Sunday, October 2, 2016

LUẬN TAM QUỐC: Thư Viện-Điền Phong

Tôn Thịnh nói:"Ta xem mưu của Điền Phong-Thư Viện, dẫu là Trương Lương- Trần Bình há hơn được thế? Cho nên vua phải quý người tài, tôi phải chọn vua; vua dùng người trung lương nghiệp bá vương mới lập được. Tôi thờ vua ngu tối chỉ chuốc họa nguy vong. Được mất vinh nhục thường do ở đấy. Phong biết Thiệu sắp thua, mình tất chết, vui lòng xông vào miệng hổ để tỏ hết lòng trung, tráng sĩ đối với việc ấy, chẳng nghĩ thân mình được sống vậy. Đối với bầy tôi của chư hầu, về nghĩa thì có thể bỏ đi hoặc theo về, huống chi là Phong không phải là bầy tôi thân cận của Thiệu! Kinh Thi chép: 'Ta từ bỏ người, đến chỗ yên vui', ý nói bỏ nơi loạn là cũng phải đạo vậy"
Khi Thiệu lấy được Ký Châu từ tay Hàn Phức, Thư Viện đang làm tòng sự, bèn nói: "Tướng quân được vào chầu khi còn trẻ, nay đã nổi danh khắp nước; kịp khi phế lập đã tỏ trung nghĩa; chạy ra ngoài Đổng Trác lo sợ; vượt Hoàng Hà lên bắc Bột Hải cúi đầu; dấy quân một quận mà nắm được binh Kí châu, oai lừng Hà Bắc, danh lừng ở thiên hạ. Dẫu giặc Khăn vàng gây loạn, giặc Hắc Sơn bạo ngược nhưng nếu ngài xua quân về phía đông thì Thanh Châu tất định; quay về đánh giặc Hắc Sơn thì Trương Yên cũng diệt được; dẫn quân lên phía bắc, Công Tôn Toản phải thua; uy hiếp rợ Nhung-Địch người Hung Nô tất theo về. Lúc ấy bao trùm Hà Bắc, hợp lấy đất của bốn châu, thu nạp bọn anh hùng, phát trăm vạn quân sĩ đón nhà vua ở tây kinh, dựng lại tông miếu ở Lạc Dương, hiệu lệnh thiên hạ đánh kẻ chưa phục; lấy đó mà tranh giành, ai còn chống nổi? Như thế đến mấy năm, lập công không khó". Thiệu mừng nói: "Đấy là ý ta vậy". Liền cử Viện làm Giám quân, Phấn uy tướng quân.
Khi vua gặp khó, Thư Viện khuyên Thiệu rằng: "Nhà tướng quân nhiều đời làm tướng quốc, trung nghĩa giúp đời. Nay triều đình chao đảo, tông miếu vỡ đổ. Xem châu quận, ngoài mượn việc dấy nghĩa binh, trong đánh diệt nhau, chưa có ai có ý cứu dân. Vả lại ngày thành châu mới định, nên đón nhà vua đến dựng đô ở thành Nghiệp, kẹp thiên tử mà lệnh chư hầu, nuôi quân mã để đánh kẻ không phục; lúc đấy còn ai chống được"! Thiệu mừng, muốn nghe theo. Nhưng Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh dèm pha lại bỏ kế đó.
Thiệu lấy con cả là Đàm ra làm Thanh châu Thứ sử, Thư Viện can Thiệu rằng: "Tất gây mầm họa. Một con thỏ chạy vạn người đuổi theo. Một người đã bắt được, mọi người đều bỏ mà phân định". Thiệu không nghe, nói: "Ta muốn sai các con đều giữ một châu". Sau khi Thiệu chết các con tranh giành, kết cục mất cơ nghiệp.
Năm Kiến An thứ năm, Tào Tháo tự sang phía đông đánh Lưu Bị. Điền Phong khuyên Thiệu đánh úp mặt sau, nhưng Thiệu vì con bệnh mà không theo; Phong ném gậy xuống đất nói: "Đây là thời cơ khó gặp, vì con nhỏ bệnh mà làm mất cơ hội, tiếc thay"
Thiệu đem quân đến Lê Dương, sai Nhan Lương đánh Lưu Diên ở Bạch Mã. Thư Viện can Thiệu rằng: "Lương tính nóng vội, dẫu kiêu dũng nhưng không nên dùng một mình". Thiệu không nghe. Tháo cứu Diên, đánh với Lương, phá chém Lương.
Thiệu sắp vượt Hoàng Hà nam hạ, Thư Viện can rằng: "Thắng thua biến hóa, không thể không rõ. Nay nên đóng đồn ở bến Diên Tân, lại chia quân đến Quan Độ. Nếu thắng được thì trở về không muộn. Nếu đánh gặp khó thì quân chẳng về được". Thiệu không nghe. Viện sắp vượt sông, than rằng: "Trên thì tỏ chí lớn, dưới thì ham lập công, Hoàng Hà mênh mông, ta không quay về được chăng"! Bèn lấy cớ bệnh từ chối, Thiệu giận, liền cắt quân bản bộ của Viện trao cho Quách Đồ. Thiệu vượt sông, đóng lũy ở phía nam Diên Tân, sai Lưu Bị-Văn Sú khiêu chiến,Tháo phá chúng, chém Sú; đánh nữa, bắt được đại tướng của Thiệu, quân của Thiệu cả kinh.
Tháo chống nhau với Thiệu lâu ngày, trăm họ thiếu đói, nhiều người phản theo Thiệu, quân sĩ thiếu lương. Kịp lúc Thiệu sai bọn Thuần Vu Quỳnh đem hơn vạn quân lên phía bắc chở lương, Thư Viện khuyên Thiệu rằng: "Nên saiTưởng Kì đi riêng làm một đội để chặn quân Tào đi cướp". Thiệu lại không theo. Kết quả, Thuần Vu Quỳnh bị Tháo đánh tan đốt sạch lương ở Ô Sào, Trương Cáp Cao Lãm ra hàng. Quân Thiệu tan vỡ. Tháo bắt được Viện mừng lắm. Viện quyết không hàng. Tháo than rằng "Giá ta sớm được gặp Thư Viện thì thiên hạ chẳng đáng lo". Sau Viện ăn trộm ngựa để trốn bị giết.
Trước khi Thiệu nam hạ, Điền Phong nói: Tào Tháo giỏi dùng binh, biến hóa khôn lường. Quân đó dẫu ít nhưng không nên khinh thường. Không bằng chống giữ lâu ngày. Tướng quân dựa vào cái vững của sông núi, nắm quân của bốn châu, ngoài kết anh hùng, trong sửa sang nông nghiệp, rồi kén chọn quân tinh nhuệ, chia làm quân lạ, chọn chỗ hở mà ra đánh để lấy miền Hà Nam, cứu hữu thì đánh bên tả, cứu tả thì đánh bên hữu, khiến cho quân địch mệt mỏi vì rong ruổi, dân không được ở yên; lúc ấy ta chưa mệt mà địch đã khốn, chưa đến hai năm thì có thể ngồi mà đánh thắng vậy. Nay bỏ kế chắc thắng mà lại quyết được thua ở một trận, nếu chẳng như ý thì hối chẳng kịp nữa". Thiệu cho rằng Phong ngăn trở bèn đem bỏ ngục. Kịp khi Thiệu thua về, có người mừng cho Phong nói: chúa công bây giờ mới biết tài của ông tất sẽ trọng dụng. Phong than rằng số ta tận rồi. Thiệu trở về thấy xấu hổ mà giết Phong.
Lệnh Lỗi Dương nói: Không sợ không có người bày mưu tính kế. Chỉ sợ người trên không biết nghe. Thế mới biết việc nắm lấy vua ra lệnh cho chư hầu không phải chỉ mình Tuân Úc có mưu ấy.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

2 comments:

  1. Hoang Trung: Chào bác!

    Thư Viện là ông nào vậy ạ?

    Có câu: Trẻ không đọc Thuỷ Hử, Già không xem Tam Quốc. Bác vui lòng hạ phím cho cháu vài nhời về câu này được chứ ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung tên ông này phiên âm là Thư Thụ

      Delete