Thursday, April 30, 2015

“PHE NÀO THẮNG NHÂN DÂN ÐỀU BẠI...”

Bài viết sau đây của PGS. TS. Sử học Hahner Péter, đăng tải trên tờ “Beszélő” (Người kể chuyện), nguyện san thời sự - chính trị - văn hóa có chất lượng của Hungary. Vào thời điểm xuất hiện (2000), đây là một tiếng nói “lạ” và “hiếm” về cuộc chiến Việt Nam của giới trí thức ở độ tuổi trung niên tại Đông Âu. 


VIỆT NAM

Năm lên mười tuổi (1), lần đầu tiên tôi được đọc về cuộc chiến Việt Nam trên tờ “Pajtásújság” (Thiếu niên Tiền phong) (tờ báo của Đoàn Thiếu niên, giá 1 Forint) số ra ngày 16/12/1964.

Bài báo ngắn của Máté György (2) mang tựa đề “Nàng Bạch Tuyết và chiến dịch lớn” kể về một bé gái người Việt Nam mồ côi cha mẹ [trong chiến tranh], từ bấy đến giờ em vẫn khóc hoài và gọi mẹ. Trong một bức ảnh tôi thấy cảnh một ngôi nhà cháy, một bức khác chụp những khung cửa sổ mờ mịt kèm tựa đề: “Chôn cất người cha”. Bài báo khiến tôi cảm động và xao xuyến, mặc dù tôi không hiểu lắm đoạn kết của nó: “Tôi tin rằng sẽ có ngày em bé được bù đắp. Nhưng để đạt được điều đó, tất cả chúng ta - những người được chào đón ngày hội của tình thương trong tổ ấm gia đình - phải gánh trách nhiệm.” Sao cơ, tôi cũng phải gánh trách nhiệm á?

Cho đến lúc đó, trên tờ báo tôi ưa thích thời ấy, chủ yếu tôi được đọc về những phân đội thiếu niên tiền phong đang khắc phục khó khăn, về những chiến sĩ du kích Liên Xô và Hungary anh hùng, về “những truyền thống tiến bộ của chúng ta” cũng như về các thành quả khoa học. Tuy nhiên, trong năm sau (1965), những hình ảnh về cuộc chiến ở vùng đất xa xôi [Việt Nam] ngày càng hay xuất hiện trên mặt báo. Trong số báo đúp 24 & 25, có một bài báo về những em bé bị đánh đập đến chết (với phụ đề “Đến trẻ em chúng cũng không từ!”), rồi khởi đầu một truyện tranh mang tên “Chi Nao (3) trả nỗi oán thù”. Ngay ở bức tranh thứ ba, tôi đã thấy cảnh tượng lính Mỹ xả súng máy bắn chết bà mẹ, bức thứ tư tả một em trai bị đánh bằng báng súng. “Cho mày chết, đồ cóc nhái!”, tên lính gào thét, mặt dại đi. Cố nhiên cậu bé sống sót, sau trở thành một du kích và làm nổ một căn cứ không quân. Sau đó, nhiều phóng sự ảnh nối tiếp nhau, tôi còn được đọc bài viết của phóng viên tờ “Pionyerskaya Pravda” (Sự thật Thiếu niên) mang cái tựa đề rất ấn tượng: “Chớ gây chiến, ông thống đốc! Ông đang đứng trước những anh hùng đó!”.

Mẩu chuyện kinh hoàng nhất xuất hiện ở số báo 9, năm 1966, (do một tay E.L. nào đó viết; có thể thấy ông này không muốn tiết lộ tên mình bên cạnh bài báo dối trá một cách xuẩn ngốc đó). Bài báo có phụ đề “Cuộc chiến chống lại trẻ thơ”. Chuyện kể về một em gái Việt Nam, sau khi phi đoàn Mỹ đi khỏi, em tìm được trong rừng rậm một con búp-bê có tóc mái tuyệt đẹp. Con búp-bê ngồi, “tia nắng vàng rực rỡ lấp lánh sắc màu vui tươi trên những búi tóc quăn vàng, và - đúng vậy! - nó nháy cặp mi dày như mời gọi”. Em gái (tên là Huệ) mừng rỡ nhặt lên, nhưng con búp-bê nổ tung và giết chết em.

Tất nhiên tôi không tự đặt câu hỏi “tại sao quân đội Mỹ phải chế tạo những vũ khí đắt đỏ và công phu như thế để giết hại những bé gái, vốn chẳng gây hiểm nguy gì đáng kể cho họ trong cuộc chiến”. Tôi phẫn nộ thuật lại câu chuyện cho cha mẹ tôi nghe nhưng họ chỉ bảo rằng trong Thế chiến thứ hai, người ta cũng khuyên họ đừng nhặt bút mực và những đồ chơi lăn lóc trên mặt đất. Nói đúng ra, người ta cũng viết ở cuối bài báo: “Thứ bom đồ chơi không phải là một phát kiến mới mẻ gì. Vào thời Thế chiến thứ hai, bọn phát-xít Đức cũng dùng thứ vũ khí ấy để giết hại trẻ em...”. (Cố nhiên, hẳn là mọi người không khuyên cha mẹ tôi đề phòng những đồ chơi của người Đức. Một lúc nào đó, nên tìm hiểu nguồn gốc của thứ huyền thoại cũ rích này và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta phát hiện rằng nó cùng độ tuổi với binh chủng không quân.)

Đến năm 1968, đâu đâu cũng thấy những khẩu hiệu: “Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn!”, “Đoàn kết với Việt Nam!”. Đội Thiếu niên Tiền phong tổ chức những “đội tuần tra Việt Nam” (xem báo, tôi không hiểu nghĩa của từ này), hoặc chúng tôi thu lượm sắt, giấy vụn và gửi số tiền bán được sang Việt Nam. Chúng tôi biểu tình, phản đối [đế quốc Mỹ], các vị đứng đầu ngành tuyên truyền hoạt động hết tốc lực. Đôi khi họ cũng bắn trượt mục tiêu: chẳng hạn, mẹ tôi vô cùng bất bình khi một em bé gái Việt Nam bị “chuyền tay vòng quanh đất nước như một thanh gươm đẫm máu” (lời của bà) và trong những buổi gặp mặt rất khác nhau, em lại òa lên khóc như một cái máy và kể đi kể lại chuyện em đã bị hành hạ như thế nào. Tuy nhiên (vào lúc đó), tôi không thấy có gì là ngu xuẩn trong câu chuyện ấy cả. Không biết chiến dịch đó có gây được ấn tượng cho những người khác như nó đã gây ra đối với tôi hay không, nhưng tôi nghĩ rằng nó đã rất thành công trong giới trẻ, vốn không có hiểu biết đầy đủ và còn ấu trĩ. Chắc chắn là nó đã đạt được mục đích khiến rất nhiều người phải tự đặt câu hỏi: “Phải đấy, Mỹ đến Việt Nam làm gì?”. Mối ngờ vực, ác cảm với Hoa Kỳ được tạo ra và đó mới là điều quan trọng.

Công tác tuyên truyền đã tỏ ra thành công, thậm chí tôi cho rằng đến ngày nay vẫn có thể nhận thấy tác động của nó. Hãy thử nói với bạn bè cỡ tuổi 40-50 của bạn, rằng Hoa Kỳ chiến đấu bên cạnh phe tốt, xem sao! Rằng Hoa Kỳ đã bảo vệ một nhà nước thối nát, bất lực, nhưng dù sao cũng không độc tài, để chống lại sự bành trướng của một thể chế Stalinist, xem sao! Rằng theo các con số thống kê, tỉ lệ các nạn nhân dân sự (40%) không hề lớn hơn ở các cuộc chiến tranh khác, và điều này cũng bởi chiến thuật du kích của những kẻ đã dùng vũ lực để biến làng mạc trở thành những kho vũ khí và pháo đài, xem sao! Rằng Nam Việt Nam, nhờ những chương trình y tế của Mỹ, đã gia tăng dân số và mức sống cũng được nâng cao, xem sao! Người ta sẽ bảo bạn rằng tất cả những điều này chỉ là luận điệu tuyên truyền của đế quốc.

Mặc dù trong cuộc chiến này, thế lực đế quốc, bành trướng thực sự là Bắc Việt, cái nhà nước không hề có ý hỏi dân miền Nam có muốn sống trong chế độ cộng sản hay không, và sau khi thắng lợi đã lập tức bành trướng thế lực của mình sang cả Lào và Campuchia. Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ liên tục phạm phải những sai lầm chính trị. Họ đã đánh giá quá cao những hiểm nguy đe dọa từ miền Bắc, đã tự nguyện bảo vệ miền Nam Việt Nam, rồi bắt đầu “định lượng” những chiến dịch quân sự thành các “thang thuốc” nho nhỏ, như thể - mượn lời sử gia người Mỹ Paul Johnson - họ đã từng bước miễn dịch hóa các nhóm du kích miền Nam và quân đội Bắc Việt trước những đòn đánh trong thời gian sau. Mặc dù, không phải một cuộc chiến nhanh gọn và hướng đến một thắng lợi toàn diện, mà một cuộc chiến kéo dài, không được tiến hành hết sức lực, cầm đầu bởi những người luôn lưỡng lự, hy vọng vào giải pháp chính trị càng sớm càng tốt, đã gây nên đa số những tổn thất. Chính phủ Hoa Kỳ đã tham chiến như thế đấy: 72 lần (không hơn không kém!), họ đề xuất những cuộc hòa đàm, nhưng rốt cục Mỹ đành phải bỏ bom Bắc Việt (theo đúng nghĩa thực sự của từ này) để bắt Bắc Việt phải ngồi vào bàn thương thượng.

Tôi chỉ đoán ra những nét chính của sự thật vào đầu năm 1976, rất muộn mằn. Trong rạp phim, chương trình thời sự (4) chiếu một phóng sự ảnh ngắn về miền Nam Việt Nam sau giải phóng. Hàng ngàn phụ nữ và thiếu nữ ngồi la liệt trong một chiếc lều khổng lồ, ăn vận quần áo lốm đốm giống nhau như đúc; cúi gằm mặt, họ vừa may mặc vừa cất tiếng hát đồng ca. Người thuyết minh cho biết đây là những phụ nữ đã một thời phục vụ quân xâm lược Mỹ, hiện nay họ đang chuẩn bị cho cuộc sống mới, hạnh phúc và tự do trong các trại phục hồi nhân phẩm. Đối với tôi, điều này đã là quá trớn, dầu sao cũng không nên coi thế hệ chúng tôi ngu xuẩn đến mức ấy. Sau đó, tôi không thể tự phủ nhận là vào thời trẻ, khi còn ở tuổi thiếu niên và là đoàn viên Thanh niên Cộng sản, tôi đã biểu tình ủng hộ một chế độ độc tài xây dựng những trại tập trung. Thử hỏi có bao nhiêu người đã xem đoạn phim thời sự đó?

Nguyễn Hoàng Linh (Dịch theo nguyên bản tiếng Hungary)
---------
Chú thích (của người dịch):
(1) Tác giả sinh năm 1954.
(2) Một tác giả Hungary, có nhiều đầu sách về Việt Nam thời chiến tranh.
(3) Chắc là tên cậu bé (xin xem tiếp).
(4) Ở Hung trước đây, trước khi chiếu phim chính trong các rạp phim, bao giờ người ta cũng chiếu một bộ phim thời sự - tài liệu dài 10-15 phút.

27 comments:

  1. Phương Đoàn: Mình rất trân trọng công dịch thuật và chia sẽ của bạn Linh.
    Mình có thể thấy ông này viết có lý ở một điểm là dân miền Nam có thật sự muốn miền Bắc " giải phóng ' hay không mà thôi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh: Ông này thuộc hàng những trí thức "phản tỉnh" trong vấn đề Việt Nam, quan điểm ông ấy có thể đúng, có thể sai, nhưng cũng cho thấy 1 điều là tuyên truyền quá lố có thể sinh phản tác dụng như thế nào :)
      Tất nhiên, ông ta là người ngoài, nhìn vào vấn đề cuộc chiến Việt Nam qua một lăng kính có thể khác lăng kính người Việt, nên nếu có gì khác cái nhìn của "ta", thì cũng là dễ hiểu. Thế mới là "chiến tranh nhìn từ nhiều phía" :)

      Delete
    2. Phương Đoàn: Thuở chiến tranh mình là một đứa bé và được dặn nếu thấy đồ chơi lạ hay những vật gì xuất hiện bất thường ( như đài, gói bánh ...) thì không được tự ý cầm lên vì rất có thể đó là bom đạn trá hình. Chuyện Mỹ sử dụng bom trá hình bằng đồ chơi là chuyện có thật. Ông kia " nghe nồi chõ " rồi phát biểu lăng nhăng, ra điều " phản chiến ', " thức tỉnh "!

      Delete
    3. Nguyen Hoang Linh: Thế hệ tác giả viết bài này ở Hungary là một thế hệ rất gắn bó với Việt Nam trong những phong trào ủng hộ miền Bắc về tinh thần và vật chất dưới nhiều hình thức. Ðến giờ, nhiều người Hungary vẫn còn nhớ giai đoạn đó, nó gắn liền với thời thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết và chân thành của họ.
      Sự "phản tỉnh" của họ, ko bàn đúng sai ở đây, vô cùng, nhưng đối với từng cá nhân nó có lý do, có sự suy xét, và thường đi kèm cảm giác cay đắng vì bị lừa phỉnh. Họ ko đến nỗi là người hoàn toàn ngoài cuộc với cuộc chiến Việt Nam, nên dù đồng ý hay ko với họ, cũng ko nên "phán" rằng họ "nghe hơi nồi chõ", "phát biểu lăng nhăng", "ra điều "phản chiến", "thức tỉnh"..." .
      Riêng chi tiết búp bê có thể có, nhưng nên đặt nó vào cả bài viết, ko nên tách riêng ra để phán xét. Chiến tranh là tàn bạo, cái đấy đã rõ, nhưng khi cuộc chiến qua rồi, vẫn có thể nghi ngờ một cách lành mạnh về những yếu tố tuyên truyền (bên nào cũng có), cường điệu để bêu xấu bên kia (ở mức mà ko chắc họ đã có)...

      Delete
    4. Phương Đoàn: Vì sao mình lại có vẻ cay độc với ông này vậy ? Bởi vì ông ta cũng đã rất cay độc khi nhận xét về người đã từng viết về chuyện bom trá hình bằng đồ chơi kia :
      " do một tay E.L. nào đó viết; có thể thấy ông này không muốn tiết lộ tên mình bên cạnh bài báo dối trá một cách xuẩn ngốc đó"
      Đó nghe " nồi chõ ' là ở điểm này. Rồi lại đưa ra những câu hỏi xuẩn ngốc tại sao Mỹ lại phải thế này, thế kia ???
      Mình không ủng hộ chiến tranh và cũng hiểu là cả hai bên tham chiến đều sử dụng những thứ dối trá rất bẩn thỉu để tiêu diệt nhau. Song đó là chuyện của 2 bên tham chiến. Còn ông kia ngồi xa hàng chục ngàn dặm, chờ khối XHCN đổ rồi mới con cà, con kê ...
      Mịa, bây giờ ai mà chả khen Mỹ dù nó có thối đi bao chăng nữa!!!

      Delete
    5. Nguyen Hoang Linh: Tiếc là bác tập trung vào 1 chi tiết nhỏ, mà ko để ý đến cái lý do chính của sự "phản tỉnh": "Tôi chỉ đoán ra những nét chính của sự thật vào đầu năm 1976, rất muộn mằn. Trong rạp phim, chương trình thời sự chiếu một phóng sự ảnh ngắn về miền Nam Việt Nam sau giải phóng. Hàng ngàn phụ nữ và thiếu nữ ngồi la liệt trong một chiếc lều khổng lồ, ăn vận quần áo lốm đốm giống nhau như đúc; cúi gằm mặt, họ vừa may mặc vừa cất tiếng hát đồng ca. Người thuyết minh cho biết đây là những phụ nữ đã một thời phục vụ quân xâm lược Mỹ, hiện nay họ đang chuẩn bị cho cuộc sống mới, hạnh phúc và tự do trong các trại phục hồi nhân phẩm. Đối với tôi, điều này đã là quá trớn, dầu sao cũng không nên coi thế hệ chúng tôi ngu xuẩn đến mức ấy. Sau đó, tôi không thể tự phủ nhận là vào thời trẻ, khi còn ở tuổi thiếu niên và là đoàn viên Thanh niên Cộng sản, tôi đã biểu tình ủng hộ một chế độ độc tài xây dựng những trại tập trung".
      Còn nếu cho rằng chiến tranh Việt Nam là chuyện của dân Việt nên chỉ người tham chiến mới có quyền có ý kiến, người "ngồi xa hàng chục ngàn dặm" ko nên "con cà, con kê" thì chịu bác hihi. Tui nghĩ người ngồi xa mà họ quan tâm đến những vấn đề của Việt Nam - trong khi vô khối người "tại chỗ" chả thèm để tâm gì - là tốt :)

      Delete
    6. Phương Đoàn: Nói chung bạn Linh đưa bài này lên để có cái nhìn " đa chiều " về cuộc chiến VN - và đó là điều đáng trân trọng.
      Chẳng qua vì đã trãi qua những điều ông kia tỏ vẻ rất " rành rỏi " nên tớ cay mũi thôi! Chứ những điều khác tớ có bình luận gì đâu.
      Ở đây đôi khi ngồi nhậu , có một anh cứ to mồm là Cộng sản VN giết dân VN để lấy cớ xâm chiếm Campuchia. Tớ hỏi lúc đó anh ở đâu, ảnh bảo ở SG. Tớ hỏi anh đã trực tiếp đến những vùng biên giới, đã từng đánh trận lần nào chưa, ảnh bảo chưa. Tớ bảo còn tớ đã từng biết, từng đến, từng thấy ... Ảnh bảo " Nghe báo chí viết vậy!!!"
      Đó, mình đang muốn nói về trường hợp của ông kia!!!

      Delete
  2. Ha-Duong Tuong: "Những suy nghĩ trong bài này, nay thấy quá nhiều ở mọi nơi...", như thế không có nghĩa là những suy nghĩ này là có đủ cơ sở lịch sử.

    ReplyDelete
    Replies
    1. (Nguyen Hoang Linh) Anh Tường: Em ko nói về cơ sở lịch sử hay chuyện những suy nghĩ ấy là đúng hay sai, mà chỉ muốn nói là hiện nó khá phổ biến thôi (so với hơn 10 năm trước, còn hiếm, ít nhất là ở bên này). Nói thêm là ông sử gia này rất ủng hộ "Sách đen..." (in cùng thời bài viết này)...

      Delete
    2. Ha-Duong Tuong: Thật ra, tôi ko bị "sốc" gì lắm về những luận điểm của ông sử gia này, chỉ trừ cái đoạn ông nói về miền bắc, miền nam, chứng tỏ ông ấy không hiểu gì về LS VN mà cũng cứ nói. VN tới 1954 đã tái thống nhất được 150 năm rồi (kể từ Gia Long), và dân miền Nam cũng mong muốn thống nhất như dân Bắc. Nếu người MN không tham gia đánh Mỹ thì chả có quân đội MB nào đánh thắng được đâu, dù rằng sau 68 quân đội MB trực tiếp đánh trận nhiều hơn - nên nhớ là trong chiến dịch Phượng Hoàng, Mỹ đã giết khoảng sáu, bảy chục ngàn cán bộ Mặt trận, chủ yếu là người miền nam.

      Delete
  3. Lã Hoa: Nếu làm nhà bình luận / phê bình để mà chỉ tập trung vào chi tiết "tuyên truyền" của báo chí và "sự phản tỉnh" của người đọc thì còn có thể xét. Mềnh đang tự hỏi sao ông này lại là PGS.TS sử học nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh: Ðề tài nghiên cứu của ông ta là lịch sử và cách mạng Pháp. Có gì mâu thuẫn ở đây à bạn?

      Delete
    2. Lã Hoa: Không, mềnh có nói gì đến mâu thuẫn đâu nhỉ, đang tự hỏi thôi :)) Mềnh không muốn tranh luận đâu, mềnh không thích bài này, kể cả sau khi đã được giải thích về nguồng trích dẫn :)))

      Delete
  4. (Nguyen Hoang Linh) Phuong Doan: Chỉ để cho rạch ròi mọi chuyện thôi bác. Ví dụ, nếu ko đồng tình ta cứ việc tập trung vào những góc nhìn của ông ta, mà mình thấy là sai, chưa thuyết phục, v.v... Còn nếu do quan điểm ông ta khác mình, mà mình "xử lý" bằng cách phán kiểu "ở xa, biết quái gì", "đâu có liên quan gì đâu, mà nói", v.v... thì tui mới phải đính chính thêm là, đương sự ko đến nỗi là ko có liên quan gì đến đề tài ông ta đang nói. Ðưa thêm những info như thế để bổ sung thêm phần đánh giá văn bản mà thôi.

    ReplyDelete
  5. Vân Chi Mình: cũng nghĩ như bác Hà Dương Tường " Nếu người MN không tham gia đánh Mỹ thì chả có quân đội MB nào đánh thắng được đâu, dù rằng sau 68 quân đội MB trực tiếp đánh trận nhiều hơn" -và đơn giản hơn là NẾU NGƯỜI DÂN MIỀN NAN KHÔNG ỦNG HỘ thì bộ đội MB cũng không thể trụ được ở MN mà đánh nhau để có ngày 30/4 đó. Nếu không đặt các sự kiện trong bối cảnh lịch sử cụ thể để nhìn nhận và dánh giá thì khó có thể hiểu và khách quan được. Lấy nhận thức bây giờ, thực tế bây giờ rồi suy luận thì có lẽ là không công bằng.
    Con trai mình vừa ở chỗ đồng bào Cà tu Quảng Nam về, và theo cháu kể thì tiểu thuyết của Nguyên Ngọc về người Tây Nguyên theo cách mạng có lẽ vẫn chưa phản ánh hết sự ủng hộ của họ với cách mạng đâu. Đây cũng là điều mà GS nhân học Thụy Điển ngạc nhiên khi so sánh với tình hình tương tự ở khu vực Âmazon ( Colombia). Từ năm 1963 các bản Catu luôn là căn cứ của MTDTGPMNVN, và đó là bàn đạp để bộ đội tiến xuống vùng đồng bằng miền Trung, cho đến bây giờ họ vẫn luôn chấp hành, tuân theo các chính sách của chính phủ ( dù có thể họ không thích).
    Theo mình, nếu nghĩ rằng sự ủng hộ của người MN đối với MTDTGPMN chỉ là kết quả của tuyên truyền hay ép buộc thì coi thường họ quá, họ đâu dễ bị lừa bịp hay ép buộc.
    Theo mình, ông GS này cũng chỉ thể hiện quan điểm của riêng ông ấy, còn nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã công bố rất nhiều công trình của họ về chiến tranh VN, nhiều quyển cũng đã dịch ra tiếng Việt.

    ReplyDelete
  6. Lê Lan Phương: Ông này chắc nghiên cứu khơi khơi nên mới viết như vậy. Nếu chịu khó tìm hiểu kỹ hơn (đa chiều) chắc sẽ ko viết như vậy đâu, anh Linh ạ. Em ko dám cmt nhiều hơn vì chỉ sợ mình ở Miền Bắc thì nghe thông tin 1 chiều, nhưng dù sao nếu dân Miền Nam ko ủng hộ thì cũng ko thể có ngày 30-4-75 được.

    ReplyDelete
  7. Phương Đoàn: Có một ông anh khá thân ( online ) cũng từng tag 1 bài ( không do anh ấy viết ) lên wall nhà mình bị thiên hạ ném đá quá chừng- đến nỗi sau đó anh ấy phải viết là anh ấy không đọc kỹ trước khi post và đề nghị mọi người không bình luận nữa.

    ReplyDelete
  8. Ha-Duong Tuong: Thật ra, ông này cũng chỉ "đem tâm tình viết lịch sử" thôi. Nước Hung bị chế độ CS kềm hãm mấy chục năm, ông ấy có suy nghĩ như vậy cũng dễ hiểu. Đáng tiếc là lẽ ra với tư cách trí thức, làm sử, ông ấy phải biết vượt qua những cảm tình riêng của mình, tìm hiểu cặn kẽ v/đ trước khi viết, thì ông ấy lại không làm được như vậy. Nhìn ra ngoài khối XHCN một chút thì, trong những năm 60-80, và nhiều khi cả bây giờ, ở hầu khắp các nước thế giới thứ ba, người ta vẫn rất hoan nghênh VN vì đã dám đánh và đánh thắng Mỹ. Tại sao thế? Tại sao một tổng thống Mexico từng nói: bất hạnh của nước tôi là Thượng đế thì xa mà Hoa Kỳ thì gần? Câu hỏi sau là một câu trả lời cho câu trước.
    Vân Chi có lý khi nói rằng "Nếu không đặt các sự kiện trong bối cảnh lịch sử cụ thể để nhìn nhận và đánh giá thì khó có thể hiểu và khách quan được. Lấy nhận thức bây giờ, thực tế bây giờ rồi suy luận thì có lẽ là không công bằng.". Tôi xin thêm rằng không chỉ không công bằng mà chẳng giúp giải quyết gì được những vấn đề đặt ra hôm nay - ngược lại thì có.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh @ Anh Tường: Tự nhiên lại nảy ra một vấn đề là trong từng thời kỳ của cuộc chiến Việt Nam, người dân miền Nam ủng hộ thế nào, đến đâu, trong việc thống nhất bằng bạo lực giữa hai miền. Em ko rõ đề tài này đã có tác giả nào quan tâm rốt ráo hay chưa, nhưng rất muốn được đọc một cách khách quan về nó :)
      Con chuyện ko vượt qua được "tâm tình", trải nghiệm riêng, cá nhân của mình trong vấn đề cuộc chiến Việt Nam, thì đấy là vấn đề của rất nhiều trí thức Châu Âu (đa phần là thiên tả, nhưng... thiên hữu cũng có :)), chứ ko riêng gì ông này, ko riêng gì những người ở các quốc gia CS cũ. Ðấy cũng là đề tài lý thú, làm PhD được ấy :)

      Delete
  9. Anh Pham: Phuong Doan, bác Linh bác ý nói tiểu nhân có lẽ không phải là chỉ cái người không quân tử đâu mà biết đâu lại là người tuổi lớn mà tính tình lại vô tư, tươi mới như đứa trẻ ngây thơ, cái đó mà ai chê em thế là em thấy vui.
    Phuong Doan nhận xét một đoạn thế này:
    Thuở chiến tranh mình là một đứa bé và được dặn nếu thấy đồ chơi lạ hay những vật gì xuất hiện bất thường ( như đài, gói bánh ...) thì không được tự ý cầm lên vì rất có thể đó là bom đạn trá hình. Chuyện Mỹ sử dụng bom trá hình bằng đồ chơi là chuyện có thật. Ông kia " nghe nồi chõ " rồi phát biểu lăng nhăng, ra điều " phản chiến ', " thức tỉnh "!
    Mình đã nhắc Phuong Doan một hai lần là tránh dùng các bằng chứng kiểu "nghe hơi nồi chõ" kiểu như "có ông anh HO nói vậy", "hồi bé tớ nghe thấy", "có người cựu binh Mỹ đã nói với chính tôi"...tức là những kiểu bằng chứng chủ quan. Mình không nghi ngờ thành ý của Phuong Doan nhưng mình nghi ngờ những nhận xét thô sơ đến thẳng từ giác quan, tức những thứ cảm tính nghe thấy, cảm thấy, sờ thấy thì phát ngôn ngay ra mà không được phối kiểm, tái kiểm với những gì người khác nghe thấy, sờ thấy, cảm thấy. Truyện cười về mấy thầy bói mù xem voi là bài học cho những người hay dùng lối lập luận sai này, lối lập luận tôi nghe thấy tức là tôi đúng. Kết luận của Phuong Doan có thể đúng có thể sai nhưng nếu lập luận kiểu dùng những chuyện ngồi lê đôi mách tầm phào để làm bằng chứng thì những người đọc sách, học hành nghiêm túc sẽ cảm thấy không được thuyết phục. Phuong Doan là chuyên gia về Liên Xô cũ, lại có bằng cao cấp về Luật và Báo chí ở những trường hàng đầu của Liên Xô và Nga nên các bạn có những kỳ vọng tương đối là thống thiết dành cho Phuong Doan, và nếu Phuong Doan tranh luận kiểu như một em bé ngây thơ mẹ ơi con cảm thấy buồn ị nên con phải ị ngay ra đấy thì các bạn ngạc nhiên, và nhiều lần thì thành ra thất vọng. Điều này là lỗi của Phuong Doan không chăm bẵm cho kỳ vọng của các bạn, chứ không phải là vì lỗi của các bạn không tôn trọng Phuong Doan.
    Mình đề nghị từ giờ trao đổi hay tranh luận Phuong Doan tránh đưa ra các bằng chứng kiểu như mình nói ở trên đi. Một vài ví dụ để lần sau tránh:
    - Hồi bé mình được bảo...thế nên việc đó là việc có thật...
    - Chính mắt tôi trông thấy...thế nên việc đó phải là việc có thật...
    Tất cả những thứ lê la ở trên không có giá trị gì trong tranh luận và người tranh luận tốt, người hiểu biết không bao giờ dùng lối ngụy biện đấy. Nếu phải đưa ra một số dẫn chứng như thế thì chỉ là để kèm thêm một hai bước lập luận khác để bày tỏ một sự ủng hộ hay nghi ngờ của người lập luận, còn lại là việc của độc giả.
    Đồng chí sử gia trên kia nêu nghi ngờ về việc tại sao Mỹ nó phải sản xuất con búp bê xinh đẹp chỉ nhằm mục đích giết trẻ con là một nghi ngờ rất có căn cứ vì đây là một sự phung phí nguồn lực một cách ngớ ngẩn. Bảo là để triệt hạ lính chiến thì có thể và chắc chắn là họ có làm nhưng bảo để giết hại trẻ con thì thật là ngớ ngẩn quá lắm.
    Chúng ta phải lọc lựa để tự tìm ra cho mình những suy nghĩ đúng đắn. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta ở trong các môi trường các nguồn thông tin không bị ngăn chặn. Phuong Đoàn ở Mỹ có thể nói trái nói phải nghe phải nghe trái hay không nghe gì hoàn toàn không sao cả và vì thế muốn vật kiểu gì thì vật kiểu đấy. Điều nguy hiểm đối với Phuong Đoàn chính là sau một thời gian nữa hết choáng thông tin, tiếng Anh bắt đầu tốt lên, bắt đầu giao lưu với những người học hành đàng hoàng, suy nghĩ đĩnh đạc hơn là mấy chú HO, mấy anh chị bán cá thì chính chàng sẽ bắt đầu lật lại quá khứ, hỏi những câu hỏi mà giờ chàng tự cho là đã có đủ câu trả lời. Lúc đấy thì Phuong Đoàn sẽ thực sự là một người nguy hiểm.

    ReplyDelete
  10. Anh Pham: Bác Hà Dương Tường và chị Lã Hoa, em chỉ có một đề nghị là khi đọc, hiểu, ngẫm nghĩ các bác chịu khó hỏi mình xem là mình cảm thấy cái này, cái kia có phải vì mình đã có sẵn một cái định kiến ghét Mỹ hay không. Bác Tường em không biết nhưng chị Hoa là thế hệ anh Linh lớn lên ở Việt Nam em nghĩ chị thành công dân thế giới như bây giờ, hưởng những điều tốt đẹp nhất của Paris, Luân Đôn, New York không biết có bao nhiêu phần là do tự chị, bao phần là nhờ nước Mỹ khốn kiếp. Nếu Mỹ nó không ép thì giờ khả năng chị và em đều ngồi ở một nơi giống như Bắc Triều Tiên là tương đối cao.

    Bác Tường, người dân hai miền đều muốn hòa bình và thống nhất vì đó là cái mong muốn chung của mỗi người Việt Nam. Có điều mà người ta, nếu được cho đủ thông tin, sẽ bất đồng với nhau là thống nhất theo tiêu chuẩn của ai. Đặt câu hỏi đấy về Việt Nam thì nhiều người sẽ bị cảm xúc xóa nhòa lý trí thế nên em hỏi là Hàn Quốc và Triều Tiên hiện nay theo các quý vị là nên thống nhất theo tiêu chuẩn của miền Nam hay của miền Bắc thì câu trả lời nó cũng rất là tương tự thôi.

    ReplyDelete
  11. Nguyen Hoang Linh @ Phuong Doan: Nhấn mạnh 1 điểm nữa là tui ko hề thần tượng, cũng ko hề quen biết gì ông sử gia kia cả. Nhưng trong trường hợp bác Misha chứng tỏ được là ông ta ngờ vực sai (ví dụ trong vụ Mỹ - "ngụy" làm bom mìn hình búp bê để sát thương trẻ em) thì tui sẵn sàng liên hệ với ổng để cho ông ta thêm một tư liệu về cuộc chiến Việt Nam.
    Chỉ riêng trong chi tiết đã khiến bác Misha phẫn nộ ấy, cá nhân tui, cho là tác giả đã trung thực với chính mình khi viết bài. Ông không khác gì với những người cùng thời, đã tiếp nhận những info từ bộ máy tuyên truyền một cách ko ngờ vực, ví dụ như vụ búp bê trong rừng rậm (như lời ông nói, "Tất nhiên tôi không tự đặt câu hỏi “tại sao quân đội Mỹ phải chế tạo những vũ khí đắt đỏ và công phu như thế để giết hại những bé gái, vốn chẳng gây hiểm nguy gì đáng kể cho họ trong cuộc chiến”").
    Chỉ sau này, khi đã có một số trải nghiệm, ông mới tỏ ra nghi ngờ (cho dù chưa khẳng định hoàn toàn) câu chuyện trên, mà ông coi là "thứ huyền thoại cũ rích". Tui nghĩ rằng sự nghi ngờ ấy là lành mạnh ở một trí thức khi tìm hiểu những vấn đề lịch sử...

    ReplyDelete
  12. Anh Pham @ Phuong Doan: Mình thấy tranh luận xong lại gạ xin lỗi là hết sức vớ vẩn. Bác Linh, cô Trang, và mình, ít ra là bằng đấy người, không quan tâm lắm tới cá nhân sử gia trên kia. Cái mà bọn mình quan tâm chỉ là tìm kiếm sự thật và nếu có thần tượng ai hay cái gì thì chỉ có là thần tượng sự thật thôi.

    Sự thật là một tấm gương và cái loại sự thật phải được tìm kiếm giống như một tấm gương đã bị vỡ vụn ra thành ngàn mảnh. Công việc của những người như chúng ta đây là gom góp những mảnh nhỏ đó lại với nhau với hy vọng có thể ghép lại thành cái gương sáng cũ. Công việc này là một việc nhọc công và rất có thể là bất khả, nhưng làm việc đó vẫn là ham mê hay trách nhiệm của người có kiến thức, có hiểu biết, người trí thức.

    Trong khi bọn mình đang cố làm một việc như vậy thì có người như Misha đây chạy đến mang một mẩu gương vỡ bảo rằng đây chính là sự thật thì dĩ nhiên bọn mình không thể không bật cười cho cái đức ngô nghê hoặc là nổi giận với những cái sự biến thái.

    Misha hoàn toàn không hiểu thông điệp mọi người đang nói đi nói lại. Cái mà mình không thích là cách Misha mang bằng chứng ngồi lê đôi mách về và coi đó như đã là sự thật. Ở đây không ai phủ nhận vai trò của bất kỳ loại bằng chứng nào mà là phủ nhận cách kém cỏi mà một người xử lý cái thông tin đó. Misha thử hình dung xem nếu Misha coi bằng chứng lời kể từ một vài người "điềm đạm" là sự thật và những người khác cũng làm như thế thì chúng ta sẽ có bao nhiêu vạn loại sự thật?

    Anh Linh, mình, cô Trang không hề bắt Misha phải nghĩ như người viết sử trên kia nhưng là những người đọc sách bọn mình thấy cách đặt vấn đề của người ta không có gì sai trong khi cách phản biện của Misha thì ôi thôi là kém cỏi, kém cỏi lạc đề, kém cỏi cách thức biện luận, kém cỏi đủ thứ. Misha có thể phản đối người kia thoải mái, mình nghĩ chẳng ai quan tâm, nhưng mà phản đối cũng phải có những cách thức hợp lý, hợp lệ để phản đối chứ không thể phản đối lăng nhăng.

    Misha chơi quen với bọn trẻ trâu vào cãi lộn những thứ bậy bạ ngớ ngẩn xem là chạm tay vào bướm có phải là RAPE không nên quên mất là có những vấn đề khác, con người khác, mà mình nên có cách tiếp cận khác. Người ta nói gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Tạm cho đây chưa phải là sự thật, Misha thử đọc kỹ cái link mình đưa ở trên kia xong quay lại đây thảo luận ôn hòa với bọn mình xem có được rạng như câu tục ngữ kia nói hay không.

    ReplyDelete
  13. Nguyen Hoang Linh: Nói thêm về các nhà báo Hungary thời đó. Có nhiều ông là PV thường trú hoặc PV chiến trường ở Việt Nam, viết rất chừng mực và xác thực, sau hơn 40 năm đọc lại vẫn thấy có giá trị, vẫn hầu như ko phải bỏ đi gì mấy, cho dù hồi đó họ có bị cản trở về ý thức hệ. Nhưng trong sách của họ, in ấn ngay trong thời ấy, dù có nói nhiều về sự tàn phá, hủy diệt của cuộc chiến mà hầu như ko thấy đặc tả những cái kiểu "tội ác Mỹ - "ngụy" như thế này.
    Những vụ đặc tả ấy, tôi nghĩ bên này được "ta" cung cấp. Hồi xưa, đọc những tập "Từ tuyến đầu tổ quốc" (tuyển "thư" từ miền Nam gửi ra Bắc, đầu thập niên 60), hay "Bất khuất" ("hồi ký" của Nguyễn Ðức Thuận), cũng hay thấy các màn tra tấn, giết chóc rất sợ. Bây giờ bình tâm lại, rất nên xem sự thật trong đấy là bao nhiêu %, và % là tuyên truyền (dĩ nhiên, có thể trong từng thời kỳ, rất cần tuyên truyền, và tuyên truyền là có ích, cái đó tuy ko phủ nhận :)).
    Riêng trong vụ búp bê, nếu là thất thiệt, mà là info do "ta" cung cấp thì cũng khó trách được ông E.L. nào đấy chấp bút thành bài báo - ở xa, ổng cũng chả kiểm chứng được, vả lại, cũng có thể ổng tin vào điều đấy (Mỹ nhưng xấu mà :)). Nhưng ngược lại, tại sao lại trách người khác có sự nghi ngờ lành mạnh :)

    ReplyDelete
  14. Nguyễn Hà Minh: Cái chính là chưa có cách để biết ở VN đâu là lịch sử đâu là tuyên truyền. Hồi xưa em tin sự tích Lê Văn Tám, Nông Văn Dền, Bế Văn Đàn ... có thật vì có trong sách vở, có thật ngang hàng Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong.

    ReplyDelete
  15. Suong Thu Nguyen: Bài viết của ông ký giả còn đề cập tới câu chuyện sau chiến tranh, hoàn toàn có thể tin là thật. Và chắc đại đa số chúng ta đều đã được chứng kiến cuộc sống ở VN thời hậu chiến.

    ReplyDelete
  16. Krishna Tran: Có thể tác giả không tìm hiểu sâu về nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến VN (ai làm được điều đó nào?) nhưng giá trị của bài viết ngắn này là ở chổ cảm nhận của tác giả về sự ngu xuẩn của tuyên truyền CS (he he rất có hiệu quả). Tôi nhớ cảm giác lần đầu xem phim tài liệu về HCM, cảnh ông ấy ngồi gõ máy chữ rồi vuốt trán suy tư. Lúc ấy tôi mười hai mười ba tuổi gì đó, có ngu thì ngu nhưng cũng thấy cái cảnh ấy nó chướng vô cùng.

    ReplyDelete