Giả sử toàn thể dân tộc ta cùng khóc thảm thiết như cô Tấm và có một ông
Bụt hiện lên hỏi "Làm sao con khóc" và ổng sẽ cho toàn dân tộc nói
tiếng Anh lau láu như là first language, mọi vấn đề của chúng ta có biến
mất hay không. Tôi nghĩ là không. Vì có một số sắc dân nói tiếng Anh
đâu có sung sướng gì.
Lý do là ngôn ngữ không tương thông với
văn hóa, ý tưởng sẽ không có sáng tạo. Không sáng tạo thì không thể Âu
hóa. Âu hóa miễn cưỡng sẽ không thay đổi được số phận. Như vậy, công
cuộc Âu hóa sẽ dễ dàng hơn nhờ sử dụng tiếng Anh như sinh ngữ thứ hai,
nhưng không đủ. Chúng ta cần cải cách tiếng Việt. Cải cách tiếng Việt có
cơ hội lớn hơn thay đổi cách suy nghĩ của ta. Mọi hiện tượng, sự vật
quanh ta đều liên quan đến tiếng Việt. Nhiều nhà cải cách nhầm tưởng có
thể đưa các ý tưởng Âu Tây vào các xứ kém phát triển dễ dàng. Rất nhiều
khái niệm như thị trường, cạnh tranh, duy lý đều không có khái niệm
tương đương ở ta.
Tiếng Việt hiện nay không đủ ngăn nắp, minh bạch để biểu đạt các tư tưởng mới. Hãy nghe Ngô Tùng Phong nói:
"Tưởng nên nhắc lại một lần nữa rằng ngƣời Tây phương không phải chỉ
ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí riêng trong
lĩnh vực khoa học mà thôi. Họ đã ngăn nắp, minh bạch tổ chức và chính
xác về lý trí trong câu văn, lời nói, hành động và đời sống hàng ngày.
Trải qua nhiều thế kỷ các đức tính ấy đã đƣợc hun đúc thành tinh thần kỹ
thuật Tây phương."
"Chúng ta phải gieo sâu vào trí não của mọi
ngƣời tập quán ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức, và chính xác về lý
trí. Chính đó mới là căn bản của một cuộc Tây phương hóa chính danh có
đường hướng và có mục đích. Vấn đề đã đặt ra như vậy, chúng ta mới ý
thức rõ rệt tính cách vĩ đại của công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta
cần phải thực hiện. Không phải Tây phương hóa một nhóm người, mà Tây
phương hóa toàn thể dân tộc. Không phải Tây phương hóa trên mặt, chỉ bắt
chước lối sống của ngƣời Tây phƣơng mà phải Tây phương hóa cho đạt đến
cái tinh túy văn minh Tây phương."
Ngô Tùng Phong cũng đã tiên
liệu trước sự hình thành hai phe trong việc Âu hóa: phe chủ trương dùng
ngoại ngữ và phe chủ trương dùng Việt ngữ. Ông cho rằng mỗi phe đều lo
chống đối lẫn nhau nên chỉ thấy phân nửa của vấn đề. Tây phương hóa nếu
không phổ cập đến đại chúng tức là sẽ thất bại. Tây phương hóa nếu không
đến được tinh túy sáng tạo cũng thất bại. Tiếp thu văn hóa Tây phương
phải gồm phần thâu nhận và phần phổ biến. Phần thâu nhận có công cụ là
ngoại ngữ, phần phổ biến có công cụ là Việt ngữ. Về ngoại ngữ, ông đã
chỉ ra, Việt Nam phải đoạn tuyệt ngay với tiếng Pháp mà không hề luyến
tiếc để tập trung vào tiếng Anh.
Bên cạnh đó, ông kêu gọi chỉnh
đốn tiếng Việt. Đọc những dòng này của Ngô Tùng Phong, chúng ta có cảm
giác chúng mới được viết hôm qua, với một nhãn quan nhìn về tương lai
khá xa. Tiếng Việt ảnh hưởng bởi tiếng Hoa nên nặng về khiêu ý mà kém về
cấu trúc. Kém về cấu trúc nên tư duy không ngăn nắp minh bạch. Câu văn
tiếng Hoa hoặc tiếng Việt, chỉ liệt kê ra các hình ảnh, chứ không chú
trọng đến việc chỉ ra quan hệ giữa chúng. Người đọc, người nghe phải làm
việc sắp xếp lại chúng để thấy được các tương quan theo ý và kiến thức
của mình. Điều đó đặc biệt thuận lợi trong thơ ca, nhưng là điểm yếu
chết người trong suy luận và phổ biến tri thức chính xác. Trong các nền
văn minh, thì văn minh Trung hoa kém nhất về luận lý, triết lý và nhận
thức vũ trụ.
Ngô Tùng Phong rất lạc quan về triển vọng chỉnh đốn tiếng Việt và coi đó là lợi thế so với Trung Hoa
"Thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát
triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng
ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa ngữ không
bảo đảm sự phát triển. Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho
cộng đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội
quyền lợi dân tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ
thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tƣơng lai, vì lầm lỗi của
họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa."
Hơn nửa thế
kỷ sau Ngô Tùng Phong, tiếng Việt ra sao? Nó đã đủ sức để chuyên chở
chính xác các suy luận tinh vi hay có sức phổ cập hay chưa. Rất tiếc,
tiếng Việt ngày nay có hướng manh mún, phá hủy các chuẩn, phân chia
thành quá nhiều phương ngữ, cách nói của các tầng lớp xã hội. Ngày càng
có nhiều cuộc tranh cãi vô bổ chỉ vì không hiểu nhau. Đa số các ngôn ngữ
phương Tây, các câu chào hỏi được chuẩn hóa đến mức tùy biến rất thấp.
Riêng tiếng có đủ các phương án chào khác nhau, và đù các kiểu suy luận
để bụng "Tại sao hôm nay nó lại chào mình như thế?" Riêng chuyện hỏi
đường ở ta là một việc nhiêu khê. Đối tác lắp bắp nửa tiếng đồng hồ,
nhưng ta vẫn không dám chắc đi được tới đích. Nếu phải nói bằng tiếng
Việt chỉ dẫn "Straight, second left then fourth right" chắc khá dài dòng
khó nhớ mà vẫn mù mờ. Ngày nay, "thăm quan", "soi mói" đã trở thành từ
đúng. Nhưng điều quan trọng nhất là từ đúng cũng loạn xạ, chỉ được sử
dụng trong 60-70% trường hợp. Năm 2010, khi ra "Báo cáo về chính tả
tiếng Việt", tôi còn lạc quan hơn nhiều. Khi đó tôi đã viết đại ý "Nói
năng, viết lách không chuẩn thì suy nghĩ và hành động xiên xẹo. Biết đâu
thói hư tật xấu chẳng bắt nguồn từ không theo chính tả". Sự thống nhất
về chuẩn mực như vậy, làm sao để phổ biến.
Trên phương diện
cấu trúc hóa, tiếng Việt chắc ngày càng kém, so với cách đây nửa thế kỷ.
Không nói các câu què cụt, sai ngữ pháp đầy rẫy các luận văn tiến sĩ
thạc sĩ, công văn chính thức, một bài diễn văn chính thức dài cả tiếng
đồng hồ không có lấy một lập luận nào tinh vi, không có câu nào đáng
nhớ, chỉ toàn khiêu ý, để mặc cho người nghe tự suy luận ra nội dung.
Thậm chí còn tệ hơn thế, hoàn toàn không có nội dung gì rõ rệt, giống
như người nói chơi trò đổ xúc xắc chữ cầu may ra một câu gì có nghĩa.
Tiếng Việt rõ ràng không trong sáng, nhưng việc học chữ Hán không
nhằm mục tiêu chính là làm trong sáng tiếng Việt. Không thể bắt một thế
hệ học sinh phải làm việc của các nhà ngôn ngữ, các nhà văn hóa và các
nhà quản lý (Còn nữa)
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
"Cái áo không làm nên thầy tu" hẳn rồi. Xưa nay ta vẫn ăn mặc theo lối Tây phương nhưng cứ mở mồm thì lộ ngay là Mít.
ReplyDeleteCó lẽ, 1 trong những điều phải nát óc để cải cách là làm sao để diễn đạt bằng tiếng Việt gãy gọn/rạch ròi mà chuẩn xác, vì tiếng Việt chúng ta đang dùng vẫn còn dài dòng, dễ bị nhầm lẫn...
Bulgaria có ngày hội chữ (24/5). Người Bun tự hào vì đã "đẻ" ra chữ viết (chữ cái Slavơ), nhưng dù thế, họ vẫn không đủ tầm văn hóa/văn minh để cho thấy họ xứng đáng với công sức của họ bằng người Nga, nên tôi cứ ngỡ (ngày xưa) là người Bun dùng chữ của Nga, đúng là chẳng biết cái gì cho ra hồn.
Tôi vẫn nhớ hồi ở Hung, nhiều bạn nước ngoài và Hung đều ngạc nhiên vì thấy chúng tôi sử dụng chữ latinh (chắc họ nghĩ VN dùng chữ như giun hoặc ký tự dạng Trung Hoa hay Nhật, Hàn). Điều mà họ ngạc nhiên làm tôi vui một chút vì nghĩ người Việt có những cải cách thích hợp và tiến bộ hơn các nước lân bang. Cái hơn người ấy cũng làm tôi có cảm giác nao lòng khi đi ngang TQ vì thấy thương cảm người dân ở đây thật lầm than cơ cực trong "cách mạng văn hóa" mà VN không phải chịu đựng.
Nhưng ưu thế ấy không được phát huy, thật đáng tiếc vì đúng như AV nói, nó lụn bại theo tinh thần và văn hóa của con người.