Sunday, September 25, 2016

Luận Tam Quốc: ANH HÙNG VÀ LOẠN THẾ

Thời Tam Quốc thật lắm anh hùng. Không phải chỉ võ tướng, chính trị gia mà sử gia, văn nghệ sĩ, khoa học gia xuất sắc cũng nhiều như nấm. Giống như Việt Nam thế kỷ 18, Lê-Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn tranh giành quyền lực, thiên tài quân sự Quang Trung, Gia Long, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, chính trị thì có Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Chỉnh, thơ ca thì có Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, triết gia thì có Ngô Thời Nhậm, sử gia Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, bác học Lê Quý Đôn. Vua chúa thì Trịnh Sâm, Trịnh Cương, chúa Hiền, chúa Sãi, đều tinh minh sáng láng.
Nhưng đó đều là thời loạn. Nếu không loạn Lưu Bị chắc suốt đời dệt chiếu, Trương Phi mổ lợn, Quan Vũ gánh thuê, Gia Cát Lượng đi cày hát nhảm, Tào Tháo may thì làm được giám đốc công an kinh đô, không phạt ai hiền như bụt.
Qua đó mới hiểu câu "Thời thế tạo ra anh hùng" nói đúng ra phải là "Loạn thế tạo ra anh hùng". Sống trong một thế kỷ lắm anh hùng, chói lòa, đúng là bất hạnh. Thân phận con người trở nên rác rến, chỉ làm nền cho anh hùng. Cụ Nguyễn Du cũng đã phải rên rẩm về anh hùng "giãi thây trăm họ làm công một người". Như cụ Hồ đã nói, con người sinh ra đều phải được bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Không có gì quan trọng đối với một cá nhân hơn chính quyền bình đẳng và được hạnh phúc của chính họ. Nếu không có lý do gì xác đáng, việc hy sinh hai quyền thiêng liêng này cho bất cứ thứ gì dù nghe hay đến đâu đều vô nghĩa. Tất nhiên xã hội sống trên sự cân bằng không thể tuyệt đối hết vô nghĩa. Nhưng đổi hàng triệu vô nghĩa lấy một hình ảnh anh hùng, không thể chấp nhận.
Gia Cát Lượng mang quân thảo phạt Trung Nguyên để hưng phục Hán Thất. Biết trước là thất bại, đem trứng chọi đá vẫn làm. Bảy lần ra Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng, chín lần ra Kỳ Sơn của Khương Duy. Thục từ một nơi giàu mạnh, kinh tế phát đạt. lắm nhân tài trở nên kiệt quệ, trai tráng chết trận hết, binh lương không đủ, quân đội phải tự kinh tài kiếm ăn, dân lầm than. Tiêu Chu trong bài "Thù Quốc Luận" đã phân tích rất xác đáng, nhưng Lượng và Duy đều khinh Chu là hủ nho hại nước, tiếp tục động binh. Hậu Chủ cũng hậu thuẫn cho Lượng và Duy đánh đấm mà giết hại, kìm chế bao nhiêu nhân tài trong Thục. Hậu Chủ mà không cho phép Thừa Tướng, Đại Tướng Quân nào dám động binh. Cuối cùng cũng chính Hậu Chủ dâng nước cho Đặng Ngải. La Quán Trung chỉ biết giải thích ở "lòng trời không tựa Hán".
Thực ra Loạn thế có hai khái niệm Loạn thế sinh anh hùng và Loạn thế "anh hùng ẩm hận".
Thịnh thế là khi hệ thống xã hội ổn định, một người dù năng lực không kém các anh hùng thời loạn cũng không thể làm loạn xã hội vì quán tính của trật tự xã hội vượt quá năng lực của một người và một nhóm người. Tuy nhiên trật tự có thể thay đổi. Đến một lúc nào đó, biến đổi trật tự đã chín mùi, mặc dù hình thức xã hội vẫn như thịnh thế. Đó là gần điểm chuyển pha, đã có những bọt nổi lục bục, trật tự mới hình thành ở một số điểm rồi tắt. Điểm chuyển pha này thường gọi là điểm rẽ nhánh vì tương lai của hệ thống xã hội đã có hai nhánh phương hướng chỉ cách nhau trong tích tắc, với một nỗ lực nhỏ. Đó là thời của các anh hùng, quyết định được xã hội sẽ tiến theo nhánh nào. Tuy nhiên, nếu không cải cách được tới căn cội của xã hội, sẽ liên tục sinh ra nhiều điểm rẽ nhánh. Nhà Hán đàn áp được Khăn Vàng là một điểm rẽ nhánh. Nhưng qua điểm rẽ nhánh, không trở lại được thời ổn định thịnh thế, do trật tự đã thay đổi sâu sắc. Vì thế lại, sinh ra các sứ quân là nhiều điểm rẽ nhánh, nhiều lựa chọn, lắm anh hùng. Đối với Thục, sau khi Lưu Bị chết cũng có hai lựa chọn. Tuy nhiên, với nỗ lực của Lượng và Duy, Thục rơi vào vô số điểm rẽ nhánh. Đó là kiểu loạn thế thứ hai, bất cứ yếu tố ngẫu nhiên nào cũng có thể làm mưu sự của các anh hùng trở thành công cốc. Trong hệ động lực đó gọi là pha hỗn loạn (chaos). Bất cứ hành vi nào vớ vẩn trong xã hội cũng gây hỗn loạn không thể kiểm soát. Người ta nhắc tới hiệu ứng cánh bướm, một con bướm vỗ cánh cũng tạo ra được trận bão hủy diệt.
Lượng, Duy diệt đối thủ như Lý Nghiêm, Ngụy Diên tưởng rằng đưa xã hội Thục vào ổn định như cũ, nhưng thực ra đã đưa Thục vào Loạn thế loại trừ diệt mọi nỗ lực của anh hùng. Không phải Thục không còn người, mà dù có cũng không làm gì được, phải chịu thua mọi ngẫu nhiên điên khùng nhất. Gia Long phải là anh hùng cái thế mới đưa được thế cục loạn thế nhiều rẽ nhánh (chưa phải là vô số) về thời thịnh thế.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

3 comments:

  1. Vinh Nguyen: Thời bây giờ bọt nổi lục bục chưa?

    ReplyDelete
  2. Phan Anh Sơn: Đọc chuyện này em nhớ đến có hôm nói chuyện với anh bạn làm IT có nói tới CMMI trong đánh giá quy trình làm SW. Anh ấy nói công ty nào cần anh hùng để xong project thì là level CMM 1 thấp nhất. Càng level cao càng không cần anh hùng!

    ReplyDelete