Wednesday, September 23, 2020

Tính cách và đường lối cm (3)

HỒ CHÍ MINH: NGƯỜI ĐÃ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC HÒA NHẬP CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

— Kỳ 3 (Kỳ Cuối) —

LÁNH ĐẾN MOSCOW

Khi mối quan hệ Tưởng – Cộng tan vỡ, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc lánh đến Moscow bằng con đường xuyên qua sa mạc Gobi. Cuộc đời ông sau đó là được bao phủ bởi một màn sương mờ không rõ ràng, nhưng người ta tin rằng Hồ đã sống ở Berlin một thời gian. Sau đó du hành đến Bỉ, Thụy Sĩ và Italia – dĩ nhiên, dưới nhiều bí danh khác nhau.

Sau năm 1928, cái tên Hồ Chí Minh lại bất ngờ xuất hiện ở miền đông Thái Lan trong vỏ bọc một nhà sư Phật giáo. Tại đây, ông cạo trọc đầu và hoạt động giữa những người Việt lưu vong, xây dựng các hội nhóm chính trị, xuất bản nhiều ấn phẩm báo chí… Từ đó xuyên qua biên giới tuồn vào Việt Nam.

Năm 1930, theo lời khuyên của Đệ tam Quốc tế, Hồ Chí Minh đã góp công lớn trong việc giải quyết những tranh chấp gay gắt nảy sinh giữa những người theo chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Dương, đặt nền móng cho sự thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng – tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam (hay còn gọi là Đảng Lao Động) sau này. 

Cùng năm đó, được sự hậu thuẫn của những người Cộng Sản, một cuộc nổi dậy của nông dân đã nổ ra ở Việt Nam. Năm 1931, Hồ bị bắt ở Hong Kong và bị tống giam vào nhà tù của thực dân Anh vì các hoạt động lật đổ. Vào thời điểm đó, dưới sự đàn áp của Pháp, ông cũng chính thức bị kết án tử hình vắng mặt. Người Pháp đã tìm mọi cách để dẫn độ Hồ về, nhưng ông cho rằng mình là một người tị nạn chính trị, và vì thế không thể bị dẫn độ. Vụ án được (Sir) Stafford Cripps thụ lý ở London trong một phiên tranh biện với Hội đồng Cơ mật, đã ra phán quyết cuối cùng: Hồ được trả tự do. Ngay sau đó, ông lánh khỏi Hong Kong (lần này là dưới vỏ bọc một thương gia Trung Quốc) để trở lại Moscow.

Tại Moscow, Hồ theo học tại các trường Cộng Sản như Viện nghiên cứu các vấn đề Dân tộc & Thuộc địa, cũng như trường Lenin danh tiếng. Tuy nhiên, năm 1938 ông quyết định quay ngược lại Trung Quốc và trở thành thông tín viên trong hàng ngũ Bát lộ quân nổi tiếng của Mao Trạch Đông. Từ đó, ông tìm đường đi xuống phía Nam để trở về quê hương vào năm 1940. Đó cũng là lần đầu tiên Hồ Chí Minh đặt chân về Việt Nam sau hơn 30 năm xa cách.

NHÀ LÃNH ĐẠO BẬC THẦY

Thời điểm này cũng là một bước ngoặt lớn. Không chịu bất cứ sự chống trả nào, người Nhật đã hất cẳng Pháp, chiếm quyền kiểm soát bán đảo Đông Dương một cách hiệu quả, trong khi giới cầm quyền tại đây (hầu hết thuộc chính quyền Vichy) đã chấp nhận hợp tác với người Nhật. Bằng sự táo bạo và "ảo tưởng" tuyệt vời, Hồ đã lợi dụng Thế chiến thứ 2 để tập hợp một liên minh những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người cộng sản Việt Nam để thành lập tổ chức gọi là Việt Minh (tức Mặt trận Độc lập).

Việt Minh đã phát triển một lực lượng du kích lên đến khoảng 10 nghìn người. Những "Người đàn ông mặc áo đen" này đã quả cảm chiến đấu chống lại quân Nhật trong rừng rậm và tạo nên nhiều thành công đáng nể.

Những hành động của Hồ đã đưa ông lên tầm thế giới với tư cách là nhà dân tộc chủ nghĩa hàng đầu Việt Nam và là đồng minh của Hoa Kỳ chống lại người Nhật. Ông nói: 

❝Tôi đã là một người Cộng Sản, nhưng không còn nữa. Tôi là một người con của đất nước Việt Nam, và không là gì khác.❞

Năm 1942, các báo cáo cho thấy Hồ đã đến Côn Minh theo đề xuất của các cố vấn quân sự Mỹ. Ông bị bắt tại đó bởi người của Tưởng Giới Thạch và bị cầm tù cho đến tháng 9/1943 trước khi được trả tự do theo yêu cầu (được cho) là của phía Hoa Kỳ. (Tập thơ nổi tiếng "Nhật ký trong tù" của ông, được cho là ra đời trong thời gian này – lời người dịch)

Trong quá trình được trả tự do, theo Fall, Hồ đã hợp tác với một tướng lĩnh Quốc Dân Đảng (tướng Trương Phát Khuê – lời người dịch) để thống nhất và tổ chức lại các nhóm người Việt lưu vong tại miền Nam Trung Quốc thành khối thống nhất. Một hệ quả của nó là vào năm 1944, Hồ đã chấp nhận trở thành người đứng đầu của Chính phủ Cộng hòa Lâm thời Việt Nam. Chính phủ này tuy chủ yếu chỉ là hình thức trên giấy, nhưng nó đã cho phép Hồ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS – lời người dịch). Vì vậy, khi Việt Minh tiếp quản Hà Nội năm 1945, trong đoàn tùy tùng của ông có mặt những sĩ quan quân sự cấp cao của Mỹ. Cũng trong giai đoạn này, ông đã lấy tên chính thức là Hồ Chí Minh.

TUYÊN BỐ ĐỘC LẬP

Với sự kết thúc của Thế chiến thứ 2, Hồ tuyên bố nền độc lập cho Việt Nam, nhưng phải mất 9 năm để tuyên bố của ông trở thành hiện thực. Đầu tiên, theo hiệp ước Postdam, Quốc dân đảng chiếm đóng Hà Nội và các khu vực phía Bắc Việt Nam. Thứ hai, người Pháp (bằng tàu của Anh) sẽ tái chiếm Sài Gòn và phần phía Nam đất nước. Và thứ ba, liên minh dân tộc chủ nghĩa của Hồ đã bị căng thẳng dưới áp lực của những sự kiện này.

Thành lập một lực lượng du kích mới lấy Việt Minh làm nòng cốt, Hồ và các đồng sự của mình (theo hầu hết các nguồn tin), đã thanh toán dứt điểm những người bất đồng chính kiến không muốn chiến đấu theo cách của ông để giành độc lập. Các vụ ám sát thường xuyên được ghi nhận. Cũng trong thời gian đó, khi người Trung Quốc rút khỏi miền Bắc và người Pháp đang Bắc tiến từ phía Nam, Hồ đã thương lượng với Pháp để cứu lấy chính thể dân tộc chủ nghĩa của mình.

Trong một thỏa thuận mà Hồ Chí Minh thực hiện ở Paris năm 1946, ông đồng ý để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành một bộ phận của Liên hiệp Pháp với tư cách là một quốc gia tự do trong liên bang Đông Dương. Người Pháp công nhận Hồ là quốc trưởng và hứa sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam về vấn đề của một nước Việt Nam thống nhất dưới thời Hồ Chí Minh.

Nhưng đến đầu năm 1947, hiệp định bị phá vỡ và hai bên trở mặt giao chiến với nhau. Du kích Việt Minh trấn giữ các vùng rừng rậm và làng mạc trong khi người Pháp chiếm các đô thị lớn. Suốt 7 năm, chiến tranh bùng nổ khi lực lượng của Hồ tập trung sức mạnh và ngày càng siết chặt vòng vây. Trong hầu hết thời gian này, Hồ Chí Minh bị cô lập trên mặt trận ngoại giao bởi ông không được những người Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc công nhận, cho đến khi chiến thắng của ông trước người Pháp gần như là điều chắc chắn.

Trong một nỗ lực nhằm củng cố các lực lượng chính trị của mình, Pháp đã triệu hồi Bảo Đại – người từng giữ vai trò Hoàng đế và là con rối của Nhật. Hủ bại và chỉ ham hưởng thụ, Bảo Đại nhanh chóng cùng các nhân tình của mình "phắn" sang Paris, để lại một chế độ suy yếu tan hoang ở Sài Gòn. Dĩ nhiên, điều này đã chứng tỏ rằng không có một sự ủng hộ nào đối với đội quân viễn chinh Pháp, vốn đã bị đánh gục bởi chiến thuật du kích của Tướng Giáp. Cuối cùng, vào ngày 8 tháng 5 năm 1954, người Pháp bị đánh bại hoàn toàn tại Điện Biên Phủ. Chiến tranh Đông Dương chính thức kết thúc vào tháng 7 với cái giá phải trả cho người Pháp là 172.000 thương vong; và với Việt Minh, con số dự đoán có lẽ là gấp ba như thế.

Hiệp định ngừng bắn được ký tại Geneva ngày 21 tháng 7 năm 1954. Tuy nhiên, nó thể hiện được ít hơn nhiều so với hy vọng của Hồ. Cũng trong thời điểm này, Hoa Kỳ chính thức can thiệp vào Việt Nam thông qua gói viện trợ 800 triệu đô la / năm cho người Pháp. Lo ngại về sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản ở châu Á gây ảnh hưởng đến Washington, phó tổng thống Mỹ là Richard Nixon đã nói: "Trong trường hợp cần thiết để ngăn chủ nghĩa Cộng Sản lan rộng ở châu Á, chúng ta phải chấp nhận mạo hiểm đưa quân của mình vào. Và tôi nghĩ Cơ quan Hành pháp phải làm điều đó.".

Tuy nhiên, hiệp định Geneva đã chia cắt Việt Nam thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Nó cũng loại bỏ chính quyền Pháp trên bán đảo và tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử toàn dân vào năm 1956 như một phương tiện để thống nhất đất nước.

Mặc dù là một bên tham gia Hiệp định Geneva nhưng Hoa Kỳ đã từ chối ký kết. Một bên khác không ký vào hiệp định là miền Nam Việt Nam, cũng từ chối tổng tuyển cử. Cùng lúc, Mỹ đã nhanh chóng xây dựng bộ máy quân sự của mình ở Sài Gòn để bày tỏ sự ủng hộ với chế độ Ngô Đình Diệm. Hành động này được xem như một biện pháp chống lại những hoạt động du kích ngày một rõ ràng hơn của Mặt trận Giải phóng Dân tộc thời điểm sau năm 1956.

Tiền tuyến của Mặt trận Giải phóng Dân tộc, cơ bản là độc lập với lực lượng của Hồ Chí Minh ở miền Bắc, đã gia tăng ảnh hưởng của nó trong thập niên 60. Nó tự cung tự cấp cho bản thân từ chính vũ khí thu được của người Mỹ và từ một số nguồn miền Bắc cung ứng. Bắt đầu từ năm 1964, Mỹ đã đổ hàng ngàn lính vào Nam Việt Nam để chống lại Việt Cộng và sau đó là tiến hành ném bom miền Bắc. Việc Mỹ ngừng ném bom vào năm 1968, cuối cùng đã dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris. Nhưng dù cho có như vậy, thì cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam vẫn tiếp diễn.

TỰ TIN VÀO CHIẾN THẮNG

Xuyên suốt tất cả, Hồ luôn tự tin vào chiến thắng. Năm 1962, khi cuộc chiến mới chỉ là xung đột cục bộ giữa lực lượng Nam Việt Nam cùng 11.000 cố vấn Mỹ với lực lượng du kích nhỏ hơn phía bên kia, ông đã nói với một khách quốc tế người Pháp:

❝Người Pháp các bạn biết rõ về Việt Nam, cũng như có nhiều mối quan hệ cũ ở đây. Và chúng tôi đã phải mất 8 năm chiến đấu cay đắng để đánh bại các bạn. Giờ thì chế độ miền Nam được trang bị tốt hơn và được người Mỹ giúp đỡ. Người Mỹ mạnh hơn nhiều so với người Pháp, mặc dù họ hiểu về chúng tôi ít hơn. Thế nên, có thể chúng tôi phải mất đến 10 năm để làm điều tương tự. Nhưng tôi tin, đồng bào anh hùng ở miền Nam cuối cùng rồi cũng sẽ đánh bại họ.❞

Đến đầu năm 1967, khi nói chuyện với Ashmore và Baggs, Hồ vẫn tràn đầy tự tin. Ông nói:

❝Chúng tôi đã chiến đấu vì độc lập của mình hơn 25 năm. Tất nhiên, chúng tôi trân trọng hòa bình, nhưng để mua hòa bình với người Mỹ hay bất cứ một bên nào khác bằng cái giá là nền độc lập, thì chúng tôi sẽ không bao giờ!❞

Khi cuộc trò chuyện gần đi đến hồi kết, ông nắm chặt tay phải xúc động nói: 

❝Các bạn phải biết giải pháp của chúng tôi. Sau một thời gian dài đấu tranh gian khổ để giành lại độc lập cho đất nước, thì ngay cả vũ khí hạt nhân của các bạn cũng không thể buộc chúng tôi đầu hàng được đâu.❞

Nói về cái chết của chính mình, Hồ dường như không có chút cảm xúc nào. Hồ Chí Minh đã được khuyên phải nghiêm khắc từ bỏ thuốc lá, nhưng rồi ông vẫn hút. “Khi bạn là một ông già như tôi, thì bạn chẳng cần phải lo lắng về tác hại của thuốc lá nữa” – Hồ hóm hỉnh. 

… [ HẾT ] …

© Ảnh: Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc (thứ ba từ trái sang) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản

© Bài của ký giả ALDEN WHITMAN, đăng trên New York Times (năm 1969)

© Bản dịch của sonle

No comments:

Post a Comment