Sunday, September 13, 2020

Tác giả & Tác phẩm

 Bên đường 12 và Mùa Đông

   Kỷ niệm có giá trị nhất về nhà văn không phải là chức vụ, giải thưởng hay sự tán dương của truyền thông. Chú tôi, nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn, đương nhiên không thiếu giải thưởng, truyền thông, huân chương, huy chương. Để tưởng niệm chú trước hết là nói về kỷ niệm gia đình, sau đó là về tác phẩm. 

    Mỗi nhà văn thường có một tác phẩm đặc trưng. Sau này người ta hay gọi nhà văn bằng cái tên đó. Anh ruột của chú tôi là nhà thơ Vũ Cao thường gọi là ông Núi Đôi, theo tên bài thơ Núi Đôi nổi tiếng của ông. Vũ Cao viết cũng  không nhiều, nên cũng không nhiều lựa chọn. 

    Người ta cũng hay gọi Vũ Tú Nam là ông “Văn Ngan tướng công”, nhưng nói  vậy là chưa đánh giá hết được sự nghiệp văn học của Vũ Tú Nam. Trước hết “Văn Ngan tướng công” là một tác phẩm đặc sắc, nhưng không phải là tiêu biểu cho Vũ Tú Nam.  Ông  cũng không phải nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Thực ra tên gọi ông “Văn Ngan tướng công” bắt nguồn từ ác ý của một số kẻ lập thân bằng trò đấm đá trong văn học thời những năm 1960, ám chỉ việc Vũ Tú Nam phê phán thói xấu của con người, một đề tài cấm kỵ thời đó, của nhân vật Văn Ngan. Sau này những người yêu quý ông, thấy cũng hay nên “thể tất” cho “lý lịch khuất tất” của danh xưng này. 

     Theo tôi “Bên đường số 12” là tác phẩm xuất sắc nhất của Vũ Tú Nam. Có thể bây giờ người ta chưa đọc nhiều “Bên đường số 12” như “Xung kích”, “Đất nước đứng lên”, “Ký sự Cao Lạng”, “Vượt Côn Đảo”, “Người người lớp lớp”,... Nhưng sau này, không đọc “Bên đường 12” sẽ là thiếu đi một mảng quan trọng của bức tranh panorama về kháng chiến chống Pháp. Thậm chí đối với tôi tác phẩm này còn đem lại những lý giải về chiến thắng của Việt Nam, là sức mạnh của nhân dân và việc tổ chức và huy động tài tình lực lượng hậu cần nhân dân cho chiến tramh. Bên cạnh nội dung, bút pháp của Vũ Tú Nam trong “Bên đường 12” rất trẻ trung, hiện đại và táo bạo, hứa hẹn một phong cách hiện thực cự phách. Sau này ông dường như cố tự lặp lại phong cách này trong “Nhân dân tiến lên” nhưng có vẻ không bứt phá được. Có thể do môi trường văn học sau này không khuyến khích sáng tạo và sự táo bạo, cho dù chỉ trong phương pháp thể hiện. Cũng có thể có lý do sức khoẻ, vì sau đó ông phải nằm bệnh viện khá nhiều và tập trung vào các đề tài nhẹ nhàng hơn.

    Mùa Đông là tác phẩm đầu tiên như thế và tôi rất ngạc nhiên tập truyện này không có trong danh mục tác phẩm của Vũ Tú Nam. Sau đó văn phong ông trở nên hiền lành, trầm ổn, chậm rãi hơn.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment