Wednesday, November 3, 2021

Đọc sách Hai Quê Hương

 Chú Nguyễn Văn Trường, đồng nghiệp của ba tôi ở Việt Nam Thông Tấn Xã từ những năm 1950 có gửi tôi một số cảm xúc sau khi đọc "Hai Quê Hương". Xin chia sẻ với bạn bè.

HỒI ỨC  “HAI QUÊ HƯƠNG“ – BÀI HỌC ĐƯỜNG ĐỜI

Nguyễn Văn Trường 

Thứ bảy, rạng sáng ngày cuối tuần tôi đọc xong  hồi ức “HAI QUÊ HƯƠNG“ của Nguyễn Xuân Thọ. Gấp sách , tắt đèn, không sao chợp mắt, nghĩ cuốn sách khổ nhỏ -mỏng, trên 200 trang mà mang nổi sức nặng cái tính, cái tâm, cáí tình của con người? Một người bình thường thôi.

Tôi thân với ông cụ thân sinh Anh từ những năm 1955-56. Ông là Nguyễn Xuân Mai ,cán bộ miền Nam tập kết, Trưởng Phòng Hành chính – Quản trị  VNTTX  (tiền thân của Văn phòng, Chánh Văn phòng). Khi ấy tôi là phóng viên mới vào nghề. Phòng  tập thể chúng tôi ở kề bên căn buồng gia đình Ông, trong cái khuôn viên Nhà số 5 – Đại lộ Lý Thường Kiệt. Nguyễn  Xuân Thọ khi ấy – một cậu bé còm nhom, mắt lồi sau cặp kính cận , hiếu động  với cái tính  táy máy, tò mò …tinh nghịch vào loại “chúa tể“ trong đám trẻ con khu phố.

Ngắm ảnh tác giả trên bìa sách tóc bạc trắng, nụ cười nhăn nheo; tôi  giật mình… thì ra mình quá già rồi! 

Thọ không phải là nhà khoa học tầm c ỡ, một gương sáng điển hình, một đại gia nổi tiếng trên thương trường… . Anh từ một kỹ thuật viên – một người thợ - học nghề Điện tử Truyền hình bên CHDC Đức – về  công tác ở  Đài Truyền hình VN  rồi học tại chức  Khoa điện tử, Đại học Bách khoa HN . Bố thất sủng, bản thân chỉ Đoàn, không Đảng, thất cơ lỡ vận,  đưa vợ, hai bé con trai sang làm thuê, rồi mở Công ty riêng, định cư ở CHLB Đức. Một đời thường bươn trải kiếm sống ở ngoài nước. Một giọt nước trong biển cả. Có gì đáng  nghe, đáng đọc nhỉ? Nhất là đối với người già như tôi tuổii 90, mắt nhòa , tai ngễnh ngãng. 

Tôi đọc vì tôi là láng giềng cũ của gia đình Anh và đang là bạn giao lưu với Anh trên dòng thời gian FB. Tôi đọc vì lẽ nữa, qua trang viết giới thiệu Hồi ức “Hai quê hương“ của PGS, TS Phạm Quang Long và của Nhà văn Đào Hiếu. 

Tôi đã nếm – đọc – giọt nước ấy trong biển cả, nhưng là giọt “mặn chát“. Tôi hoàn toàn tâm đắc với hai Ông Phạm Quang Long và Đào Hiếu, không thể viết gì hơn về đánh giá tác phẩm mà chỉ xin bày tỏ  đôi điều cảm nhận khi đọc “Hai Quê Hương “.

                                                 &

Trước hết, bằng bút pháp thoáng, góc nhìn tinh tế ,“độc lập“ suy nghĩ, tư duy phản biện; Tho Nguyen đã chấm phá một bức tranh chân thực về đời tư của anh, của xã hội thời Anh sống ở thủ đô Hà Nội cũng như ở nước Đức – quê hương thứ  hai của Anh. Bức tranh ấy không tô hồng mà cũng chẳng bôi đen. Anh linh hoạt thể hiện đan xen một cách rất khéo giữa cái riêng – chung, chuyện đương thời – chuyện xưa cũ, ngoại cảnh – nội tâm. Vì vậy câu chuyện cứ từng trang lôi cuốn người đọc. Cho nên chuyện riêng tư, gia đình – tế bào của xã hôi - gắn kết với những bước thăng trầm, đổi thay của đất nước.

Về nội dung, hấp dẫn nhất đối với tôi là tác giả đưa tôi về với những kỷ niệm rất sống động, rất hồn cốt của một thời trai trẻ mới vào đời , cùng sống  trong một “chung cư nho nhỏ “ với gia đình anh ở đằng sau ngôi nhà cao tầng  5 Lý Thường Kiệt. Tôi nhớ lại  nếp sống thời bao cấp ở thủ đô Hà Nội thời đất nước tạm thời chia cắt , bắt đầù có chiến tranh; mấy khu phố đầu Đại lộ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo; mấy phố nhỏ ngõ nhỏ Phan Chu Trinh, Phan Huy Chú, Lò Đúc.

Ôi, những gì Anh kể! Cửa hàng sữa tươi nhà bà “Phụng sữa“. Mùi sữa tươi thơm nhẹ từ cốc sữa mẹ Phấn mua cho anh mỗi sáng đến Trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Chiếc áo trắng cổ cồn  sành điệu nơi cừa hàng giăt là của Ông Ủỉ Chột ở Ngã tư Hàn Thuyên – Hàng Chuối. Ngôi biệt thự cổ 13 Trần Hưng Đạo, nhà Bác sĩ Vân A, hai cô con gái nhà ông – bọn “đầm con “; bạn  học của Anh. Mối tình đầu lỡ dở với cô con gái gia đình Tư sản ở biệt thự cuối Phố Bà Triệu…. Vụ đổi tiền. Bố Anh được điều động tham gia  sửa sai Cải cách ruộng đất. Những ngày  cải tạo Tư sản - còn gọi là cải tạo XHCN Công Thương nghiệp Tư bản Tư Doanh. Cuộc vận động chống văn hóa nô dịch“. Thanh niên Cờ đỏ “… lùng xục cắt quần ống loe , cạo đầu người ta…

“Lập nghiệp ở quê người”, ”Nước Đức chia cắt“ là hai chương viết sâu về quê hương thứ hai của Anh. Nếu như ở Chương I và Chương 3 , Anh nặng tình bao nhiêu với nơi sinh thành ở Quy Nhơn, tuổi thơ anh ở Hà Nội …thì Anh nặng tình bấy nhiêu với nước Đức đã nuôi, dạy nghề, cưu mang Anh lúc thất cơ lỡ vận. Có những chuyện rất cảm động về tình cảm người dân Đức đối với VN, cuộc chiến tranh bảo vệ đất  nước của VN . Lòng tốt của các thày cô giáo Đức, của người dân Đức đối với học sinh, sinh viên VN và người dân VN định cư sinh sống ở Đức. Trên nước Đức anh có những người bạn Đức chí tình cũng như đồng bào định cư nhường cơm sẻ áo cho nhau.

Tôi tôn trọng và ngẫm nghĩ nhiều những câu nói thể hiện tính cách “độc lập suy nghĩ “ và tư duy phản biện của Anh  về cải cải cách ruộng đất, về cải cải tạo Tư sản ở Hà Nội, về bài trừ văn hóa nô dịch, về những cuộc kiểm thảo cái bệnh hủ hóa , về tình cảnh đất nước chia cắt, về hòa hợp dân tộc…

Đọc Anh, một người con có người cha thất sủng trên con đường cách mạng. Anh, một người cha thất cơ lỡ vận phải đèo bòng vợ dại con thơ sang Đức làm thuê kiếm sống. Anh, một con người giàu nghị lưc – cái gai nhọn từ bé – vượt cảnh ngộ tự hoc, tự bơi để thành đạt, rồi lại thất bại, lại ngoi lên… Một  bài học đường đời chí ít cho những ai cùng cảnh ngộ. Một bài học rất thời sự trong thời mở cửa, hội nhập. Tôi nghĩ bài học ấy như cây đời trụ vững trước phong ba.

                                     &

 Tâm sự của Anh 

Xin được trích một đoạn trong Chương 4:“Tha hương lập nghiệp“ :

”Bỏ quê hương ra đi luôn là một quyết định đau đớn của mỗi  con gười . . Việc tôi bỏ lại toàn bộ sự nghiệp,   đưa vợ con vào một  cuộc phiêu lưu có những lý do sâu xa. vào tuổi 40 tôi không còn mơ mộng mà chỉ muốn sống phần còn lại của cuộc đời bên ngoài những khuôn phép chật hẹp và sự giả dối. Thời trai trẻ  tôi đã  ở Đông Đức, từng làm việc ở Đài Truyền hình Tây Đức, nên  tôi không có quá nhiều ảo tưởng. Nhưng niềm lạc quan về năng lực bản thân là một yếu tố khiến  tôi vững tâm ra đi. Má tôi đã khóc khi bố con tôi ra đi, nhưng Bà hiểu sự bế tắc của tôi .” 

 “Ba năm qua, tuy đã học được cách suy nghĩ khoa học và nếp sống có kế hoạch ở đây (nước Đức) , nhưng thói duy ý chí ngấm trong máu  khiến tôi coi đó là trò xa xỉ “.  Ấy là lúc Anh  lập Công ty riêng, giới thiệu sản phẩn Cty mình, anh trả  lời câu hỏi  “Ông tốt nghiệp trường nào nhỉ?“. Với cái bằng đại học không được công nhận,  Anh vẫn tự hào trả lời :”Đại học Bách khoa Hà NộI !“  .

Khi đi làm thuê, Anh quan niệm “Kinh tế tư  nhân dựa trên 2 cột đạo đức : Sự sáng tạo , quyết tâm hy sinh của giới chủ và sự trung thành của người làm thuê . Phản chủ luôn là hành động đáng khinh bỉ. Cả hai lần rời  Hãng, tôi đều không muốn đấu với chủ, mà chỉ vì sự sống của gia đình“. 

Anh kể chuyện về một “Ông chủ “ từ bàn tay trắng làm nên cơ đồ, nhắc lại câu nằm lòng của Ông đối với Anh “…tiền bạc không có giá trị. Giá trị chính là cái gì tiền đem lại cho đời …” 

Suy nghĩ về cảnh người Viêt tha hương “Tôi sẽ là kẻ vô liêm sỉ, nếu đem cuộc đời mình so sánh với những người lính vào sinh ra tử ở chiến trường, bất kể cho bên nào .Nhưng những gì mà tôi và hàng triệu người  Việt tha hương giành giật được trong những năm tháng qua cũng mang hơi hướng của cuộc chiến đâu đó. Đồng  tiền tôi kiếm được qua máy móc cũng như đồng tiền bà con khác kiếm được từ các quẩy bán thức ăn ,bán quần áo , bán hoa ở khắp thế gian này đều thấm đẫm những giọt mồ hôi tự hào cùng bao giọt nước mắt tủi nhục của những kẻ tha hương.”  

Tho bộc bạch: “Công bằng mà nói, con đường lập nghiệp của vợ chồng tôi là cuộc đấu tranh của những thân phận cùng đường, tuyệt vọng. Cung cách xây dựng cuộc sống mới của chúng tôi luôn mang dấu ấn của sự manh mún, vô kế hoạch, đôi khi bất minh “ ….” Hành trang của chúng tôi khi sang thế giới mới là lối sống của một xã hội lạc hậu. Nhiều thói quen xấu đã ngấm vào máu nên dù biết cũng không thể sửa được.Chính sự hạn chế này đã làm cho sự thành đạt của chúng tôi cho đến nay vẫn vô cùng khiêm tốn…”

Nhìn những người Việt mình thành đạt ở Mỹ, Úc, Tây Âu và cả ở Đông Âu, Anh nghĩ :”Sự khác biệt của họ chính là không bị kéo níu bởi lối sống lạc hậu, của những toan tính thiển cận đã ăn mòn trong não. Họ mang trong mình một nền văn hóa khác…

"...Tôi bộc bạch bí mật của đời mình không phải để mua vui hoặc câu like, mà chỉ muốn nhắn gửi các bậc cha mẹ: Hãy trút bỏ cho con cái những tảng đá của lạc hậu, thấp hèn trước khi đưa chúng ra biển ….Cho dù khó đến mấy thì cũng chẳng còn con đường nào khác là phải tự thay đổi , nếu không muốn con cháu mình bị tủi hổ … “  ./.

Nguyễn Xuân Thọ

No comments:

Post a Comment