự phân biệt giữa nội và ngoại. “Ngoại” đồng nghĩa với thật và chất lượng cao. “Nội”, ngược lại, hầu hết là kém, thậm chí, giả, hay nói theo tiếng thông dụng lâu nay là dỏm / dởm / rởm.
Thành ra, có thể nói thái độ người Việt tự khinh người Việt, tiếng Việt và bất cứ thứ gì do người Việt làm ra có nguồn gốc sâu xa từ tâm lý thuộc địa. Hết thuộc địa của Tàu thì đến thuộc địa của Tây.
Tàu đi rồi. Tây đi rồi. Tâm lý thuộc địa biến thành tâm lý hậu thuộc địa. Cũng vẫn là một nỗi tự khinh mình.
Bạn có thấy vậy không?
post từ FB Nguyễn Hưng Quốc

No comments:

Post a Comment