Monday, September 28, 2020

Giáo dục thời kỳ VNDCCH: Hai vị Bộ trưởng

Tri ân các vị HIỀN TÀI... 

Hai vị bộ trưởng của ngành giáo dục nước nhà. 

Bộ Giáo dục VNDCCH có Bộ trưởng lâu nhất là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên ( hình đầu). Cụ làm Bộ trưởng từ 1946 cho tới 1975, tổng cộng gần 29 năm và là tiến sĩ tốt nghiệp trường Sorbonne của Pháp ra.

Cụ Huyên sinh năm 1907, có cha là cụ Nguyễn Văn Vượng công chức thời Pháp, mẹ là cụ Phạm Thị Tí một người làm nghề buôn bán nhỏ. Cha của cụ Huyên mất từ khi cụ mới 8 tuổi. Nhưng mẹ quyết chí cho con ăn học. Bà cụ cho con gái đầu là Nguyễn Thị Mão đi học và còn học cao (sau này bà Mão là vợ Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại), tốt nghiệp niên khoá 1924-1927 của Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương và trở thành nữ giáo viên đầu tiên của Việt Nam. Ra trường là chị cả, cụ Mão cùng mẹ hỗ trợ 2 em đi học ở Pháp. Cụ Nguyễn Văn Huyên  học tú tài toàn phần rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne.

Trong thời gian nghiên cứu Tiến sĩ ở Pháp, cụ còn tham gia dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương. Năm 1934 cụ là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và luận án phụ "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan. 

Về nước cụ Huyên dạy ở trường Bưởi, sau đó tham gia Hội truyền bá quốc ngữ và làm ủy viên thường trực của Viễn đông Bác cổ HN, sau đó làm Ủy viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông dương.

Năm 1946, cụ trở thành Bộ trưởng Giáo dục của VNDCCH, lao vào công tác diệt giặc dốt, xây dựng các trường đại học thuần Việt và phát triển hệ thống giáo dục quốc gia. 

Cụ Huyên là con người có trí thức cao, một học giả uyên thâm, tử tế, nhã nhặn. Do đó thời cụ làm Bộ trưởng dù trải qua 2 cuộc chiến tranh nhưng thày trò vẫn nề nếp và không khí trường học rất có văn hóa.

Bộ trưởng thứ 2 là giáo sư Tạ Quang Bửu. Cụ từng làm Bộ trưởng Bộ  đại học và trung học chuyên nghiệp từ 1959-1976. Cụ là một học giả, một nhà khoa học xuất sắc. 

Tạ Quang Bửu sinh năm 1910 tại Nam Đàn Nghệ An.  Năm 1917 tại Tam Kỳ - Quảng Nam, trong kỳ thi về chữ Hán ngữ - Văn hoá Việt - Toán được tổ chức cho các em học sinh lên bảy, cụ đã đỗ rất cao và từ đó trở nên nổi tiếng vì học tập xuất sắc.  Năm 1922 cụ đậu hạng 11 vào trường Quốc học Huế và sau chuyển ra HN học trường Bưởi. 7 năm sau, 1929, cụ đỗ đầu cả 2 kỳ thi tú tài Việt và Pháp ban Toán và nhận học bổng qua Pháp du học. Tới Pháp cụ thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris năm 1930, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ 1930 đến 1934.

Cụ từng làm Hiệu trưởng trường Bách khoa HN, và rất có tâm trong việc xây dựng và phát triển các đại học VN trong hoàn cảnh chiến tranh, gửi du sinh đi Đông Âu học tập, phát triển nghiên cứu khoa học. 

Cụ Tạ Quang Bửu là hướng đạo sinh, vợ cụ là con gái của cụ Hoàng Đạo Thúy, nhà tiên phong của phong trào Hướng đạo VN. Cụ từ trẻ đã chơi tốt thể thao và truyền đạt kinh nghiệm luyện tập cho các học sinh như: đánh bóng bàn theo kiểu Barma (đương kim vô địch thế giới về bóng bàn, người Hunggary), tập điền kinh theo phương pháp khoa học nhất, bơi sải ...

Về nhân cách, Tạ Quang Bửu là một Bộ trưởng liêm khiết, tận tụy, yêu thương sinh viên và học sinh. Thời của cụ Bửu đã có nhiều nhân tài được học hành đào tạo bài bản sau này làm được nhiều việc tốt cho quốc gia.

Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, cụ đã mời một số nhà toán học Pháp được tặng Huy chương Fields  như Laurent Schwartz, Alexandre Grothendieck sang thăm Việt Nam, đọc bài giảng về các vấn đề toán học hiện đại nhất, để cập nhật kiến thức cho đội ngũ nghiên cứu toán học nước ta. Chính cụ là người đề xướng và tổ chức thực hiện việc thi tuyển sinh đại học và kiểm tra kiến thức nghiên cứu sinh một cách công bằng, minh bạch. Và trong thời của cụ VN lần đầu tiên tham gia các kỳ thi Toán quốc tế và đoạt giải thưởng. Cụ cũng là người giỏi chiêu hiền đãi sĩ và cư xử trân trọng với các tài năng trong bối cảnh khó khăn bấy giờ.

Hai cụ Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu đã tạo ra một dấu ấn riêng cho giáo dục ở VNDCCH, mà hậu bối sau này mãi mãi biết ơn và ghi nhớ. 

Những trí thức Tây học, tài ba, tử tế và tận tâm như vậy nay vô cùng hiếm.

Tác giả:  cô Nguyễn Thị Bích Hậu

7 comments:

  1. Luat Nghiem Nguyen
    Những trí thức tài ba, chân chính!

    ReplyDelete
  2. Nếu ở HN tôi học với sự thích thú trong các trường tiểu học (Hoàn Kiếm, Lê Ngọc Hân), thì về sau tôi lại thích thú với những thứ khác ở quê hơn khi đi sơ tán (vì trường và thầy cô ở quê ko như ở HN), nên càng lớn tôi càng ko thích hợp với nền giáo dục theo nguyên tắc "dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá" (về quy mô thì chú trọng công tác phổ cập cơ bản cho toàn bộ người dân, về nội dung thì chú trọng bồi dưỡng đạo đức, tinh thần ái quốc, lý tưởng chính trị và kiến thức khoa học trong thời chiến-Wikipedia) nên ko có động lực học tập.
    Giá mà từ lúc đó tôi đã có động lực học để được đi nước ngoài thì mới cố gắng để biến ước mơ trở thành hiện thực, khi đó sẽ học hành đàng hoàng như các bạn của tôi (mà sau này tôi gặp ở Hungary).
    Chính vì thế mà cho đến nay, tôi vẫn cho rằng: VN vẫn cần trường chuyên lớp chọn, vì như thế còn có những chỗ để học cho ra học, còn hơn là chỗ nào cũng như nhau, ko ra gì cả.

    ReplyDelete
  3. Học hành ba bửa như tôi, lẽ ra ko đủ tư cách để nói về giáo dục. Nhưng dù sao thì tôi cũng thuộc 1 dòng hs dưới mái trường XHCN thời kỳ VNDCCH mà ra. Thế nên, bây giờ nếu soi với các vị Bộ trưởng đầy uy danh thì rõ là tôi ko phải là sản phẩm mà các bác ấy chờ đợi rồi, thế nên bây giờ tôi mới là dân đen.
    Tuy thế, bây giờ nhìn lại mới thấy: theo như quy mô cả về tính chất và nội dung thì nền giáo dục của chúng tôi lúc đó nhằm đào tạo những con người "vừa hồng vừa chuyên". Người như thế hiếm lắm, nên tôi rất nể phục. Thời đó "hồng" là những người bọn tôi hay gọi là "Bôn sệt" (có gốc từ chữ Bôn-sê-vích hay Bolshevik/большеви́к). Tôi có ông anh mà tôi gọi là Đại ca thứ nhất, đúng là mẫu này, cũng là HSMN, sang Hungary là nghiên cứu sinh về nông nghiệp, sau 1975 là nguyên Hiệu trưởng ĐHNL, tôi rất ngưỡng mộ anh ấy, cho đến bây giờ, vì anh ấy vừa tốt, lại rất tử tế và thông minh.
    Đại ca thứ 2, học chuyên toán ĐHTH (Ao). Sang Hungary học Vật lý lý thuyết. Tóc dài, dân hippy vào loại nổi tiếng nhất trong số các LHS những năm 1960-70. Về VN đi dạy rồi làm Đại lý tàu biển. Tôi cũng nể phục luôn, bởi anh ấy rất đàn ông, rất friendly/nhân ái, hóm hỉnh và thông minh. Lại còn hát rất hay và kể chuyện vicc rất có duyên...v.v.
    Nhưng đa số những hs còn lại thời ấy thì tôi ko thích, thậm chí còn chê vì xu thời và cơ hội. Nhiều đứa còn làm lớp trưởng, cán bộ đoàn... tham gia cờ đỏ, sao đỏ rất hăng hái/tích cực...
    Và bây giờ, thế hệ của chúng tôi đang là 1 phần tạo thành xh hiện thời. Có nhiều doanh nhân và cũng nhiều người thuộc thành phần trong cơ cấu của chính phủ.
    Đại ca thứ nhất của tôi đã từ chối lời đề nghị giữ chức Thứ trưởng Bộ giáo dục, chỉ muốn làm tròn bổn phận của mình là đào tạo những kỹ sư nông nghiệp cho miền Nam. Có lẽ anh ấy cũng thấy khó hòa nhập với mô hình của chính phủ lúc đó? Nếu có dịp, tôi sẽ hỏi anh ấy về chuyện này rõ hơn.
    Đại ca thứ hai thì sống rất vui vẻ cho đến bây giờ, và rất hài lòng vì đã lo liệu mọi thứ đâu vào đấy cả rồi (minden rendben van).
    Nhiều doanh nhân rất thành đạt và thành công trên nhiều phương diện. Trong đó 1 người cũng từ Hungary về mà tôi rất nể là anh Quang A.
    Nhưng tất cả chúng tôi có lẽ đều ko bằng các anh em khác, nay đang trong biên chế của nhà nước, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có người là HSMN, có người cũng có bằng cấp này nọ... và một số đang giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ và trong đảng hiện nay. Nói ko bằng bởi cứ nhìn anh Quang A thì rõ, dù tôi rất nể phục, nhưng với chính quyền thì anh ấy chẳng là gì cả. Thế thôi.
    Cho nên, tôi lại nghĩ rằng. Các bác Bộ trưởng ngày xưa muốn chúng tôi trở thành những người vừa hồng vừa chuyên, là muốn chúng tôi trở thành những "hạt giống đỏ", những con người XHCN. Nhưng cho đến bây giờ, vì những con người như thế quá ít, hay ko có (ko tồn tại?) nên ko thể xây dựng CNXH được.
    Nên bây giờ giáo dục lại phải cải cách theo định hướng XHCN, để đào tạo những thế hệ khác, thành công hơn chúng tôi, như thế VN mới phát triển được. Chứ như bây giờ thì ko ổn chút nào.
    Đấy là tôi thấy thế thôi...! Vì hồi trước tôi là thằng học ba bửa mà (Ý tôi là chỉ học để làm sao thi qua/trót lọt, ko đúp thôi. Là học kiểu đối phó ấy...!)

    ReplyDelete
  4. Thời kỳ VNDCCH là thời kỳ nhà nước XHCN sơ khai. Những kiến tạo của Chủ tịch HCM đều dựa vào những con người ưu tú, tinh hoa của VN. Họ là những người đứng đầu, chịu trách nhiệm khai mở/xây dựng nền tảng cho những cơ sở đầu tiên của chế độ.
    Dù mới chỉ là những bước đầu, nhưng cơ bản, đó là những người VN thế hệ vàng, thừa hưởng vh Đông-Tây để kết hợp trong việc xây dựng 1 đất nước mới với những con người mới. Với 1 thế hệ như thế, họ đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Dù cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ và ác liệt, nhưng cuối cùng, phần thắng là kết quả độc lập cho VN. Phần còn lại, rất tiếc, đã ko còn những thế hệ xứng đáng tiếp nối... từ sau 1975.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Đó cũng là một cách nói thôi. "Tuy vận nước mỗi lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có." Thậm chí ngày nay người tài còn nhiều hơn thời trước. Có điều người Việt bản tính ganh ghét, chỉ thích tôn vinh người đã chết không còn đe dọa quyền lợi của mình và cơ chế tiến dẫn người tài có vấn đề.

      Delete
  5. Liem Tran
    Đó là những hiền tài thực sự, còn bây giờ toàn là sử dụng nhóm Hồng Phúc thì làm gì còn hiền tài, thực sự là tai họa cho đất nước.

    ReplyDelete
  6. Tuy vậy, tui cũng hối tiếc và rất xấu hổ với 2 bác này, bởi việc học hành của tui lúc trước. Còn nhỏ học ở HN còn tạm được, càng về sau càng lêu lổng ham chơi (cấp 2 & 3...)
    Từ bé tui đã thích làm bộ đội, thích vẽ quân hàm (cắt sao bằng giấy bạc với các cấp từ thiếu úy đến đại úy) và đeo lên cổ áo/vai với những cấp bậc tự phong...
    Lý tưởng thanh niên khi đó, những người giống tui, là lý tưởng của giới trẻ trong 1 xh quân sự hóa (miền Bắc lúc đó như 1 trại lính khổng lồ): tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...
    Thời kỳ VNDCCH, lớn lên dưới mái trường XHCN là lớn lên với lý tưởng của người lính, là mong muốn cầm súng để giành độc lập cho Tổ quốc như cha ông của mình.
    Ko ngụy biện, nhưng có lẽ, khi sơ tán ở vùng quê và sống với nông dân, suy cho cùng, có lẽ tui cũng sống trong dòng thác cm khi đó với mong muốn trở thành chiến sĩ/bộ đội nên cũng chẳng cần cố gắng học nhiều, lý tưởng đơn giản là “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!”, "Đi xanh cỏ. Về đỏ ngực"... thế thôi.

    ReplyDelete