Friday, March 4, 2016

Quả cảm và can trường của doanh nhân người Việt

Độ này trong nước rộ lên đề tài "Khởi nghiệp". Cao thì từ Ban Kinh tế Trung Ương, Ban Tuyên Giáo, Bí thơ hai thành phố lớn. Phó Thủ tướng. Thấp thì các hiệp hội, đài truyền hình, các nhóm bia bọt, câu lạc bộ chém giói. Người người, nhà nhà, nơi nơi đều bàn về khởi nghiệp. Một số lãnh đạo công ty có máu mặt cũng bàn về khởi nghiệp, mặc dù thực sự họ không có nhu cầu bàn. Phải nói trước là kinh nghiệm của họ là chớp thời cơ trong thời buổi nhá nhem về cơ chế, quyết không phải là kinh nghiệm khởi nghiệp.
Một trong những tố chất của doanh nhân khởi nghiệp là quả cảm và can trường thì doanh nhân người Việt không có. Các công ty lớn của Việt Nam đều sợ đổi mới về quy trình và sợ công nghệ mới, thích chém gió về cái mới nếu như cái mới đó vừa dễ, đã mâm bát xong xuôi, vừa kích thích được tý tự hào dân tộc về những điểm yếu kém cố hữu. Túm lại để dùng làm thuốc giảm đau, ru ngủ và không phải làm gì thiết thực. Đó cũng là một thể hiện của tính thiếu quả cảm. Cái kim rơi xuống đất, ngay cạnh chân bàn, cứ ra khỏi phòng mà tìm, cũng là một kiểu thiếu quả cảm và can trường.
Quả cảm là dũng cảm và quả quyết, khác với liều mạng theo hiệu ứng đám đông, cháy bùng theo phong trào và tắt lịm. Thuốc thử cho quả cảm là những công việc đơn độc, đòi hỏi ý chí và niềm tin cá nhân. Do ngôn ngữ Việt trình bày các ý tưởng mơ hồ, người Việt cũng thích hành động theo những cái mơ hồ, do đó rất khỏ quả cảm. Điều đó cũng có thể chấp nhận. Cái đáng nói là người Việt rất sợ những điều hiển nhiên rõ ràng một cách vô lý. Thường dùng các ý tưởng mơ hồ, pha một tý triết lý hạng bét của Tàu, có tý ca dao tục ngữ, lẩy Kiều được thì càng tốt, chút ít nghị quyết, kinh nghiệm, rất dễ thuyết phục người Việt. Các ý tưởng tam đoạn luận rõ ràng, không ai có thể bác bỏ được, rất khó thuyết phục người Việt. Thực ra nguyên nhân cũng ở chỗ thiếu quả cảm. Người Việt quen ăn may và cho rằng, cái gì rõ ràng, mọi người cùng biết cùng hiểu sẽ khó ăn vì phải cạnh tranh, nên sợ làm.
Can trường thường là hệ quả. Các cụ thường dùng chữ "già gan" hay "có chí làm quan có gan làm giàu". Người Việt bây giờ thích cái gì ngăn ngắn, ăn ngay, thậm chí có thể ăn vào tiềm năng tương lai cũng được, miễn có kết quả nhanh. Những doanh nghiệp được cho là thành công ta hiện nay và những khó khăn không lối thoát hiện nay thực ra có mối quan hệ nhân quả. Tổng của chúng chính là năng lực thực của doanh nhân Việt Nam. Một thời chúng ta dùng cơ chế để tạo đòn bẩy phát triển cho một số công ty lớn, "thức thời" để đổi lấy một tinh thần nhác nhớm, thích ăn to, dễ nuốt và nhanh tiêu hóa, phá hủy đi cái tố chất can trường, nếu như có mảy may của dân Việt.
Cách đây 20 năm có anh bạn tôi, làm ăn ở Nga sang Mỹ tìm các ý tưởng làm ăn mới do làm ăn ở Nga ngày càng khó. Ý tưởng làm ăn nào ở Mỹ cũng bị anh chê là đơn giản, dễ hiểu. Theo anh ý tưởng làm ăn phải "kỳ bí". Tôi nói chẳng qua là anh không có đủ năng lực và thiếu dũng cảm. Người ta nói buôn có bạn bán có phường, cần gì kỳ bí, cái gì phổ biến tức là có nhu cầu lâu dài, kiên trì theo đuổi làm cho tốt lo gì không giàu. Vắt óc nghĩ ra mưu kỳ bí như voi ỉa, bao giờ mới có một cục, nghĩ được rồi thì dùng được bao lâu mà thiên hạ không biết, khi thị trường ngóc đầu được một chút thì sẽ có một bầy săn sắt rỉa sạch.
Đến Indonesia mới thấy hết sự thiếu can trường của dân Việt. Indo cùng múi giờ với Việt Nam, chỉ cách hơn 2g bay. Thị trường rộng mênh mông. Tình cờ, ăn tối xong, tôi đi dạo một vòng. Vào một cửa hàng bán giày dép, giá bán một đôi dép da là 250 ngàn Rp tương đương khoảng 500K tiền Việt Nam. Chất lượng kém, xấu. Ở VN giá chắc cỡ 100-150K là cùng. Tôi hỏi một quan chức xem giá thuế nhập khẩu thế nào thì được biết mức cao nhất là 30%. Hầu như không thấy đầu tư của Việt Nam vào Indo. Cũng không phải do giữa Việt Nam và Indo không có quan hệ và cơ sở để làm ăn với nhau. Điển hình là khu Ciputra là của doanh nhân Indo. Cứ nhìn như vậy đủ thấy doanh nhân Việt Nam còn học doanh nhân Indo khướt. Cần gì Mỹ Nhật, Âu Phi cho xa.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment