Sunday, November 14, 2021

Thời kỳ VNDCCH: Những nhà lãnh đạo kiệt xuất

 Ngày 11/11/2021 UBND tỉnh Nghệ An, Sở  Khoa  học  và  Công  nghệ Nghệ  An  đã tổ chức Hội thảo Khoa học “ Giáo sư Tạ Quang Bửu với quê hương đất nước”, một cách ngẫu nhiên, cũng là lúc đương kim Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Xin đăng lại tham luận tại hội thảo để cùng suy nghĩ về giáo dục đại học Việt Nam. 


GIÁO SƯ TẠ QUANG BỬU VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Tháng 7/1971 trước khi sang Liên Xô học tập, chúng tôi được GS Tạ Quang Bửu gặp mặt và dặn dò. Mùa xuân năm 1981, sau khi từ Liên Xô về nước, tôi được GS Tạ Quang Bửu tiếp tại nhà riêng qua lời giới thiệu của Bác Nguyễn Khắc Tháo – Phó Chánh văn phòng Đảng Xã hội. Đó là lần tôi được nói chuyện trực tiếp khá lâu với GS Tạ Quang Bửu. 

Sau đó tôi có cơ hội gần GS Tạ Quang Bửu thêm một số lần, tại Câu lạc bộ của Đảng Xã Hội được tổ chức vào Thứ Sáu hàng tuần, trong Trụ sở Đảng Xã Hội số 53 Nguyễn Du, do GS Nguyễn Xiển chủ trì. Tại các buổi sinh hoạt, là các báo cáo, bài giảng của những trí thức lớn được Câu lạc bộ của Đảng Xã Hội mời đến. Chủ đề rất đa dạng, bao gồm những tiến bộ mới của Khoa học Kỹ thuật và những vấn đề cấp thiết nổi cộm của Kinh tế Xã hội, trong nước và quốc tế. 

Có không ít những người nổi tiếng, khi ở xa thì sáng rực rỡ, khi tới gần thì hào quang thu hẹp, càng gần càng tối. Với GS Tạ Quang Bửu thì ngược lại, càng gần càng toả sáng rực rỡ.

1. VÔ ĐỐI

Nói đến vị trí Bộ trưởng phụ trách ngành Đại học, trong lịch sử nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), chưa ai so sánh được với GS Tạ Quang Bửu (23/7/1910 – 21/8/1986). Tại sao ư? Xin hãy lần theo những điều dưới đây.

2. TRI THỨC BÁC HỌC UYÊN THÂM

Trước hết đó là tri thức bác học uyên thâm.

GS Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tài năng của GS Tạ Quang Bửu bộc lộ rất sớm. Ngay khi mới 7 tuổi đã đỗ đầu trong kỳ thi Hán ngữ - Văn Hoá Việt – Toán tổ chức cho học sinh lên 7 tại Tam Kì Quảng Nam năm 1917. Năm 1922 thi vào Quốc học Huế đứng thứ 11. Sau đó chuyển ra học trường Bưởi tại Hà Nội. Năm 1929 đỗ đầu trường Bưởi ở cả 2 ban, tú tài Việt và tú tài Tây ban Toán. 

Được học bổng sang Pháp và thi đỗ vào các trường đại học danh giá của Pháp. GS Tạ Quang Bửu học rất rộng, nhiều ngành. Từ năm 1930- 1934 theo học cử nhân khoa học tại Đại học Sorbonne, học toán tại Đại học Paris, Đại học Bordeaux, được trao đổi học tại Đại học Oxford (Anh) và đã học thêm về vật lý lượng tử. Học lớp toán đặc biệt của trường Louis Grand về toán và vật lý lý thuyết. Học toán tại Viện Henri Poincare lừng danh và tìm hiểu  về nhóm nghiên cứu Nicolas Bourbaki, mà mãi sau này năm 1961 mới cho ra đời tác phẩm ‘Về cấu trúc Bourbaki’.

Trong suốt thời gian ở châu Âu, GS Tạ Quang Bửu theo học đa ngành ở các trường đại học danh giá, tìm gặp và tham gia học thuật với các nhà khoa học nổi tiếng, với mục đích là có kiến thức uyên bác nhiều ngành, bỏ ra ngoài mục tiêu nghiên cứu để có học vị tiến sĩ. Đó là đặc trưng rất Tạ Quang Bửu, khác với đa phần những người thông tuệ, thường có mục đích đeo đuổi nghiên cứu khoa học chuyên ngành để có học vị khoa học và vị trí việc làm ở các đại học. Trong con người Tạ Quang Bửu chứa đựng nhiều kiến thức uyên thâm. Dường như không ngành nào mà ông không hiểu biết, hiểu biết ở mức chuyên môn sâu rộng.

Một biểu hiện tri thức bác học khác của GS Tạ Quang Bửu chính là ngoại ngữ. Ông biết nhiều ngoại ngữ với khả năng dịch trực tiếp xuất sắc cho nhiều lĩnh vực. Từ toán học, vật lý, sinh học, hoá học, văn học… cho đến kỹ thuật, y học, nông nghiệp, quân sự, thể thao … lĩnh vực nào ông cũng có khả năng dịch trực tiếp xuất sắc.

3. TÀI NĂNG LÀM VIỆC ĐA NGÀNH RỘNG LỚN

Chính tri thức bác học đa ngành đã mở ra khả năng làm việc đa ngành của GS Tạ Quang Bửu. Về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà bước vào nghiệp giáo dục trong vai trò thầy giáo các môn toán, lý, hoá, tiếng Anh, động vật, khoáng vật, và các môn khoa học tự nhiên khác nữa do tự nghiên cứu.

Tài năng của GS Tạ Quang Bửu không chỉ ở bình diện tri thức hàn lâm, mà còn sâu rộng trên bình diện ứng dụng thực tiễn ở nhiều chuyên môn mà ông không theo học. 

Cụ thể là ông đã làm việc trong lĩnh vực Điện – Nước cho hãng SIPEA (1942-1945) và đã thiết kế nhiều bộ phận cho  nhà máy điện, nhà máy tái sinh dầu ở Quy Nhơn. Chính phủ Pháp đã quyết định tặng Huân chương Bắc đẩu cho GS Tạ Quang Bửu vì thành tích thiết kế đường dây điện cao thế nhà máy vôi Long Thọ - nhưng ông từ chối. Trong thời gian làm việc, GS Tạ Quang Bửu cũng không xa rời sự học và công việc nghiên cứu. Ông tự học thêm ở lĩnh vực cơ học lượng tử và đi sâu nghiên cứu về phương trình vi phân. Ông đảm nhận chức vụ Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Điện – Nước Trung Kỳ trong các năm 1942-1945.

Khả năng đa ngành của GS Tạ Quang Bửu không chỉ thể hiện ở công việc giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục, mà còn trên phương diện lãnh đạo ở tầm quốc gia. Đây mới là nơi thể hiện tài năng nổi trội của GS Tạ Quang Bửu.

GS Tạ Quang Bửu đã từng đảm đương các chức vụ quan trọng trong Chính phủ VNDCCH và CHXHCNVN liên tục từ năm 1945 cho đến năm 1976. Trong đó phải nhắc đến những chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ với Anh, Mỹ, Đại diện VNDCCH ký Hiệp định Genevo, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục từ Khoá I (1946) cho đến Khoá VI (1981).

4. ĐẶT NỀN TẢNG CHO ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 

Một trong những cống hiến quan trọng của GS Tạ Quang Bửu chính là ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC và NGHIÊN CỨU KHOA HỌC.

GS Tạ Quang Bửu là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Bách Khoa Hà Nội từ ngày đầu thành lập năm 1956 cho đến năm 1961. Đây là thời điểm quan trọng cho nền đại học nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với sự ra đời các trường đại học Bách Khoa, Tổng Hợp, Sư Phạm và thời gian sau đó là các trường đại học khác, tạo nên hệ thống các trường đại học Việt Nam. Sự phát triển của Đại học Bách Khoa Hà Nội gắn với công lao của Hiệu trưởng đầu tiên là GS Tạ Quang Bửu.

Một trọng trách khác mà GS Tạ Quang Bửu đồng thời đảm nhận trong khoảng thời gian này chính là chức vụ Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) vào các năm 1958-1965. Đây là thời kỳ ông đặt nền tảng phát triển cho các ngành Khoa học và Kỹ thuật của Việt Nam. 

Từ năm 1965 – 1976  GS Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (ĐH&THCN) được thành lập vào năm 1965. Đây là thời kỳ ghi nhận những cống hiến to lớn của GS Tạ Quang Bửu cho ngành đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam.

Trong điều kiện chiến tranh, GS Tạ Quang Bửu đề xuất dạy những điều cơ bản nhất và hiện đại nhất phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó ông chỉ đạo cho hệ thống cải tiến chương trình giảng dạy và quy tụ những nhà khoa học giỏi, các nhà sư phạm giỏi và các chuyên gia giỏi để biên soạn giáo trình mới. Ông cho tổ chức hàng loạt hội thảo về giảng dạy đại học để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc đại học.

Về mở rộng hệ thống đại học, GS Tạ Quang Bửu chủ trương thành lập nhiều trường chuyên ngành với các cán bộ và sinh viên giỏi được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Một trong những trường chuyên ngành như thế, phục vụ cho quốc phòng, chính là Phân Hiệu II Đại học Bách Khoa, sau là Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự và nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự. 

Nhờ chủ trương của GS Tạ Quang Bửu, mà hàng chục vạn sinh viên và cán bộ được cử đi học tập, thực tập và nghiên cứu ở nước ngoài – tạo nên một đội ngũ đông đảo các cử nhân, kỹ sư, các nhà khoa học giỏi. Hàng chục đại học chuyên ngành và hàng chục các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, nối đuôi nhau ra đời – tạo nên hệ thống các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp rộng khắp, bao phủ các nhu cầu phát triển của đất nước.

Ngay cả trong lúc đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN với đầy rẫy công việc, GS Tạ Quang Bửu vẫn không xa rời công việc nghiên cứu khoa học và giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Khi Mỹ ném bom từ trường nổ chậm TN phong toả các tuyến giao thông từ Bắc vào Nam, GS Tạ Quang Bửu trực tiếp cùng các nhà khoa học Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự tìm phương pháp phá bom từ trường nổ chậm TN để thông tuyến giao thông. 

5. NUÔI DƯỠNG TÀI NĂNG 

Là người mà tài năng thể hiện từ sớm, GS Tạ Quang Bửu hơn ai hết rất trân quý tài năng. Một dân tộc muốn sánh kịp với các dân tộc khác thì cần rất nhiều tài năng. Nhưng tài năng phải được phát hiện, bảo vệ, và nuôi dưỡng từ rất sớm, sau đó lại phải được tạo môi trường để tiếp tục phát triển trong suốt thời kỳ trưởng thành cho đến cuối đời.

Trong điều kiện chíến tranh khó khăn từ mọi phía, nhưng GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tuỵ đã thúc đẩy hình thành hệ thống trường chuyên toán (sau đó là các chuyên môn khác) ở các trường đại học và ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. GS Tạ Quang Bửu là một người giỏi thể thao, có tầm nhìn xa. Ông biết “huy động tinh lực cho mũi nhọn ra đòn quyết định”. Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn đủ bề - thì trường chuyên chính là sự “huy động tinh lực cho mũi nhọn ra đòn quyết định”. Chính hệ thống trường chuyên toán đã tạo nên nhiều tài năng toán học cho Việt Nam, mà đỉnh cao là giải thưởng Fields của GS Ngô Bảo Châu.

Hiện nay, có một số người phê phán hệ thống trường chuyên. Nhưng nói đến tài năng thì phải nói đến chuyên nghiệp. Đã là chuyên nghiệp thì phải chuyên từ bé. Chỉ có hình thức thể hiện khác nhau. Trong điều kiện chiến tranh và nghèo khó đủ bề, thì trường chuyên là một lựa chọn sáng suốt. Nhưng đến thời đại đầu thế kỷ 21, khi mà công nghệ kết nối toàn cầu chỉ trong giây lát, khi mà sự tiếp cận thông tin có thể đến với bất cứ vị trí nào trên trái đất - thì đào tạo chuyên phải thay đổi về thể thức cho phù hợp. Có thể học chuyên tại nhà. Có thể học chuyên theo tự chọn. Có thể học chuyên theo thầy giáo riêng…Không phải học chuyên lỗi thời, mà cách thức học chuyên thay đổi. Nhưng không đào tạo chuyên nghiệp thì không có tài năng xuất chúng. Không đào tạo chuyên nghiệp thì luôn là kẻ theo sau.

Trong suốt thời gian ở vị trí Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN (1965-1976), GS Tạ Quang Bửu không ngừng vun xới nuôi dưỡng các tài năng bẳng nhiều phương cách: đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, đào tạo sau đại học trong nước, đào tạo sau đại học ở nước ngoài, mời các chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy, cử người đi thực tập ở nước ngoài... Trong 11 năm GS Tạ Quang Bửu đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN đã có hàng triệu cử nhân, kỹ sư đã trường, trong đó có hàng vạn người được đào tạo ở nước ngoài, có hàng ngàn nhà khoa học giỏi xuất hiện, không ngành nào mà Việt Nam không có chuyên gia.

Không biết đã có bao nhiêu trường hợp vì lý lịch, vì quá khứ, vì sức khoẻ, vì hoàn cảnh thiếu thốn mà không được đi học rồi được GS Tạ Quang Bửu đích thân giải quyết để được đi học. GS Tạ Quang Bửu đã “xé rào” để người không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ mà giỏi vẫn được đi học nước ngoài. GS Tạ Quang Bửu đã “xé rào” để lý lịch và quá khứ không ngăn cản việc học tập của các tài năng. Ông đích thân can thiệp, thuyết phục, và đứng ra bảo lãnh, mạo hiểm cả chức vụ và số phận chính trị của mình, để các tài năng có điều kiện phát triển. Có rất nhiều thân phận, nếu không có GS Tạ Quang Bửu thì không biết tương lai họ ở đâu. Có rất nhiều số phận còn mãi liên quan đến GS Tạ Quang Bửu. Riêng Viện Toán học, ngoài GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ thì có GS Ngô Việt Trung và GS Nguyễn Tố Như cũng là những người có kỷ niệm với GS Tạ Quang Bửu.

6. TRƯỜNG PHÁI KHOA HỌC– CHIẾN LƯỢC ĐÚNG TRONG PHÁT TRIỂN  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC QUỐC GIA

Trong khoa học phải đi tiên phong, nếu không sẽ không sở hữu sáng chế nguồn. Là người giỏi, học rộng, yêu nghiên cứu, lại từng tiếp xúc với các tài năng toán học của Pháp, được học tập và nghiên cứu ở các  cơ sở khoa học lừng danh châu Âu, GS Tạ Quang Bửu mong muốn Việt Nam có Trường phái Khoa học.

Dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, GS Tạ Quang Bửu vẫn cố gắng mời cho bằng được các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam giảng bài. Và những tên tuổi nổi tiếng như Alexander Grothendieck, Laurent Schwartz đã đến Việt Nam. Đây là những động lực đã góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam phát triển, dù trong hoàn cảnh chiến tranh.

Dưới sự ủng hộ tích cực của GS Tạ Quang Bửu, Viện Toán học đã hình thành các nhóm nghiến cứu nổi tiếng như nhóm Tối ưu của GS Hoàng Tuỵ và nhóm Kỳ dị của GS Lê Dũng Tráng. Có thể nói hướng nghiên cứu Tối ưu của GS Hoàng Tuỵ là Trường phái Hà nội mà GS Tạ Quang Bửu mong muốn.

Hiện nay, các công bố khoa học của Việt Nam có tăng về số lượng, nhưng chưa có được các Trường phái Khoa học mới. Về tăng trưởng số lượng công trình nghiên cứu khoa học thì Việt Nam đang kém xa Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. So với Trung Quốc thì càng tụt xa nữa. Việt Nam rất cần có những biện pháp mạnh để tăng số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, và để xuất hiện các Trường phái Khoa học mới. Đại bàng thì phải bay cao, cá kình thì cần biển lớn, sau GS Tạ Quang Bửu, chưa thấy có vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đại học nào khát vọng có Trường phái Khoa học Việt Nam. 

7. BẢO VỆ LẼ PHẢI

Không phải lúc nào lẽ phải cũng toàn thắng. Không chỉ thời kỳ phong kiến hay trung cổ, mà đến thế kỷ 21, “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” vẫn đang được thực hành - không chỉ trong quan hệ cá nhân, mà trong phạm vi quan hệ quốc tế. 

Lẽ phải không phải lúc nào cũng được bảo vệ. Càng không phải ai cũng dám bảo vệ lẽ phải, nhất là trong giai đoạn “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” thống trị. GS Tạ Quang Bửu là người dám bảo vệ lẽ phải, ngay cả lúc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đang thống trị.  Không chỉ những vụ việc chăm sóc tài năng, phá bỏ các rào cản thủ tục hay lý lịch như đã kể, mà còn là những vấn đề lớn hơn, thuộc về quan điểm đấu tranh giai cấp. Đó là sự kiện liên quan đến 2 nhà toán học nổi tiếng nhất của Việt Nam là GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ.

GS Lê Văn Thiêm nổi tiếng ở châu Âu lúc còn rất trẻ và đã theo Cụ Hồ về nước tham gia kháng chiến. GS Lê Văn Thiêm là Hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học đầu tiên của VNDCCH là Trường Đại học Sư phạm Khoa học (1951-1956). Sau đó GS Lê Văn Thiêm được phân công làm Hiệu phó Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, ở Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội đã xẩy ra những cuộc họp liên miên kéo dài về quan điểm đào tạo của GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ (lúc đó là Trưởng Khoa Toán). GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ chủ trương trong Đào tạo Đại học không đề cập đến thành phần giai cấp, lý lịch, quá khứ - mà chỉ chú trọng đến tài năng và học thuật. Vì quan điểm này mà hai GS Toán học tài năng nhất của Việt Nam bị kiểm điểm liên miên suýt rơi vào tình trạng như “nhân văn giai phẩm”-  nếu không có sự bảo vệ của GS Tạ Quang Bửu và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. GS Tạ Quang Bửu là người ủng hộ nhiệt thành quan điểm Đào tạo Đại học của GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ. Và GS Tạ Quang Bửu đã kiên trì bảo vệ GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ trước các nhà lãnh đạo cao nhất của VNDCCH.

Dẫu có sự bảo vệ mạnh mẽ của GS Tạ Quang Bửu và Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, nhưng sự chụp mũ “phi giai cấp” đã đưa GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tuỵ rời Đại học Tổng hợp để về Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Nhưng có sự hỗ trợ mạnh mẽ của GS Tạ Quang Bửu, Viện Toán học Việt Nam đã được thành lập năm 1969 và đi vào hoạt động năm 1970. GS Lê Văn Thiêm là Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 1970-1980. GS Hoàng Tuỵ là Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 1980-1990.

8. QUYỀN BIẾN

Lãnh đạo giỏi thì phải quyền biến. GS Tạ Quang Bửu là người quyền biến. Năm 1965 chiến tranh lan rộng khắp miền Bắc, mỗi ngày một khốc liệt hơn. Mùa hè năm 1966, GS Tạ Quang Bửu cho phép bỏ thi mà tuyển thẳng vào đại học. Ngày 1/11/1968 Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, sau đó là giảm dần ném bom từ vĩ tuyến 19 trở vào. Kỳ tuyển sinh mùa hè năm 1970 bắt đầu thi vào đại học trở lại. Các ban A,B,C xuất hiện từ đó.

Phần trên cũng đã đè cập đến các quyết định quyền biến của GS Tạ Quang Bửu trong xây dựng và phát triển hệ thống đại học và trung cấp chuyên nghiệp Việt nam. Những chủ trương lớn quan trọng luôn xuất phát trực tiếp từ chính GS Tạ Quang Bửu. Mục đích của phần này không phải là để liệt kê hết những quyết định quyền biến của GS Tạ Quang Bửu ở đây. Chỉ biết, nếu không có tính quyền biến thì GS Tạ Quang Bửu đã không được Cụ Hồ uỷ thác những nhiệm vụ quan trọng trên tư cách đại diện cho quốc gia trong đàm phán quốc tế, trong tìm kiếm nguồn vũ khí cho quốc phòng VNDCCH. Không quyền biến thì không vượt qua được các quy chế khô cứng bảo thủ của bộ máy quản lý tập trung quan liêu. Không quyền biến thì không bảo vệ được chân lý trong mịt mùng phức hợp lẫn lộn phải trái.

Nêu tính quyền biến của GS Tạ Quang Bửu để làm nổi bật nhu cầu, rằng nền Đại học Việt Nam đang rất cần một Bộ trưởng quyền biến. Trong hoàn cảnh chằng chịt tiêu cực như hiện nay, quyết định quản lý không thể phụ thuộc vào chuyên viên, mà phải xuất phát từ người lãnh đạo quyền biến. Nhưng muốn quyền biến đúng thì tâm phải trong, lòng phải sạch, mà tri thức thì uyên bác, còn trí tuệ thì sáng láng.

9. NHÂN CÁCH LỚN

Không khuất phục trong thời kỳ thống trị của “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” chỉ có những nhân cách lớn. Xuyên suốt cuộc đời GS Tạ Quang Bửu, từ thời kỳ du học ở châu Âu, đến gia đoạn làm việc thời Pháp, cho đến lúc theo Cụ Hồ đảm nhận nhiều vị trí quan trong do Cụ Hồ đích thân uỷ thác – luôn toả sáng một nhân cách lớn. Không chạy theo học vị và danh vọng, không màng đến vật chất, không tham vọng quyền lực, không khuất phục trước quyền lực, chỉ không ngừng tìm kiếm tri thức và sáng tạo, chỉ quý trọng tài năng, chỉ một mực vì dân vì nước - đó là nhân cách Tạ Quang Bửu. 

10. MỘT THÂN HÌNH LỚN

Sự ra đi của GS Tạ Quang Bửu vào ngày 21/8/1986 ở tuổi 76 là một tổn thất lớn của nền Giáo dục và Khoa học Việt Nam. GS Tạ Quang Bửu có quá nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực:Tài năng xuất sắc trong lĩnh vực Quốc phòng với trọng trách là Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tài năng xuất sắc trong lĩnh vực Ngoại giao với các trọng trách là người đại diện cho nước VNDCCH ký Hiệp định Genevo, là Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách đối ngoại với Anh Mỹ, tham gia đàm phán ở các Hội nghị Trù bị Đà Lạt, Fontainebleau, Genevo; Tài năng xuất sắc trong lĩnh vực Giáo dục với trọng trách Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN; Tài năng xuất sắc trong nghiên cứu khoa học với trọng trách Phó chủ nhiệm UBKHNN, với các sáng chế trong lĩnh vực Điện – Nước thời Pháp, phương pháp dùng súng trường tập trung bắn máy bay áp dụng trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, các sáng kiến vô hiệu hoá bom từ trường trong chiến tranh chống Mỹ, các công trình khoa học trong các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, trong các ngành thể thao như điền kinh, bơi lội, bóng bàn; Giỏi nhiều ngoại ngữ. Tất cả tổng hợp lại đã khắc hoạ nên một thân hình GS Tạ Quang Bửu bác học đa tài hiếm có.

Nhưng trên tất cả, là ngành Đại học Việt Nam chịu ơn GS Tạ Quang Bửu. Ông đã đặt nền tảng cho hệ thống Đại học Việt Nam phát triển. Ông đã góp phần đặt nền tảng cho Khoa học Việt Nam phát triển. Nhờ ông góp sức mà có Trường phái Khoa học Việt Nam. Nhờ ông góp sức mà có nhiều tài năng khoa học với đỉnh cao là giải thưởng Fields. Tiếc là đã không kịp có một giải thưởng Nobel.

Bao giờ lại có một vì sao sáng như ngôi sao Tạ Quang Bửu?

11. BÀI HỌC

Nhắc lại quá khứ không phải để ca ngợi hay sống bằng quá khứ, mà là để hành động cho hiện tại và tương lai. Suy nghĩ về cuộc đời GS Tạ Quang Bửu đã làm nẩy sinh ra nhiều câu hỏi cho cuộc sống hiện tại. Trong số đó có ba điều dưới đây.

1. Thứ nhất là về công tác bổ nhiệm và điều động cán bộ 

GS Tạ Quang Bửu được điều động nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng khác nhau - ở Bộ Quốc phòng, ở Bộ Ngoại Giao, ở Uỷ Ban Khoa học Nhà nước, ở Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp - ở vị trí nào Ông cũng xuất sắc. Trong khi đó thì hiện nay, các cán bộ cấp Trung ương, cũng được điều  động nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau - từ bí thư tỉnh uỷ cho đến bộ trưởng - nhưng tại sao không tìm ra người xuất sắc?

2. Thứ hai là về sự tụt dốc của Giáo dục Việt Nam

Tại sao Giáo dục Việt Nam mỗi ngày càng có thêm nhiều ung nhọt?  Tại sao các ung nhọt của Giáo dục Việt Nam vẫn không bị xoá sổ? Tại sao các Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ sau kém hơn nhiệm kỳ trước?

3. Thứ ba là tầm nhìn và tham vọng

Vào thời kỳ chiến tranh khốc liệt 1965- 1975  hàng vạn học sinh Việt Nam đã được gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Từ cơ khí, luyện kim cho đến điện tử. Từ tàu thuỷ, máy bay tên lửa cho đến phản ứng hạt nhân…Hầu như ngành nào cũng có người theo học. Tất cả lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn đầy tham vọng. Dẫu rằng về sau, môi trường không phù hợp đã làm ngạt thở tất cả. Nhưng chí ít thì đã có một tầm nhìn, chí ít thì từng có một tham vọng. Nếu môi trường sau năm 1975 thay đổi thì đã có một bức tranh khác.

Từ sau năm 1986, ở Việt Nam không tìm thấy những tầm nhìn lớn, không tìm thấy tham vọng lớn. Tất cả bị cuốn vào các mục tiêu “ăn xổi ở thì”. Tất cả đang cố gắng “xây nhà từ nóc”. Nhưng thật lạ lùng, con số lại gán cho 20,30 năm sau.

Trong chiến tranh phải nhìn về tương lai khi hoà bình đến là điều đương nhiên. Nhưng khi không có chiến tranh, thì phải nói về hiện tại, và tương lai gần – 5 năm sau, chứ không nói về tương lai xa 20, 30 năm sau. Những gì xảy ra trong các năm 2045-2050 là không kiểm soát được, không nằm trong tầm tay. Ngồi ở năm 2020 mà nói về năm 2045 - 2050 là mộng du. 

Không phải cứ nói về 20,30 năm sau là có tầm nhìn. Không phải vẽ số liệu lớn là có tham vọng lớn.Tầm nhìn và tham vọng khác với vẽ ra số liệu lớn cho 20, 30 năm sau. Muốn có tầm nhìn lớn và tham vọng lớn thì trước hết phải có trí tuệ lớn.

Nguyễn Ngọc Chu

1 comment:

  1. Những người có tầm vóc như bác Bửu trong bộ máy nhà nước đến nay ko còn. Ngay từ lúc đương chức bác đã bị Lê Đức Thọ cài người theo dõi.
    Cách đào tạo và dùng người tài của bác đã bị phái mao-ít thay đổi cho đến nay.
    Đất nước đã được phân vùng. Ai giữ thứ bậc gì đã có quy hoạch cán bộ theo quy trình bổ nhiệm.
    Nếu ai bất mãn thì ra nước ngoài mà sống...

    Từ giáo dục nói riêng và trong những lĩnh vực đối ngoại, đối nội nói chung, qua các thành phần mao-ít trụ cột trong chính quyền, BK đã gây ảnh hưởng và tạo được mô hình khuôn mẫu ở VN. Dã tâm kìm hãm và hủy hoại VN của Tàu đỏ lộ rõ nhất là từ sau 1990 đến nay.
    Mô hình này đã hủy hoại những giá trị truyền thống bằng sự tuyên truyền nhồi nhét và lừa mị với những lý luận của Marx, Lênin, Stalin và Mao. Mô hình xh này đã khống chế và cai quản con người bằng chủ nghĩa lý lịch và bạc đãi trí thức.
    Cách thức áp đảo là mở rộng vh đảng một cách toàn diện và triệt để nhưng che đậy dưới nhiều hình thức tốt đẹp. Thủ tiêu mọi hình thức đấu tranh bằng biện pháp chuyên chính bạo lực kết hợp lợi ích để lợi dụng tối đa các công cụ tuỳ trường hợp/đối tượng.
    Cũng như Tàu đỏ, ở VN tuyên truyền là con đường sống của chính quyền bằng cách khống chế vh nghệ thuật, thay đổi tiêu chuẩn đánh giá thiện, ác... Dùng SGK và sách báo để ca ngợi chế độ. Lợi dụng nghệ thuật (điện ảnh, kịch nghệ, ca múa) đề cao lãnh tụ, hạ thấp vai trò của các nhân vật lịch sử khi so sánh với các vị lãnh đạo được tôn vinh là vĩ đại, làm lu mờ nhận thức, gây ngộ nhận trong các tầng lớp nhân dân.

    ReplyDelete