Hôm vừa rồi ngồi chơi với hai tên bạn từ thời ở Hungari. Không hiểu thế nào, bọn nó lại nhắc đến chuyện học chữ Hán khó, thời xưa ngu không chịu học. Cũng nhắc tới hai vị học giả nào đó học thuộc nhiều mặt chữ Hán nhất vì có hơn 50 năm, tra cứu các loại sách cổ, sang Nhật, Đài, Trung tham vấn đủ loại thầy. Hỏi đến công cuộc chú giải Tam Quốc của mình, hai anh bạn chắc là mình phải học kinh lắm nên mới "liều" như thế.
Mình mới nói: Thực ra nói là không biết tý chữ Hán nào thì không phải, nhưng bảo biết thì đúng là chẳng biết gì. So với hai vị kia thêm ngượng. Tuy vậy, nếu cần tranh luận về một vài chữ cụ thể hay dịch một vài đoạn văn khó có lẽ mình không ngại ai. Đọc một số sách cũ trên mạng thấy các cụ hiểu và dịch sai bét nhè. Thực ra "biết nhiều mặt chữ" bây giờ chẳng có nghĩa lý gì, ngày xưa đúng là tầm sư học đạo mấy chục năm. Giỏi mấy, biết mấy, học mấy cũng không thể bằng database, search engine. Chữ hóc hiểm mấy, tra cứu nhiều thì hết vài phút, nhanh thì chưa tới 1 giây. Thế thì nhồi nhét làm gì cho mất công, trừ phi có gánh xiếc nào muốn thuê làm ảo thuật.
Mình có con cô bạn, có thể nhân hai số có 2-3 chữ số bất kỳ với nhau như gió từ lúc 6-7 tuổi. Cố nhiên là năng lực cá nhân kinh hoàng, nhưng không chắc lắm là nếu rèn luyện theo hướng này sẽ có ý nghĩa gì ngoài việc biểu diễn cho bạn của bố mẹ.
Nói rộng hơn, có lẽ việc dạy và học sao cho hợp lý nhất sẽ thay đổi. Việc thuộc bảng cửu chương, làm các phép cộng trừ nhân chia, không biết có ảnh hưởng thế nào tới việc hình thành tư duy toán học. Nhưng kỹ năng tính toán quả thật không cần, thay vào đó là dùng máy tính. Thay vì rèn luyện các con tính đơn lẻ và các mẹo tính tắt, có lẽ nên rèn luyện kỹ năng tư duy trình tự để làm hàng vạn phép tính trong thời gian ngắn nhất.
Như vậy, việc học chữ dù khó như chữ Hán, cũng sẽ không cần thiết phải viết cho đẹp, đúng chính tả nữa. Các môn xã hội, khoa học, có lẽ cũng không cần thiết phải nhồi nhét các con số, sự kiện, định luật mà có lẽ sẽ thiên về việc phát hiện ra các mối quan hệ và phân tích dữ liệu nhờ các search engine và analytics. Học sinh có lẽ sẽ phải học cách dùng các máy tìm kiếm để giải quyết các vấn đề càng sớm càng tốt, có thể ngay từ lớp 1.
Có lẽ trong một ngày không xa, việc viết một đoạn văn, bài báo, bài nghiên cứu sẽ chỉ là xây dựng các bước phát triển nội dung, các phần mềm sẽ giúp con người ta viết những câu sáng sủa, dùng từ đắt nhất, không có lỗi chính tả. Học ngoại ngữ có lẽ cũng sẽ như vậy. Có lẽ người ta sẽ không bắt đầu với những câu ngây ngô kiểu "Đây là cái bàn", "Quyển vở nằm trên cái bàn" "Bàn là to", "Quyển vở là bé" như hiện nay. Có lẽ người ta sẽ bắt đầu bằng việc nạp database đầu tiên bằng cách học khoảng 10-20 tình huống. Sau đó là sử dụng công cụ tìm kiếm để xây dựng các kịch bản để ứng đối, mô tả. Sau đó là kỹ năng đọc và viết với sự giúp đỡ của các máy tìm kiếm.
Thực ra, điều này cũng chẳng có gì mới. Nhìn lại cả cuộc đời đọc sách thấy các kiến thức nhảm nhí vô bổ vu khoát mất rất nhiều thời gian lên lớp để ngáp. Nhiều thứ rất đơn giản bị phức tạp hóa để dạy theo một cách sai lầm, làm rối nhiều bộ óc tốt để làm chúng trở thành vô dụng. Không cần nhắc tới chương trình phổ thông như lượng giác, khảo sát đa thức,... Ngay khi thành nghiên cứu sinh rồi, cũng mất béng đi mấy năm đọc một cuốn sách chuyên khảo nào đó, tính lại từng dấu phảy, cho đến bây giờ tuyệt đối không thấy một ích lợi nào, chắc sẽ không có ích lợi. Cách đúng hơn có lẽ là đọc sơ qua và tìm một vấn đề cần giải quyết và lục lọi trong đống sách đó những đoạn cần thiết để giải quyết vấn đề, thay vì học thuộc các đoạn trong sách, nhiều đến nỗi không còn thấy được vấn đề gì đáng làm.
Có lẽ trong tương lai việc nêu vấn đề hoặc tách một vấn đề thành các vấn đề liên quan quan trọng hơn nhiều, so với việc giải quyết một vài vấn đề có sẵn, do người khác đặt ra. Trong tương lai những tên nhóc được đào tạo kỹ năng sử dụng công cụ tìm kiếm và biết cách tổng hợp tốt có thể đánh bại các học giả chỉ học thuộc các kỹ năng đã hết "đát". Có lẽ việc ứng dụng các kiến thức để xây dựng các hệ thống lớn có tính tổng hợp sẽ được tôn vinh hơn nhiều so với việc giải quyết, thậm chí là phát minh ra một cái đinh ốc của hệ thống đó.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Cấn Đình Việt: E nghĩ đang như vậy rồi, không phải tương lai nữa đâu ạ :)
ReplyDeleteSơn Long Minh: Thời nào thì cũng phải luyện đọc luyện thực hành và luyện lao động mới có đầu vào cho sự sáng tạo.
ReplyDeleteNhững cái đó bên mình thiếu quá.
Nguyen Chuong: Chắc chăn môn xử lý thông tin bằng search engine cần síwm được đưa vào từ những năm cuốu tiểu học và chúng ta cần bắt tay vào làm tài liệu sớm anh Aiviet Nguyen à.
ReplyDeleteAiviet Nguyen: Mình nghĩ sử dụng search engine cũng sẽ như học tính tam suất, bản cửu chương. Hồi năm cấp 1, không biết may hay rủi, đi sơ tán học trường làng, Do nhốn nháo không quen, cả năm mình không hiểu lớp đang học gì. Vì thế hoàn toàn không biết tính tam suất thuận và nghịch. Mãi sau này lên lớp 7 tò mò mới mượn sách lớp 3 đọc lại, hiểu trong vòng 2 phút. Nếu thế thì việc gì phải vất vả nhồi sọ nhảm nhí trong cả năm lớp 3, 4 các bài tính tam suất làm gì. Để thời gian đó rèn một kỹ năng nào đó có hơn không.
DeleteCó lẽ phải kiếm chỗ thực nghiệm. Dạy một ít trẻ xem sao.
Nguyen Chuong: Anh em mình soạn một chương trình luôn nhỉ?
Delete