Việt Nam thiếu văn hóa đọc. Đúng rồi. Tuy nhiên chỉ mấy ông muốn bán sách là nói hăng chuyện đó. Như thế người ta thấy rõ là ông đang lo cho nồi cơm của ông. Tất nhiên lo cho nồi cơm là quyền chính đáng, nhưng điều đó không liên quan gì đến xã hội. Tôi cũng có thể cho sóng hấp dẫn, kiến trúc hệ thống thông tin hay xử lý ngôn ngữ là quan trọng, nhưng cũng không liên quan đến xã hội. Xã hội có thích hay không, có đề cao hay không, tôi vẫn làm. Ai thấy dùng được thì dùng, tôi cũng hy vọng có được nồi cơm đầy đặn khi làm chuyện đó. Nếu không được đôi khi phải miễn cưỡng làm việc khác.
Hai việc đó tách rời, nồi cơm chỉ là cần nhưng không đủ.
Một trong những vấn đề khiến các nhà sản xuất sách kiêm hoạt động xã hội cổ động văn hóa đọc chưa có sức thuyết phục là không chăm lo cho việc đọc như thế nào. Họ chỉ nói sách đây đọc đi, hay lắm, ông A rất anh hùng, triết lý B rất sâu sắc, nước X phát triển nhờ đâu. Như thế mới là quảng cáo sách, mới lưu ý người đọc đến một vấn đề cụ thể, để tìm hiểu tra cứu. Như thế thì rất khó hiệu quả. Ngày nay, số lượng sách, tri thức là khổng lồ, nhu cầu thì
đa dạng, làm sao biết hết người ta ngứa chỗ nào đề mà gãi, mà làm sao gãi đại trà cho hết mọi người.
Văn hóa đọc phải gắn một niềm vui đọc, một say mê với tri thức phải trờ thành nhu cầu của đời sống. Sách phải là nhu yếu phẩm. Chúng ta học ăn từ bé, rèn luyện hàng ngày, nhưng ngon dở cũng phải có cách mới hấp thụ được, chưa nói đến việc thưởng thức, đánh giá hay sáng tạo các giá trị ẩm thực. Nốc ừng ực, ngốn tỳ tỳ căng rốn đứng dậy, sao hy vọng trở thành văn hóa.
Khi đang suy nghĩ một vấn đề gì căng thẳng, tôi có thói quen vớ một cuốn sách, không nhất thiết là liên quan tới vấn đề đó và đọc. Phần lớn những lần đọc như thế giúp ích tôi rất nhiều trong vấn đề cần tìm. Bên cạnh đó là niềm vui sảng khoái của việc đọc mang lại. Vấn đề đọc phải có phương pháp và ít nhất là phải có tương tác với sách. Cũng như khi chúng ta có vấn đề gì, đi uống cà phê với một người bạn, nói những chuyện có thể ít liên quan, lại giúp chúng ta giải quyết vấn đề đó.
Cách đơn giản nhất để bắt đầu luyện cách "nói chuyện" với sách là ghi chép. Ghi chép cũng phải có phương pháp. Tôi cũng được bắt ghi chép từ nhỏ. Tuy nhiên không được ai dạy phải ghi chép thế nào, xung quanh cũng không thấy ai ghi chép để mà học. Rất nhiều năm sau đại học, cao học, tôi vẫn chép là chính. Rất mất thời gian. Cố nhiên, tôi cũng có một số minh họa bằng biểu đồ, ghi chú các ý tưởng, các phản biện. Nhưng chúng chìm đi trong biểu sao chép, nên khó cất giữ. Một số ý tưởng còn lại trong đầu đều rất hữu ích và quý giá đối với tôi hôm nay, nhưng chúng chỉ là phần rất nhỏ trong những gì mà tôi đã từng có.
Điều quan trọng nhất là sau khi nói chuyện với sách, bạn phải viết. Viết gì cũng được, viết thế nào cũng được, nhưng cần phải viết xuống. Gần đây tôi đọc được một trang giới thiệu các bài viết của một cô gái trẻ được truyền thông cho là Einstein tương lai. Năm 15 tuổi, cô đã thiết kế máy bay, nhưng bây giờ lại quan tâm đến vũ trụ học và những vấn đề hóc búa nhất của vật lý. Các bài viết của cô trong những năm đại học chỉ về các kiến thức trên lớp và thấp thoáng những ý tưởng riêng của cô, lúc đầu cũng đơn giản và ngây ngô. Nhưng dần dần các ý tưởng đó chín rất nhanh, những bài viết đã trở thành cơ sở cho các công trình có giá trị thực sự. Đó chính là minh chứng của việc đọc và viết dẫn tới khả năng sáng tạo thế nào.
Một nền văn hóa phải có tinh hoa đỉnh cao. Mà muốn vậy thì phải bắt đầu từ kỹ năng đọc viết thành thục đúng cách và trở thành niềm say mê, rồi thành nhu cầu không thể thiếu, chứ không phải để phục vụ một thành tích hay kỷ lục cụ thế hay còn tệ hơn là để khoe tôi cũng có đọc cái này cái kia. Văn hóa không phải là việc tiếp xúc đơn giản mà là việc anh tương tác, suy nghĩ, tồn tại và sống với nó và ở trong nó.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Bxchung Vuong: Ngày xưa Pie đưa ra luật lệ cho nước Nga ai đi trên đường cúng cần cầm một quyển sách nhờ vậy văn hóa đọc, thư viện nước nga phát triển. Sang Nhật cúng thấy dân học đóc sách in nhiều, ở Việt Nam thấy ai cúng iphone 6 lướt face.. Theo Anh Việt nên làm gì để văn hóa đọc Việt nam phát triển? Cảm ơn Anh.
ReplyDelete