Sunday, September 25, 2016

ĂN TRỘM BÁNH MÌ VÀ JEAN VALJEAN

Nếu bầu tác phẩm văn học nào vĩ đại nhất tôi sẽ bầu cho "Những người khốn khổ" của cụ Victor Hugo. Tất nhiên, văn chương của cụ trác tuyệt: uyên thâm và tinh tế. Chưa có nhà văn Việt Nam nào hội tụ được cả hai điều này ở mức cao. Kẻ uyên thâm thì kém tinh tế, kẻ tinh tế lại kém uyên thâm. Có lẽ tại vì họ sống trong một xã hội kém phát triển.
Việc "bọn vét đĩa" đói khát nên ăn trộm đồ ăn là chuyện thường. Có lần tôi bào chữa cho một người ăn trộm đồ ăn và Jean Valjean thì bị gắt "Hâm à. Phải là Jean Valjean ăn trộm đồ ăn mới đáng thương chứ." Cụ Hugo chắc cũng phải thất kinh vì Jean Valjean chỉ có trong trí tưởng tượng của cụ và không tiên liệu được người đọc như thế. Có lẽ đó là hệ quả của tư duy khái niệm chưa phát triển, không có khái niệm người cùng quẫn chỉ có đối tượng Jean Valjean trong sách và kẻ ăn trộm bánh mì trước mặt ta. Không liên hệ gì. Ta có thể rơi nước mắt vì Jean Valjean do tài tử Wilkinson thủ vai, nhưng không mảy may xúc động trước một tên vét đĩa bẩn thỉu trong thực tế. Theo đó mà suy một cô cave chỉ đáng thương nếu tên là Fantine, một chú bé không nhà cửa phải tên là Gaveroche mới đáng kể.
Nghe câu chuyện về ngài thị trưởng New York La Guardia, thật là cảm phục: khi có một tội phạm, mọi người trong xã hội đều phải cảm thấy xấu hổ vì liên đới trách nhiệm để tội phạm đó sinh ra. Đạo đức học Á Đông phải lấy đạo đức học Phương Tây sau Bừng Sáng làm gương. Đến nay, vẫn khối sĩ phu lải nhải "nhân chi sơ, tính bản thiện hay bản ác". Họ cũng thấy lập luận của họ không ổn, nhưng dùng mỗi vế trong mỗi hoàn cảnh, một cách cơ hội "có cuốc dùng cuốc, có dao dùng dao".
Thực ra, không phải chỉ ăn trộm bánh mì, hay vì nuôi con nuôi cháu, mọi tội phạm dù tày trời đến đâu, cũng có trách nhiệm của xã hội. Nếu chỉ nghĩ về ăn trộm bánh mì, hay nuôi con nuôi cháu mới là đáng thương, thì tư duy khái niệm vẫn không hơn những kẻ nói trên là bao. Những người có quyền cao chức trọng trong xã hội phải là những kẻ phải thấy xấu hổ nhất.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

11 comments:

  1. Tu Tung Phan: Chú Gavorot trong cuộc CM nền CH Pháp với Anh Kim Đồng trong thời Đổi mới của FPT có gì khác nhau không anh Việt ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Mình đâu biết Kim Đồng FPT?

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Gaveroche là con trai của Thénardier. Lại là ăn mày lang thang sao so được với lá ngọc cành vàng. Gaveroche có điểm sáng là cưu mang hai đứa em. Việc tham gia cách mạng có lẽ không phải là giác ngộ mà là do thách thức với trật tự, phần cũng do thiện cảm với các hình mẫu lý tưởng anh hùng cách mạng. Hugo tuy có cảm tình với người nghèo, nhưng cũng ngại cách mạng.

      Delete
    3. Tu Tung Phan: Em vẫn phục Kim Đồng vì "thời đó" ace VC coi buôn bán kiếm tiền là bẩn thỉu lợi dụng chức quyền tư lợi là bất chính...nhưng Hắn nhìn trước được thời đại không sỉ diện hão bản lĩnh làm được cái Hắn muốn...Thế là CM ?

      Delete
    4. Nguyen Ai Viet: Thế thì hơn hẳn Gaveroche rồi.

      Delete
  2. Do Xuan Phuong: Xã hội có cái ngưỡng của địa vị và hành vi để phán xét hành vi nào chấp nhận được, hànhvi nào là lố bịch. Ăn mày trộm bánh mỳ thì thương được chứ giết người cướp của thì không. Cảnh sát truy án đánh giết tội phạm thì được nhưng ăn trôm bánh mỳ thì không ....vv.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Đúng vậy. Nhưng còn khía cạnh nữa là vị thế của người phán xét. Nếu là người thường thì phải lên án tham ô tham nhũng, nhưng nguyên thủ phải xem là khiếm khuyết của cơ chế, không thể chỉ lên án.

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Nguyên thủ mà chỉ tuyên bố suông thì cũng là thứ lố bịch.

      Delete
    3. Ca Vu Thanh: Ai Viet, Rất đồng ý với ý kiến của bác là tội phạm nào cũng một phần là do xã hội tạo nên. Đúng là khiếm khuyết của thể chế mới tạo nên tham nhũng tràn lan và sự suy đồi đạo đức như hiện nay (mặc dù tôi cũng không biết là đạo đức con người trong thời bao cấp có tốt hơn không vì hồi đó tôi thấy mọi người cũng chỉ suốt ngày ngồi chơi, uống nước chè, bàn chuyện chính trị và chửi ngầm chế độ). Tôi cho rằng lên án tham nhũng là cần, nhưng cái cần là vạch ra đường hướng để cải cách thể chế, tiến tới loại trừ tham nhũng hiệu quả. Loại trừ được tham nhũng sẽ tạo cơ hội để xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới.

      Delete
    4. Nguyen Ai Viet: Bài viết về vụ ông La Guardia xử án ăn trộm bánh mì rất mẫu mực. Có một người phụ nữ rách rưới bẩn thỉu ăn trộm bánh mì. Tòa hỏi: Có ăn trộm không. Thưa: Có. Tòa hỏi: Vì sao. Thưa: Hai đứa cháu tôi mấy ngày hôm nay không có gì ăn. Tòa cho chọn hình thức phạt 10 đô la hoặc đi tù. Ông Thị trưởng: Tôi thấy xấu hổ và thấy trách nhiệm khi một công dân của thành phố phải ăn trộm bánh mì để cho cháu ăn. Tôi xin nộp phạt hộ bị cáo $10 và phạt tất cả mọi người trong phòng này 50c vì tội thờ ơ với xã hội. Kết quả thu được hơn $45 tặng người đàn bà.

      Delete