1. Tôi không có ý định bàn, dù khen hay chê, câu nói của TBT. Bàn về văn hóa vốn là một trong những đam mê của tôi, nhất là từ khi tôi quan tâm tới giáo dục. Tôi đánh giá việc TBT đến dự Đại hội văn hóa toàn quốc là một việc đúng đắn trong khi các đời TBT gần đây ít quan tâm tới vấn đề trọng đại này.
2. Thực tế, trong hệ thống chính quyền của ta từ vài chục năm trở lại đây lãnh đạo phụ trách về văn hóa thường có trọng lượng kém nhất. Ngày xưa, cứ có Đại hội về văn hóa, văn nghệ là các lãnh tụ chóp bu đều kéo tới. Đáng lẽ kinh tế, ngoại giao, xây dựng, an ninh, quốc phòng đều phải phục vụ cho những vấn đề văn hóa, xã hội mới đúng. Vì vậy, người lãnh đạo văn hóa phải là người đặt đầu bài cho các ngành, quyết sách của các ngành đều phải hỏi ý kiến của người phụ trách văn hóa, xã hội. Tôi không rõ từ bao giờ và lý do gì văn xã trở thành vấn đề sau cùng. Cũng có thể những người phụ trách văn hóa ở ta không biết cách làm "nổi vị" như Pozsgai Imre ở Hungrary, có thể khuấy đảo xã hội bằng quyền lực văn hóa của mình. Nếu một vị trí có quyền hạn rõ ràng, hoàn toàn có thể dùng nội hàm của nói để biến nó thành một vị trí quyền lực. Tôi nhớ hình như Jaruzelsky ở Ba Lan là người làm cho chức Chủ tịch nước hữu danh vô thực thành quan trọng.
3. Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là văn hóa mới thấy được sức mạnh của nó. Bản thân từ này dùng theo nhiều nghĩa khác nhau nên cũng phải làm rõ chúng ta đang dùng theo nghĩa nào. Theo một nghĩa nào đó, văn hóa là cái mặc nhiên tồn tại, bao gồm thói quen, ý thích liên quan tới một dân tộc. Tôi nhớ Willy Durand nói đại ý "Không phải dòng máu, ngôn ngữ, nền văn minh định hình một dân tộc, mà chính văn hóa định hình dân tộc đó.". Vì vậy, bất cứ dân tộc nào tồn tại cũng mang theo mình một văn hóa, chính là định danh của dân tộc đó. Theo nghĩa này, văn hóa không thể có hơn có kém và không thể mất đi, nhưng không có lý gì không thể thay đổi để phù hợp với sự phát triển.
4. Tuy vậy, có lẽ TBT dùng chữ văn hóa theo một nghĩa khác. Trước hết, theo ngôn từ, người Việt vốn hay nói tắt. "Bỗng nhiên" nói thành "bỗng",... Nhiều trường hợp câu cú thành đa nghĩa. Dựa trên ngữ cảnh, theo tôi ông TBT đang muốn nói "VĂN HÓA VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG", có liên quan tới văn hóa "chân quê",...Tất nhiên ông cũng hàm ý là văn hóa Việt Nam hiện tại vẫn là văn hóa truyền thống và ông muốn bảo vệ nền văn hóa đó, chống lại sự xâm thực của kinh tế, đạo đức suy đồi, tiền bạc. Tức là ông nói không có gì sai về ngôn từ.
5. Tôi tôn trọng thiện ý của ông TBT về mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống để chống sự suy đồi đạo đức xã hội. Tuy vậy, tôi ngờ rằng sự suy đồi này là hệ quả tất yếu của hệ thống văn hóa cũ ở mức phát triển hiện nay. Và chính vì vật có thể đã đến lúc phải thay đổi văn hóa cũ hoàn toàn, bởi vì "chân quê" ngày nay không còn dễ thương như Nguyễn Bính, mà đã thành mấy cái loa xã và thói hào quyền. Nói một cách khác, dù có cố bỏ thịt ra khỏi phở nhưng đã húp nước thì không thể gọi là ăn chay. Văn hóa truyền thống đơn giản là chỉ còn hình thức và giữ lại quá nhiều hệ lụy.
6. Một cách dùng từ sai lâu ngày đã tạo ra một nội hàm khác là việc chê người khác vô văn hóa. Điều đó cũng tương tự như mấy người công giáo nói những người theo đạo khác là tà giáo, dị giáo hay vô đạo. Lâu ngày cụm từ đó đã trở thành có nghĩa thô lỗ, xấu tính, thiếu lịch sự, ngu xuẩn. Theo nghĩa đó thì từ này không còn liên quan tới từ gốc "văn hóa" nữa.
7. Tuy nói kỹ thì như thế, trong thực tế việc sử dụng các từ đa nghĩa và bị biến nghĩa cũng dẫn tới những hệ luận phiền toái về nhận thức mà chúng ta nên bỏ công suy nghĩ thêm.
No comments:
Post a Comment