Monday, November 1, 2021

Đạo là đường: Tìm hiểu cái ngã

 Vô ngã là tinh hoa của đạo Bụt

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 22.11.2012 trong khoá An cư kiết đông 2012-2013)

Chánh kiến đầu tiên là tuệ giác vô thường, và vô thường đưa tới vô ngã. Ngã là một cái gì tồn tại hoài hoài, nó mãi mãi vẫn là nó. Nếu có cái ngã thì em bé không thể lớn lên được, nhờ có vô ngã nên em bé trở thành người lớn. Không có vô thường, vô ngã thì em bé không thể trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Không có vô thường, vô ngã thì hạt bắp luôn luôn là hạt bắp, hạt bắp không thể trở thành cây bắp. Vô thường rất hay, nhờ vô thường mà sự sống có mặt, mà vô thường chính là vô ngã.

Ngã là tự tánh, em bé không có tự tánh nhưng đó không phải là một tin buồn, tại vì nếu có tự tánh thì em bé không thể trở thành một cô thiếu nữ hay một chàng thanh niên. Không có tự tánh là không có một cái gì thường tại bất biến, mà ngã là cái thường tại bất biến. Đã chấp nhận vô thường là một sự thật thì ta cũng phải chấp nhận vô ngã. Hiện nay khoa học đã chấp nhận vô thường nên một ngày nào đó chắc chắn khoa học sẽ chấp nhận vô ngã.

Những khám phá khoa học gần đây cho ta thấy rằng vô ngã là một sự thật. Ví dụ như óc ta có hàng tỷ tế bào (neuron), nhưng không có tế bào óc nào làm chủ để ra lệnh, sai khiến. Những tế bào thông tin với nhau nên khi một tư tưởng phát sinh thì đó là thành quả của tất cả neuron. Các nhà khoa học thần kinh nói rằng bộ óc của con người giống như một dàn nhạc, trong đó mỗi nhạc sĩ đều đang sử dụng một nhạc khí mà không có nhạc trưởng. Cơ thể của ta được làm ra bởi biết bao nhiêu là tế bào, mà không có tế bào tự xưng là ông chủ.

Các khám phá khoa học đã chứng minh và xác nhận vô thường-vô ngã là một sự thật, nhưng vấn đề là ta có áp dụng được tuệ giác vô thường-vô ngã đó vào trong đời sống hằng ngày để ta bớt khổ hay không? Thực tại là vô thường, vô ngã mà ta cứ nghĩ nó là thường, là ngã thì ta khổ, ta vô minh. Vấn đề không phải là câu nói mà vấn đề là có áp dụng được câu nói đó vào đời sống của mình hay không.

Mưa đã là rơi, sự có mặt của mưa là rơi. Gió đã là thổi, sự có mặt của gió là thổi. Sự có mặt của cái bàn là công dụng của cái bàn. Chúng ta đã học trong 44 bài kệ thắng nghĩa rằng: Các pháp không tác dụng, sự có mặt của các pháp chính là công dụng của nó.

Triết học Trung quốc nói: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Chủ từ và chủ từ là một. Cha mà không làm cha thì không phải là cha. Vua phải đích thực làm vua, dân phải đích thực làm dân, cha phải đích thực làm cha, con phải đích thực làm con. Quân quân là vua làm vua, thần thần là dân làm dân, phu phụ là cha làm cha, tử tử là con làm con. Sự có mặt của ta chính là hành động của ta. Mỗi một danh từ đều là động từ, vì vậy ta không cần phải có một chủ từ nằm ngoài động từ, không cần có một tác giả nằm ngoài tác nghiệp.

Chúng ta nghĩ rằng phải có một cái ngã thì mới thoát khỏi luân hồi và đi vào Niết bàn. Không có ngã thì ai thoát luân hồi, ai vào Niết bàn? Không có ngã thì ai thấy, ai nghe, ai tu, ai tạo nghiệp và ai tiếp nhận quả báo? Không có ngã thì ai thấy, ai hiểu được Phật pháp? Thầy A Nan dạy: Nếu một người, trong khi tiếp xúc mà không bị kẹt vào xúc, không đứng trong cái kẹt đó và thấy không cần có một cái ngã thì người đó thấy được sự thật tức là người đó thấy pháp và hiểu pháp. Khi những điều kiện có đủ thì tự nhiên sự vật biểu hiện và khi những điều kiện không đủ nữa thì hiện tượng đó không còn. Ta không cần vai trò của một cái ngã.

Bụt nói: Khi những điều kiện có đủ để cái khổ phát sinh thì khổ phát sinh, khi những điều kiện có đủ để cái khổ tiêu diệt thì cái khổ tiêu diệt, không có chủ thể nào đứng ra chủ trương làm cái khổ phát sinh hay tiêu diệt. Đó là câu khó nhất trong kinh Trung Đạo Nhân Duyên: Người đời vì bị kẹt vào trong các cảnh giới của nhận thức cho nên tâm họ bị ràng buộc. Nếu một người không tiếp nhận, không nắm bắt và không đứng trong cái kẹt ấy, không kế độ và chấp vào một cái ngã thì người ấy sẽ thấy khi điều kiện có đủ để cái khổ sinh thì cái khổ sinh và khi có đủ điều kiện để cái khổ diệt thì cái khổ tiêu diệt, trong đó không cần phải có một cái ngã và không cần phải có những ý niệm có và không, những ý niệm có và không không thể áp đặt vào được.

Này Kātyāyana, người ấy không còn hồ nghi gì nữa, không bị phiền não nào sai sử nữa và cái thấy ấy không do ai trao truyền mà chỉ tự mình tự biết. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến, cái mà Đức Như Lai đang nói đến.

Không cần phải có một chủ thể, khi điều kiện có đủ thì sự vật biểu hiện và khi điều kiện không còn đủ thì sự vật tiêu diệt. Sự giải thoát cũng như thế. Người ta cứ nghĩ rằng có một cái ngã đi luân hồi, đi vào thân xác này rồi đi ra khỏi thân xác này để đi vào một thân xác khác và đi vòng vòng như vậy. Đó là quan niệm về luân hồi của Bà la môn giáo, của Áo Nghĩa Thư. Đạo Bụt không công nhận quan niệm đó, nhưng trong đạo Bụt có người chưa thấy được vô ngã nên tin vào luân hồi có màu sắc của Bà la môn giáo hơn là Phật giáo. Vì chưa học đủ, chưa được khai thị nên ý niệm về luân hồi, về nghiệp, về quả báo của chúng ta vẫn còn mang nặng chất liệu của Bà la môn giáo. Bà la môn giáo tin vào một cái ngã.

Tuy đạo Bụt có tiếp thu giáo lý về nghiệp, về luân hồi và về báo nhưng giáo lý và sự hành trì của đạo Bụt về nghiệp, về luân hồi và về báo rất khác với Bà la môn giáo. Chúng ta phải hiểu luân hồi, nghiệp và báo dưới ánh sáng của vô ngã: “Có sự liên tục, có nghiệp, có luân hồi, có quả báo nhưng không cần có một cái ngã”. Nước có thể luân hồi thành nước đá, nước đá có thể luân hồi thành mây, mây có thể luân hồi thành dòng sông, có một sự liên tục với nhau nhưng không cần có một cái ngã, một cái ta bất di bất dịch mới có thể luân hồi. Câu “ gieo bắp thì được bắp, gieo đậu thì được đậu“ rất đúng nhưng không cần phải có một cái ngã. Đạo Bụt chủ trương: Khi các điều kiện đầy đủ thì hạt bắp trở thành cây bắp và trái bắp mà không cần phải có một cái ngã trong đó.

Bài kệ thắng nghĩa đầu tiên chúng ta đã học năm ngoái có câu:

Không hề có chủ nhân

Không kẻ làm người chịu

Các pháp không tác dụng

Dù chuyển dụng chẳng không.

Không có người gây ra nghiệp, không có người thọ nghiệp nhưng nghiệp vẫn có. Khi điều kiện đủ thì tự nhiên có nghiệp, khi điều kiện hết thì nghiệp cũng không còn mà không cần phải có một cái ngã trong đó. Vô ngã là tinh hoa của đạo Bụt. Trong cộng đồng của Đạo Bụt có biết bao nhiêu người, mà người hiểu được pháp và chứng ngộ thì rất ít. Phần lớn đều là những tín hữu và cái hiểu của họ còn vướng mắc vào ý niệm ngã rất nhiều. Nhưng chúng ta phải để cho họ đi từ từ. Muốn hiểu được Bụt ta phải thấy được vô ngã. Có những người tự xưng là Bụt nhưng chất Bụt của họ còn ít mà chất Bà la môn thì nhiều. Tu tập từ từ thì càng ngày chất Bụt càng nhiều và niềm tin vào ngã, vào thần ngã và sự mê tín càng bớt đi.

No comments:

Post a Comment