Sunday, January 3, 2016

CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP

Để có những bước đi đột phá, sáng tạo & tầm nhìn và sự “liều lĩnh” phải thay thế cho kinh nghiệm. Đó chính là tư duy xuyên suốt trong quá trình “khởi nghiệp” của Israel.
Từ “khởi nghiệp”, trong tiếng Anh là “start-up”, thường dùng để chỉ các công ty nhỏ mới bắt đầu lập nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ thời đại Dot-com những năm 1990. Những công ty này được khởi đầu với chỉ 1-2 thành viên cùng có giấc mơ biến một ý tưởng công nghệ độc đáo nào đó thành hiện thực. Và thú vị hơn nữa, nhiều giấc mơ “khởi nghiệp” như vậy đã thành hiện thực ngay trong garage xe vì nhiều người thường lấy garare xe của nhà riêng làm nơi làm việc khởi nghiệp của họ. Đó là câu chuyện của Silicon Valley nước Mỹ thời Dot-com những năm 1990. Còn cụm từ “Quốc gia Khởi nghiệp” (Start-up Nation), được dùng lần đầu tiên làm tiêu đề của cuốn sách nói về quá trình đổi mới của Israel của hai tác giả Dan Senor and Saul Singer (xuất bản năm 2009), cũng bao hàm ý “khởi nghiệp” nhưng ở một qui mô lớn hơn, qui mô của một quốc gia. Quốc gia đó là Israel.
Đó là khung cảnh của Israel vào cuối những năm 1980, khi vòng xoáy lạm phát dường như không thể ghìm cương với con số khủng khiếp 400% vào năm 1985, và kinh tế Israel đang trên bờ vực thẳm. Vực dậy nền kinh tế và tìm lại động lực để tăng trưởng và phát triển kinh tế là mục tiêu sống còn của Chính phủ Israel trong Chương trình Bình ổn Kinh tế năm 1985. Ngay trong hoàn cảnh đó có hai yếu tố mới xuất hiện: thứ nhất là làn sóng nhập cư khá lớn bắt đầu từ cuối những năm 1980 kéo dài sang những năm 1990 với gần một triệu dân Do Thái từ Liên bang Xô viết cũ (trong đó có nhiều người có trình độ học vấn cao); và yếu tố thứ hai là sự bùng nổ công nghệ Dot-com trên thế giới vào những năm 1990. Một quyết định chiến lược có tính bước ngoặt của Chính phủ Israel vào thời điểm này là phát động đổi mới (innovation) thông qua tăng cường đầu tư vào khoa học, công nghệ, nghiên cứu và phát triển (Research & Development – R&D). Nguồn nhân lực học vấn cao từ Liên bang Xô viết cũ đã có đất sử dụng và được đổ vào khu vực công nghệ cao để đáp ứng cho nhu cầu Dot-com đang tăng tốc vào giữa những năm 1990. Quốc gia khởi nghiệp Israel ra đời trong hoàn cảnh như thế. Trong vòng 15-20 năm sau đó, vào những năm cuối 2010, Israel trở thành một trong những cường quốc công nghệ cao trên thế giới. Trong giai đoạn đó và kéo dài cho đến ngày nay, những công ty công nghệ và giới đầu tư toàn cầu đã tìm đường đến Israel và ở đây, họ tìm thấy sự kết hợp độc đáo giữa óc sáng tạo, sự táo bạo và những con người quả cảm đầy trí tuệ.
Trong quá trình khởi nghiệp và đổi mới, Israel đã dành được rất nhiều những vòng nguyệt quế: tính đến 2010, Israel đứng đầu thế giới về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tính theo tỷ lệ phần trăm của nền kinh tế, đó là hàng đầu cả về số lượng các công ty khởi nghiệp và kỹ sư tính theo tỷ lệ dân số (với gần 4.000 công ty khởi nghiệp đang hoạt động - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác bên ngoài nước Mỹ), và đứng đầu trong vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người. Số lượng các công ty Israel có tên trên sàn chứng khoán NASDAQ nhiều hơn tất cả các công ty của châu Âu cộng lại - Israel là quốc gia có mật độ các doanh nghiệp mới thành lập nhiều nhất thế giới. Sàn chứng khoán New York không chỉ là đối tượng duy nhất bị Israel thu hút trong việc giao dịch cổ phiếu, mà còn đóng một vai trò quan trọng khác quyết định đối với tương lai khởi nghiệp của Israel: đó là đầu tư mạo hiểm (Venture Capital). Năm 2008, vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người ở Israel nhiều gấp 2,5 lần Mỹ, 30 lần so với châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc và 350 lần so với Ấn Độ. Xuất khẩu công nghệ cao năm 2010 của Israel có giá trị khoảng 18,4 tỷ USD một năm, chiếm hơn 45% kim ngạch xuất khẩu của Israel, theo Cục Thống kê Trung ương Israel.
CEO kiêm Chủ tịch Google, Eric Schmidt nói rằng Mỹ là điểm đến số một cho các doanh nghiệp, nhưng “sau Mỹ, Israel là nơi tốt nhất”. Cựu CEO của Microsoft, Steve Ballmer đã gọi Microsoft là một “doanh nghiệp Israel”, vì số lượng và vai trò quan trọng của đội ngũ nhân viên người Do Thái trong công ty này.
Không “tồi” đối với một đất nước chỉ có khoảng tám triệu người.
Một câu hỏi thường hay được nhắc đến: làm thế nào mà Israel - một quốc gia của khoảng tám triệu người, chỉ có sáu mươi năm tuổi, thù địch bao quanh, trong một nhà nước liên tục chiến tranh kể từ khi thành lập đến nay, không có tài nguyên thiên nhiên – lại có thể sản sinh số lượng các công ty khởi nghiệp nhiều hơn so với các quốc gia lớn, hòa bình và ổn định như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada và Anh Quốc. Kinh nghiệm gì của Israel, một thành viên mới của OECD và một Quốc gia Khởi nghiệp như tên gọi trong cuốn sách của Dan Senor và Saul Singer, có thể đem ra cho chúng ta thảo luận và học hỏi? Tại sao là Israel mà không phải một nơi nào khác?
Có những ý kiến cho rằng “nghịch cảnh” là nguyên nhân chính giải thích cho “hiện tượng Israel”. Vì trong nghịch cảnh, người ta mới bị “ép” phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo, nhất là khi nghịch cảnh ấy lại mang ý nghĩa sống còn. Nhiều người khác nghĩ rằng yếu tố Do Thái đã góp phần không nhỏ. Khái niệm cho rằng dân Do Thái rất thông minh đã ăn sâu vào tiềm thức phương Tây. “Tại sao Israel lại thành công đến vậy nhỉ? Đơn giản thôi, vì người Do Thái rất thông minh”. Thành công của Israel bị mặc định bằng một định kiến rất mơ hồ hơn là thực tế.
Rõ ràng rằng bí quyết thành công của Israel không chỉ phụ thuộc vào tài năng của từng cá nhân. Ở nhiều quốc gia, cũng có những doanh nghiệp đơn lẻ thành công, nhưng sự thành công đó vẫn chỉ quẩn quanh trong cái “ao làng” chật hẹp. Israel lại hoàn toàn khác. Những doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel thành công và đứng vững không chỉ trong thị trường nội địa mà còn có khả năng thay đổi cục diện của các ngành công nghệ cao toàn cầu. Doanh nhân nổi tiếng Yossi Vardi của Israel nói rằng có một sự pha trộn toàn bộ các yếu tố để biến Israel thành một phép lạ khởi nghiệp. Bản thân ông đã đầu tư vào hơn 80 công ty công nghệ cao của Israel trong đó có dịch vụ nhắn tin trên mạng đầu tiên mà ai cũng biết là ICQ. Ông đã bán rất nhiều trong số đó cho các gã khổng lồ công nghệ như AOL, Microsoft, Yahoo và Cisco. "Nếu bạn nhìn vào cách đất nước này được tạo ra, nó thực sự là một đất nước khởi nghiệp trên quy mô lớn", Vardi nói. Ông là người được mệnh danh là cha đỡ đầu của ngành công nghiệp công nghệ cao của Israel.
Trong thập niên 1980, nền kinh tế của Israel vẫn còn đi theo cách tiếp cận kiểu nghiệp đoàn do Chính phủ Israel độc quyền kiểm soát, với quyền sở hữu công cộng khá phổ biến và thương mại vô cùng hạn chế. Cái gọi là "thập niên mất mát" sau Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 đã dẫn đến nợ công tăng gần 300% GDP. Israel khập khiễng trên đôi chân của mình cho đến năm 1985, khi mà Chương trình Ổn định Kinh tế năm 1985 được khởi động và dần dần kiểm soát được tình trạng lạm phát phi mã và nợ công gia tăng như không thể ghìm cương được.
Qua những năm 1990, với chương trình đổi mới của Chính phủ Israel, sự xuất hiện của ngành công nghệ cao dựa trên xuất khẩu đã thực sự đưa nền kinh tế của đất nước đi đúng hướng, với tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất là 4% một năm. Trong vòng hai mươi năm tiếp theo, các công ty khởi nghiệp Israel đã phát triển những công nghệ đột phá trong các lĩnh vực như máy tính, công nghệ sạch và khoa học đời sống,… nâng khu vực công nghệ cao của Israel lên nhóm hàng đầu trên thế giới. Ổ đĩa flash, ống đỡ động mạch tim, trò chuyện trực tuyến (tin nhắn tức khắc) và shopping.com chỉ là một vài trong số hàng nghìn những sáng tạo mà Israel đã đạt được trong hai thập niên qua. Các ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm gần 50% tổng xuất khẩu công nghiệp ngày nay, theo số liệu của OECD năm 2011. Từ năm 1995 đến năm 2004, Israel đã tăng chi tiêu cho R&D, tính theo phần trăm GDP, từ 2,7% đến 4,6%, một tỷ lệ cao hơn so với bất kỳ quốc gia OECD nào.
LÝ DO DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG
Trong khi công nhận rằng có một sự pha trộn rất nhiều các yếu tố để biến Israel thành một phép lạ khởi nghiệp, hai tác giả Senor và Singer của cuốn sách “Quốc gia Khởi nghiệp”, trong nỗ lực để giải thích về sự thành công của Israel trong lĩnh vực này, đã loại bỏ những lý do ngoại lệ về dân tộc hay tôn giáo, cũng không đề cập đến “tính Do thái nhất thể" hay thậm chí tài năng cá nhân là lý do chính dẫn đến sự thành công về công nghệ cao của Israel. Theo hai tác giả thì có hai yếu tố chính đã đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế của Israel. Đó là nhập cư và nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Cũng như Senor và Singer, nhiều học giả Do Thái cho rằng người nhập cư đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra phép màu kinh tế Israel. Gidi Grinstein, chủ tịch và là người sáng lập Reut Institute trụ sở tại Israel, đã nói rằng: “Người nhập cư không sợ bắt tay lại từ đầu. Họ được định nghĩa là những con người thích mạo hiểm. Quốc gia của người nhập cư là quốc gia của những tay chơi khởi nghiệp”. Từ những người sống sót của Holocaust cho đến những người Do Thái từ chối luật lệ của Liên bang Xô viết rồi đến người Do Thái Ethiopia, Nhà nước Israel luôn là vùng đất của người nhập cư: 9 trong 10 người Do Thái ngày nay là dân nhập cư hoặc là con cháu thế hệ thứ nhất hay thứ hai của dân nhập cư. Israel giờ là nhà của hơn 70 quốc tịch và các nền văn hóa khác nhau. Đặc điểm về nhân khẩu học này, gây ra sự phân đoạn của cộng đồng Do Thái tiếp diễn cho đến ngày nay, luôn là một động lực tuyệt vời để họ thử vận may, chấp nhận rủi ro. Và nói cho cùng thì người nhập cư không có gì để mất.
Hai tác giả cũng cho rằng một yếu tố quan trọng khác cho sự tăng trưởng kinh tế của Israel có thể tìm thấy trong nền văn hóa của Lực lượng Phòng vệ Israel (Israel Defense Forces– IDF), trong đó nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với giới trẻ Israel. Đối với học sinh tốt nghiệp trung học, trong lúc rất khó lọt vào các trường Đại học hàng đầu của Israel thì những cơ sở đào tạo quốc gia được xem là ngang hàng với Harvard, Princeton và Yale chính là các đơn vị tinh nhuệ của quân đội. Đó là những đơn vị công nghệ cao như đơn vị tình báo tinh hoa 8200, sư đoàn hệ thống máy tính Mamram, Talpiot – đơn vị kết hợp công nghệ với những hoạt động biệt kích hàng đầu. Học viên ở đây phải giỏi toán, lý, được tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhất và thường xuyên được nhắc nhở đưa ra những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực như an ninh máy tính, mật mã, thông tin liên lạc và chiến tranh điện tử. Đây là tinh hoa của những tinh hoa trong quân đội Israel. Rất nhiều học viên ở đây, sau khi ra khỏi quân đội, đã trở thành những học giả, doanh nhân thành đạt hàng đầu của Israel như NICE Systems, Compugen…
"Quân sự cho phép những người trẻ tuổi trong các đơn vị đặc nhiệm rèn luyện các kỹ năng công nghệ, điều hành các dự án công nghệ lớn ở độ tuổi rất trẻ, nơi họ cần phải ứng biến để có được giải pháp một cách nhanh chóng," Giáo sư Niron Hashai của Trường Quản trị Kinh doanh Jerusalem tại Đại học Hebrew nói.
Mô hình thử nghiệm là mô hình được áp dụng khá phổ biến trong quân đội cũng như doanh nghiệp Israel. Trong các đơn vị tinh nhuệ của Israel, mỗi ngày là một “thử nghiệm”, mỗi trận đánh là một “thử nghiệm”. Việc chú trọng vào những bài học hữu ích, có tính ứng dụng thay vì những học thuyết máy móc giáo điều là đặc trưng trong quân đội Israel. Truyền thống từ trước đến nay của quân đội Israel là “không có truyền thống”. Giới chỉ huy và binh lính không quá gắn bó với bất kỳ ý tưởng hoặc giải pháp nào chỉ vì chúng từng hữu dụng trong quá khứ. Quân đội Israel luôn củng cố đặc tính “khởi nghiệp”, tính sáng tạo, và hạn chế phân cấp cổ điển. Qua huấn luyện trong quân đội bắt buộc cho tất cả người dân, ở cùng lứa tuổi, người Israel đã ở một tầng tư duy cao hơn rất nhiều so với dân tộc các nước khác trên thế giới, kể cả người Mỹ.
Với một “văn hóa khởi nghiệp” đặc sắc như vậy được áp dụng ngay trong quân đội, nghĩa vụ quân sự IDF đã tạo ra các doanh nhân tiềm năng với những cơ hội để phát triển hàng loạt các kỹ năng khác nhau và kết nối trong xã hội. Nghĩa vụ quân sự IDF cũng đã cung cấp những trải nghiệm giúp người lính phát huy trách nhiệm trong một môi trường tương đối chưa phân cấp, nơi mà sự sáng tạo và trí thông minh được đặt lên hàng đầu. Những người lính IDF được hướng dẫn rất ít từ cấp trên, và được kỳ vọng có khả năng ứng biến, thậm chí nếu điều này có nghĩa là phá vỡ một số quy tắc được gọi là truyền thống trong quân đội các nước phương Tây.
CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ
Không thể không nhắc đến vai trò của Chính phủ Israel trong cuộc cách mạng đổi mới. Tiến sĩ Orna Berry, chuyên gia đầu tư mạo hiểm Israel, trong khi đề cập đến vai trò của Chính phủ Israel, khẳng định rằng không nghi ngờ gì khi nói rằng những chính sách thông minh và sự quyết đoán của Chính phủ Israel đã đóng một vai trò có tính chất quyết định trong việc thúc đẩy sự đổi mới. "Chính phủ Israel đã thực hiện một quyết định chiến lược quan trọng để khởi động khu vực công nghệ cao bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho thương mại R&D, rất hợp lúc và hợp thời", bà Berry nói. "Chính sách này đã hóa giải những thất bại về thị trường và hạn chế rủi ro cao trong việc điều hành một thị trường địa lý cô lập như Israel." Berry rất hiểu hệ thống này. Bà đã nhìn thấu nó qua cả hai khu vực tư nhân và khu vực công cộng. Ngoài sự nghiệp 25 năm trong các ngành khoa học và công nghệ, Berry là Khoa học gia Trưởng (Chief Scientist) trong giai đoạn 1996-2000, với trọng trách áp dụng phương pháp tiếp cận thực hành của Chính phủ Israel vào đổi mới. Văn phòng của Khoa học gia Trưởng (Office of the Chief Scientist - OCS) được thành lập vào năm 1969 trực thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Lao động, cuối cùng đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc bùng nổ công nghệ cao của Israel.
Hai chương trình mà Chính phủ Israel đã có những quyết sách rất đúng đắn và mang đầy tính chiến lược trong công cuộc đổi mới: đó là Ngành Đầu tư Mạo hiểm và Chương trình Vườn ươm Công nghệ. Tên gọi “đầu tư mạo hiểm” tại Israel hàm ý đầu tư tài chính cho các công ty khởi nghiệp của Israel trong giai đoạn đầu, có tiềm năng lớn nhưng rủi ro cao. Mạo hiểm có nghĩa là có thể mất. Phải có lòng tin, và ngoài ra phải có máu “liều lĩnh” khi khởi động một chương trình như thế, ở cấp quốc gia. Kết quả là Ngành Đầu tư Mạo hiểm và Chương trình Vườn ươm Công nghệ của Israel đã thành công rực rỡ và đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ cao đang bùng nổ mang biệt danh "Silicon Wadi", đứng thứ hai trên thế giới trong tầm quan trọng sau đối tác “Silicon Valley” của mình ở California, USA.
Vườn ươm Công nghệ
Israel may mắn có một nguồn nhân lực vào cuối những năm 1980 sang đầu những năm 1990 để cấp nhiên liệu cho sự bùng nổ: đó là làn sóng nhập cư của gần một triệu dân Do Thái từ Liên bang Xô viết cũ với khoảng 82.000 khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư đào tạo tại Nga. Số tài năng này đã được hòa nhập vào thị trường lao động nội địa, mang theo các kỹ năng khoa học và công nghệ thông tin rất hữu dụng. Cộng đồng Do Thái Diaspora ở các quốc gia khác cũng cung cấp một số lớn các nhà nghiên cứu tài năng.
"Chính sách của Chính phủ Israel lúc này nhắm vào mục tiêu là giải phóng tiềm năng ẩn dấu của nguồn nhân lực dồi dào này", bà Berry nói. Chương trình Vườn ươm Công nghệ (The Technological Incubator Programme) được Chính phủ Israel thành lập vào năm 1991, nhằm tài trợ một phần chi phí đầu tư cho những người nhập cư tài năng đến từ Liên Xô và giúp họ bí quyết để trở thành những doanh nhân thành đạt. Chương trình được OCS điều hành với mục đích lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng cho những vườn ươm công nghệ này. Sáu vườn ươm công nghệ đầu tiên đã được thiết kế để tạo giống và phát triển công nghệ trong giai đoạn khởi đầu. Ngày nay có 24 vườn ươm như vậy trên khắp Israel, cùng với 65% các dự án được nghiên cứu và phát triển liên quan đến khoa học. Kể từ khi những công ty hạt giống đầu tiên ra đời từ Chương trình Vườn ươm Công nghệ vào năm 1993, 61% được đảm bảo tài trợ tiếp theo và 40% vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay. Trong năm 2007, các công ty hạt giống từ những vườn ươm công nghệ huy động được 435 triệu USD trong các quỹ tư nhân, tăng 74% so với năm 2006. Theo OECD, khu vực tư nhân từ đó đến nay đã đầu tư trên 2,5 tỷ USD cho các công ty hạt giống từ những vườn ươm công nghệ. Hiện tại, OCS phân bổ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho các vườn ươm và các chương trình khác nhằm khuyến khích phát triển công nghệ.
Cốt lõi của Chương trình Vườn ươm Công nghệ của Israel là qui trình tài trợ rất chọn lọc của Khoa học gia Trưởng. Thông qua sáng kiến này, các công ty khởi nghiệp trình Đề xuất R&D (R&D Proposal) lên Khoa học gia Trưởng, và tài trợ được trao trên cơ sở cạnh tranh, bảo đảm cung cấp từ 66% đến 90% chi phí nghiên cứu. "Chúng tôi xem xét các đề xuất theo tính khả thi kỹ thuật và thương mại, khả năng rủi ro và tiềm năng của các dự án…", bà Berry nói. Các khoản tài trợ thực sự là các khoản cho vay với rủi ro cao – và các dự án thành công phải hoàn trả lại cho Văn phòng của Khoa học gia Trưởng thông qua việc khấu trừ một phần nhỏ trong doanh thu hàng năm.
Yozma và ngành đầu tư mạo hiểm
Ngành đầu tư mạo hiểm (venture capital industry) của Israel được sinh ra vào năm 1985, khi quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Israel, Athena Venture Partners, được thành lập bởi Thiếu tướng Dan Tolkowsky, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Israel; Tiến sĩ Gideon Tolkowsky; và Frederick R. Adler, một trụ cột của ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm Hoa Kỳ - người đã ý thức được tầm quan trọng của việc đưa các công ty công nghệ cao của Israel lên sàn chứng khoán NASDAQ. Tiếp đó, vào năm 1990, Gideon Tolkowsky và Yadin Kaufmann thành lập công ty đầu tư mạo hiểm thứ hai của Israel, "Veritas Venture Capital Management", có chủ đầu tư là Tổng công ty Anglo American của Nam Phi và De Beers. Sự thành công của ngành đầu tư mạo hiểm tại Israel tiếp tục với Chương trình Yozma (tiếng hebrew có nghĩa là "sáng kiến"), một sáng kiến của chính phủ vào năm 1993 với lời mời chào các ưu đãi thuế hấp dẫn cho các đầu tư mạo hiểm vốn nước ngoài tại Israel và hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi bất kỳ đầu tư nào với kinh phí từ chính phủ. Mục đích của Chương trình Yozma là làm sao có thể hấp dẫn các quỹ đầu tư mạo hiểm phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, vào đầu tư tại Israel. Yigal Erlich, cha đẻ của ngành đầu tư mạo hiểm Israel, nhận thấy rằng, trước Yozma, người Do Thái có thể đã thành công trong nghiên cứu và phát triển công nghệ của mình, nhưng họ không thật sự thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm và phát triển công ty của mình. Ông dần dần bị thuyết phục rằng việc thiết lập nên một ngành đầu tư mạo hiểm tư nhân là liều thuốc giải duy nhất. Tuy nhiên để thành công, ngành đầu tư mạo hiểm Israel cần phải xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các thị trường tài chính nước ngoài. Vấn đề không chỉ là tiền mà là nghệ thuật kinh doanh, cái mà Israel còn thiếu. Có cả ngàn quỹ đầu tư mạo hiểm tại Hoa Kỳ đã đóng góp cho sự thành công của Silicon Valley và Erlich muốn tìm cách hấp dẫn họ đến Israel.
Chương trình Yozma bắt đầu vào năm 1993 thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của mình, Yozma I. Xuất phát từ một ý tưởng của chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư mạo hiểm tại Israel, Yozma I đã làm biến đổi cảnh quan trong nước của các đầu tư cổ phần tư nhân. Được thành lập với ngân sách ban đầu là 100 triệu USD vào năm 1993, Yozma I đã thành lập 10 quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital fund), đóng góp lên đến 40% của tổng vốn đầu tư. Phần còn lại được cung cấp bởi các nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi bảo hiểm rủi ro. Còn có một quỹ 20 triệu USD để dành riêng đầu tư trực tiếp cho các công ty công nghệ.
Như đã nói ở trên, điểm sáng trong Chương trình Yozma là nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài qua việc “mời chào” các loại ưu đãi thuế hấp dẫn đối với bất kỳ khoản đầu tư mạo hiểm của nước ngoài ở Israel và hứa hẹn tăng gấp đôi bất kỳ đầu tư nào bằng các quỹ của chính phủ. Theo đề xuất của Chương trình Yozma, nếu các hãng đầu tư mạo hiểm huy động được 16 triệu USD thì sẽ nhận được 8 triệu USD của chính phủ. Tuy nhiên, cám dỗ thực sự của Chương trình Yozma đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài là cơ hội tăng giá được tích hợp trong chương trình. Cụ thể là chính phủ sẽ giữ 40% cổ phiếu của quỹ, nhưng sau 5 năm nếu quỹ thành công, thì đối tác được quyền mua lại số cổ phiếu đó với giá rẻ cộng thêm lãi xuất hàng năm. Đây là một phần thưởng kép: thứ nhất là chính phủ chịu chia sẻ rủi ro nếu dự án thất bại, và thứ hai là nếu dự án thành công thì nhà đầu tư lại được nhận thêm phần thưởng như đã nói trên. Với một cơ hội đầu tư nhiều ưu đãi như thế, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài đã không còn gì phải đắn đo.
Chín trong số 15 công ty được Yozma I đầu tư đã ra IPO (Initial Public Offering – Phát hành lần đầu ra công chúng) hoặc đã được mua lại. "Năm 1997, chính phủ đã nhận lại đầu tư ban đầu với lãi suất 50% và các quỹ đầu tiên đã được tư nhân hóa," bà Berry nhớ lại. Mười quỹ Yozma I được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1997 huy động được hơn 200 triệu USD với sự giúp đỡ từ quỹ của chính phủ. Những quỹ này đã được mua lại hoặc tư nhân hóa trong vòng năm năm, và ngày nay chúng quản lý gần ba tỷ USD tiền vốn và hỗ trợ hàng trăm công ty khởi nghiệp Israel. Yozma I như một que diêm nhỏ đã làm thổi bùng lên một ngọn lửa lớn. Một báo cáo gần đây của OECD về đổi mới đã gọi Yozma là "chương trình thành công và độc đáo nhất trong lịch sử dài hơi của Israel về chính sách đổi mới."
Với sự ủng hộ của các nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, châu Âu và Israel, Chương trình Yozma đã cho ra đời quỹ thứ hai, Yozma II, bắt đầu hoạt động vào tháng Chín năm 1998 và quỹ thứ ba, Yozma III vào năm 2002. Yozma II & III tiếp tục chiến lược thành công của Chương trình Yozma trong việc đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ và đóng một vai trò quan trọng như là một nhà đầu tư giá trị gia tăng bằng cách tuyển dụng các nhà quản lý cấp cao, xây dựng các chiến lược kinh doanh, huy động các vòng vốn bổ sung và thu hút các nhà đầu tư chiến lược và tài chính cho các công ty đầu tư của mình.
Yozma quan tâm đầu tư vào những công ty công nghệ trong những lĩnh vực mà Israel đã chứng minh là đứng đầu thế giới. Chương trình nhắm vào các công ty tăng trưởng cao trong các lĩnh vực truyền thông, công nghệ thông tin và khoa học đời sống. Với thành công của Chương trình Yozma, từ năm 1991 đến năm 2000, các kinh phí đầu tư mạo hiểm hàng năm của Israel, hầu hết là tư nhân, tăng gần 60 lần, từ 58 triệu USD lên đến 3,3 tỷ USD. Số công ty ra đời nhờ vốn huy động từ các quỹ đầu tư mạo hiểm Israel tăng từ 100 lên 800. Doanh thu công nghệ thông tin của Israel tăng từ 1,6 tỷ USD lên 12,5 tỷ USD. Vào năm 1999, Israel đứng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ trong vốn cổ phần tư nhân trong tỷ lệ phần trăm của GDP. Israel cũng dẫn đầu thế giới về sự đóng góp của đầu tư mạo hiểm công nghệ cao đối với tăng trưởng với con số không ngờ là 70%. Theo OECD, Israel cũng được xếp hạng đầu trên thế giới trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) theo tỷ lệ phần trăm của GDP.
Ngành đầu tư mạo hiểm của Israel đã đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn bùng nổ công nghệ vào những năm 1990. Nhưng vào năm 2000 ngành công nghệ Israel bị đe dọa từ nhiều phía: bong bóng công nghệ toàn cầu vỡ, Tiến trình Hòa bình Oslo chấm dứt với sự thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh Trại David năm 2000, sự bùng nổ của Intifada thứ hai với một làn sóng đánh bom tự sát ở các thành phố Israel tạm thời xóa sổ ngành du lịch. Từ năm 1996 đến 2000, xuất khẩu công nghệ của Israel đã tăng hơn gấp đôi, từ 5,5 tỷ USD đến 13 tỷ USD. Khi bong bóng công nghệ vỡ, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ xuống gần 11 tỷ vào năm 2002 và 2003, nhưng rồi tăng vọt lên 18 tỷ USD vào năm 2008. Cũng trong năm 2008, đầu tư mạo hiểm của Israel đứng ở mức 1,9 tỷ USD – tăng 19% so với năm trước đó. Có thể nói rằng cỗ máy công nghệ cao của Israel chậm lại không đáng kể dù bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực trong giai đoạn 2000 đến năm 2004.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2010 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sẵn có của vốn đầu tư mạo hiểm nội địa. Trong năm 2009, có 63 vụ sáp nhập và mua lại trong thị trường Israel với tổng trị giá 2,54 tỷ USD; thấp hơn 7% so với mức năm 2008 (2,74 tỷ USD), khi 82 công ty Israel đã được sáp nhập hoặc mua lại; và thấp hơn 33% doanh thu của năm 2007 (3,79 tỷ USD) khi 87 công ty Israel đã được sáp nhập hoặc mua lại. Năm 2009 và 2010 là hai năm mà khủng hoảng tài chính toàn cầu đang trong tình trạng đen tối nhất.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu IVC (Israel Venture Capital Research Center), các quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel huy động được 796 triệu USD trong năm 2011, sau khi không huy động được gì trong năm 2010, và chỉ 256 triệu USD trong năm 2009, ít hơn 76% so với năm 2008. Con số “0” trong năm 2010 chính là đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2010. Các số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm Israel huy động được 607 triệu USD trong năm 2012.
Những số liệu trên đây cho thấy năm 2011 là năm Israel đã thoát ra khỏi khủng hoảng.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel đã đầu tư 525 triệu USD vào các công ty của Israel trong năm 2011, tăng 42% so với năm 2010, và tăng 28% so với năm 2009; đóng góp 25% trong tổng vốn đầu tư của Israel, thấp nhất trong thập niên qua, khi tỷ lệ trung bình là 40%.
Trong năm 2011, 546 công ty công nghệ cao của Israel đã thu hút 2,14 tỷ USD, tăng 70% so với 1,26 tỷ USD trong năm 2010, và tăng 91% so với 1,2 tỷ USD trong năm 2009. Khu vực Internet đã thu hút phần lớn nhất của những đầu tư lần đầu trong thập niên qua, với 482 triệu USD hoặc 23% tổng vốn huy động, tiếp theo là khu vực truyền thông với 432 triệu USD hoặc 20%, và khu vực phần mềm với 415 triệu USD hoặc 19% tổng vốn huy động. Các ngành khoa học đời sống cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với 13% vốn huy động trong năm 2011 hay 75 triệu USD.
Trong lịch sử, sự phát triển của ngành đầu tư mạo hiểm của Israel đã trải qua sáu chu kỳ dựa trên quỹ huy động theo những năm vintage bắt đầu vào năm 1992 và đạt đỉnh điểm vào năm 2000, khi trên 2,8 tỷ USD đã được huy động. Trong chu kỳ thứ sáu hiện tại bắt đầu vào năm 2011, cùng với ba chu kỳ trước đó (từ năm 2000), các quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel đã thu hút được 10,7 tỷ USD, gần 73% của 14,7 tỷ USD đã được phân bổ riêng cho các khoản đầu tư vào công nghệ cao của Israel giữa những năm 1992 và 2011.
Trong mười năm 2003-2012, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel tổng cộng đã thu hút 6,77 tỷ USD. Vốn có sẵn cho đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm Israel vào đầu năm 2013 đạt xấp xỉ 2,1 tỷ USD. Trong số này, 484 triệu USD (23%) được dành riêng cho các khoản đầu tư ban đầu và phần còn lại dành cho các đầu tư tiếp theo.
Trong vài năm qua, ngành công nghiệp công nghệ cao của Israel đã trở nên toàn cầu hơn về đầu tư với dòng vốn đáng kể được thu hút từ các công ty đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Đầu tư cao kỷ lục vào các công ty Israel trong năm 2011 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục tìm thấy sự hấp dẫn của thị trường Israel, một xu hướng hy vọng sẽ tiếp tục trong các năm tiếp theo. Theo khảo sát mới nhất của IVC, trong năm 2011 các công ty của Israel đã thu hút đầu tư được 2,14 tỷ USD, 25% trong số đó đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel. Phần còn lại đến từ các nhà đầu tư Israel và nước ngoài khác.
Ngành đầu tư mạo hiểm của Israel hiện có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó có 14 nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế có trụ sở văn phòng tại Israel. Ngoài ra, có khoảng 220 quỹ quốc tế, bao gồm cả Polaris Venture Partners, Accel Partners và Greylock Partners, không có chi nhánh tại Israel, nhưng vẫn tích cực đầu tư vào Israel thông qua các chuyên gia trong nước.
Ngày hôm nay, các quỹ khởi nguồn từ Yozma đã tạo thành xương sống vững chắc của thị trường đầu tư mạo hiểm Israel.
NHỮNG THÁCH THỨC TRƯỚC MẮT
Câu hỏi đặt ra là liệu Israel có thể tiếp tục duy trì những bước đi ngoạn mục của mình hay không hay “Quốc gia Khởi nghiệp” chỉ là một thoáng qua ngắn ngủi của lịch sử, như tờ báo The Economist một mặt thừa nhận rằng Israel là một “cường quốc công nghệ cao”, mặt khác lại tự hỏi “tin tốt lành này sẽ kéo dài được bao lâu?”. Những sự kiện đã xẩy ra trong hai mươi năm nay - khả năng chịu đựng và hồi phục của Israel sau cuộc khủng hoảng Dot-com vào năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn 2008-2011, Tiến trình hòa bình Oslo đổ vỡ năm 2000, những đợt khủng bố bạo lực không ngừng sau đó của phong trào Intifada II - không những không thể nhấn chìm Israel vào đổ nát, mà trái lại như một chất men kích thích sức chịu đựng và vươn lên không bao giờ cạn kiệt của người Do Thái. Israel là quốc gia cuối cùng bước chân vào suy thoái và cũng thuộc trong số những quốc gia đã thoát ra sớm nhất. Một nghịch cảnh trong rất nhiều những nghịch cảnh mà Israel đã từng vượt qua trong lịch sử và câu chuyện Quốc gia Khởi nghiệp lại một lần nữa chứng minh khả năng của Israel luôn biến nghịch cảnh thành một nguồn cảm hứng và sáng tạo không bao giờ hết.
Tóm tắt
Nghiên cứu cho thấy ở Israel có một sự kết hợp tương đối bất thường các thuộc tính văn hóa. Trong cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp”, các tác giả Senor và Singer đã tìm thấy một tính cách khá hấp dẫn trong văn hóa người Do Thái đằng sau khái niệm "quốc gia khởi nghiệp". Họ ghi nhận cái gọi là đặc tính “chutzpah” của người Do Thái, một từ gần như không thể dịch được, có nghĩa là “lớn mật”, “cả gan” và “liều lĩnh”. Người ta có thể chứng kiến sự “lớn mật” và “cả gan” này ở bất kỳ đâu trên đất nước Israel: sinh viên tranh luận ngang hàng với giáo sư, nhân viên thách thức cả ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan chỉ huy và thư ký sẵn sàng sửa lưng các vị bộ trưởng. Trong khi ở nhiều xã hội khác, những nơi lấy sự ổn định và trật tự xã hội kiểu trên dưới là cốt lõi của văn hóa, thì thái độ như thế này bị coi là không thể chấp nhận được. Ngược lại, đối với người Do Thái, “văn hóa tranh cãi” và “sự không hài lòng với hiện tại” mới là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Cựu Tổng thống Shimon Peres của Israel đã từng nói rằng: “Đóng góp lớn lao nhất của người Do Thái trong lịch sử là sự không hài lòng. Điều đó không may cho chính trị nhưng tốt cho khoa học”. Họ luôn muốn thay đổi mọi thứ, mọi lúc. Peres nói: “Mọi công nghệ đến Israel đều từ Mỹ, nó đi vào quân đội, và chỉ năm phút sau, họ cải tiến nó.” Điều tương tự cũng xẩy ra trong môi trường dân sự. Điều này đã nói lên cái tố chất thích thách thức và phát minh của người Do Thái. Chính cái tố chất “không bao giờ hài lòng này” đã dẫn đến “văn hóa tranh cãi” của người Do Thái. Kể từ ngày đầu của lịch sử Do Thái, nền văn minh này đã được nhận diện bởi tính ưa tranh cãi của mình. Tranh cãi để tìm ra sự thật, tìm ra chân lý, tranh cãi để tìm ra cái tối ưu nhất trong những cái đang có, và cuối cùng là tìm ra một chân trời mới của khát vọng. Sao lại không?
Copy từ Xa Dang's Wall/FB

No comments:

Post a Comment