Wednesday, March 6, 2019

Nhà nghèo đọc sách bằng "bản đồ"

Nghe các vị kháo nhau đọc sách này hay hơn sách kia, nghĩ mà thèm. Nhà tôi không hẳn là nghèo, đặc biệt là sách vở khá sẵn. Tuy vậy, so với mức độ khát sách của tôi hồi bé có lẽ không nhà nào thời đó có thể gọi là giàu. 
Vì thế tôi không có thói quen kén chọn sách mà đọc túa. Kể cả khi hiếm sách đọc luôn cả giáo trình bổ túc văn hóa, kinh bổ, giấy gói xôi. 
Sau này lớn lên, người ta nói phải đọc bộ sách chuyên khảo này bộ kia. Thèm lắm, nhưng không có tiền mua, vì bệnh cháy túi kinh niên. Thú thực khi vớ được các bộ sách đó phần lớn là thất vọng, vì nó khó quá, lại nhiều như rừng, có khi đọc vài năm mới thấy đọc nó vô bổ. Thực ra bản thân bộ sách có thể không vô bổ, ngược lại rất bổ béo cho ai đó, nhưng đứng trên quan điểm hiệu quả, bỏ 3 năm để thu được tri thức có thể lắp vào khung tri thức ọp ẹp của mình bằng một cái móng tay thì là ngu. 
Tôi có thói quen đọc bất cứ sách gì. Đầu tiên là để lấy cái "bản đồ". Chúng ta thường nghĩ rằng mục lục hay thì sách hay. Thực ra, cùng về một vấn đề, 2/3 mục lục là giống nhau. Phần còn lại đều là mồ hôi tâm huyết của tác giả. Tác giả có kém mấy, đã dụng tâm trước tác là đã phải có ý tưởng và logic nào đó. Tôi cho là học được "bản đồ" ý tưởng là quan trọng. Sau này khi được bơi trong thư viện sách ở Mỹ, tôi cũng thường bê cả đống sách, kể cả loại không mấy nổi tiếng ít ai đọc để tìm ra bản đồ hợp lý cho mình. 
Khi có một bản đồ phù hợp (một bản đồ có thể tuyệt vời cho ai đó nổi tiếng hoặc nhiều người chưa chắc đã tốt cho tôi), tôi có thể đọc rất nhanh, có thể bỏ qua các phần mình có thể đoán được họ làm thế nào, hoặc thấy chi tiết không cần, chỉ cần nắm ý tưởng đại thể để đọc các phần khác. Nhiều phần tôi tự viết ra cho mình, rồi mới tham khảo sách. 
Không kể chuyên môn của mình, những sách triết học, tôn giáo, tôi cũng đọc như vậy và nhiều phần thấy có thể đoán hoặc đã biết ở đâu đó. 
Cách đọc này có ưu điểm là không kén sách, cũng không nệ sách luôn phải đúng hoặc sai. Cũng có nhược điểm là nhiều khi cần tham chiếu, không nhớ đọc ở đâu ra hay tự mình suy diễn. 
Tuy vậy, ưu điểm cơ bản của cách này là tôi luôn có các mind map vẽ thành sơ đồ block theo cách của tôi bằng các khối tròn vuông tam giác và các đường kết nối quan hệ riêng. Các mindmap này nhỏ gọn nên có thể "bỏ túi" và lôi ra khi đọc thêm, nói chuyện, viết hay giảng về các vấn đề, thao thao bất tuyệt là nhờ sự sắp xếp ngăn nắp tri thức thành các bản đồ. Cũng nhờ thế mà tôi có thể nhảy từ bản đồ này qua bản đồ kia nhưng ít khi lạc hướng, trình bày vấn đề gì cũng có thể đơn giản hay phức tạp tùy ý. 
Nhiều người cho rằng tôi biết nhiều. Đã đành tôi là mọt sách từ bé, nhưng về kiến thức chắc chỉ loại khá. Nhiều người uyên bác hơn nhiều, nhưng họ không biết điều đó chỉ vì kiến thức không được sắp xếp thành bản đồ. Cơ sở dữ liệu lớn mà sắp xếp không tốt thời gian truy vấn dài cũng không tốt.
Cách học con nhà nghèo ngày nay khá thuận tiện, nếu bạn có bản đồ tốt và các keyword cùng với kỹ năng tìm kiếm, bạn có thể chi tiết hóa, mở rộng điều chỉnh bản đồ dễ dàng. Thậm chí bạn có thể viết một cuốn sách mới với một bản đồ mới của riêng bạn rất nhanh.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

No comments:

Post a Comment