Thursday, April 2, 2015

Người Sài Gòn: Cuộc sống Sài Gòn

(tiếp theo)

Người Sài Gòn thời trước thường thay đổi nghề nghiệp, thay đổi nơi cư trú. Một số an phận với sinh kế, làm công chức hoặc tư chức, được xem như là giới tiểu tư sản trung lưu, thường trực tiếp giao thiệp với người Pháp nên ăn uống sành điệu, thích đọc báo chữ Pháp rồi giải thích cho giới bình dân nghe. Đồng bạc Đông Dương hồi đó ổn định trong 1 thời gian dài, vì vậy họ sống thoải mái, uống rượu chát nhập cảng, vợ ở nhà có thể đánh bài... tứ sắc (thời trước 1945), năm ba đứa con có thể theo bậc trung học để rồi tiếp tục nghề cạo giấy. Nhạy bén về tin tức, khi đúng, khi sai, họ gây được sự tin cậy trong khu phố về chính trị. Nói chung, họ giữ liêm sỉ, tránh làm mất lòng chòm xóm, trong mọi dịp ma chay, hôn lễ tuy tổ chức đơn sơ, vẫn có mặt. Gọi là phong cách bình dân của người đàng hoàng! Phải chăng đây là tâm trạng hồn nhiên của người đi xa quê, tìm lại sự ấm áp "láng giềng gần hơn bà con xa".
Đâu từ hồi năm 1930 về sau, người Sài Gòn đã quen thuộc với bóng dáng anh ký giả, mỗi sáng ngồi quán bình dân, uống cà phê đen, trò chuyện và hỏi han tin tức, nghe lời khen chê của giới lao động. Ngồi bên anh ký giả là anh kéo xe kéo, anh phu khuân vác, lề đường có chị bán cháo lòng. Và ngồi chồm hổm bên chân anh, luôn có nụ cười của cậu bé đánh giày. Bởi vậy, khi nghe tin người ký giả bị chủ báo đuổi, thất nghiệp tạm thời, hoặc bị bắt vì tội... "liên can chính trị" thì mọi người đều xúc động. Gắn bó với giới bình dân thì báo mới bán chạy. Phải nhắc nhở về đời sống của giới lao động, đòi hỏi "điện nước" cho xóm nhà lá, chống việc đuổi đất, đuổi nhà. Rủi như báo bán ế, ít ra cũng ra vẻ "mị dân", vẽ tranh châm biếm với đề tài chú lính "phú-lích" cầm cây dùi cui rượt theo 1 chị hàng rong! Trở lại thời gian tương đối xa xưa hơn, ta thấy Đồ Chiểu là nhà thơ của bình dân, soạn Lục Vân Tiên nhằm đánh thức "hào khí Đồng Nai - Bến Nghé", nước mất nhà tan, không được do dự, lừng khừng. Lục Vân Tiên trở thành 1 dạng "hát bội dân gian", không cần đào kép chuyên nghiệp. Cứ nằm nhà, đọc lên cho con cháu, người hàng xóm nghe, với giọng khi trầm khi bổng. Người mù nói thơ Vân Tiên đã quyến rũ được bao nhiêu bạn hàng tiểu thương chợ Cầu Ông Lãnh; đến thưởng thức rồi tặng chút ít tiền, thậm chí kẻ sĩ cũng đến tán thưởng giây lát, trong không khí ấm áp, hòa hợp vào cộng đồng. Người mù từ Quảng Nam, Bình Định đến tìm sanh kế dễ dàng ở Sài Gòn, điệu "nói thơ Vân Tiên" sớm định hình, mô phỏng giọng "hô bài chòi" của miền Trung.
Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến Trần Chánh Chiếu, từng làm hết sức mình cho Cuộc Minh Tân (phong trào Duy Tân), một thời rầm rộ từ Bắc chí Nam mà chủ soái là cụ Phan Bội Châu, bấy giờ chủ trương đổi mới về phong tục, về cách suy nghĩ (theo hệ quân chủ lập hiến của Lương Khải Siêu). Trên báo Tân Văn, họ Trần đã viết bài nói lên thân phận của nông dân, tá điền mặc dù ông là điền chủ và phong trào Duy Tân chỉ nhằm động viên giới điền chủ, công chức.
Cũng ở thời đó, Nguyễn An Ninh không ưa đám thanh niên chải chuốt, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn một cách sống tự do mà "cần lao" như dân đi rừng làm rẫy; quần áo vải bô, chiếc nóp, đãi cơm, bầu nước, rồi là mênh mông đâu cũng là nhà. Ông thấy nếu chỉ sống quanh quẩn trong nhà là 1 cuộc sống tù túng, ông không chịu được.
Trương Vĩnh Ký, nhà học giả của Sài Gòn gây được sự mến mộ nhờ phong cách bình dân, áo dài đen, đi giày hàm ếch, khăn đóng, đặc biệt là bới tóc, tuy tiếp xúc thường xuyên với người Pháp. Châm ngôn của ông là "Thường bả nhất hành chánh đạo" rút từ luân lý Khổng Mạnh, được hiểu là quan điểm "chánh đạo", tùy thời, thành thật. Bài thơ sau cùng nhằm tự phán xét: "Học thức gởi tên con sách nát. Công danh rốt cuộc cái quan tài... Cuốn sổ bình sanh, công với tội. Tìm nơi thẩm phán để thừa khai."  Ông chú trọng việc giới thiệu những gì thích hợp với giới bình dân và trung lưu. Huỳnh Tịnh Của là người đã đi theo con đường của ông.
Và Huỳnh Mẫn Đạt, Cử Trị, Thủ Khoa Huân được nhắc nhở nhờ thơ ca mang tính bình dân, dễ tiếp thu.

Không đánh kẻ thất thế, "té ngựa". Có lỗi, hễ xin lỗi thành thật, thì bạn bè thông cảm, bỏ qua. Đã là bạn, nói chuyện bình đẳng, như người dân bình thường, không ưa kẻ xưng chức tước, quan quyền. Người giàu phải giữ thái độ khiêm tốn trước bạn bè, tự xem như "kẻ nhà nghèo" nhưng có nhiều tiền hơn bạn mà thôi. Nhiều ràng buộc phong kiến đã bị xóa, ngoài ý muốn, vì sinh kế phức tạp ở xứ lạ, không như việc làm ruộng ngày nào ở nông thôn.
Tình nghĩa bạn bè gắn bó hữu cơ với sinh kế, tạo sự cân bằng về tinh thần, khiến người tha phương bớt nhớ nhà. "Ở đâu ta có nhiều bạn bè là quê hương ta ở đó". tin vào bạn, làm cho bạn tin cậy mình. Sống với bạn, nhận xét bạn qua cảm tính.
Ở khu vực giao lưu, dễ tìm bạn bè, vì bạn tìm đến ta và ta phải tìm đến bạn. "Bà con một xứ", do tình cờ nhận ra: người cùng sinh quán, cùng 1 dòng sông, chợ làng. Dịp đám giỗ, ăn đầy tháng cho con, đám cưới, mặc dù bạn học hành ít, quần áo lôi thôi, phải mời đến, trân trọng, dành riêng chỗ ngồi, như người trong gia đình. Lại còn bà con, cùng đầu ông cố, hoặc cháu của người đã kết tình thông gia với người bà con! Ruột thịt, thân mến, còn là người hào hiệp đã giúp đỡ, thuở mình mới lên Sài Gòn, tuy sau này ít gặp nhau.
Thời trước, thay đổi nơi cư trú là chuyện dễ dãi về thủ tục hành chính. Lắm người lên Sài Gòn chừng mươi năm mà nơi cư trú thay đổi cũng mươi lần, lý do là nhà mướn, chủ nhà đòi lại, hoặc khá giả hơn, dời chỗ, hoặc suy sụp, bán nhà tốt để tìm nơi cất tạm ngôi nhà nhỏ cho hợp túi tiền.
Vì sinh kế, thời trước lắm người không nghèo mà thích sống chật hẹp dưới gầm cầu, che lều trong hẻm, hoặc mua chiếc thuyền nát, trên bãi bùn. Ở gần chợ hoặc trung tâm dịch vụ dễ chọn nghề, đúng thời cơ, rủi thất nghiệp, bạn bè dễ tìm để giới thiệu chỗ làm. Gần nơi làm việc, tha hồ thức khuya dậy trễ, không tốn thời giờ và sở phí di chuyển. Mướn 1 xó, vừa đủ đặt chiếc ghế bố, ngủ xong xếp gọn lại. Hoặc cả nhà vợ con ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều ở quán, đến tối gom về... Ít tốn kém hơn là nấu cơm, cả gia đình ăn chung. Lại còn người từ Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Tân An, thậm chí từ Mỹ Tho đến Sài Gòn làm việc, ở những sở ổn định, đôi ba ngày về nhà 1 lần, buổi trưa tạm nghỉ ở nhà bạn. Bạn bè là người giúp đỡ trực tiếp.
Trong tình hình giá cả rượu và thức ăn chẳng quá cao, ai cũng dễ tỏ ra hiếu khách. Gặp gỡ dịp đám cưới, đám giỗ, thường hỏi địa chỉ nhau. Đây chẳng phải là thực dụng vụn vặt, nhưng là sự cần thiết để lo cho ngày mai. Trong tình hì Sài Gòn cần phát triển, mở mang, tạo thêm dịch vụ, cần nhân công đáng tin cậy, cần người quản lý, lắm khi người chủ cơ sở chỉ biết tin cậy vào bạn bè. Lắm người quen thân có khi lại chưa giúp nhau được, nhưng có khi người mới quen lần đầu lại có đủ khả năng. "Thương người như thể thương thân". Trong bước đường lưu lạc, qua guồng máy kinh tế khá phức tạp của Sài Gòn, gặp 1 cơ hội tốt, là có được khả năng cải thiện đời sống, nên cửa nên nhà.
Mỗi người cố giữ tư cách, giữ chữ tín. Giá trị con người là ở hành động, việc làm, nào phải ở lý thuyết suông. Rất ghét những người nói nhiều mà không làm được, "năng thuyết bất năng hành". Bạn thân, người cùng nghề, phải giữ "đạo nghệ", "điệu nghệ" - một từ khó truy nguồn gốc. Đạo nghĩa, đạo ngãi là việc nhơn ngãi. Theo Huỳnh Tịnh Của, chữ "nhà nghề" được giải thích là người lái buôn, "Đạo đi buôn" là nghề buôn bán, phận sự kẻ đi buôn bán phải làm thế nào.
Có câu ca dao nay ít phổ biến: "Đạo nào vui cho bằng đại đi buôn. Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông". Khi đi trên sông, đi biển, mấy tiếng "điệu nghệ giang hồ", thái độ hào hiệp, không thành văn bản mà ai cũng tuân theo, đó là những khi gặp thuyền của bất kỳ ai kêu cứu, phải lập tức đến giúp đỡ ngay, cứu vớt vô điều kiện. Có "điệu nghệ" của giới xe đò, giới đua ngựa, ăn mày, tiểu thương...
Gặp mâu thuẫn gay gắt, khó xử, dùng biện pháp thô lỗ, đánh đấm, nhưng sâu sắc nhất vẫn là đến chùa miễu, thề 1 tiếng rồi bỏ qua. Tòa án của thế tục không công bằng như tòa án của lương tâm, của người khuất mặt (thần thánh).
Bạn bè kết nghĩa ngày xưa, thường gia nhập Thiên Địa Hội, Hội kín. Kiểu hội kín lan tràn đến Việt Nam từ Hồng Kông và Singapore cùng làn sóng nhập cư của người Hoa mà thực dân Pháp cố ý dung túng. Những "cái bang", từng nhóm nhỏ kết nghĩa với nhau, thề "hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly" kiểu Đào viên kết nghĩa trong Tam Quốc. Các nhóm này liên kết, do 1 bộ máy bí mật chỉ huy. Ban đầu là trên lý tưởng chung sức đánh đổ người Tây phương, lần hồi suy thoái, chỉ còn mục đích cấu kết nhau để nắm độc quyền về thương mại, thầu dịch vụ bốc xếp ở bến tàu, yểm trợ cho bọn chủ xe đò, nắm quyền ngành ăn uống khách sạn. Ai muốn có sở làm, phải vào hội. Người cầm đầu 1 nhóm nhỏ lãnh chức "đại ca". Khi không còn sức mạnh để đánh đổ thực dân, họ trở thành những nhóm anh hùng hảo hớn, gây náo loạn, gọi nôm na là bọn "du côn"; sẵn sàng đâm chém, trả thù cho phe nhóm. Cảnh sát ít khi can thiệp vì là chuyện nội bộ...
Trong 1 thời gian dài, lúc khủng hoảng về hệ tư tưởng yêu nước, lớp nghèo thành thị, giới sản xuất  nhỏ, tuy sợ sệt nhưng vẫn thán phục vài thành tích của vài "anh chị".
Về sau, càng ngày Thiên Địa Hội càng tàn lụi. Bọn "đại ca" bắt em út cung phụng rượu thịt vì đã quen thói hưởng lạc. "Ăn nhậu" trước kia là hình thức, cung cách "hoạt động" đã trở thành nội dung thô bỉ của sự kết nghĩa, giành xôi thịt, rồi gây sự để đâm chém; lâu ngày không ra tay là tự cảm thấy vô dụng, thiếu lý do để tồn tại.
Khi có phong trào Nguyễn An Ninh, những cuộc bãi công tự phát của công nhân, rồi Đảng của giai cấp công nhân ra đời thì các hội kín mới tan rã. Giúp đỡ lẫn nhau trở thành phong cách phổ biến, nhất là trong thời Đảng gây cơ sở, phong trào Mặt trận Bình Dân rồi qua 2 kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ sau này.
Lúc tang khó thăm viếng nhau, thành thật, không vụ lợi. Người Việt cúng chùa người Hoa ở Chợ Lớn, người Hoa cúng chùa người Việt hoặc viếng Lăng Ông Bà Chiểu, đình làng, dịp lễ hội hàng năm. Một số chùa Việt Nam ở Chợ Lớn được trùng tu khá tráng lệ, nhờ vào sự đóng góp của người Hoa, người Minh Hương, nhất là của các bà, các cô người Việt lấy chồng người Hoa.
(Còn nữa)

6 comments:

  1. Đàm Hà Phú (TGĐ) Cty CPXD Không Gian Đẹp: Niềm thương nỗi nhớ về Sài Gòn khác biệt, là 1 thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương; bởi nhiều người hiện sống ở Sài Gòn không được sinh ra tại đây. Người ta đã có 1 quê hương để nhớ về, gắn với tình cảm gia đình, kỷ niệm tuổi thơ. Sài Gòn là nơi mưu sinh, nó có 1 "khí quyển " khác, xô đẩy tấp nập nhưng rất ấm áp và bao dung. Sài Gòn tình nghĩa như 1 người bạn; và đó là cách để nhớ về Sài Gòn, dù đang ở Sài Gòn.

    ReplyDelete
  2. Cesar Caubalejo: And now Saigon has changed tremendously to a modern city just like any other developing cities. I still like Alan Dy the old one though when I was there more than a decade ago.

    ReplyDelete
  3. Peter James Gardner: I've live here for 15 year now even in that time its changed so much some times for good but sometimes making it look like any other S.E.A. love the old style before.

    ReplyDelete
  4. Oliver David: Some day me and my Gf will come for a visit. We want to visit several great Cities in the World - for example Paris, London, Madrid, Barcelona - and of course Ho-Chi-Minh City when we travel to Asia.

    ReplyDelete
  5. Meathook Mike: Love Vietnam. Such a beautiful country and such awesome people.

    ReplyDelete
  6. Người Sài Gòn, Cuộc sống Sài Gòn bao giờ cũng hối hả, cảm giác cô đơn quá
    Tuyết Nhung – Marketing
    ---------------------------------------
    Xem chi tiết về Quay phim phóng sự cưới cho Chú Rể
    Hoặc Quay phim phong su cuoi cho Chu Re

    ReplyDelete