Wednesday, April 1, 2015

Đọc sách: Các cường quốc giáo dục trên thế giới

Công thức chung nào
để đào tạo nên những đứa trẻ thông minh?

Bạn đọc đang cầm trên tay một cuốn sách rất hấp dẫn. Không phải ngẫu nhiên, ngay từ khi xuất bản, tháng Bảy năm 2014 đến nay, Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới luôn giữ vị trí đầu bảng trong danh mục sách về Giáo dục nói chung và Giáo dục trẻ tài năng nói riêng tại Mỹ. Tác giả cuốn sách, Amanda Ripley, một phóng viên của nhiều tờ báo nổi tiếng ở Mỹ, người từng được trao tặng hai giải thưởng báo chí quốc gia, đã viết cuốn sách này, xuất phát từ một thực tế rằng điểm kiểm tra PISA của học sinh Mỹ trong độ tuổi 15 thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là điểm toán học. Cô đã theo chân ba học sinh trao đổi của Mỹ, đến những đất nước có điểm PISA đứng đầu thế giới, là Hàn Quốc, Phần Lan, Ba Lan để khám phá những bí mật giúp các nước này đào tạo nên những học sinh tài năng.
Thực ra, nếu bạn từng đọc cuốn sách Những kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell, bạn sẽ phần nào hiểu được nguyên nhân vì sao học sinh các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philipines… lại giỏi toán đến vậy. Tôi nghĩ hẳn Amanda Ripley không xa lạ với tác phẩm của Malcolm Gladwell và cách lý giải của ông. Nhưng cô vẫn muốn tìm ra những nguyên cớ mà nhờ đó có thể giúp nước Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới (cách dùng từ của tác giả) soi chiếu vào chính sách giáo dục của nước mình, soi chiếu vào chính những công dân sống trong đất nước mình, để tìm ra giải pháp khả thi.
Qua quan sát và trải nghiệm cùng ba học sinh trao đổi Mỹ, Amanda đã rút ra những nguyên nhân làm nên thành công trong học tập cho ba đại diện thế giới là Hàn Quốc, Phần Lan và Ba Lan. Ở Phần Lan, giáo viên được tuyển chọn hết sức khắt khe và khác với nhiều quốc gia, trở thành nhà giáo ở nước này là việc vô cùng khó. Họ cho rằng “cách duy nhất để nghiêm túc về giáo dục là lựa chọn giáo viên có trình độ cao, những người giỏi nhất và thông minh nhất trong mỗi thế hệ.” Những người sẽ trở thành giáo viên trong tương lai sẽ được đào tạo một cách nghiêm ngặt nhất. Amanda nhận định rằng: “Đó là một chiến lược hoàn toàn cấp thiết mà ít quốc gia làm được.” Amanda còn nhận ra một điểm hết sức quan trọng, không chỉ giúp các học sinh ở những siêu cường giáo dục đạt điểm số rất cao, mà còn là phẩm chất cần có cho bất kỳ thành công nào, đó là sự tận tâm. Chính sự tận tâm (cùng tính kiên trì) sẽ dẫn đến khả năng chịu trách nhiệm, tính chăm chỉ và có tổ chức. Sẽ không quá khi nói rằng, sự tận tâm đem đến thành công cho một người còn hơn cả trí thông minh hoặc nền tảng xuất thân của người đó. Đó là một lý do không mới, nhưng để làm được điều đó, người ta phải tự khắt khe với chính mình. Bài học ấy vẫn luôn có ích cho bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và làm công việc gì.


Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề báo, tại tờ Time cũng như nhiều tạp chí khác, tôi luôn tìm cách né tránh những câu chuyện giáo dục. Nếu các biên tập viên đề nghị tôi viết về trường học hay các kỳ thi, tôi sẽ phản đối bằng cách đưa ra ý tưởng về chủ nghĩa khủng bố, các tai nạn máy bay hay đại dịch cúm chẳng hạn, để trốn tránh. Việc làm đó của tôi luôn có tác dụng.
Tôi chỉ nói vậy thôi chứ kỳ thực những câu chuyện giáo dục có vẻ khá đơn giản. Các bài viết có tựa được in bằng phông chữ nét phấn và trang trí bằng những nét vẽ bút chì nguệch ngoạc. Chúng đầy ắp những ý định tốt đẹp nhưng thiếu dẫn chứng thực tế. Những người được trích dẫn chủ yếu là người lớn; bọn trẻ chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong câu chuyện, mỉm cười và im lặng.
Sau đó, một biên tập viên đã đề nghị tôi viết bài về một nhà lãnh đạo mới ưa tranh cãi về các trường công tại Washington, D.C. Tôi không biết nhiều về Michelle Rhee, ngoại trừ việc cô ta đi giày gót nhọn và chuyên nói “tào lao” trong các cuộc phỏng vấn. Vì vậy, tôi nghĩ đó sẽ là một câu chuyện hấp dẫn, dù nó đồng nghĩa với việc tôi sẽ loạng choạng bước vào làn sương mù mang tên giáo dục.
Nhưng có một điều bất ngờ đã xảy ra trong làn sương mù ấy. Tôi đã dành nhiều tháng trò chuyện với bọn trẻ, các bậc phụ huynh và giáo viên, cũng như những người đã và đang nghiên cứu về giáo dục đầy sáng tạo theo những cách hoàn toàn mới. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng Rhee là một người rất thú vị, nhưng cô ấy không phải là bí ẩn lớn nhất đối với tôi lúc đó.
Bí ẩn thực sự nằm ở câu hỏi: Tại sao một số trẻ học quá nhiều – trong khi số khác lại hầu như không học gì?
Giáo dục đột nhiên ngập đầy dữ liệu; chúng ta biết nhiều hơn bao giờ hết về những gì đang xảy ra hoặc không thể xảy ra – từ vùng này đến vùng khác hay từ phòng học này đến phòng kế bên. Và dữ liệu ấy không tăng thêm chút nào. Dù đến bất cứ đâu, tôi cũng thấy những đợt sóng thăng giáng vô lý liên quan đến kiến thức của trẻ: ở các khu phố giàu và nghèo, các khu phố của người da trắng và da đen, các trường công và tư. Nguồn dữ liệu quốc gia cho thấy các vị trí đỉnh và đáy giống nhau, uốn lượn như một chiếc tàu lượn siêu tốc đủ màu rực rỡ, đầy choáng váng. Người ta vẫn cho rằng một phần những thăng giáng này là do các vấn đề về tiền bạc, chủng tộc hay sắc tộc. Nhưng không hẳn vậy. Một điều gì đó khác nữa cũng đang tồn tại song song với chúng.
Trong vài năm sau đó, khi viết về những câu chuyện về giáo dục nhiều hơn, tôi tiếp tục chạm trán bí ẩn này. Tại trường Tiểu học Kimball ở Washington, D.C., tôi bắt gặp hình ảnh các học sinh lớp 5 cầu xin thầy giáo (theo đúng nghĩa đen) để chúng thực hiện một phép tính chia phức tạp trên bảng. Nếu làm đúng, chúng sẽ nắm bàn tay, giương lên như người chiến thắng và rít giọng: “Được rồi!” Đây là một khu phố nơi có các vụ giết người diễn ra hàng tuần, nơi có tới 18% dân số thất nghiệp.
Ở nhiều nơi khác, tôi bắt gặp những đứa trẻ chán ngán đến đờ đẫn, chúng ngước lên khi một người lạ như tôi bước vào phòng, chờ xem liệu tôi sẽ làm gì để kéo chúng ra khỏi thế giới vô nghĩa ấy.
Tôi chợt tự nhủ đây là điểm khác biệt mà bạn sẽ thấy giữa các khu phố, giữa các hiệu trưởng và giáo viên. Tôi cho rằng một số trẻ đã gặp may, nhưng phần lớn những khác biệt quan trọng chủ yếu đều viện đến thế lực và đồng tiền.
Rồi một ngày, khi nhìn thấy biểu đồ này, tâm trí tôi đã thay đổi.
Về cơ bản, Hoa Kỳ vẫn không có nhiều đổi thay theo thời gian, nhưng hóa ra đó lại là một ngoại lệ. Hãy nhìn vào Phần Lan! Đất nước này lội ngược dòng từ đáy thế giới lên đỉnh, thậm chí không dừng lại để thở. Còn người hàng xóm Na Uy ngay sát vách thì sao? Họ dường như đang trượt dài xuống vực thẳm, dù tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em tại đây gần chạm mức 0. Còn Canada, đất nước này đang lảo đảo đi từ lưng chừng đến đỉnh cao ngang tầm Nhật Bản. Nếu giáo dục là một mắt xích trong văn hóa thì liệu sự thay đổi về văn hóa có diễn ra đột ngột đến vậy không?
Khắp nơi trên thế giới, các kỹ năng của trẻ “thăng trầm” đầy bí ẩn và phấp phỏng những hy vọng, đôi khi chỉ trong những khoảng thời gian rất ngắn. Bí ẩn mà tôi đã phát hiện ra ở Washington, D.C. càng trở nên thú vị hơn nhiều khi được quan sát từ bên ngoài. Đa số các quốc gia không nỗ lực đưa trẻ tiếp cận nền giáo dục cao hơn, ngay cả với những trẻ là con em các gia đình khá giả. So với hầu hết các nước, Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình, không tốt cũng chẳng tệ hơn. Tuy nhiên, tại một số ít các quốc gia, vài quốc gia có tư tưởng cấp tiến, một điều khó tin đã xảy ra. Hầu như mọi trẻ em đều được học kỹ năng tư duy phản biện trong các môn toán học, khoa học và đọc hiểu. Chúng không chỉ ghi nhớ các sự kiện; mà còn học cách giải quyết vấn đề và thích nghi với hoàn cảnh sống. Hay có thể nói, chúng được dạy cách tồn tại trong nền kinh tế hiện đại.
Chúng ta giải thích sao về điều đó? Trung bình, trẻ em Mỹ có chất lượng đời sống cao hơn so với trẻ em Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, thế nhưng chúng lại kém về toán học hơn nhiều so những đứa trẻ ở các quốc gia này. Thanh thiếu niên có điều kiện nhất tại Mỹ, con của các bậc cha mẹ có học vấn cao, được học tại các trường danh giá nhất thế giới, nhưng lại chỉ xếp hạng 18 về môn toán so với bạn đồng lứa có điều kiện tương tự trên toàn thế giới và đạt điểm số thấp hơn những đứa trẻ có hoàn cảnh khá giả ở New Zealand, Bỉ, Pháp và Hàn Quốc, v.v… Một đứa trẻ bình thường ở Beverly Hills đạt điểm dưới mức trung bình so với tất cả trẻ em tại Canada (ở ngay Canada, chứ không phải tại vùng đất xa xôi nào). Nhìn qua có thể thấy một nền giáo dục tuyệt vời theo các tiêu chuẩn của nước Mỹ chỉ ở trên mức trung bình.
Lúc đầu, tôi luôn nhắc bản thân đừng cường điệu vấn đề. Liệu việc xếp hạng nhất thế giới về kết quả giáo dục có thực sự quan trọng? Thậm chí thứ 10 thì sao? Học sinh tiểu học Mỹ đã làm tốt trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là ở môn đọc hiểu. Vấn đề chỉ phát sinh ở môn toán và môn khoa học, đồng thời chúng trở nên rõ ràng nhất khi trẻ bước sang tuổi thanh thiếu niên. Đó là khi các học sinh Mỹ đứng thứ 26 trong bài thi tư duy phản biện ở bộ môn toán – một vị trí dưới mức trung bình dành cho khu vực các nước phát triển. Nhưng, như vậy thì sao? Từ trước đến nay, thanh thiếu niên Mỹ vẫn đạt mức trung bình hoặc dưới mức trung bình trong các kỳ thi quốc tế. Điều đó có ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ từ trước đến nay đâu; vậy tại sao phải để ý đến nó trong tương lai?
Hoa Kỳ là một cường quốc đa sắc tộc. Chúng tôi có những lợi thế khác lấn át mức trung bình về giáo dục? Chúng tôi có các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới và vẫn tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Việc khởi nghiệp ở đây dễ dàng hơn bất cứ đâu trên trái đất. Giá trị của nỗ lực và sự độc lập là mạch nguồn xuyên suốt đất nước cờ hoa này, đã, đang và vẫn mãi như thế.
Nhưng ở bất cứ đâu tôi đặt chân đến với tư cách một phóng viên, tôi luôn thấy những tín hiệu nhắc nhở rằng thế giới đã thay đổi. 2.300 ngày mà những đứa trẻ Mỹ miệt mài trên ghế nhà trường trước khi tốt nghiệp trung học quan trọng hơn bao giờ hết. Ở Oklahoma, CEO của công ty sản xuất những chiếc bánh táo McDonald nói với tôi rằng cô đã gặp khó khăn trong việc tìm đủ số người Mỹ có thể xử lý các công việc trong nhà máy hiện đại – trong thời kỳ suy thoái. Cái thời cần người nhào bột và đóng gói bánh vào hộp đã xa rồi. Cô cần người có thể đọc, giải quyết vấn đề và truyền đạt những gì diễn ra trong ca làm của họ nhưng các trường trung học và Cao đẳng Cộng đồng Oklahoma không cung cấp đủ những người như thế.
Giám đốc của Manpower, một công ty tuyển dụng và đào tạo nhân lực với các chi nhánh tại 82 quốc gia, cho biết một trong những công việc khó tìm người nhất là nhân viên kinh doanh. Trước đây, một nhân viên bán hàng phải “chai mặt” và giỏi giao tiếp. Tuy nhiên, trong vài năm qua, các sản phẩm và thị trường tài chính đã trở nên cực kỳ phức tạp, thông tin luôn có sẵn với tất cả mọi người, kể cả khách hàng. Các mối quan hệ không còn là chiếc chìa khóa vạn năng. Để thành công, các nhân viên bán hàng phải hiểu về các sản phẩm ngày càng tinh vi và biến đổi linh hoạt mà họ đang bán đồng thời nắm rõ các kỹ thuật để tạo ra chúng giống như các kỹ sư sản xuất.
Khá bất ngờ, mức trung bình về học vấn đã trở thành một di sản nặng gánh. Nếu không sở hữu một tấm bằng tốt nghiệp trung học, bạn thậm chí không thể làm việc như một công nhân vệ sinh môi trường ở New York; bạn không thể gia nhập lực lượng không quân. Thế nhưng, khoảng một phần tư số trẻ em Mỹ vẫn bước ra khỏi cổng trường trung học và không bao giờ trở lại.
Cách đây không lâu, không quốc gia nào có tỷ lệ tốt nghiệp trung học cao hơn Hoa Kỳ; đến năm 2009, 20 quốc gia đạt được con số này. Trong thời đại mà tri thức giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, tại sao bọn trẻ lại biết ít hơn những gì chúng nên biết? Bao nhiêu phần trăm các vấn đề của nước Mỹ là do sự nghèo đói hay sự rộng lớn và đa thành phần của quốc gia này? Các điểm yếu của nước Mỹ phần lớn là do thất bại của các chính sách hay văn hóa, của các chính trị gia hay các bậc cha mẹ?
Chúng tôi tự nhủ rằng ít nhất mình cũng đang nuôi dạy những đứa trẻ sáng tạo hơn, chúng có thể không nổi trội ở kỹ thuật điện, nhưng dám lên tiếng, sáng tạo và xác định được những gì khả thi. Tuy nhiên, liệu có cách nào để biết chúng tôi đúng hay sai không?
Những robot Bắc Âu huyền thoại
Các chuyên gia giáo dục đã miệt mài nỗ lực tìm cách giải thích những kết quả rất khác nhau của những quốc gia khác nhau. Họ đã đến thăm nhiều trường học xa xôi trong các chuyến công tác. Họ phỏng vấn các chính trị gia, các hiệu trưởng và lấy số liệu trình chiếu cho những người ở nhà xem. Tuy nhiên, kết luận của họ còn khá trừu tượng.
Lấy Phần Lan, quốc gia đứng hàng đầu thế giới, làm ví dụ. Các nhà giáo dục Mỹ mô tả Phần Lan như một thiên đường trong mơ, nơi mà tất cả các giáo viên được trọng vọng còn bọn trẻ được yêu thương. Theo họ, Phần Lan có được kết quả tuyệt vời này một phần là do quốc gia này có tỷ lệ trẻ em nghèo rất thấp, trái ngược hoàn toàn so với Mỹ. Nếu cứ theo suy luận đó thì chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi được cục diện các trường học cho đến khi giảm được tỷ lệ đói nghèo.
Câu chuyện về cái nghèo mang ý nghĩa rất trực quan. Tỷ lệ trẻ em nghèo ở Mỹ rơi vào khoảng 20%, một con số thật đáng xem xét. Trẻ nghèo luôn bị đè nặng bởi áp lực rằng trẻ em không cần phải quản lý. Thường thì chúng học rất ít ở nhà và cần sự giúp đỡ nhiều hơn ở trường.
Tuy nhiên, bí ẩn không dễ giải quyết đến vậy. Nếu nghèo đói là nguyên nhân chính thì chúng ta sẽ phải nói sao về trường hợp của Na Uy? Một hệ thống phúc lợi Bắc Âu với các loại thuế cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ biến, các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, giống Phần Lan, tỷ lệ trẻ em nghèo ở Na Uy cũng chiếm chưa đến 6%, một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em nghèo thấp nhất thế giới. Na Uy cũng chi một khoản tương tự như Mỹ vào giáo dục, có thể nói, đó là một khoản không nhỏ đối với các nước khác trên thế giới. Thế nhưng, trẻ em Na Uy lại đạt được kết quả không mấy ấn tượng như trẻ em Mỹ trong kỳ thi quốc tế về kiến thức khoa học năm 2009. Có điều gì đó không ổn ở Na Uy và đó hẳn không phải là do nghèo đói.
Trong khi đó, bản thân người Phần Lan lại đưa ra những lời giải thích mơ hồ về thành công của họ. Họ cho hay, giáo dục luôn được coi trọng ở Phần Lan từ hàng trăm năm trước. Đó là lý do của họ. Nhưng tại sao chỉ có 10% số trẻ học hết trung học ở Phần Lan trong những năm 1950? Tại sao có những khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết và hành động của trẻ em nông thôn và thành thị ở Phần Lan trong những năm 1960? Có vẻ, niềm đam mê đối với giáo dục của Phần Lan khá thất thường. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Hơn thế, Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ từng nói rằng họ ghen tị với hệ thống giáo dục của Hàn Quốc, với đội ngũ giáo viên có uy tín và các bậc phụ huynh đề cao giáo dục. Ít nhất là ở bề nổi, Hàn Quốc dường như không có điểm gì chung với Phần Lan. Hệ thống giáo dục Hàn Quốc bị chi phối bởi các kỳ thi và thanh thiếu niên Hàn Quốc dành nhiều thời gian cho việc học hơn thời gian trẻ em Mỹ thức mỗi ngày.
Khi nghe những luồng thông tin trái chiều này, trong đầu tôi luôn băn khoăn rằng liệu một đứa trẻ ở trong những vùng đất huyền bí với điểm số cao, không bỏ học và tốt nghiệp đại học trông như thế nào. Liệu bọn trẻ ở Phần Lan có thực sự là những chú robot Bắc Âu mà tôi vẫn được đọc? Những đứa trẻ ở Hàn Quốc nghĩ chúng đang đầu tư xứng đáng để nhận về những trái ngọt sau này? Thế còn cha mẹ chúng thì sao? Không ai nói về họ. Các bậc phụ huynh không quan trọng hơn các giáo viên sao?
Tôi đã quyết định dành một năm đến và khảo sát thực địa tại các quốc gia có trẻ thông minh trên khắp thế giới. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy “những chú robot nhỏ” này. Chúng làm gì vào 10 giờ mỗi sáng thứ Ba? Cha mẹ bọn trẻ đã nói gì với chúng khi chúng về nhà? Chúng có vui vẻ không?
Các đặc vụ thực địa
Để gặp được các robot Bắc Âu, tôi cần những “chân trong”: bọn trẻ, những đứa có thể thấy và làm những điều mà tôi chưa từng tự làm được. Vì vậy, tôi tuyển dụng một đội ngũ chuyên gia trẻ để được giúp đỡ.
Trong năm học 2010-2011, tôi đã theo dõi ba thanh thiếu niên Mỹ khi chúng trực tiếp sinh sống tại các quốc gia có trẻ thông minh hơn. Những đứa trẻ này tình nguyện là một phần của dự án khi tham gia vào các cuộc phiêu lưu trao đổi môi trường sống tại nước ngoài, sống xa gia đình trong hàng năm trời. Tôi đến thăm chúng ở nơi ở mới tại nước ngoài và chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên.
Chúng là Kim, Eric và Tom, làm nhiệm vụ đưa tôi đến những ngôi nhà chúng đang ở; những quán ăn tự phục vụ và các trụ sở tình nguyện ở một đất nước xa xôi. Kim từ Oklahoma đến Phần Lan, Eric từ Minnesota đến Hàn Quốc và Tom từ Pennsylvania tới Ba Lan. Họ đến từ các vùng khác nhau trên đất Mỹ và cũng ra đi vì những lý do riêng. Tôi đã gặp Kim, Eric và Tom với sự giúp đỡ của American Field Service (AFS), Youth for Understanding (YFU) và Rotary Clubs, các tổ chức điều hành những chương trình trao đổi trên toàn thế giới.
Tôi đã chọn những người Mỹ này như là các cố vấn, nhưng hóa ra, chúng lại là những nhân vật thật sự trong bức tranh tổng thể. Chúng không đại diện cho mọi trẻ em Mỹ và trải nghiệm của chúng cũng không thể phản ánh hàng triệu số phận ở quốc gia sở tại. Tuy nhiên, trong câu chuyện của chúng, tôi tìm thấy phần cuộc sống vốn không xuất hiện trong các chỉ thị về chính sách.
Kim, Eric và Tom luôn khiến tôi thành thực. Chúng không muốn nói về các chính sách bảo hộ hay Mẹ Hổ[1]; không đau đáu trước những khó chịu của người lớn; chúng nói nhiều về những đứa trẻ khác, những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến cuộc sống của các thanh thiếu niên. Trong suốt thời gian đó, chúng trải nghiệm đủ các cung bậc của một cuộc sống mới, từ căn bếp của gia đình nơi chúng đang sống đến nhà vệ sinh tại trường trung học. Chúng có rất nhiều điều để nói.
Ở mỗi quốc gia, những đặc vụ thực địa người Mỹ của tôi giới thiệu tôi với những đứa trẻ khác, cha mẹ và giáo viên của chúng, các cộng sự trong cuộc tìm kiếm này. Ví dụ, ở Hàn Quốc, Eric đã giới thiệu tôi với Jenny, bạn của cậu, một cô bé có nửa tuổi thơ ở Mỹ và hiện đang sống tại Hàn Quốc. Jenny, một chuyên gia tình cờ về giáo dục, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi mà Eric không thể. (Các bạn có thể tìm thấy video phỏng vấn các học sinh của tôi trên trang web của cuốn sách này tại địa chỉwww.AmandaRipley.com.)
Để đưa ra kết luận về những người cung cấp thông tin này trong đúng bối cảnh, tôi khảo sát hàng trăm học sinh trao đổi khác về trải nghiệm của chúng tại Mỹ và nước ngoài. Không giống như phần lớn những người đưa ra quan điểmvề giáo dục tại các nước khác, những người trẻ này được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Tôi hỏi chúng về cha mẹ, trường học và cuộc sống ở cả hai nơi. Câu trả lời của chúng đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về các vấn đề và thế mạnh của nước Mỹ. Chúng biết điều gì làm nên sự khác biệt ở nền giáo dục Mỹ, cả theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực và không ngại chia sẻ.
Cuối cùng, khi trở về Mỹ, tôi cảm thấy rất lạc quan. Rõ ràng, nước Mỹ đã quá lãng phí thời gian và tiền bạc vào những thứ không cần thiết; hơn bất cứ điều gì khác, trường học và gia đình tại Mỹ có vẻ bối rối trước sự thiếu mục đích rõ ràng mà tôi thấy ở Phần Lan, Hàn Quốc và Ba Lan. Tuy nhiên, tôi cũng không nhìn thấy bất cứ điều gì – ở bất cứ đâu khiến tôi nghĩ cha mẹ, bọn trẻ và các giáo viên Mỹ không thể làm tốt hoặc tốt hơn vào một ngày nào đó.
Những gì tôi thấy đó là toàn bộ thế hệ trẻ được trải nghiệm nền giáo dục mà chúng xứng đáng. Không phải lúc nào thứ chúng nhận được cũng hoàn hảo nhưng ít nhất chúng cũng đã được trải nghiệm. Bất chấp các hoạt động chính trị, hệ thống quan liêu, các hiệp ước công đoàn cổ lỗ và những gì cha mẹ bọn trẻ còn mù mờ – những bệnh dịch phổ biến đáng ngạc nhiên của mọi hệ thống giáo dục ở khắp nơi – nó vẫn diễn ra.
----------
[1]. Mẹ Hổ xuất phát từ cuốn sách Khúc chiến ca của Mẹ Hổ của Amy Chua - người tự xưng là Mẹ Hổ. Sau này, thuật ngữ này được dùng để chỉ những bà mẹ dạy con nghiêm khắc đến tàn nhẫn để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt, không có chỗ cho kẻ yếu hèn. Cuốn sách đã được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2010.
(đăng lại từ Nguyễn Cảnh Bình's wall/FB)

No comments:

Post a Comment